Những thầy cô gieo con chữ dưới chân núi Ca Hâu, Điện Biên
Những thầy giáo, cô giáo ở đây giờ không chỉ là những “ kỹ sư tâm hồn” mà còn là cha, là mẹ nuôi nấng và dạy dỗ các em nên người.
Na Ư là xã biên giới có 24km đường biên giới giáp với Lào, là địa bàn phức tạp về ma túy của tỉnh Điện Biên. Nơi đây từng được gọi là “thung lũng tử thần”, vì có những thời điểm cơn bão ma túy ở Na Ư như một đám mây đen lớn che khuất cả dãy núi Ca Hâu sừng sững.
Nhờ có cô Huấn và các thầy cô giáo trong trường, V. A. M và V. A. H đã vượt qua nỗi mặc cảm hoàn cảnh gia đình, nỗ lực vươn lên trong học tập.
Hệ lụy của ma túy đã làm biết bao gia đình ở đây tan nát trong cảnh con mất cha, vợ mất chồng, những đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thế nhưng vượt qua những khó khăn đó, sự học, nghiệp trồng người ở Na Ư vẫn phát triển mạnh mẽ.
Quét sạch dần bóng đen ma túy – Na Ư lại đang chuẩn bị khoác lên mình màu áo Xuân mới. Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống, “thung lũng tử thần” xưa kia hiện lên đẹp đúng như trong nét vẽ của các cô, cậu học trò nhỏ nơi đây với thung lũng cỏ xanh ngát, mái trường hồng tươi màu ngói, đàn trâu thủng thẳng gặm cỏ phía chân đồi…
Nằm nép mình dưới chân núi Ca Hâu, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Na Ư nay đã ghép thành một, với tổng số trên 440 học sinh của 2 cấp học. 100% học sinh trong trường là con em đồng bào dân tộc Mông.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác giảng dạy ở vùng biên, thầy giáo Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: những khó khăn về giao thông hay thiếu thốn về cơ sở vật chất không phải là điều quá trăn trở đối với nhà trường, mà điều buồn nhất đối với 39 cán bộ giáo viên đang công tác nơi đây đó chính là con số trên 30% số học sinh trong nhà trường có cha mẹ, người thân đang phải chấp hành án hoặc bị tử hình vì liên quan đến ma túy.
Điều đó khiến nhiều em bỗng trở thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, có tâm lý chán trường, muốn bỏ học. Do đó, ngoài việc thực hiện công tác chuyên môn, các thầy cô giáo trong nhà trường vừa phải kiêm thêm nhiệm vụ làm cha, làm mẹ cho các em, nuôi dưỡng các em như con đẻ, chăm sóc, giáo dục hình thành kỹ năng sống cho từng em, giúp các em vượt qua mặc cảm, phấn đấu học tập tốt.
“Để động viên chia sẻ đối với những học sinh này là vấn đề đặt ra bức thiết đối với chúng tôi. Và để cho các cháu trở lại học tập được bình thường là công rất lớn của các thầy, các cô chủ nhiệm, các thầy cô giáo bộ môn để các em tránh được những cái mặc cảm, tự ti. Mặc dù các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy nhưng từ đầu năm đến nay chúng tôi cũng không có học sinh nào bỏ học, nghỉ học vì các lý do trên, các cháu đều rất yêu trường, mến lớp”, thầy Sơn nói.
Do địa bàn khó khăn nên việc đảm bảo cho các em có một bữa ăn đầy đủ chất cũng phải cần rất nhiều đến sự san sẻ của các giáo viên trong nhà trường.
Trên con đường nhỏ đi xuống khu nội trú học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Huấn có 5 năm công tác tại trường cho biết, đã không biết bao lần rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh học sinh của mình nằm khóc vì nhớ gia đình, bố mẹ. Có những em biết mười mươi rằng người thân của mình sẽ chẳng bao giờ có thể quay về khi dính líu đến những vụ án ma túy rất nghiêm trọng như: V. A. M có bố bị bắt vì buôn bán trái phép 489 bánh heroin, hay V. A. H có cả bố mẹ dính líu tới việc mua bán, vận chuyển trái phép 120 bánh ma túy.
