Những rào cản ngăn thế hệ trẻ Việt Nam học tập
Bạo lực học đường, chi phí học tập, việc học thêm, áp lực thể hiện hay khoảng trống kỹ năng là những rào cản với giáo dục được các bạn trẻ chỉ ra.
Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được Hội đồng Anh công bố tháng 8 cho thấy quan điểm của người trẻ ở nhiều khía cạnh, trong đó có giáo dục. Qua khảo sát 1.200 người Việt từ 16 đến 30 tuổi đến từ các vùng địa lý và tầng lớp xã hội khác nhau, đa số lạc quan về hệ thống giáo dục quốc dân. 77% đồng ý chất lượng giáo dục Việt Nam đang cải thiện và 76% cảm thấy Chính phủ có các chính sách giáo dục tốt. Tuy nhiên, người trẻ Việt cũng chỉ ra nhiều rào cản với giáo dục.
Học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Thứ nhất là bạo lực học đường đang gia tăng dù hệ thống giám sát của nhà trường và sử dụng mạng xã hội ngày càng phát triển. Trong đó phổ biến là bạo hành cảm xúc và tinh thần trong trường học, gồm bắt nạt, nhạo báng, mắng mỏ. Điều này thống nhất với số liệu từ OECD năm 2019 cho thấy 27% học sinh Việt Nam cho biết đã bị bắt nạt ít nhất vài lần một tháng.
Một nam sinh ở An Giang (nhóm 16-19 tuổi) nói trong nhóm thảo luận chung: “Bây giờ có hình thức bạo hành mới, chính là chê bai ngoại hình. Kiểu này thậm chí còn gây đau đớn hơn cả bạo hành thể xác”.
Những người đã trở thành phụ huynh cũng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn sâu với nhóm nghiên cứu về lo ngại liên quan đến sự an toàn của con cái, đặc biệt lo lắng con có thể bị bạo hành thể xác ở trường. Các cuộc thảo luận nhóm cũng đề cập bạo hành thể xác trong trường học, nhất là giữa học sinh và coi đó có thể là yếu tố dẫn đến việc bỏ học giữa chừng.
Học phí, cả cho học chính khóa và học thêm, cũng là một trong những rào cản ngăn người trẻ học tập. Đồng nhất với kết quả nghiên cứu của Anh (2009) và OECD (2017), những người tham gia phỏng vấn sâu thuộc nhóm thu nhập thấp và thảo luận nhóm chia sẻ nếu gia đình gặp khó khăn tài chính, hệ quả thường là bỏ học giữa chừng.
Một học sinh chia sẻ “kết quả học tập của em đạt loại giỏi nhưng em cảm thấy gia đình không thể lo cho em đi học được nữa, nên em chọn nghỉ học, và cha mẹ cũng không phản đối”. Điều này không hiếm, đặc biệt ở nông thôn. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể chỉ cần con học vừa đủ để kiếm được việc và kiếm tiền hỗ trợ gia đình.
Tài chính ổn định là mong muốn của nhiều người Việt trẻ. Vì vậy, nhiều học sinh, sinh viên không muốn học lên cao mà muốn đi kiếm tiền ngay. Một sinh viên đại học ở ven đô Hà Nội trong nhóm thảo luận cho biết đã bỏ học ngay khi kiếm được việc làm bán thời gian.
Rào cản khác được các bạn trẻ nhắc tới là việc học thêm. Theo khảo sát đại diện toàn quốc, khoảng 68% người trả lời cảm thấy cần học thêm để có thể học tốt ở Việt Nam. Khi được hỏi trong thảo luận nhóm, đa số cho biết cảm thấy áp lực trước việc phải đi học thêm hoặc học gia sư ngoài giờ chính khóa. Áp lực này đến từ bạn bè hoặc giáo viên, những người có thể ép họ học thêm nhiều giờ sau chính khóa để biết nội dung mà nếu không học thêm thì sẽ không biết.
Video đang HOT
“Học thêm là cần thiết vì giờ học trên lớp ngắn lắm. Hơn nữa, giáo viên thường hay cho bọn em mẹo để làm bài tập về nhà. Nhiều người cũng học thêm vì không muốn bị giáo viên trù”, một người đến từ An Giang, nhóm tuổi 20-24 cho hay. Nhiều người khác cũng đồng tình với ý kiến này, cho rằng giáo viên đôi lúc không giảng hết trên lớp để ưu tiên cho những học sinh học lớp học thêm của họ.
