Những thầy cô giáo xuất sắc nhận giải thưởng quốc tế năm 2019
Năm 2019 vừa qua, nhiều thầy cô giáo Việt/ gốc Việt xuất sắc được ghi nhận, vinh danh bằng các giải thưởng quốc tế danh giá vì những đóng góp nổi bật, cống hiến tận tâm, sáng tạo cho các học sinh thân yêu và nền giáo dục.
Giáo sư trẻ nhất Việt Nam được trao giải thưởng Toán học quốc tế
Ngày 23/10/2019, Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) công bố giải thưởng Ramanujan dành cho các nhà Toán học trẻ ở các nước đang phát triển năm 2019 được trao cho GS Phạm Hoàng Hiệp của Viện Toán học Việt Nam.
Theo bài viết được đăng tải trên trang chủ của ICTP, giải thưởng là để ghi nhận những đóng góp nổi bật của GS Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức và cụ thể là lý thuyết đa thế vị, nơi anh đã đạt được một kết quả quan trọng về các điểm kỳ dị của các hàm đa điều hòa dưới; các phương trình Monge-Ampère phức và tình trạng đạt ngưỡng dạng log-chính tắc, với các ứng dụng quan trọng trong hình học Khler phức và hình học đại số. Giải thưởng cũng thể hiện sự công nhận vai trò tổ chức quan trọng của GS Phạm Hoàng Hiệp trong sự tiến bộ của toán học tại quê nhà Việt Nam.
Giải thưởng Ramanujan của ICTP là một giải thưởng danh giá dành cho các nhà toán học trẻ (dưới 45 tuổi) làm việc tại các nước đang phát triển, mỗi năm có 1 nhà toán học trẻ được chọn.
Trang chủ của ICTP công bố GS Phạm Hoàng Hiệp đạt giải thưởng Ramanujan 2019.
Trong số những người đã nhận giải, nhiều người đã trở thành các nhà toán học tên tuổi, được mời báo cáo tại các đại hội toán học thế giới.
TSKH Phạm Hoàng Hiệp được phong hàm giáo sư năm 2017, khi mới 36 tuổi, trở thành giáo sư trẻ nhất nước ta. GS Phạm Hoàng Hiệp là Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, trực thuộc Viện Toán học Việt Nam. Đây là một trung tâm hoạt động dưới sự bảo trợ của UNESCO nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển toán học trong khu vực.
Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp.
“Tôi biết Toán đóng góp cho sự phát triển của giáo dục, khoa học thông qua việc giảng dạy kiến thức cơ bản và tư duy Toán học. Trong quá trình dạy học, tôi cố gắng chuẩn bị bài giảng tốt nhất có thể để giúp sinh viên hiểu các nguyên tắc và ứng dụng của ngành học này”, anh từng chia sẻ.
Cô giáo trường làng vào top 50 giáo viên toàn cầu
Từ chối làm việc ở Canada, cô Trần Thị Thúy trở về trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) truyền đam mê học tiếng Anh cho học trò nông thôn.
Tháng 2/2019, cô Hà vừa được tổ chức giáo dục Varkey Foundation chọn là một trong 50 giáo viên toàn cầu, từ hơn 10.000 ứng viên. Giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.
Trong thư thông báo gửi cá nhân lọt top 50, Ban tổ chức viết rõ không quá coi trọng các giải thưởng nhà giáo từng đạt được, thứ họ đánh giá cao nhất là những điều giáo viên làm được cho học sinh ngoài kiến thức trong sách giáo khoa; hỗ trợ gì cho giáo viên khác và ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng.
Cô Thúy sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố làm nghề đánh cá sông, mẹ làm nông. Nhà nghèo, người anh cả học hết lớp 6 nghỉ để cùng bố mẹ lao động kiếm tiền, nhường cơ hội học tập cho hai em. Khi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội, cô miệt mài lên phòng máy tính của thư viện để nghe chương trình tiếng Anh và học nói với các bạn cùng lớp.
Video đang HOT
Cô Trần Thị Thúy – giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Đức Hợp (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên).
Lần mò cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, cô Thúy tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo. Tìm được nội dung hữu ích về phương pháp dạy học tích cực, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học sinh giao tiếp với học trò, người dân các nước khác, học theo dự án.
Vào năm học 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với trường vùng quê như THPT Đức Hợp. Hiệu trưởng cũ và không ít giáo viên sợ cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh… của học sinh khiến cô kiên trì cách dạy mới. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của cô.
Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó có thể là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi… Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn qua skype cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản.
Mới đây, trong tiết học tại lớp 10A1, học trò đã “ du lịch” nước Anh qua buổi skype với người bản địa. Họ vừa đi tới các địa danh nổi tiếng, vừa giới thiệu qua điện thoại cho học sinh trường THPT Đức Hợp.