Bởi vậy các cô sợ nhất không phải là áp lực về công việc, những khó khăn vất vả nơi vùng biên, những con đường lầy lội bùn lầy khi mưa xuống… mà là sự suy sụp tinh thần của những tâm hồn còn non trẻ. Chính những điều đó thôi thúc cô, cũng như các giáo viên khác trong trường phải nỗ lực hơn nữa, làm điểm tựa về cả tinh thần, hỗ trợ vật chất cho các em.
Cô giáo Nguyễn Thị Huấn chia sẻ: “Khi mà thấy các em khóc như thế tôi cũng tủi thân thay các em ý, kìm nén lòng mình và động viên các em đi học, động viên các em tự tin cố gắng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mọi hoàn cảnh của gia đình để tiếp tục học tập, để thoát khỏi đói nghèo. Và mong muốn các em dù hoàn cảnh nào các em cũng phải tự tin xứng đáng với những kỳ vọng của các thầy cô giáo”.
Vất vả nhất là các em nhỏ ở thời gian đầu khi người thân bị bắt, các cô phải thay nhau đón các em về ngủ chung, nấu cơm, giặt quần áo, vỗ về trong từng giấc ngủ như con đẻ của mình để các em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ.
Kết thúc câu chuyện với cô giáo Huấn cũng là lúc các em học sinh tiểu học của nhà trường vừa bắt đầu vào bữa cơm trưa cuối cuối tuần. Cô giáo Nguyễn Thị Thâu cho biết, đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, người thân phải chấp hành án mà nhỏ tuổi thì trọng trách dường như lại đè nặng nhiều hơn lên vai các thầy cô. Gia đình ly tán, cuộc sống sinh hoạt của các em gần như dựa hoàn toàn vào nhà trường, thầy cô.
Dù được hỗ trợ tiền ăn của nhà nước, song rất ít, với 70.000 đồng/tháng, cộng thêm địa bàn đặc thù khó khăn xa trung tâm, không có chợ nên việc đảm bảo cho các em có một bữa ăn đầy đủ chất cũng phải cần rất nhiều đến sự san sẻ của các giáo viên trong nhà trường. Vất vả nhất là thời gian đầu khi người thân các em bị bắt, các cô phải thay nhau đón các em về ngủ chung, nấu cơm, giặt quần áo, vỗ về trong từng giấc ngủ như con đẻ của mình để các em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ.
Nhưng có lẽ vì những tình cảm đó, nên dù bản thân đã có 15 năm công tác tại địa bàn, song đến hiện tại cô cũng coi đây là nhà và không muốn xin chuyển đi nơi khác. Vui nhất là qua thời gian cố gắng động viên các con lấy lại niềm tin, thấy các con đã tự lập trong cuộc sống, vươn lên trong học tập và ý thức được việc phải trở thành người có ích cho xã hội.
Rời Na Ư khi ánh nắng chiều dần tắt sau dãy núi Ca Hâu, cũng là lúc le lói những ánh đèn bên dãy nhà công vụ của trường, các thầy cô đang tất bật chuẩn bị cho các con bữa cơm tối. Điều đọng lại trong chúng tôi chính là tấm lòng của các thầy cô dành cho các em học sinh ở đây. Bởi nếu như không có lòng yêu trẻ, vượt qua bao khó khăn bám trụ nơi vùng đất biên ải này của các thầy cô, những “mẹ hiền”, thì không biết nhiều phận đời nhỏ bé có hoàn cảnh đặc biệt ở đây sẽ trôi dạt về đâu?./.
Theo VOV
Cô giáo Vuông không nhỏ bé ở Huổi Thủng 2
Ẩn sau bên trong cô giáo nhỏ bé người dân tộc Thái ở điểm trường Huổi Thủng 2 (xã Na cô sa, Nậm Pồ, Điện Biên) là một nghị lực lớn, quyết tâm với nghề giáo
Từ Nà Khoa, thầy giáo Thuận đưa chúng tôi đến xã Na Cô Sa ( Nậm Pồ, Điện Biên), chưa đầy 20km nhưng chúng tôi phải di chuyển trên con đường trải đá cấp phối, đường đất đỏ gập ghềnh.