Ngoài ra, nhiều người đi học thêm các kỹ năng ít được học trong trường như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán. Một thanh niên ở TP HCM cũng chỉ ra thực trạng việc dạy thêm, học thêm tiếp diễn dù luật cấm bởi giáo viên, đặc biệt ở trường công, vẫn cần kiếm thêm tiền vì lương chính của các thầy cô rất thấp.
Tỷ lệ theo vùng miền và trình độ học vấn đồng ý với phát ngôn bạn cần học thêm để học tốt ở Việt Nam (n là số người tham gia trả lời). Biểu đồ: Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một rào cản nữa là áp lực phải học giỏi từ gia đình. 38% người tham gia khảo sát cho biết cảm thấy áp lực khi phải học theo lựa chọn của gia đình. Những người trẻ trong các nhóm thảo luận tập trung cho rằng bố mẹ và các nhà tuyển dụng thường ưu tiên kết quả thi. Điều này dẫn đến một số tệ nạn như sửa điểm thi, làm bằng giả và cũng dẫn đến việc phải học thêm như đã nói ở trên.
Khoảng trống kỹ năng cũng là lo ngại của người trẻ Việt Nam. Một nam sinh độ tuổi 16-19 cho biết “kỹ năng và kiến thức chúng em học ở trường chỉ đáp ứng khoảng 30% kỹ năng cần cho công việc tương lai”.
Những người tham gia khảo sát chỉ ra tính phi ứng dụng của chương trình học Việt Nam cho những nhóm cá nhân đặc thù chính là một trong những nguyên nhân chính cho tỷ lệ bỏ học. Thực tế, một số ít cá nhân chủ động bỏ học vì không chắc liệu học hành có giúp họ kiếm được việc trong tương lai hay không. Một số khác tin thị trường lao động không còn trọng bằng cấp như trước đây, họ chọn bỏ học chính quy, đăng ký đào tạo nghề và đi làm.
Báo cáo nghiên cứu cho rằng giáo dục chính quy dường như không cung cấp được bộ kỹ năng đầy đủ cần thiết cho khả năng được tuyển dụng vào thế kỷ 21, ví dụ giao tiếp, sáng tạo, tư duy phản biện và một số kỹ năng mềm khác. Người tham gia khảo sát cũng cho biết thường không nhận được tư vấn về nghề nghiệp hoặc thiếu kiến thức về thị trường lao động.
Cũng theo báo cáo được Hội đồng Anh, với những người ở vùng nông thôn, thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số hoặc có khuyết tật thể chất, khoảng cách và cách đến trường cũng là rào cản, khiến việc học tập thêm khó khăn.
Nghiên cứu thế hệ trẻ (Next Generation) là dự án nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Anh, được khởi xướng tại các quốc gia đang trong giai đoạn có những thay đổi đáng kể. Mục tiêu của chương trình là đảm bảo tiếng nói của giới trẻ được lắng nghe và lợi ích của họ được thể hiện phù hợp trong các quyết định mang tính ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của họ.
Dự án nghiên cứu lần này nhằm lắng nghe quan điểm của giới trẻ về giáo dục, việc làm và lối sống hiện tại cũng như để hiểu được những hy vọng và lo lắng của họ về đất nước. Nghiên cứu cũng tìm hiểu về mức độ tương tác quốc tế của giới trẻ, quan điểm và suy nghĩ của họ về một thế giới rộng lớn cùng với những giá trị và niềm tin ảnh hưởng tới họ trong cuộc sống
'Đội quân đông nhưng không có kỹ năng thì không có chiến thắng lớn được'
Đó là phát biểu của TS. Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo - trong tọa đàm công bố báo cáo Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam tại Hà Nội.
TS. Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh: HỒNG QUÂN
Một nghiên cứu toàn diện về thế hệ trẻ Việt Nam
Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam phỏng vấn và khảo sát 1.200 người Việt từ 16 đến 30 tuổi đến từ các vùng địa lý và các tầng lớp xã hội khác nhau. Đây là dự án nghiên cứu toàn diện đầu tiên của Hội đồng Anh về thái độ của giới trẻ đối với các vấn đề liên quan như: giáo dục và việc làm, môi trường, đời sống xã hội và công nghệ.
Nổi bật trong báo cáo, nhiều bạn trẻ đã đưa ra các đề xuất, giải pháp cho một vấn đề xã hội đang được quan tâm hiện nay - vấn nạn tham nhũng. Các bạn cho rằng cần tăng thu nhập cán bộ cơ quan Nhà nước, quy trình xử phạt minh bạch... từ đó hạn chế tình trạng tham nhũng.