Trường không có wifi, camera kết nối Internet nên để tổ chức những buổi học skype cho học sinh, cô Thúy phải tự trang bị, mang lên lớp máy tính xách tay, bộ phát wifi. Do cần đường truyền ổn định, cô giáo đã mua dây, xin nhà trường cho nối mạng từ phòng hiệu trưởng đến các lớp học.
Hiện nay, đường Internet của cô Thúy dài đến 200m, kéo đủ đến những phòng học trên tầng cao của 3 dãy nhà trong trường. “Giờ ra chơi, học sinh lớp này sẽ lên thu dây từ lớp khác rồi kéo sang phòng học của các em. Tuy vất vả một chút nhưng tôi và học trò đều hiểu rằng có Internet mọi thứ sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn nên tất cả đều cố gắng”, cô Thúy nói.
Cô Thúy đã giành giải nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức năm 2016; là một trong bốn đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017.
Tại diễn đàn, sau khi cùng bốn giáo viên thắng chung cuộc nhờ sáng tạo dạy học sử dụng trò chơi, cô Thúy được lãnh đạo Microsoft Canada chào mừng tới quốc gia này. Tuy nhiên, cô từ chối với lý do “ra đi là để trở về”.
Quay lại THPT Đức Hợp, cô Thúy xin bố mẹ đẻ mảnh đất trống để mở thư viện, dạy học miễn phí cho học sinh. Nhiều người bảo cô có danh tiếng thì nên dạy thêm kiếm tiền trang trải cho gia đình, nhưng cô không muốn thế.
“Ngày bé nhà tôi nghèo, thầy cô đã mượn sách cho tôi học, mang áo ấm đến tận nhà cho tôi. Giờ, tôi muốn ở Đức Hợp, dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo và làm cầu nối cho các em nhìn xa hơn ra ngoài thế giới. Ai đó có thể bảo tôi khùng, nhưng tôi sẽ theo đuổi đến cùng con đường lựa chọn”, cô chia sẻ.
Tháng 3/2019, cô Thúy đã sang Dubai dự lễ vinh danh 50 giáo viên toàn cầu.
Thầy giáo gốc Việt 27 tuổi đoạt giải thưởng giáo dục uy tín nhất nước Mỹ
Ben Nguyễn – chàng trai gốc Việt 27 tuổi hiện là giáo viên dạy khối 9 – 12 tại Trường Trung học Sunrise Mountain (thành phố Las Vegas, bang Nevada, Mỹ) vừa nhận được giải thưởng Milken Educator Awards 2019.
Năm 2019, giải thưởng được trao cho 40 giáo viên trên toàn nước Mỹ. Thầy giáo gốc Việt được trao giải thưởng này vì những đóng góp trong việc tạo môi trường cho học sinh tiếp xúc với khoa học máy tính, robot và công nghệ kỹ thuật.
Theo ban tổ chức trao giải Milken Educator Awards, thầy Ben Nguyễn đã nỗ lực hướng dẫn các học sinh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, gọi tắt là STEM, tại một câu lạc bộ ngoài giờ do thầy thành lập.
Hiện, Ben cũng đang xây dựng phòng thí nghiệm chế tạo robot tại một trường trung học địa phương tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận với ngành robot trong tương lai.
“Ben đã trang bị cho học sinh kiến thức công nghệ, sự phát triển linh hoạt và toàn diện để có thể cạnh tranh trong thế kỷ 21″, đại diện tổ chức trao giải Milken Educator Awards nhận xét.
Tốt nghiệp Đại học Dartmouth với hướng đi ban đầu là trở thành bác sĩ, nhưng Ben Nguyễn quyết định tham gia Teach for America – tổ chức tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và đưa họ vào những lớp học khó khăn nhất.
Anh được xếp vào Sunrise Mountain – trường trung học từng được coi là có thành tích thấp nhất trong tiểu bang Nevada với tỷ lệ tốt nghiệp năm 2012 chỉ 36%, nhưng năm nay đã tăng lên thành 93%. Tại đây, Ben dạy STEM và robot.
Quyết định của thầy giáo 27 tuổi khiến bố mẹ anh hoài nghi, không ủng hộ bởi mong muốn con trai theo đuổi nghề y. Dù vậy, Ben luôn tin tưởng mình lựa chọn đúng vì “dạy học là công việc của tâm hồn”.
Kể từ khi làm việc ở Sunrise Mountain cách đây 6 năm, thầy Ben đã đầu tư hàng nghìn giờ và bỏ tiền phát triển câu lạc bộ robot nhỏ sau giờ học thành chương trình robot lớn mạnh.
