Những “sóng gió” tranh cãi giáo dục năm 2018
Có nên đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam; độc quyền xuất bản sách giáo khoa nhưng vẫn kêu lỗ; Công nghệ giáo dục vì sao 40 năm vẫn chỉ dừng lại ở thí điểm…, là những câu chuyện tạo nên “sóng gió” tranh cãi không hồi kết trong năm 2018.
Đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai: Nên hay không?
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng, việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức mang đến những ích lợi không thể chối cãi đối với an ninh kinh tế của quốc gia.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác – trong đó có nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, việc sử dụng tiếng Anh như một công cụ phát triển tài chính có thể dẫn đến sự mai một của các giá trị và tập tục truyền thống từ thời xa xưa.
Nếu học sinh, sinh viên quá chú trọng vào tiếng Anh, họ sẽ dành ít thời gian và sự quan tâm cho văn hóa truyền thống.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ, để sau này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong khối ASEAN.
Thể hiện quan điểm của mình trên báo giới, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chia sẻ, hiện Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh. Vậy nên, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam trước sau cũng phải thực hiện bởi thúc đẩy lớp trẻ học tiếng Anh.
“Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ, để sau này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong khối ASEAN”, ông nói.
Theo GS Thuyết cho rằng, đề xuất trên phải được đưa vào trong luật, được Quốc hội thông qua. Cần phải xem nó có phù hợp với Hiến pháp không, bởi Hiến pháp quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng nhận định, tiếng Anh có vai trò quan trọng trong việc đào tạo công dân toàn cầu.
Công nghệ giáo dục: Tranh cãi 40 năm vẫn chưa dứt
Chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đang lắng xuống sau 40 năm áp dụng thì bất ngờ, một clip đánh vần bằng ô vuông và hình tròn của một giáo viên được đăng tải trên mạng xã hội.
Đoạn clip ngắn của một giáo viên ở miền Tây, mở ra “sóng gió” tranh cãi về công nghệ giáo dục. Một luồng ý kiến ít ỏi nhưng mạnh mẽ, từ học trò, giáo viên… đăng đàn để ủng hộ ông, ủng hộ triết lý giáo dục làm sao để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” của học sinh.
Dù sách công nghệ giáo dục và mô hình trường thực nghiệm có thể phải vi chỉnh để hoàn thiện hơn nhưng nhiều người tin, triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vẫn sẽ tồn tại lâu dài.
Mặt khác,một luồng thông tin nữa phản đối kịch liệt. Họ chế ảnh, họ viết facebook “ném đá”, đòi tẩy chay phương pháp giáo dục của ông. Một số người mong muốn, GS Hồ Ngọc Đại và những người ủng hộ ông cần đưa ra những bằng chứng thực tiễn để trấn an lòng người về hiệu quả chương trình này chứ không phải im lặng.
Video đang HOT
Ở tuổi ngoại bát tuần, GS Hồ Ngọc Đại đành phải phải đăng đàn, mở tọa đàm để lý giải về sách công nghệ giáo dục và cách đánh vần bằng ô vuông, hình tròn mà mình đang áp dụng ở trường thực nghiệm cũng như ở hơn 40 ngôi trường khác trên cả nước.
Được biết, tài liệu Công nghệ giáo dục đã trải qua 40 năm thăng trầm, trải qua nhiều lần thẩm định.
Mới đây nhất, năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tài liệu đã được thẩm định lại tới 2 lần.
Dù sách công nghệ giáo dục và mô hình trường thực nghiệm có thể phải vi chỉnh để hoàn thiện hơn nhưng nhiều người tin, triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vẫn sẽ tồn tại lâu dài, bởi nó tương đồng với con đường giáo dục hiện nay ở những nước tiên tiến nhất, đấy là làm sao để học sinh được hạnh phúc chứ không phải áp lực vì điểm số.
Xuất bản SGK: NXB Giáo dục lỗ hay lãi ?
Thông tin với báo chí, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết kinh doanh SGK kết quả lỗ hàng chục tỷ đồng trong nhiều năm liền và muốn tăng giá SGK. Tuy nhiên, báo cáo tài chính cho thấy đơn vị này vẫn lãi 150 tỷ đồng dù doanh thu từ SGK chiếm khoảng 60% tổng doanh thu.
