Những sai lầm khi khởi nghiệp
Hai từ khởi nghiệp đã trở nên quá quen thuộc với nhiều bạn trẻ, thế nhưng khi bắt đầu vào con đường khởi nghiệp lại vấp phải nhiều sai lầm rất đáng tiếc, dẫn đến những ‘trận chiến’ tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc và cả tuổi trẻ.
Bạn trẻ giới thiệu về mô hình khởi nghiệp tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2019 – Ảnh: Nữ Vương
Trong hội thảo “Người trẻ khởi nghiệp” nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM diễn ra ngày 19.10, nhiều diễn giả đã giúp người trẻ tháo gỡ những sai lầm đang vấp phải.
Độ tuổi trải nghiệm rất quan trọng
Mở đầu bằng câu chuyện khởi nghiệp thất bại rất đau đớn của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, sáng lập và điều hành Công ty đông trùng hạ thảo Hector, nhìn nhận: “Rất nhiều bạn bảo tốt nghiệp xong là khởi nghiệp, rồi các bạn bán cái gì? Mình luôn tự tin là từ năm lớp 1 đã biết bán hàng ngoài chợ và tự tin chắc chắn bản thân rất giỏi bán hàng. Nhưng sai lầm là quá yêu sản phẩm, quá thích ý tưởng của mình và tưởng đâu là cả xã hội đều thích và chào đón ý tưởng đó…”, chị Tuyết nhớ lại.
Chị Tuyết khuyên sau khi ra trường nên trải nghiệm một thời gian để học được những bài học quý giá trước khi khởi nghiệp. “Khi chúng ta khởi nghiệp thì luôn mơ ước đến câu chuyện có được tập đoàn ngàn tỉ. Nhưng các bạn đã từng làm cho doanh nghiệp nào ngàn tỉ chưa? Có biết đội ngũ của tập đoàn ngàn tỉ đó như thế nào? Phải ở trong ruột của nó mới biết được và học theo để xây dựng”, chị Tuyết nói.
Nhắc đến câu chuyện độ tuổi khởi nghiệp, anh Tạ Xuân Hiển, sáng lập và điều hành Joolux, nhìn nhận: “Mình khởi nghiệp lúc 33 tuổi, nhìn lại thấy tiếc cho thời gian sinh viên chỉ biết học. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã thành công khi khởi nghiệp từ sinh viên nên nếu nói về độ tuổi phù hợp thì không thể nói chắc được, nhưng mình nghĩ là độ tuổi trải nghiệm phù hợp để khởi nghiệp thì đúng hơn”.
Anh Hiển cho rằng khởi nghiệp từ ghế nhà trường cũng là quá trình để trải nghiệm. Có thể chúng ta thất bại nhưng những dự án tiếp theo sẽ có kinh nghiệm để cơ hội thành công cao hơn.
Đồng quan điểm, chị Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc VinTech City, cho rằng không nên nói quá nhiều về độ tuổi, nhưng việc tham gia vào môi trường khởi nghiệp thì nên sớm. “Việc tham gia có nghĩa là có thể vào bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp nào, có thể trải nghiệm từ ghế nhà trường cách thức để bắt đầu một mô hình kinh doanh, cách thức để thuyết trình trước nhà đầu tư… Tức là bất kỳ cơ hội nào để được trải nghiệm môi trường khởi nghiệp thì nên tham gia càng sớm càng tốt, nếu bạn có ý muốn khởi nghiệp”, chị Phi khuyên.
Phải tìm ông đỡ, bà đỡ
Với anh Lê Đăng Khoa (“cá mập” của chương trình Thương vụ bạc tỉ, Chủ tịch HĐQT LeGroup Venture), câu chuyện khởi nghiệp thất bại đầu tiên đã khiến anh có tư duy khởi nghiệp phải cần rất nhiều kinh nghiệm. “Đến bây giờ mình nhận thấy nếu muốn khởi nghiệp thì điều quan trọng không phải là độ tuổi nào, mà bạn biết mình là ai, thiếu gì và tìm ai để lắp vào mảng thiếu đó. Chính vì thế, khi đã tạo được sản phẩm khác biệt, hãy đi tìm bà đỡ hoặc ông đỡ để bù khuyết những mảnh ghép rất lớn của công ty”, anh Khoa khuyên.
Đào Trung Trí Dũng, sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, thắc mắc: “Làm thế nào để em có thể tìm được một người mentor (đỡ đầu, cố vấn) và tiếp cận được với họ?”. Theo anh Khoa, cách nhanh nhất để tìm được người đỡ đầu là hãy làm cho mình tỏa sáng: “Trước đây, tôi chưa bao giờ muốn trở thành ông chủ mà lại muốn trở thành người làm công giỏi nhất. Người làm công giỏi nhất là người mà ai cũng muốn có mình về đội của họ, nên nếu mình tỏa sáng thì tự động sẽ có người tìm đến”.