Nỗ lực của Ben thu hút sự chú ý của Lowell Milken, đồng sáng lập và Chủ tịch Quỹ Gia đình Milken (Milken Family Foundation), khiến ông quyết định trao giải Milken Educator Awards cho anh.
Với giải thưởng 25.000 USD và không phải chịu ràng buộc khi sử dụng, Ben Nguyễn dự định dùng để đầu tư cho chương trình robot, tổ chức ăn uống cùng học sinh và ủng hộ cho một số học sinh khó khăn.
Lệ Thu
(Tổng hợp)
Theo dantri
Top 50 giáo viên toàn cầu: Hạnh phúc vì "chạm" được đến trái tim học trò
Cô Trần Thị Thúy là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc năm 2019
Cuối cùng tôi cũng gặp được cô giáo Trần Thị Thúy tại chương trình "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác" do Trung ương Đoàn TNCS tổ chức. Cô Trần Thị Thúy vừa vinh dự được trao tặng danh hiệu gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Top 50 giáo viên toàn cầu năm 2019.
Cô giáo Trần Thị Thúy không ngừng đổi mới cách dạy để truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh.
Từ lớp học xuyên biên giới nơi làng quê...
Trong một lớp học nằm bên cạnh cánh đồng lúa của vùng quê Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên giờ học tiếng Anh của cô Trần Thị Thúy rất "lạ" bởi sự náo nhiệt khi cô trò cùng chia sẻ, thảo luận với những học sinh đang ngồi cách nửa vòng Trái đất. Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó là những buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi... Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn qua skype cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản. Việc sử dụng skype trong lớp học giúp học sinh các khối lớp đã kết nối và có những giờ học tập đầy hiệu quả và bổ ích cùng các bạn học sinh quốc tế và đã di chuyển được hơn 1.900.000km tới các quốc gia: Anh, Mỹ, Thái Lan, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Ai Cập, Bangladesh, Guantemala, Baranh, Philippines, Australia, Hungary, Nga, Hy Lạp...
Mong ước đưa học sinh Việt Nam vươn xa hơn nữa trên con đường chinh phục tri thức của nhân loại, cô giáo Trần Thị Thúy không ngừng đổi mới cách dạy học để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ngày nay. Tự đặt mình vào vị trí của các em học sinh, gần gũi các em để hiểu được các em cần gì và mong muốn điều gì, cô đã ứng dụng những phương pháp dạy học hiệu quả, tạo hứng thú đối với người học. Cô là người đi đầu trong việc ứng dụng skype vào giảng dạy, để học sinh của mình được giao lưu với học sinh, giáo viên và người dân các quốc gia khác nhằm nâng cao khả năng giao tiếp cũng như hiểu hơn về văn hoá trên thế giới. "Mong mỏi lớn nhất của tôi là những học trò quê mình có cơ hội được tiếp cận với những phương pháp học tập mới nhất của giáo dục hiện đại, từ đó giúp các em hội nhập dễ dàng hơn sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường phổ thông. Tôi muốn các em có cơ hội học theo cách học của thế kỷ 21. Tôi luôn tin rằng giáo dục là từ khóa để thay đổi mọi thứ"- cô Thúy cho biết.
Cô Thuý càng hào hứng khi biết đến trang Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft toàn cầu MEC và đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ tất cả thành viên tham gia. Từ đó, cô có cái nhìn toàn diện nhất về dạy học ở thế kỷ 21 và các phương thức để hỗ trợ học sinh học tập. Khi tham gia cộng đồng MEC, cô Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, cô sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ skype.
Vào thời điểm 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với một trường ở vùng quê như THPT Đức Hợp và phần lớn các bậc phụ huynh làm nông nghiệp. Trường không có wifi, camera kết nối internet nên để tổ chức những buổi học skype cho học sinh, Thúy phải tự trang bị, mang lên lớp máy tính xách tay, bộ phát wifi. Do cần đường truyền ổn định, Thúy đã xin nhà trường cho nối mạng từ phòng phó hiệu trưởng đến các lớp học.
"Các tiết học rất thú vị, sôi động. Chúng em không chỉ mở rộng vốn từ vựng, tự tin giao tiếp tiếng Anh mà còn tăng khả năng thuyết trình, làm powerpoint... Cách dạy của cô Thúy giúp em tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn và hiểu được tiếng Anh rất cần thiết trong kết nối mọi người trên thế giới", Vũ Thảo Hiền, học sinh Trường THPT Đức Hợp cho biết.