Nhiều người lập luận, NXB Giáo Dục độc quyền làm SGK, “một mình một chợ” độc quyền làm mảng sách chiếm thị phần lớn như vậy thì khó có chuyện lỗ.
Một số người cho rằng, việc NXB Giáo dục lỗ hay lãi, chỉ có người trong cuộc biết.
“SGK thường thay đổi nội dung liên tục. Nếu lỗ nhiều như vậy, tại sao họ cứ phải thay đổi nội dung để in mới làm gì? Việc thay đổi, in mới đó rất tốn kém, từ trả nhuận bút cho tác giả, biên tập, tiền giấy, mực, tới công in ấn…”, một chuyên gia nói.
Đáng nói hơn, mặc dù kêu lỗ nhưng NXB này vẫn chi chiết khấu cho phát hành SGK lên tới 250 tỷ đồng, tương đương với 25% doanh thu hàng năm.
Trong khi đó, chuyên gia khác cho rằng, NXB Giáo dục độc quyền làm SGK, tuy nhiên họ không được phép quyết định giá sách. Nếu NXB Giáo dục độc quyền, mà tự họ được phép đưa ra giá bán cho SGK thì họ mới có thể lãi được. Còn nếu Nhà nước kiểm soát giá SGK, cũng giống như việc bình ổn giá xăng dầu, điện… thì vấn đề độc quyền mà vẫn lỗ là chuyện có thật.
Một số người cho rằng, việc NXB Giáo dục lỗ hay lãi, chỉ có người trong cuộc biết. Tuy nhiên, Giá SGK được xem là vấn đề rất hệ trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu gia đình có con em đi học.
Trước khi đề nghị tăng giá, NXB Giáo dục phải khắc phục “lỗi hệ thống” trong hoạt động nội bộ của mình, sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả thiết thực hơn…, thay vì tìm cách tăng giá, đẩy cái khó về phía phụ huynh học sinh, đồng thời sớm làm rõ có hay không “lợi ích nhóm” trong độc quyền in ấn, xuất bản SGK trong suốt nhiều năm qua.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Nên hay không việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam?
Để thực sự đưa được tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai ở nước ta thì cần có sự quyết tâm chính trị rất lớn và sự đồng thuận cao vì sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam trước đòi hỏi của thời đại.
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề: "Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" diễn ra ở Đà Nẵng vào ngày 29/11/2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Đây là một vấn đề hệ trọng nên ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của công luận với nhiều ý kiến khác nhau.
Tiếng Anh là ngôn ngữ chủ yếu được dùng trong các công bố khoa học-công nghệ, là ngôn ngữ chính của thương mại, hàng không quốc tế...
Cần hiểu rõ khái niệm thế nào là ngôn ngữ thứ 2
Tiếng Anh hiện nay được xem là ngôn ngữ quốc tế phổ biến nhất, được 67 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng làm ngôn ngữ chính thức và gần 70 quốc gia sử dụng làm ngôn ngữ thứ hai (Economic Forum, 2015).
Theo David Crystal (2006) trên thế giới tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất của khoảng 400 triệu người, ngôn ngữ thứ hai của khoảng 400 triệu người khác và khoảng 600-700 triệu người dùng ngôn ngữ này như là ngoại ngữ. Thực tế hiện nay số người sử dụng tiếng Anh đã tăng lên rất nhiều so với những con số này.
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của các tổ chức quốc tế về chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, quân sự như Liên hiệp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái bình dương (APEC), Hiệp hội các nước Đông-Nam Á (ASEAN)...
Tiếng Anh là ngôn ngữ chủ yếu được dùng trong các công bố khoa học-công nghệ, là ngôn ngữ chính của thương mại, hàng không quốc tế... Ngôn ngữ này ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và mỗi cá nhân trong thời đại toàn cầu hóa và CMCN 4.0 hiện nay. Chính vì thế ngoài những nước nói tiếng Anh là bản ngữ thì nhiều nước khác đã công nhận tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai.
Trước khi bàn về việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở nước ta, chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm thế nào là ngôn ngữ thứ hai, nó có khác gì so với ngoại ngữ.
