Những sáng tạo bất ngờ của học sinh
Hơn 20 đề tài sáng tạo từ các nhóm HS THCS và THPT TP.HCM tại vòng chung kết cuộc thi “Thử thách sáng tạo trẻ với bo mạch Intel Galileo 2014″ gây bất ngờ cho mọi người.
Dù còn nhỏ tuổi, chỉ mới tiếp cận công nghệ lập trình, sáng tạo robot nhưng các nhóm học sinh đã mang đến cuộc thi rất nhiều ý tưởng, mô hình sáng tạo hay, sát với thực tế như máy khắc laser, thùng rác thông minh, robot thu hoạch mủ cao su, robot thăm dò lúc hỏa hoạn…
Nguyễn Dương Kim Hảo (ngồi) trò chuyện với các bạn học sinh về chiếc máy khắc laser của mình.
Sản phẩm của chàng học sinh lớp 8
Những năm gần đây, công dân trẻ TP.HCM Nguyễn Dương Kim Hảo (học sinh lớp 8/8 trường THCS Nguyễn Gia Thiều) đoạt hàng loạt giải thưởng về tin học, công nghệ lập trình từ cấp thành phố đến trung ương.
Đến với cuộc thi lần này, Kim Hảo tiếp tục trình làng mô hình sáng tạo “Máy khắc laser” với công dụng vẽ tranh bằng tia laser đốt nóng.
Video đang HOT
Kim Hảo chia sẻ: “Ở cuộc thi này với đề bài là sáng tạo có ứng dụng bo mạch Intel Galileo làm mạch xử lý trung tâm, em muốn tận dụng hết những ưu điểm của bo mạch này để làm một sản phẩm mới lạ, ấn tượng. Đó là khả năng xử lý hình ảnh, hoạt động đa nhiệm đến khả năng hoạt động một thời gian dài với độ chính xác cao”.
“Máy khắc laser” là một máy vẽ hình bằng tia laser lên gỗ, giấy hoặc những vật liệu mà tia laser có thể đốt cháy được.
Bước đầu hình ảnh sẽ được chụp vào điện thoại, sau đó gửi qua bo mạch Galileo bằng Bluetooth, Galileo sẽ xử lý ảnh, hình ảnh đã qua xử lý sẽ được hiển thị lên màn hình gắn trên bàn điều khiển máy.
Người dùng sẽ xem lại và điều chỉnh kích thước, tốc độ vẽ ảnh để có một bức ảnh ưng ý. Ngoài ra người dùng có thể vẽ bản kỹ thuật, vẽ hoa văn, chữ theo yêu cầu.
Tự đánh giá về bản mẫu của chiếc máy laser tự mình làm, Kim Hảo cho biết: “Do trục CNC em mua từ bãi phế liệu nên độ chính xác chưa cao, phải sửa đi sửa lại nhiều lần rất mất thời gian.
Ngoài ra, vì chưa có mạch driver analog cho đèn laser nên hình vẽ chưa được đẹp. Chiếc máy mẫu làm hết khoảng 4 triệu đồng”.
Sắp tới Hảo sẽ tiếp tục nghiên cứu tích hợp công cụ chỉnh sửa ảnh vào phần mềm trên máy tính và điện thoại, để giảm thời gian vẽ cũng như làm nổi bật những chi tiết quan trọng của bức ảnh.
Môi trường vun đắp đam mê sáng tạo
Ngoài đề tài của Nguyễn Dương Kim Hảo vòng chung kết còn có rất nhiều đề tài, ý tưởng, mô hình sáng tạo rất thú vị, sát với thực tiễn của học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM.
Cùng dựa trên nguyên lý sử dụng cảm biến hồng ngoại dò đường, ba học sinh Hà Đức Quang, Văn Duy Bảo, Vũ Minh Phương (trường THPT quốc tế Australian IS & SIC) đã nghiên cứu, chế tạo robot cảnh báo trong trường hợp hỏa hoạn.
Robot có gắn camera, bánh xe với khả năng di chuyển linh hoạt đến các điểm cháy, khói để ghi lại hình ảnh và đo nhiệt độ, báo về máy chủ. Nhóm hi vọng robot hoàn thành sẽ có thể áp dụng để phục vụ công tác dự báo, thăm dò trong các trường hợp hỏa hoạn ở các xí nghiệp rộng hay nhà cao tầng.
Còn nhóm học sinh Nguyễn Quý Hoàng, Hà Tăng Thành Phước, Lê Võ Thanh Sơn (trường THPT Nguyễn Hiền) lại mang đến chung kết đề tài “Thùng rác thông minh”. Thùng rác có khả năng tự động phân loại rác, tự động báo rác đầy thùng đến công nhân vệ sinh đô thị.
Với đề tài này các bạn học sinh mong muốn nếu tiếp tục nghiên cứu, thùng rác thông minh sẽ giúp các đô thị giảm tải được lượng rác thải.
Trong khi đó, nhóm ba học sinh trường THPT Gia Định lại sáng tạo ra robot thu hoạch mủ cao su giúp công nhân giảm bớt khối lượng công việc…
Đánh giá về các đề tài sáng tạo vào vòng chung kết cuộc thi, TS Trần Minh Triết (khoa công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM), giám khảo cuộc thi, cho rằng các đề tài của học sinh đều xuất phát từ thực tế, có tiềm năng áp dụng vào cuộc sống sau cuộc thi.
Các em đã thực hiện, vận dụng tốt kiến thức được học từ lý thuyết đến công đoạn thực hiện ý tưởng của mình. Những sản phẩm robot dù chưa hoàn thiện kết cấu về mặt cơ khí, nhưng robot nào cũng đã vận hành tốt theo ý đồ của các em.
“Tôi hi vọng thông qua những sân chơi sáng tạo như thế này, các em sẽ tiếp tục thỏa đam mê nghiên cứu, sáng tạo và dần dần hoàn thiện những kiến thức, kỹ năng để có thể tiếp tục nghiên cứu những đề tài lớn hơn trong tương lai” – TS Trần Minh Triết cho biết.
Còn theo anh Đoàn Kim Thành – giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), dù đây là sân chơi dành cho lứa tuổi học sinh nhưng các em vẫn có được những đề tài nghiên cứu rất sáng tạo, thực tế. Cuộc thi đã tạo cơ hội, môi trường thúc đẩy, vun đắp cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo robot cho học sinh trên địa bàn thành phố.
Sân chơi sáng tạo của học sinh
Cuộc thi Thử thách sáng tạo trẻ với bo mạch Intel Galileo (Young Makers Challenge) do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp với Intel VN tổ chức là sân chơi khoa học sáng tạo dành cho học sinh THCS và THPT trên địa bàn TP.HCM, với mục đích tạo cảm hứng cho học sinh khám phá ứng dụng thực tiễn của các môn khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học dành cho các “nhà sáng tạo trẻ” sử dụng bo mạch Intel@Galileo – bo mạch vi điều khiển đầu tiên được Intel nghiên cứu và phát triển dành riêng cho ngành giáo dục.
Theo Phước Tuần/Báo Tuổi trẻ