Con đường bám trên những triền đồi hoang vu, đâu đó mới có bóng nhà dân.
Thầy Thuận bảo, do tập tính của người dân tộc Mông ở khu vực này các làng, các bản đều ẩn sâu trong núi.
Quả thật, cả quãng đường từ Nà Khoa đến với Na Cô Sa chúng tôi hầu như gặp rất ít nhà dân. Tất cả chỉ là những cánh rừng tạp, xen lẫn là những nương lúa tẻ Mèo của người dân vùng biên.
Con đường đất đỏ như một vết gạch dài đằng đẵng, ngoằn ngoèo bám trên những triền đồi tưởng như không có điểm cuối cùng.
Na Cô Sa nơi chúng tôi sắp dừng chân là một xã biên giới với hơn 17km đường biên giáp Lào, trải rộng trên diện tích tự nhiên hơn 12.000ha, dân cư trên địa bàn 98% là người Mông, trình độ dân trí còn thấp.
Điểm trường Huổi Thủng 2 nơi chỉ có 1 mình cô giáo Lò Thị Vuông công tác dạy học.
Trước đây đã từng có thời kỳ Na Cô Sa có cả trăm người nghiện ma túy. Nếu Nậm Pồ là một trong những huyện nghèo nhất của Điện Biên thì Na Cô Sa cũng là xã nghèo nhất của huyện Nậm Pồ.
Sau hơn 1 giờ leo đồi bằng xe máy của thầy giáo Thuận, chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Phổ thông bán trú Tiểu học Na Cô Sa.
Dù nhiều việc tất bật những ngày đầu năm học, tạm biệt thầy giáo Thuận, nhanh chóng đưa chúng tôi tới điểm Huổi Thủng 2, nơi có cô giáo Lò Thị Vuông công tác.
Điểm trường Huổi Thủng 2 không nằm trên những triền cao chót vót hay lọt thỏm trong thung lũng mà nằm ngay bên trườn dốc, ven đường liên huyện.
Khác với những điểm trường vùng cao khác, tuy không có địa hình phức tạp nhưng Huổi Thủng 2 lại rất phức tạp về đời sống xã hội, tôn giáo.
Thầy giáo Quân cho biết, nhiều năm nay, nhà trường đã cùng với chính quyền địa phương rất vất vả mới có thể đưa được các em học sinh trong độ tuổi ra lớp.
Đó không chỉ là sự vận động của các thầy cô giáo mà cả một hệ thống chính trị địa phương.
Khi chúng tôi đến, lớp học của một cô giáo có ngoại hình khá nhỏ bé vẫn đang mải tập những nét chữ đầu đời.Nhờ công tác xã hội hóa và kêu gọi từ các cấp các ngành địa phương của huyện Nậm Pồ và sự vận động của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, sự góp sức của tập thể giáo viên nhà trường, điểm trường Huổi Thủng 2 có một cơ sở vật chất khá tươm tất, khang trang.
Thấy chúng tôi, cô giáo hơi ngượng ngùng lũ trẻ cũng bắt đầu chú ý đến sự xuất hiện của người lạ.
Hoàn thành nốt bài học, chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện với cô giáo.
Cô giáo Lò Thị Vuông, người dân tộc Thái ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên), mới chỉ 26 tuổi nhưng cô Vuông đã có "thâm niên" ở đất Na Cô Sa này đến 4 năm.
Sau ngày ra trường, được sự động viên của chồng, cô Vuông rời xa gia đình, con nhỏ lên với những lớp học nơi vùng biên cương Na Cô Sa.
Cô giáo Lò Thị Vuông uốn nắn từng nét chữ cho từng em nhỏ người dân tộc thiểu số. (Ảnh: LC)
Là người trẻ, đầy nhiệt huyết, ngay từ ngày mới đến, cô giáo Vuông đã sẵn sàng đi điểm Na Cô Sa 3, một điểm trường lúc đó chỉ là những căn nhà tạm bợ.