Theo Longman Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics (1992), ngoại ngữ là một ngôn ngữ được dạy ở trường như một môn học nhưng không được sử dụng như một phương tiện giảng dạy ở trường cũng như là ngôn ngữ giao tiếp của một quốc gia (ví dụ: trong chính phủ, kinh tế hay công nghiệp); trong khi đó, ngôn ngữ thứ hai là một ngôn ngữ không phải là bản ngữ của một quốc gia nhưng là phương tiện giao tiếp được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống (ví dụ: trong giáo dục, công việc và chính phủ) và thường được sử dụng cùng với một hay nhiều ngôn ngữ khác của quốc gia đó. Vừa qua cũng đã có một số tác giả phân tích rõ sự khác biệt giữa ngoại ngữ và ngôn ngữ thứ hai.
Tóm lại, hiện tại ở Việt Nam tiếng Anh mới là ngoại ngữ, dù bây giờ có thể coi là ngoại ngữ thứ nhất, nhưng chưa phải là ngôn ngữ thứ hai.
Phải được quy định trong Hiến Pháp
Việc sử dụng tiếng Anh là ngôn thứ hai sẽ có lợi ích lớn đối với sự phát triển chung của đất nước cũng như với từng công dân của nước ta.
Việt Nam đang trên đường hội nhập ngày càng sâu rộng với một thế giới mà ở đó Tiếng Anh là một ngôn ngữ giao dịch chính như đã nói ở trên. Vì vậy việc dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 sẽ là đòn bẩy và phương tiện vô cùng quan trọng để Việt Nam tiếp cận với thế giới, tiếp thu tri thức của nhân loại và, ngược lại, tăng cường được ảnh hưởng cũng như sự đóng góp của mình với dự phát triển chung, trên cơ sở đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, khoa học và văn hóa của Việt Nam.
Công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sẽ kích thích việc phổ cập tiếng Anh cho người dân, trước hết cho lớp trẻ, vì đó sẽ là động lực tốt cho mỗi cá nhân học và sử dụng ngôn ngữ này như một phương tiện không thể thiếu để trở thành công dân toàn cầu và không bị loại ra bên lề của cuộc CMCN 4.0.
Vì sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam chúng ta có thể mong muốn sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai để làm đòn bẩy cho việc phổ cập nhanh ngôn ngữ này.
Tuy nhiên, vấn đề cơ bản của ngôn ngữ thứ hai là ở chỗ nó được sử dụng như thế nào chứ không chỉ đơn thuần là việc Thủ tướng thông qua. Chúng ta cần phải xác định được các điều kiện để một ngôn ngữ có thể được công nhận là ngôn ngữ thứ hai. Đó là mục tiêu mà khi đạt được thì mới công nhận được và khi công nhận rồi thì nó có thể được sử dụng đúng nghĩa là ngôn ngữ thứ hai. Chúng ta cần phải thấy hết những khó khăn và thách thức phải vượt qua trước khi có thể có được sự công nhận này.
Trước hết về luật pháp, Hiến pháp (sửa đổi năm 2013) của nước ta quy định "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữa gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình".
Như vậy, không có quy định về ngôn ngữ thứ hai trong Hiến pháp và cũng vì thế cho đến nay ở nước ta chưa có luật về ngôn ngữ hay luật nào khác quy định về ngôn ngữ thứ hai.
Do vậy, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai lúc này là chưa phù hợp với pháp luật, Thủ tướng không thể thông qua. Cũng như quốc hiệu, quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, vấn đề ngôn ngữ của một quốc gia phải được quy định trong Hiến pháp.
Có thể lấy Canada làm ví dụ, Hiến pháp nước này quy định tiếng Anh và tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Theo đó, Tiếng Anh và tiếng Pháp có địa vị ngang nhau trong các tòa án liên bang, Nghị viện, và trong toàn bộ các cơ quan liên bang; Các công dân có quyền, ở nơi đủ nhu cầu, nhận các dịch vụ của chính phủ liên bang bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp; Các ngôn ngữ thiểu số có địa vị chính thức, được đảm bảo có trường học sử dụng chúng tại tất cả các tỉnh và vùng lãnh thổ.
Như vậy, muốn công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì chúng ta cũng phải điều chỉnh về mặt luật pháp, trong đó có cả việc xác định lại địa vị cho ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số.
