Những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn châu Âu và Bắc Mỹ
Từng ghi nhận tỉ lệ tử vong cao trong đại dịch COVID-19, nhưng nhiều quốc gia Mỹ Latinh đang lội ngược dòng một cách ngoạn mục, trở thành nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn cả các quốc gia phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Người đàn ông nhận được liều tăng cường của vaccine Abdala ở Havana, Cuba hôm 10/12. Ảnh: Reuters
Lội dòng ngoạn mục
Theo kênh CNN, chỉ 6 tháng trước, khu vực Mỹ Latinh và Caribe khi đó chiếm gần một nửa số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho biết việc triển khai vaccine chậm chạp trong thời gian đầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins, khu vực này hiện chỉ chiếm khoảng 10% số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên toàn cầu.
Số liệu của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) chỉ ra rằng trong nửa cuối năm nay, một số quốc gia Mỹ Latinh đã nhận được nguồn vaccine khá dồi dào từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và các loại vaccine nội địa tự sản xuất. Cuba, Chile và Brazil là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao hàng đầu trên thế giới.
Một trong những nguyên nhân mang lại thành công cho những chiến dịch tiêm chủng này đó là nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh có chương trình tiêm chủng quốc gia lâu đời và đáng tin cậy phòng các bệnh khác, chẳng hạn bại liệt.
Trong số đó, Cuba dường như là minh chứng nổi bật nhất cho thành công của chương trình tiêm chủng nhờ vào vaccine nội địa. Quốc gia này hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực – và là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới – với 84,1% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, theo PAHO. Vào tháng 9, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 đại trà cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Vaccine “cây nhà lá vườn” do Cuba chế tạo đã được các cơ quan quản lý phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào mùa hè qua. Các nhà khoa học cho biết vaccine này an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Chính phủ Cuba cũng đã nộp đơn đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt cho vaccine của mình hồi tháng 9.
Người dân đi dạo trong một khu chợ nổi tiếng trước Giáng sinh ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Reuters
Trong khi đó Brazil, nơi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới, đã vượt qua những ngày đen tối nhất của đại dịch, nhờ chương trình tiêm chủng thành công. Các thành phố lớn như Rio de Janeiro và Sao Paulo báo cáo trên 99% dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Theo số liệu của PAHO tính đến ngày 23/12, Brazil đã tiêm tổng cộng hơn 315 triệu liều vaccine, với 65,7% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Video đang HOT
Kỷ lục của Chile thậm chí còn xuất sắc hơn – với 85,6% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Uruguay đã tiêm chủng cho 76,6% dân số và tỷ lệ tiêm chủng của Argentina hiện đạt mức 70%.
Ở Ecuador, 69,1% dân số đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Tại quốc gia này, việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ được thực hiện bắt buộc đối với những người đủ điều kiện từ 5 tuổi trở lên, theo Bộ Y tế Ecuador. Ecuador cũng trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh áp dụng tiêm chủng bắt buộc cho toàn bộ dân số đủ điều kiện. Thông cáo của Bộ Y tế cho biết yêu cầu này sẽ không áp dụng với những người đã có các tình trạng bệnh lý nền.
Tại Peru, nơi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới, 63,9% dân số đủ điều kiện hiện đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo báo cáo của PAHO, tính đến ngày 22/12, hơn 868 triệu liều vaccine đã được phân phối ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Khoảng 62% dân số Mỹ Latinh đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ này cao hơn so với 60,7% tại châu Âu, 56% tại Bắc Mỹ, theo dữ liệu của Our World in Data, dự án nghiên cứu đại dịch thuộc Đại học Oxford của Anh. Ở châu Phi, chỉ 8,8% dân số đã hoàn thành chế độ tiêm chủng đầy đủ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại La Rural, ở Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Reuters
Tỷ lệ không đồng đều
Tuy nhiên, PAHO cảnh báo rằng việc tiêm chủng ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa đồng đều. Một số quốc gia khó đạt được mục tiêu tiêm chủng 40% vào cuối năm và nhiều quốc gia chỉ đạt trên ngưỡng 50% dân số tiêm chủng đầy đủ.
Các quốc gia vẫn đang vật lộn với tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khu vực bao gồm Jamaica và Guyana thuộc Pháp, nơi chỉ có lần lượt 18,7% và 25,4% người dân được tiêm chủng đầy đủ. Trong số các quốc gia lớn hơn trong khu vực, Mexico mới chỉ vượt qua ngưỡng 50%.
Trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng, giống như ở nhiều nơi trên thế giới, Mỹ Latinh đang bắt đầu chứng kiến sự gia tăng mạnh các trường hợp mắc COVID-19. Trong tuần tính đến ngày 23/12, châu Mỹ (bao gồm Mỹ và Canada) ghi nhận trên 1,1 triệu ca mắc COVID-19 mới, tăng 6% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, phần lớn các ca mắc đều được ghi nhận ở Mỹ. PAHO cho biết tổng số ca COVID-19 ở Nam Mỹ đã giảm 10,7% và số ca tử vong giảm 6,3% trong tuần đó.