Video đang HOT
Nhắc đến những sai lầm rất lớn của bạn trẻ khởi nghiệp, anh Khoa cho rằng các bạn luôn nghĩ phần của mình là lớn nhất của công ty nên khi đi gặp nhà đầu tư, các bạn đưa ra 10 – 20% cổ phần mà giống như bố thí. Theo anh Khoa, bạn trẻ phải hiểu giá trị lớn nhất của một công ty là sự sinh tồn và làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể thu được lợi nhuận, xây dựng được thương hiệu bền vững… Phải chủ động gặp nhà đầu tư để họ làm chuyện đó giúp bạn, và thậm chí năn nỉ họ vào công ty của mình.
“100% của công ty phá sản là 0 đồng, là âm tiền. Và chúng ta phải ý thức được chỉ cần 30% của một công ty triệu đô thì đó là một câu chuyện rất khác. Nếu chúng ta có một công ty mà mỗi tháng lợi nhuận vài trăm triệu đồng là câu chuyện rất khác so với việc chỉ có một sản phẩm sáng tạo và suốt ngày đi kêu gọi hết nơi này đến nơi khác chỉ để kiếm tiền sinh tồn thêm vài tháng…”, anh Khoa đặc biệt nhấn mạnh.
Theo chị Phi, nhiều bạn trẻ sợ ý tưởng dễ bị đánh cắp nên không bao giờ mang ý tưởng ra để nói với người khác, nhưng đó là một sai lầm. “Thực ra ý tưởng là cái nên cho không, vì những điều bạn thực thi mới là thứ quyết định. Khi có ý tưởng khởi nghiệp nào đó, hãy nói với nhiều người càng tốt, vì chính họ sẽ phản hồi cho bạn biết ý tưởng đó có khả thi và đã có ai từng làm hay chưa”, chị Phi chia sẻ.
Theo Thanh niên
Phụ huynh: 'Học tốt là đủ, dạy học sinh, sinh viên khởi nghiệp làm gì?'
Hiện chỉ 2-3% học sinh, sinh viên ở Việt Nam khởi nghiệp. Trong khi đó nhiều phụ huynh hỏi dạy học sinh, sinh viên khởi nghiệp làm gì, chỉ cần học tốt là đủ!
Những công nghệ mới được trình bày tại triển lãm trong WHISE 2019 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên không chỉ vì mục đích lập doanh nghiệp, mà là giúp cho các em phát triển tư duy.
Ông Nguyễn Việt Dũng (giám đốc Sở KH-CN TP.HCM)
Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2019 (WHISE 2019) diễn ra ngày 18 và 19-10 với chuỗi hơn 20 chương trình trọng tâm, thu hút khoảng 3.000 người tham dự gồm học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
WHISE 2019 lần thứ 3 do UBND TP.HCM cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
30 phút gọi vốn đầu tư
Tối 17-10, anh Đỗ Thanh Tùng - nhà sáng lập của startup Legend Stocks - bắt chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM để kịp tham dự chương trình Investment Day (18-10), nằm trong WHISE 2019. Investment Day được thiết kế thành dịp giúp startup và nhà đầu tư có thể gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Trong tay Tùng là một nền tảng tư vấn điện tử trên lĩnh vực chứng khoán, mục tiêu dài hạn có thể thay thế mô hình tư vấn truyền thống của các sàn giao dịch hiện nay. Chỉ trong 1 ngày, Tùng nhận được sự quan tâm và tiếp chuyện với tận 6 nhà đầu tư.
"Chúng tôi muốn gọi 200.000 USD cho 15% cổ phần. Kết quả khá tích cực, một số quỹ đề nghị sẽ tiếp tục gặp mặt sau sự kiện" - anh Tùng nói.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương - đồng quản lý Entrepreneurs Hub, đơn vị phối hợp tổ chức Investment Day với Sở KH-CN TP.HCM - cho biết nếu như năm trước, chương trình được làm theo hình thức 10 startup lần lượt thuyết trình cho khán giả và các nhà đầu tư, thì nay chuyển sang hình thức các cuộc trao đổi ngắn trực tiếp giữa 2 bên trong vòng 30 phút.
Trường hợp muốn tìm hiểu thêm, startup và nhà đầu tư có thể gặp nhau trong giờ ăn trưa và ăn tối được ban tổ chức thiết kế cho mục đích kết nối.
Anh Austin Nguyễn - chuyên gia phân tích đầu tư của Tập đoàn NextTech - cho biết những cuộc gặp gỡ trong chương trình đáp ứng được 80% kỳ vọng, do đã có thời gian tìm hiểu từ trước.
"Một trong các tiêu chí của chúng tôi là dựa vào ý tưởng kinh doanh, năng lực đội nhóm và chiến lược hoạt động của họ. Giờ là lúc chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn" - anh Austin nói.
Anh chia sẻ thêm nhờ những sự kiện như Investment Day, các quỹ đầu tư có thể biết thêm tình hình các startup ở 3 miền đang mạnh và thiếu những thứ gì, từ đó có thêm các chiến lược trong tương lai.