Nhưng vượt lên những khó khăn, cô Vuông đã hoàn thành tốt công tác dạy học tại điểm trường này.
Đến nay, điểm trường đã có cơ sở vật chất tốt hơn, cô Vuông đi đến Huổi Thủng 2, một điểm trường có nhiều khó khăn khác.
Dù mới công tác chưa lâu nhưng cô giáo Lò Thị Vuông là một trong những giáo viên tiêu biểu của trường Phổ thông bán trú Tiểu học Na Cô Sa khi là lao động tiên tiến 3 nam liên tục, 2 năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Hiện cô Vuông cũng là tổ phó tổ chuyên môn khối 1.
Buổi học ngày thường tại lớp học của cô giáo Lò Thị Vuông. (Ảnh: LC)
Chuyên môn vững là thế, tâm huyết là thế những cô giáo Vuông cũng có những góc khuất của riêng mình.
Trong lúc tâm sự với chúng tôi, mắt cô giáo Vuông rưng lệ khi nghĩ về con nhỏ.
Xa con từ khi còn ẵm ngửa, đằng đẵng những ngay xa con, dù nhớ, dù thương nhưng cô Vuông vẫn phản nén lòng mình hoàn thành nhiệm vụ.
Có lẽ cô Vuông cũng như bao cô giáo vùng cao trên những điểm trường khắp miền Tây Bắc này đều đau đáu nỗi buồn khi những tiếng nói đầu đời của con mình không được dạy.
Và tiếng gọi đầu của con là chữ bà, chữ ông chứ không phải chữ bố, chữ mẹ.
"Học sinh của em cũng đi xa hơn em nhiều, em đi bộ thế cũng chưa là gì", cô Vuông cười, chia sẻ với chúng tôi.Khác với các cô giáo vùng cao khác, đa phần các cô đều là những "tay lái lụa" trên vùng biên cương đi khắp bản, cô giáo Vuông người quá nhỏ nên... đi bộ nhiều hơn là đi xe máy.
Có những học sinh ở tít những điểm đồi xa, cách trường 2 - 3 quả núi nhưng cô Vuông vẫn đến thăm các em mỗi khi các em ốm hoặc đến mùa vận động trường, đường xa không làm đôi chân của cô giáo có thân hình nhỏ bé mệt mỏi.
Chừng ấy năm công tác trong vùng khó, vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ chồng, nhớ con, cô Vuông bảo cô chưa từng bao giờ có ý nghĩ xa rời nghề giáo. Bởi cô đã chọn và yêu nó từ lúc nào không hay.
Đường đến điểm trường Huổi Thủng 2 của cô giáo Lò Thị Vuông
"Em ở đây cũng không vất vả lắm khi anh chị em trong trường gắn bó với nhau, coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà nên nhiều lúc cũng vơi nỗi nhớ nhà.
Bây giờ có công nghệ thông tin nữa, nên việc liên lạc về với con cái đỡ vất vả hơn nhiều. Dù nhớ nhưng hình ảnh của con mình vẫn theo dõi được nên cũng đỡ phần nào anh ạ", cô Vuông tâm sự.
Nói về cô giáo Vuông, thầy giáo Phạm Văn Quân Hiệu trưởng trường Phổ thông bán trú Tiểu học Na Cô Sa cho biết: "Cô giáo Vuông là một cô giáo có nghị lực lớn. Tuy người nhỏ vậy thôi nhưng tâm huyết lớn lắm đấy."
Và ở Na Cô Sa còn rất nhiều thầy cô giáo có quyết tâm và nghị lực lớn như cô giáo Lò Thị Vuông.
Trần Phương
Theo giaoduc.net
Thầy giáo Êđê sáng đi dạy, chiều vận động học sinh đến trường "Ngày 20/11, ở nơi buôn làng nghèo người Êđê chúng tôi, giáo viên chỉ nhận được những bông hoa nhựa do học sinh tặng cũng là hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi chỉ ước mong các em không bỏ học, hàng ngày đến trường như các bạn cùng trang lứa", Thầy Ksor Y Giêng, người dân tộc Êđê, giáo viên Trường Tiểu học...