Những thầy cô ươm mầm tương lai trên đảo Bạch Long Vỹ
Trường Tiểu học và Trường Mầm non Bạch Long Vỹ (huyện đảo Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng), nằm cách xa đất liền hơn 100 km nhưng có nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường đảo xa này.
Để nâng bước các em đến trường, các thầy cô giáo ở đây đã dành cả tuổi thanh xuân bền bỉ chăm lo, uốn nắn cho các em từng con chữ, vun trồng niềm tin yêu, tự hào về biển trời Tổ quốc.
Thầy Ngô Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Mầm non Bạch Long Vỹ cho biết, năm học 2019 – 2020, trường có 8 cán bộ, giáo viên, người lao động giảng dạy, chăm lo cho 46 học sinh; trong đó có 26 học sinh Mầm non, còn lại 20 học sinh Tiểu học.
Cô giáo Vũ Thị Hà đang hướng dẫn học sinh lớp 2, Trường tiểu học Bạch Long Vỹ, học bài.
Cô giáo Vũ Thị Hà, Trường tiểu học Bạch Long Vỹ tâm sự, do ít học sinh nên cô đảm nhận giảng dạy cho các em từ lớp 2 đến lớp 5. Các em được chia thành nhóm, cô giảng cho nhóm này xong lại sang giảng dạy nhóm khác.
Lớn lên từ lớp học này, nhiều học sinh đã trưởng thành và quay lại làm việc tại huyện đảo như: Anh Hoàng Việt Hà, làm kế toán tại Ban Quản lý cảng và khu neo đậu tàu Bach Long Vỹ; chị Đinh Thị Hương, làm việc tại Văn phòng của huyện Bạch Long Vỹ. Có những gia đình, cả bố và con đều là học trò của cô giáo Hà như: Gia đình anh Đinh Văn Đại, con trai anh Đại là cháu Đinh Huyền Vũ đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Bạch Long Vỹ… Mỗi lớp học sinh trưởng thành là những năm tháng các thầy cô giấu đi những chuyện riêng tư để toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp “gieo chữ” nơi đảo xa.
Cô giáo Hà cho biết, năm 2002, sau khi học xong Trung cấp sư phạm tại Đại học Hải Phòng, nghe người quen hỏi có muốn ra Bạch Long Vỹ công tác không, thế là cô tình nguyện đi luôn. Thời điểm những năm 2000, ở Bạch Long Vỹ cái gì cũng thiếu: điện, nước, tiếng xe cộ, tiếng người thân. Tàu thuyền đi từ đất liền ra đảo khó khăn, mỗi lần ra là một lần say sóng. Đau đáu nhất với cô Vũ Thị Hà là lần bố mất và lần mẹ mất cách nhau tới 10 năm nhưng cả hai lần cô đều không về kịp.
Video đang HOT
Cô giáo Lưu Thị Thoa đang cùng các cháu bé lớp mầm non 2- 3 tuổi Trường mầm non Bạch Long Vỹ sinh hoạt văn nghệ.
Trẻ trung, sôi nổi nhưng cô Lưu Thị Thoa, giáo viên Mầm non vẫn chọn Bạch Long Vỹ là nơi gắn bó. Năm 2008, cô Thoa theo chồng ra đảo. 11 năm qua, hai con của cô Lưu Thị Thoa đều ở với người quen. Bù đắp cho nỗi niềm xa con của cô chính là tiếng cười nói của các bé do cô Thoa chăm sóc từng ngày.
Chia sẻ về cuộc sống của các thầy, cô giáo trên đảo, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vỹ Trần Quang Tường cho biết: Có trên 100 cháu sinh ra và lớn lên ở đảo, trong đó có nhiều cháu là học trò của các thầy, cô tại Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ. Mỗi thầy, cô giáo đến công tác tại Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có chung tình yêu thương đối với các học sinh.
Năm học 2019- 2020, Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ được xây thêm hai dãy nhà mới để phục vụ việc dạy và học tốt hơn. Dù điều kiện vật chất đã có nhiều thay đổi nhưng đời sống tinh thần của các thầy cô nói riêng, cán bộ, nhân dân trên đảo Bạch Long Vỹ nói chung vẫn còn rất nhiều thiệt thòi, nhất là việc chia sẻ tinh thần hàng ngày với người thân.
