Những tấm gương nhà giáo trong phòng, chống dịch
Thời gian qua, các thầy, cô giáo ở Hà Tĩnh đã ngày đêm âm thầm góp sức mình cho cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều thầy, cô giáo là tấm gương sáng, đi đầu, được học trò, đồng nghiệp và người dân kính phục…
Cô giáo Phạm Thị Nga, Trường tiểu học Kỳ Châu (Kỳ Anh), dù gần về hưu nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Do đặc thù trẻ mầm non chưa tự học được trực tuyến, các cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh đã có sáng kiến xây dựng các video, clip hướng dẫn trẻ thực hiện các hoạt động trải nghiệm, hoạt động vui chơi để tiếp tục mang đến sự vui tươi, thoải mái cho các học trò nhỏ của mình.
Trong những ngày nghỉ cách ly xã hội, các cô giáo mầm non đã xây dựng được hàng trăm video, clip gửi đến phụ huynh và chia sẻ lên các trang mạng xã hội. Dưới bàn tay khéo léo của các cô, những hộp giấy, các loại vỏ lon, hộp cũ,… đã được tận dụng tạo nên thế giới đồ chơi hấp dẫn cho trẻ.
Những ngày học trò tạm nghỉ đã để lại “khoảng trống”, chút lo lắng và nhớ mong trong mỗi thầy, cô giáo. Với các thầy, cô giáo tiểu học thì “khoảng trống” đó dường như càng lớn hơn. Nhớ trò, cô giáo Đặng Thị Châu Hiền, giáo viên Trường tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) đã làm bài thơ “Gửi trò yêu”; cô giáo Lê Thị Nhung, giáo viên Trường tiểu học Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) đã sáng tác bài hát “Tâm tình ngày xa trò” theo làn điệu dân ca ví, giặm và thầy giáo Bùi Đức Ái, giáo viên Trường THCS Bình An Thịnh (huyện Lộc Hà) đã sáng tác bài hát “Thắm tình Việt Nam” gửi đến các trò yêu của mình. Đây là những lời tâm tình, nhắn nhủ và gửi gắm sự quan tâm, yêu thương của thầy, cô giáo đến học sinh.
Trăn trở trước việc một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có các phương tiện điện tử để học trực tuyến, các thầy, cô giáo THPT ở Hà Tĩnh đã có sáng kiến tổ chức quyên góp để mua tặng điện thoại, thẻ sim và vận động phụ huynh mua máy tính cho con, tiêu biểu như giáo viên của các trường: THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà), THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang).
Tại Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu ( huyện Kỳ Anh), để giúp 100% học sinh đều tiếp cận việc học trực tuyến, thầy Dương Đình Thọ, Hiệu trưởng nhà trường đã đóng góp một triệu đồng và kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ học sinh nghèo.
Chỉ sau 5 ngày từ khi kêu gọi, thầy, cô giáo nhà trường và các nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 30 triệu đồng, một đơn vị viễn thông đã tặng 30 thẻ sim điện thoại (miễn phí vào internet trong một tháng). Nhà trường đã trao tặng 48 điện thoại, 120 thẻ sim cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã bãi ngang, miền núi.
Cô Hương (bên phải) cùng cô Vân, tự nguyện đến khu cách ly đăng ký nấu ăn.
Xung phong làm “hậu cần” phục vụ các khu cách ly
Video đang HOT
Bên cạnh đó, giáo viên Hà Tĩnh còn là một trong những lực lượng xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ hậu cần phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, tại thời điểm cách ly tập trung cao điểm nhất, toàn tỉnh đã có 226 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung.
Trong đó, có 130 trường mầm non, 41 trường tiểu học, còn lại là các trường THCS, giáo dục thường xuyên, trường nghề, THPT và ký túc xá Đại học Hà Tĩnh. Giáo viên tại các trường đã dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất tại các điểm trường để đón người được cách ly, nhiều giáo viên đã trở thành trở thành người xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ hậu cần.
Tiêu biểu như ở huyện Can Lộc, nơi có số lượng người được cách ly tập trung đông nhất tỉnh, các thầy, cô giáo đã chung tay với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên chuẩn bị từng bữa cơm, nước uống cho những người được cách ly, ủng hộ hàng trăm khẩu trang y tế, hàng trăm suất ăn và nước uống mỗi ngày.
Tại huyện Thạch Hà, có khoảng 1.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học (chủ yếu là cán bộ, giáo viên mầm non) đăng ký hỗ trợ hậu cần tại 10 điểm cách ly tập trung của huyện, trong đó có 27 người tự nguyện đăng ký phục vụ ở vòng trong. Ở huyện Hương Sơn, nơi phát hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên ở Hà Tĩnh, ngày nào cũng có các tình nguyện viên là giáo viên thuộc đội tình nguyện của các trường phục vụ công tác hậu cần tại 24 trường học được trưng dụng làm điểm cách ly và khu cách ly cổng B, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Cùng với việc quyên góp ngày lương, phục vụ hậu cần tại các điểm cách ly, nhiều trường học đã pha chế nước rửa tay, may khẩu trang, làm kính chắn giọt bắn để tặng lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ, hỗ trợ người dân và các điểm cách ly.