Đại học trong sáng tạo khởi nghiệp
Tại Diễn đàn giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ngày 18-10), các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục - khoa học cùng nhấn mạnh vai trò của trường đại học trong việc xây dựng xã hội khởi nghiệp.
TS Kang Hyung-Choo, giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của Đại học Kyungil (Hàn Quốc), cho biết các đại học ở Hàn Quốc thường tranh thủ đăng ký tham gia những quỹ khởi nghiệp dành riêng cho sinh viên từ Chính phủ Hàn Quốc.
Ban đầu chỉ hỗ trợ 15 đại học mỗi năm, đến nay quỹ này trợ giúp cho 43 đại học lớn cả nước, nuôi dưỡng được 5.398 startup và tạo việc làm cho 15.170 lao động trong giai đoạn 2011-2017.
"Hằng năm ở Hàn Quốc có khoảng 3.300 lớp học startup cho học sinh, sinh viên, và khoảng 400 lớp cho những người ngoài có nhu cầu" - ông Kang nói.
Ông cho biết thêm đại học luôn tạo môi trường xây dựng ý tưởng startup. Hằng năm, trường chọn ra 16 ý tưởng của sinh viên và đầu tư với kinh phí khoảng 1,2 tỉ đồng cho mỗi dự án.
"Trường lập ra đến 5 trung tâm khởi nghiệp, trong đó có các bộ phận cố vấn kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh, marketing cho sinh viên vốn chưa nhiều kinh nghiệm. Những câu lạc bộ khởi nghiệp cũng được đẩy mạnh, bên cạnh các lớp định hướng ý tưởng, hỗ trợ các bạn đưa ra ý tưởng riêng cho mình" - ông Kang nói.
Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, cho biết từng gặp nhiều phụ huynh chia sẻ: dạy học sinh, sinh viên khởi nghiệp làm gì, chỉ cần học tốt là đủ! Ông chia sẻ cần thay đổi cách nhìn về khởi nghiệp trong môi trường đại học và cả phổ thông, trong đó định rõ mục tiêu của những hoạt động này sẽ đem lại cho học sinh, sinh viên những giá trị hay kinh nghiệm gì giúp ích sự nghiệp và cuộc sống tương lai.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi - giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, câu chuyện khởi nghiệp cần kiên trì mới đem lại kết quả, nhất là trong môi trường giáo dục. Ông cho biết hiện chỉ 2-3% học sinh, sinh viên ở Việt Nam khởi nghiệp, do đó cần dần nâng cao nhận thức, giúp giới trẻ thích thú và mong muốn trải nghiệm khám phá về startup.
"Một trong những hoạt động có thể đẩy mạnh là thông qua các cuộc thi ý tưởng" - ông Thi nói.
* Chị Trương Lý Hoàng Phi (phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM): Khởi nghiệp từ khi nào?
Thật sự ở mọi lứa tuổi đều có thể khởi nghiệp, từ 20, 30 đến tận những năm 60 tuổi. Tuy nhiên, theo tôi, không nên nói quá nhiều vào thời gian khởi nghiệp mà cần đề cập đến việc tham gia vào hoạt động khởi nghiệp từ sớm.
"Tham gia" ở đây có thể là hỗ trợ, làm việc trong một công ty, dự án startup, đăng ký những cuộc thi khởi nghiệp, tìm hướng đi những bài toán thực tế... càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp bạn tích lũy những kinh nghiệm khi còn trẻ.
Đến khi bắt đầu một mô hình khởi nghiệp, thời gian thích hợp hay không là tùy vào mỗi người cảm thấy sự nghiêm túc và độ chín của mình. Tuy nhiên, gần như ai cũng phải liên tục học tập sau khi bắt đầu khởi nghiệp.
* Nhà đầu tư Lê Đăng Khoa (Shark Khoa): Ý tưởng ở mọi nơi
Mới đây, tôi có đầu tư cho 1 startup là nhà sáng lập chỉ mới... 17 tuổi, nhưng điều bất ngờ hơn là bạn ấy đã bắt đầu bắt tay vào viết code từ năm 12 tuổi. Hay gần đây, tôi tham dự một chương trình khởi nghiệp do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức - ngôi trường thiên về xã hội hơn là kinh tế. Tuy nhiên, chỉ trong 1 buổi bán kết, tôi đã ấn tượng và gần như muốn đầu tư lập tức vào 4 dự án của các bạn sinh viên.
Qua đó có thể thấy ý tưởng khởi nghiệp hay có thể đến từ mọi lứa tuổi, với mọi ngành nghề. Điều quan trọng là trong quá trình khởi nghiệp, cần biết mình thiếu gì và tìm ai để lắp vào khoảng trống đó.
Theo tuoitre
Xây dựng đại học khởi nghiệp: Nhiều thách thức bủa vây Dù đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, khơi gợi lên tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ nhưng các trường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Đề án 1665 "Hỗ trợ học sinh, sinh viên (SV) khởi nghiệp đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ, nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nhiều địa phương triển...