Các học sinh hiện vẫn chưa được tiếp cận với môn ngoại ngữ và tin học. Vì thế, sự quan tâm, chăm lo thiết thực về vật chất, tinh thần từ đất liền, thành phố Hải Phòng, huyện đảo Bạch Long Vỹ sẽ góp phần động viên thầy cô giáo, học sinh tiếp tục nỗ lực dạy và học, gìn giữ tiếng trống trường, gieo tiếng trẻ học bài trên vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Minh Thu
Theo TTXVN
Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Yên Bái là tỉnh miền núi với 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 56% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, ngành giáo dục Yên Bái đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học. Qua đó, tỷ lệ học sinh mầm non ra lớp theo đúng độ tuổi đạt gần 100%, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Mỗi lớp 1, 2 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học nậm Lành, huyện Văn Chấn có thêm một trợ giảng hỗ trợ giáo viên và học sinh. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN
Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có 26 giáo viên phụ trách 322 trẻ (trong đó có 320 trẻ là người Mông), hầu hết các trẻ đều chưa nói sõi tiếng Việt. Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Suối Giàng cho biết, để học sinh có thể nói được tiếng Việt ngay từ nhỏ, nhà trường thường xuyên lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức hội thi, ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm ngọng cho trẻ...
Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên viết bằng chữ in thường lên các khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm; khuyến khích trẻ giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt. Trong quá trình dạy - học và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo viên rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt, sửa lỗi phát âm, dùng từ, đặt câu cho trẻ. Nhờ vậy, hàng năm, nhà trường đều huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Trẻ đã nhận biết, phát âm tương đối đúng theo bộ chữ cái tiếng Việt, có kỹ năng cơ bản khi vào lớp 1.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn có 441 học sinh, trong đó 438 học sinh dân tộc thiểu số. Vì vậy, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường tiếng Việt cho các em, tạo thuận lợi cho việc giảng dạy, tiếp thu của giáo viên, học sinh.
Đặc biệt, từ khi dự án nâng cao khả năng tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (thuộc tổ chức KOICA, Hàn Quốc) được triển khai tại trường, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh thuận lợi hơn. Theo dự án, đối với lớp 1, 2, mỗi lớp sẽ có thêm một trợ giảng, trợ giảng là người tại địa phương và được hỗ trợ gần hai triệu đồng/tháng. Mỗi trợ giảng có vai trò là cầu nối, người truyền tải thông tin giữa giáo viên và học sinh.
Trợ giảng Lò Thị Oanh chia sẻ, khi được đứng trên lớp cùng giáo viên và học sinh, cô thấy giữa học sinh - giáo viên có khoảng cách lớn bởi không cùng tiếng nói chung. Giáo viên khó khăn trong việc truyền tải tri thức cho các em, còn học sinh muốn học nhưng không hiểu thầy cô đang nói gì. Từ khi cô làm trợ giảng, việc học tập của học sinh cũng thuận lợi hơn.
Cô giáo Trần Thị Thu Hằng cho biết, trước đây, khi chưa có trợ giảng, mỗi tiết học sẽ kéo dài hơn bởi nhiều câu hỏi các em giáo viên không hiểu. Nhờ có trợ giảng mà hoạt động dạy và học mang lại hiệu quả cao, các em đã tự tin hơn trong giao tiếp.
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn Trịnh Văn Toán cho biết, do các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khó khăn lớn nhất của học sinh khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập. Từ khi tỉnh triển khai đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và dự án nâng cao khả năng tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại trường với nhiều hỗ trợ và hoạt động thực tế đã giúp các em tự tin giao tiếp.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để các em có thể nói thành thạo tiếng Việt ngay từ nhỏ, phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng mô hình thư viện tại trường; tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi giao lưu tiếng Việt giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Đến nay, 100% trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tăng cường tiếng Việt; hơn 90% trẻ trên 5 tuổi có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt.
Bên cạnh đó, Phòng luôn cụ thể hóa đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025" của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ năm học của các cấp học, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn chỉ đạo các trường học tiếp tục duy trì mô hình thư viện tại trường, ngày hội đọc sách và hội thi giao lưu tiếng Việt; khuyến khích các thầy cô giáo đề xuất ý tưởng, cách làm mới về tăng cường tiếng Việt cho học sinh; tăng cường thời gian luyện nói cho học sinh trong các giờ học chính khóa, sinh hoạt đội, sao nhi đồng. Các trường lồng ghép hoạt động vui chơi gắn với học tiếng Việt cho học sinh để các em thành thạo tiếng Việt, tự tin tham gia hoạt động chung của trường...
Đinh Thùy
Theo TTXVN
Học sinh mầm non trốn ra đường MỸ - Bảy đứa trẻ trường mầm non Little Sunshines, bang Arizona, thoát khỏi cánh cổng trường không khóa, lang thang gần con phố đông đúc, sáng 5/10. Trong khi lũ trẻ được các tài xế taxi tập hợp và trông chừng, nhân chứng Samantha Crouch gọi cảnh sát và đi vào trường để nói chuyện với nhân viên. "Họ nói rằng cửa...