Nhiều thầy, cô giáo là tấm gương sáng, đi đầu trong chiến dịch chống Covid-19 được học trò, đồng nghiệp và người dân kính phục. Tiêu biểu như: Cô giáo Trần Thị Hoàng Duyên, giáo viên Trường THCS Đan Trường (huyện Nghi Xuân) tự nguyện mua vải, may khẩu trang tặng miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; cô giáo Đậu Thị Thắm, Chủ tịch Công đoàn Trường mầm non Xuân Hải (Nghi Xuân) đã cùng con gái may khẩu trang tặng cho người dân phòng dịch, nhất là khẩu trang cho trẻ em khan hiếm trên thị trường. Hơn một tuần miệt mài may cả ngày lẫn đêm, hai mẹ con đã hoàn thành 500 chiếc khẩu trang, trong đó có 300 khẩu trang người lớn và 200 khẩu trang trẻ em.
Cảm động và khâm phục nhất là hành động của hai cô giáo tình nguyện đi nấu ăn ở khu cách ly biên giới, nơi người dân từ Lào, Thái Lan trở về nước ở cổng B, thuộc Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Cô giáo Bùi Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Diệm (Hương Sơn) là người đầu tiên tự nguyện đến khu cách ly đăng ký nấu ăn cho các công dân trở về nước.
Sát cánh với cô Hương là cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân, giáo viên Trường tiểu học Sơn Tây (huyện Hương Sơn). Mỗi ngày trôi qua, lượng người về nước càng đông, khối lượng công việc tăng lên, cô Hương đã về vận động thêm một số người hàng xóm cùng đến phụ giúp lực lượng chức năng.
Thế nhưng, sau khi khu cách ly có người dương tính với Covid-19, một số người được cô vận động đi nấu ăn không dám tiếp tục công việc, bản thân cô cũng bị hàng xóm dị nghị, ngại tiếp xúc. Bỏ ngoài tai những điều không hay đó, hằng ngày, cô Hương vẫn đều đặn đến phụ giúp nấu ăn cho người cách ly.
Và còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương nhà giáo khác nữa, họ đang ngày đêm âm thầm cống hiến với một tấm lòng “tất cả vì học sinh thân yêu”, “thương người như thế thương thân”, cùng sát cánh bên nhau vượt qua những khó của đại dịch Covid-19.
PHAN DUY NGHĨA
Thầy cô giáo Hà Tĩnh chung tay vượt khó trước đại dịch Covid-19
Có rất nhiều tấm gương nhà giáo đang ngày đêm âm thầm cống hiến với một tấm lòng "tất cả vì học sinh thân yêu", cùng sát cánh bên nhau vượt khó trước đại dịch Covid-19.
Tình thương và trách nhiệm
Trên nhóm Facebook "Giáo dục Tiểu học Hà Tĩnh", sau khi chúng tôi đăng thông tin: "Hiện nay, chúng tôi muốn viết bài về tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết của giáo viên với học sinh trong đại dịch Covid-19. Cụ thể là hàng tuần giáo viên in Phiếu bài tập, thu và chấm bài cho học sinh. Trường nào thực hiện được điều này các bạn hãy viết vào phần Bình luận phía dưới nhé. Xin cảm ơn cả nhà".
Chỉ một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã nhận được hơn 190 bình luận của giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh gửi lên. Thật xúc động trước những tình cảm, trách nhiệm của giáo viên dành cho học sinh.
Là một trường ở huyện miền núi Hương Sơn, từ khi học sinh tạm nghỉ không đến trường do dịch Covid-19, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Giang đã thường xuyên in bài tập phát cho học sinh; thu bài, chấm chữa, phản hồi kịp thời cho học sinh và phụ huynh. Cô giáo Hồ Thị Thanh Xuân tâm sự: "Học sinh trường em đa số là con em nông dân, giáo dân không có điều kiện học qua internet nên hàng tuần bọn em ra bài tập in trên phiếu và phát cho học sinh vào sáng thứ hai, thứ sáu thu bài để chấm chữa rồi thứ hai lại nhận bài mới, nhận xết quả đã chấm chữa của giáo viên".
Giáo viên Trường Tiểu học Thạch Lâm (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đến tận nhà học sinh để gửi Phiếu bài tập
Cô giáo Lương Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Long (Hương Sơn) mặc dầu tuổi đã cao, sắp nghỉ hưu nhưng hàng ngày cô vẫn luôn gọi điện thoại cho phụ huynh hỏi thăm tình hình học tập của từng em, hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần môn Tiếng Việt lớp 1 để phụ huynh giúp đỡ học sinh học bài.