Báo cáo cũng cho biết, 77% người trẻ được phỏng vấn có quan điểm tích cực về hệ thống giáo dục Việt Nam, đã chuẩn bị tốt cho cuộc sống mọi người, thay đổi kinh tế xã hội, tạo nhiều nghề nghiệp tốt hơn, cải thiện chuẩn mức sống.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thụ hưởng nền giáo dục nước ngoài có việc làm tốt hơn bạn bè trang lứa trong nước, 73% số người khảo sát cho biết.
Thế hệ trẻ cần chuẩn bị sẵn sàng cho 10, 15 năm tới
Trong khuôn khổ tọa đàm, TS. Bùi Văn Linh cho biết sự phát triển phải có cốt lõi là nguồn nhân lực, "đội quân đông nhưng không có kỹ năng thì không có chiến thắng lớn được" - ông nhấn mạnh.
Ông Linh cũng cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chiếm gần 1/4 dân số (gần 24 triệu học sinh, sinh viên). Trong 10, 15 năm tới, trụ cột quan trọng nhất là luật Giáo dục 2019. Ngày nay, học sinh, sinh viên phải có tư duy phản biện, hoàn thiện tư duy, tự thích ứng với thay đổi môi trường xã hội.
"Để các bạn trẻ ra trường rồi mới xây dựng các kỹ năng chuyển đổi là rất muộn. Phải bắt đầu từ mầm non, việc phát triển các kỹ năng tình cảm xã hội (giao tiếp với nhau, tư duy phản biện, làm việc nhóm, ...) giúp thế hệ trẻ có sự chuẩn bị trong 10, 15 năm tới có những công việc gì, tự thích ứng, tự đáp ứng các môi trường khác nhau - bà Hoàng Vân Anh - giám đốc Các chương trình Giáo dục vã Xã hội, Hội đồng Anh tại Việt Nam - khẳng định.
Bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc Các chương trình Giáo dục vã Xã hội, Hội đồng Anh tại Việt Nam phát biểu tại chương trình - Ảnh: HỒNG QUÂN
Không có môn học kỹ năng chuyển đổi chuyên biệt mà cần các thầy cô thay đổi, xây dựng hệ thống giáo dục - bà Vân Anh nhấn mạnh.
Tiếng nói của thế hệ cần được lắng nghe
Ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - phát biểu: Ngày nay, thế hệ trẻ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe, đó là điểm chung mọi quốc gia trên thế giới, quan tâm sự thay đổi xã hội, vấn đề tinh thần khởi nghiệp, tính tự do, giá trị cá nhân, môi trường...".
Ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam có thái độ tích cực trong công việc, ngoại ngữ đã được cải thiện rất nhiều, có nhiều cơ hội hơn thế hệ trước - Ảnh: HỒNG QUÂN
Bà Donna Mc Gowan - giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam - cho biết việc nghiên cứu thế hệ trẻ được thực hiện tại 10 quốc gia, tiếng nói của những người trẻ sẽ là những gợi ý, giải pháp để giải quyết các vấn đề trong xã hội.
PGS.TS Trần Xuân Bách - Tổng thư ký mạng lưới tri thức trẻ toàn cầu Việt Nam - cho rằng: "Thế hệ trẻ tương lai là những người thụ hưởng chính những gì chúng ta đầu tư ngày hôm nay, nền giáo dục đổi mới hơn, cơ hội rộng mở hơn, sinh ra trong môi trường toàn cầu hóa".
Đại diện cho tiếng nói của thế hệ trẻ, Trần Việt Anh - người sáng lập diễn đàn Spiderum - cho rằng, mạng xã hội là nguồn thu thập thông tin rất nhanh, càng ngày càng có nhiều vai trò trong cuộc sống người trẻ. Nhưng chúng ta đang thiếu sự dẫn dắt từ gia đình.
Một vấn đề nữa, đó là ngày xưa khi không có Internet, chúng ta thiếu thông tin còn ngày nay là thừa thông tin, thiếu màng lọc sẽ có ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ về các vấn đề xã hội.
Top những trường Đại học có học phí thấp nhất Việt Nam, chưa đến 10 triệu/năm Bên cạnh chất lượng đào tạo thì tiền học phí cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của học trò khi cân nhắc chọn 1 trường đại học. Chi phí học tập, sinh hoạt cho bốn năm đại học là một khoản tiền không hề nhỏ, nhất là đối với những bạn sinh viên tỉnh lẻ gia đình còn nhiều khó...