Những ’siêu bom nhái’ nổi tiếng khiến khán giả nhầm lẫn
“ Transmorphers” hay “ Snakes on a Train” là những tựa phim dễ gây hiểu lầm cho người hâm mộ. Đơn giản bởi chúng đến từ Asylum, một tập đoàn chuyên nhái phim bom tấn.
Ra đời từ năm 1997, hãng phim độc lập The Asylum sớm gặp tai tiếng từ những năm đầu thế kỷ XXI khi chuyên làm ra những bộ phim nhái ăn theo các siêu phẩm điện ảnh của Hollywood. Tất cả những bộ phim này đều có kinh phí đầu tư cực thấp và được phát hành thẳng ra đĩa DVD. Phần lớn những bộ phim này có chất lượng khá tệ.
Video đang HOT
Bộ phim “nhái” đầu tiên của hãng, cũng là bộ phim “trộm ý tưởng” nhẹ nhàng nhất là Vampires vs. Zombies (2004). Nhìn vào poster và tiêu đề của phim, người hâm mộ phim kinh dị nhận ra ngay Vampires vs. Zombies nhái ý tưởng củaFreddy vs. Jason được ra mắt một năm trước đó. Tuy nhiên, nội dung hai phim lại khá khác biệt, khi Vampires vs. Zombies dựa trên cuốn tiểu thuyết Carmilla của nhà văn J. Sheridan Le Fanu. Lúc này, hãng Asylum vẫn chưa được nổi danh cho lắm.
Một năm sau, Asylum mạnh tay hơn khi cho ra mắt H. G. Wells’ War of the Worlds, nhái từ bom tấn War of the Worldscó tài tử Tom Cruise thủ vai chính. Tuy có kịch bản gần như hoàn toàn trùng khớp, hãng Asylum chống chế khi bị kiện cáo rằng cả hai bộ phim đơn thuần chỉ cùng “dựa trên một tác phẩm văn học”.
Ngay sau đó, hãng Asylum “được thời” mà tiếp tục cho ra mắt King of the Lost World. Tuy tựa đề được dựa trên cuốn tiểu thuyết The Lost World của nhà văn Arthur Conan Doyle, nhưng bộ phim thực chất là “hàng nhái” của bom tấn King Kong phiên bản làm lại do đạo diễn Peter Jackson thực hiện. Diễn biến của The Lost World gần như sao chép y nguyên bộ phim bom tấn, chỉ có điều là thiếu vắng sự có mặt của kiều nữ Naomi Watts xinh đẹp.
Năm 2006 là khoảng thời gian bùng nổ của Asylum khi hãng lần lượt cho ra đời năm “siêu bom tấn nhái” (mockbuster) làSnakes on a Train, The Da Vinci Treasure, When a Killer Calls, Pirates of Treasure Island và Hillside Cannibals. Trong đó bộ phim đầu tiên nhái theo Snakes on a Plane, The Da Vinci Treasure hiển nhiên nhái từ The Da Vinci Code,When a Killer Calls nhái từ phim kinh dị When a Stranger Calls của Columbia Pictures, Pirates of Treasure Island nhái theo loạt phim Cướp biển Caribê lừng danh. Bộ phim cuối cùng đặc biệt hơn một chút: Hillside Cannibals nhái tựa đề của The Hills Have Eyes, nhưng lại lấy ý tưởng kịch bản từ ba phim kinh dị khác là Cannibal Holocaust, The Texas Chainsaw Massacre và House of 1000 Corpses.
Những năm tiếp theo, hãng Asylum tiếp tục đi tiên phong trong việc… “ăn cắp” kịch bản phim bom tấn. Nhiều tựa phim được sản xuất đồng loạt đến mức khán giả yêu phim từng nghĩ rằng các đạo diễn của Asylum phải cực kì siêng năng quay ngày quay đêm mới kịp tiến độ này. Một cái tên tiêu biểu là Transmorphers (2007), nhái từ siêu bom tấnTransformers của đạo diễn Michael Bay. Đây cũng là bộ phim nhái hiếm hoi của hãng có phần tiếp theo làTransmorphers: Fall of Man (2009). Siêu phẩm 2012 của Roland Emmerich ra mắt hồi năm 2008 cũng chịu chung số phận, khi cùng năm đó, Asylum quyết định cho ra đời… trilogy về ngày tận thế gồm 2012: Super Nova, 2012: Doomsday và 2012: Ice Age.
Chán chê với việc nhái phim, hãng Asylum quyết định làm tiếp… phần hai cho bộ phim tình cảm Titanic vào năm 2010, với nội dung và dàn diễn viên hoàn toàn không liên quan gì tới phiên bản cũ. Đó cũng là năm mà Sir Arthur Conan Doyle’s Sherlock Holmes được hãng này phát hành. Tuy nhiên, giới phê bình lại dành những thiện cảm nhất định cho bộ phim. Bởi tuy ra mắt chỉ sau Sherlock Holmes của Robert Downey Jr. một năm, phiên bản phim của Asylum lại là một câu chuyện hoàn toàn độc lập. Dẫu còn lộn xộn với sự xuất hiện của… khủng long và robot, đây được coi là bộ phim khá khẩm nhất mà Asylum từng thực hiện.
Trong năm 2014, ngoài những dự án vô thưởng vô phạt về phần tiếp theo của quái vật MegaShark (thường được coi là linh vật của Asylum), hãng này còn cho ra mắt hai “siêu phẩm nhái” là Apocalypse Pompeii (nhái từ Pompeii của đạo diễn Paul W. S. Anderson) và Mercenaries (nhái theo phần ba sắp ra mắt của The Expendables). Xem ra doanh thu từ những bộ phim trước vẫn còn đủ “bù lỗ” để hãng Asylum tiếp tục tồn tại và cho ra đời những “siêu phẩm nhái”.
Theo zing