Cùng với cách làm đó, Trường Tiểu học Thịnh Lộc - ngôi trường ở vùng khó khăn của huyện Lộc Hà đã bố trí giáo viên theo từng địa bàn thôn xóm, hàng tuần phát đề cương ôn tập cho học sinh, chấm chữa bài và phản hồi kịp thời cho học sinh. Cách làm này đã giúp học sinh thường xuyên được ôn bài và tự học trong những ngày tạm nghỉ không đến trường, được phụ huynh ghi nhận và đánh giá cao.
Phụ huynh Trường Tiểu học Đức Long (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) "vượt mưa gió" đến trường nhận Phiếu bài tập cho con.
Sáng tạo trong dạy học và ôn tập cho học sinh
Thật cảm động khi phần lớn các hình ảnh của giáo viên gửi về là minh chứng cho những cách làm sáng tạo trong dạy học và ôn tập cho học sinh. Thầy Cao Quang Thiện, giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Phong (Kỳ Anh), chia sẻ: "Mình hàng ngày vẫn ra bài đều đặn cho học sinh và gửi trên facebook của lớp (facebook này do mình lập thuộc nhóm kín). Mặc dù lớp mình có 33 học sinh nhưng số thành viên đã là 50 người (một số phụ huynh lớp khác xin vào để lấy bài cho con ôn tập). Mình thấy rất vui vì phụ huynh hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều hôm chưa đưa bài lên kịp là phụ huynh nhắc liền".
Là trường tiểu học có số học sinh đông nhất tỉnh Hà Tĩnh (hơn 1.500 học sinh với 47 lớp, 02 điểm trường), Trường Tiểu học Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh) đã có những cách làm sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của từng học sinh. Cô Lê Diệu Hải, giáo viên nhà trường chia sẻ: "Trường Tiểu học Hưng Trí thực hiện đầy đủ, thường xuyên và đồng bộ các giải pháp, đó là: Ra bài tập cho học sinh qua Zalo, Mesenger, VnEdu; hướng dẫn học sinh tham gia học trực tuyến trên truyền hình, tham gia học miễn phí trên Toliha,... nhiều lắm ạ!".
Mặc dù tuổi đã cao nhưng với tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu", cô Trần Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Đức Lâm (Đức Thọ) đã mày mò, tìm hiểu các tiện ích và phần mềm dạy học trực tuyến để tổ chức dạy học cho học sinh. Với cô, hạnh phúc của nhà giáo đơn giản là được ngắm các gương mặt thân yêu của học trò.
Quản lí kết quả học tập và chữa bài cho học sinh qua Internet
Với tinh thần xung kích, "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", đội ngũ giáo viên trẻ của Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ (Đức Thọ) đã đi đầu trong việc ứng dụng CNTT để tổ chức dạy học cho học sinh trong những ngày học sinh tạm nghỉ không đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Gia Phú, Bí thư Chi đoàn giáo viên chia sẻ: "Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ thường xuyên gửi bài và tương tác với học sinh qua gmail, facebook, mỗi lớp đều lập một nhóm zalo để gửi bài và kiểm tra bài làm của học sinh. Đặc biệt, từ ngày 16/3/2020, nhà trường đã thực hiện dạy học trực tuyến qua phần mềm Zoom, mỗi khối 5 tiết/tuần do Chi đoàn giáo viên đảm nhận".
Hình ảnh học qua phần mềm Zoom của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Và còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương nhà giáo khác nữa, họ đang ngày đêm âm thầm cống hiến với một tấm lòng "tất cả vì học sinh thân yêu", cùng sát cánh bên nhau vượt khó trước đại dịch Covid-19.
Lắng nghe lời chia sẻ, chứng kiến việc làm của các giáo viên, chúng tôi thấy hạnh phúc vô cùng.
Mong học sinh sớm trở lại trường
Các thầy cô giáo đã rất nhớ học sinh, mong muốn các em sớm trở lại trường. Bởi với các em, đến trường không chỉ để học kiến thức mà quan trọng hơn là để phát triển nhân cách. "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", là mỗi ngày các em được gặp bè bạn, thầy cô, được chia sẻ và yêu thương.
Mong cho Việt Nam chúng ta sớm đẩy lùi được đại dịch Covid-19, sớm đón các em học sinh trở lại trường.
Phan Duy Nghĩa - (Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)
Theo dantri.vn
Tôn vinh những tấm gương điển hình giáo dục mầm non Vào ngày 16/1 tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị Tôn vinh những tấm gương điển hình giáo dục mầm non với sự tham dự của gần 200 thầy cô trong cả nước. Nghề cô nuôi dạy trẻ vẫn còn đó rất nhiều vất vả, khó khăn Theo ông Nguyễn Bá Minh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), sự...