Phải có mục tiêu rõ ràng
Về trình độ tiếng Anh, trước hết ở Việt Nam không có dân tộc hay cộng đồng cư dân nào nói tiếng Anh là bản ngữ. Việt Nam vốn không phải là thuộc địa cũ của một nước nói tiếng Anh nào nên hầu hết người dân không biết tiếng Anh.
Hầu hết đội ngũ trí thức của nước ta trước đây không được đào tạo trong môi trường ngôn ngữ Anh nên việc sử dụng tiếng Anh bị hạn chế. Trọng tâm đào tạo ngoại ngữ cũng như quan hệ quốc tế của nước ta cũng đã có nhiều thay đổi trong lịch sử.
Nhìn chung ở nước ta gần đây tiếng Anh mới được chú trọng dạy và học hơn so với các ngoại ngữ khác. Chính phủ đã có Đề án NNQG 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì thực hiện.
Kết quả đánh giá đến năm 2016 cho thấy Đề án đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng; tuy nhiên, so với 4 mục tiêu đề ra thì đều đạt thấp cả về số lượng và chất lượng. Vì có nhiều mục tiêu chưa đạt được, năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ bổ sung cho đề án giai đoạn tiếp theo và đã được Chính phủ thông qua đề án chỉnh sửa bổ sung và ban hành quyết định mới cho đề án giai đoạn 2017-2025.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là một đề án dạy và học ngoại ngữ nói chung, không riêng cho tiếng Anh, và càng chưa phải là một đề án phát triển tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Đó là những khó khăn về ngôn ngữ đối với Việt Nam so với nhiều nước khác khi muốn dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai.
Với mặt bằng trình độ như hiện nay, tiếng Anh chưa thể công nhận được để sử dụng đúng nghĩa như là ngôn ngữ thứ hai ở nước ta.
Về đối ngoại, chúng ta phải đặt việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong bối cảnh Việt Nam đang muốn đa phương hóa, đa diện hóa trong quan hệ quốc tế và muốn làm bạn với tất cả các dân tộc trên thế giới.
Trước hết, về ngôn ngữ, Việt Nam là một thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ (L'organisation international de la francophonie). Cho tới nay Việt Nam đã tham gia vào nhiều tổ chức khác nhau thuộc cộng đồng Pháp ngữ như Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Hiệp hội quốc tế thị trưởng các thành phố sử dụng một phần hay toàn phần tiếng Pháp (AIMF), Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ (FFA).
Do vậy, việc Việt Nam tuyên bố chính thức công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với các nước thuộc Cộng đồng Pháp ngữ. Hơn nữa chúng ta đã từng và đang có mối quan hệ tốt với nhiều nước đối tác quan trọng không phải là những nước trong khối các nước nói tiếng Anh (Commonwealth). Đó cũng là những điều chúng cũng cần cân nhắc nếu muốn chính thức công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Với những quan tâm nêu trên, để thực sự đưa được tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai ở nước ta thì cần có sự quyết tâm chính trị rất lớn và sự đồng thuận cao vì sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam trước đòi hỏi của thời đại.
Trước hết cần có chủ trương định hướng của Đảng, trên cơ sở đó Chính phủ cần xây dựng được một đề án tổng thể và toàn diện về vấn đề này.
Một đề án như vậy phải xác định được mục tiêu rõ ràng đến lúc nào và đạt được chuẩn mực nào thì tiếng Anh có thể được công nhận chính thức là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.
Đề án đó phải xác được lộ trình cụ thể không chỉ cho việc đào tạo và sử dụng tiếng Anh mà cũng cần xác định lộ trình cho việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cần thiết. Hơn nữa, công tác truyền thông cũng hết sức quan trọng để tạo ra được sự thống nhất về nhận thức, có sự đồng thuận và quyết tâm hành động cao trong toàn xã hội.
GS.TS, NGND Nguyễn Xuân Trạch
Theo Dân trí
Giáo sư Việt tại Mỹ: "Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, chiến lược cần có trước" Chỉ ra rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để vươn ra thế giới, GS. Trương Nguyện Thành (Trường Đại học Utah, Mỹ) hoàn toàn ủng hộ việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Vị giáo sư Việt tại Mỹ cho rằng, chính sách là tầm nhìn dài hạn còn khó...