...đến top 50 giáo viên toàn cầu
Với những tâm huyết trong giảng dạy, cô giáo Trần Thị Thúy đã vinh dự lọt top 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) năm 2019, vượt qua 10.000 ứng viên. Đây là giải thưởng thường niên của Tổ chức Varkey Foundation dành cho những giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề dạy học, ghi nhận những nỗ lực sáng tạo, tìm tòi, nâng cao phương pháp, chất lượng giảng dạy và sức ảnh hưởng của giáo viên trong nước và thế giới.
Cô Thúy chia sẻ: "Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhận được danh hiệu này. Từ những gì đã trải qua, tôi luôn có niềm tin rằng giáo viên là nhân tố vô cùng quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục, nhất là khí chúng ta đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tôi đang là giáo viên của thế kỷ 21 và tôi hy vọng sẽ hỗ trợ được các em học sinh của mình phát triển những năng lực của người học ở thế kỷ 21: cộng tác, giao tiếp, tư duy phê phán, sáng tạo, tự điều chỉnh, sử dụng công nghệ, đặc điểm cá nhân. Để trở thành một nhà giáo dục có thể thành công thì điều đầu tiên, giáo viên đó cần không ngừng học tập hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu giáo dục hiện đại.
Cô Thúy luôn tâm niệm: Sau khi đổi mới và chuyển đổi thành công, cô có thể có cơ hội giúp đỡ và hỗ trợ giáo viên trong trường, trong tỉnh, giáo viên của Việt Nam và thậm chí là các giáo viên các nước cần sự hỗ trợ và giúp đỡ từ cô để mở rộng mô hình sử dụng skype trong lớp học. Niềm vui lớn nhất đối với cô là cô có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình với các đồng nghiệp để đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới giáo dục.
Dù có những lời mời làm việc ở Canada và một số nơi nhưng cô Thúy đã từ chối, với mong muốn được tiếp tục chắp cánh tri thức cho những học sinh trên chính quê hương mình.
"Bản thân tôi luôn lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác như kim chỉ nam cho các hoạt động của mình. Tôi luôn lấy phong cách giản dị, gần gũi của Bác với nhân dân để học tập Người. Tôi đặt mình vào vị trí của các em học sinh và tìm hiểu những cách thức để "tiếp cận" học sinh của mình được tốt hơn. Hơn thế nữa, việc tận dụng "sức mạnh thời đại" - công nghệ trong dạy học sẽ làm cho việc giảng dạy của giáo viên hiệu quả và cuốn hút được các em học sinh". - Cô giáo Trần Thị Thúy
Hạnh phúc vì "chạm" được đến học sinh
Cô Trần Thị Thúy chia sẻ: "Năm 2017 tôi được vinh dự là đảng viên Đảng CSVN. Từ đó, trong quá trình học tập và đổi mới của mình tôi luôn tâm niệm câu nói của Bác trong Di chúc của Người về giáo dục là: Đào tạo những thế hệ thanh niên "vừa hồng, vừa chuyên". Điều Bác mong muốn là giúp các em có đủ cả tri thức và đạo đức, vừa thể hiện được tinh thần yêu nước, vừa phát triển quê hương sao cho xứng đáng với lịch sử dân tộc. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển năng lực trí tuệ như IQ cho các em; đồng thời phát triển những kỹ năng mềm và khơi gợi tình yêu thương của các em học sinh, để em yêu bản thân mình nhiều hơn, nỗ lực vượt qua chính mình nhiều hơn và sống tốt với mọi người hơn, làm cho cuộc sống của quê hương mình tốt hơn.
Cô Thúy vui vì đã có thể "chạm" đến các em học sinh, bởi với cô Thúy một giáo viên thành công là người có thể hỗ trợ cho học sinh của mình tham gia vào các hoạt động học tập, hướng dẫn các em khám phá tri thức, định hướng năng lực để tạo ra những học sinh "vừa hồng, vừa chuyên".
Khi được nhận danh hiệu gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng tháng 5/2019, cô Thúy cảm thấy luôn biết ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Dù đạt được danh hiệu cao quý, nhưng cô luôn tâm niệm sẽ tiếp tục phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để "mình không bị để lại phía sau"./.
Cô Trần Thị Thúy là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng.
Đạt danh hiệu "Tốp 50 giáo viên xuất sắc Toàn cầu" năm 2019.
Đạt danh hiệu "Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc" năm 2018.
Theo VOV
Giáo dục Hà Nội chủ động, sáng tạo hợp tác quốc tế Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành GD & ĐT Hà Nội luôn coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh và đặc biệt là tiếp tục chủ động triển khai có hiệu quả công tác hội nhập quốc tế. Học sinh Thủ đô giành nhiều giải thưởng quốc tế Giám đốc Sở...