Dòng người chờ bên ngoài một trung tâm tiêm chủng ở La Paz, Bolivia. Ảnh: Reuters
Bolivia là một ngoại lệ với số ca mắc tăng mạnh. Một số quốc gia khác ở vùng Caribe cũng ghi nhận số ca mắc tăng 16%.
Cùng với việc nhập khẩu vaccine, Mỹ Latinh hiện đang thúc đẩy mạnh việc sản xuất vaccine nội địa. Trong tháng này, Tổng Giám đốc PAHO Carissa Etienne đã hoan nghênh việc WHO phê duyệt vaccine AstraZeneca do Argentina và Mexico hợp tác sản xuất lần đầu tiên ở Mỹ Latinh.
“Đây là một cột mốc quan trọng đối với châu Mỹ Latinh và thể hiện rõ tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường sự sẵn có của vaccine COVID-19 chất lượng trong khu vực”, bà Etienne cho biết.
Tỷ lệ tiêm chủng tại Ấn Độ bứt tốc nhờ thay đổi nhận thức về vaccine COVID-19
Ngồi trên một chiếc giường dệt vải truyền thống của Ấn Độ, Dheen Mohammad miễn cưỡng cho biết rằng ông đã tiêm vaccine COVID-19 vào tuần trước.
Ông Deen Mohammad và các thành viên trong gia đình tại làng Chandeni ở huyện Nuh, bang Haryana, Ấn Độ. Ảnh: Straitstimes
Theo tờ Straitstimes, ông Dheen Mohammad, nông dân 65 tuổi sống tại làng Chendeni ở Nuh, một trong những huyện lạc hậu nhất của đất nước ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ. Nhiều nhân viên y tế và giới chức địa phương đã phải rất vất vả để vận động người dân ở khu vực này đi tiêm chủng.
Vào đầu tháng 11, huyện Nuh bị xếp vào danh sách 50 khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất Ấn Độ. Vào thời điểm đó, giới chức bang Haryana cho biết chỉ có khoảng 35% trong số 164.000 người đủ điều kiện tiêm chủng đã tiêm một mũi vaccine COVID-19.
Giống như đại đa số người dân ở đây, ông Dheen Mohammad, rất lo sợ việc tiêm vaccine. Ông cho biết tiêm chủng sẽ dẫn đến vô sinh hoặc thậm chí tử vong. Nhưng quan điểm này đã dần thay đổi khi mọi người bắt đầu thấy hàng xóm của mình và những người dân làng khác đi tiêm chủng. Giới chức cam kết sẽ hỗ trợ 1 triệu rupee (302 triệu đồng) quỹ cơ sở hạ tầng cho những ngôi làng có người dân đi tiêm phòng đầy đủ.
Nhiều trung tâm tiêm chủng được đặt bên bên ngoài các điểm hỗ trợ gạo và các loại ngũ cốc cho người dân. Giới chức địa phương đã gây áp lực lên người dân với tuyên bố nếu không đi tiêm phòng, họ sẽ không được nhận thực phẩm.
Ông Dheen Mohammad nói với The Straitstimes: "Chúng tôi sợ rằng sẽ không nhận được hỗ trợ nên sau đó mọi người đều đi tiêm phòng. Bây giờ bất cứ điều gì phải xảy ra sẽ xảy ra".
Nhân viên y tế được tiêm vaccine AstraZeneca tại một trung tâm y tế ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Dù là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, song chương trình tiêm chủng của Ấn Độ khởi đầu rất chậm chạp. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ hai khốc liệt càn quét nước này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Chính phủ Ấn Độ phải tạm hoãn xuất khẩu vaccine, tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước để đối phó với biến thể Delta.
Cho đến nay, khoảng một nửa dân số Ấn Độ đã được tiêm phòng đầy đủ, nước này về cơ bản đã kiểm soát được các ca COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách khá xa để họ đạt được mục tiêu của mình, trong đó có việc tiêm nhắc lại, tiêm chủng cho phụ nữ và trẻ em. Ấn Độ vẫn đang chìm trong cơn ác mộng do dự tiêm vaccine.
Ở Nuh, tình trạng này đang được giải quyết thông qua sự kết hợp của nhiều biện pháp, như thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân và các nhà lãnh đạo tôn giáo trong khu vực khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Kể từ tháng 11, tỷ lệ tiêm chủng ở Nuh đã tăng gấp đôi, với 61% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Các doanh nghiệp địa phương đóng một vai trò quan trọng trong sự thay đổi này. Để thuyết phục người dân tiêm vaccine, họ tuyên bố sẽ chiết khấu và tặng quà cho người đã tiêm chủng. Các hiệu thuốc sẽ giảm giá 10% cho khách hàng và các trạm xăng tặng phiếu chiết khấu 0,5 rupee cho mỗi lít xăng.
Một phụ nữ đi ngang qua bức tranh vẽ Thủ tướng Narendra Modi trên đường phố ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Trong hơn 1 tháng rưỡi qua, ông Sunil Bansal, chủ cửa hàng bán xe máy Sunil Motors, đã tặng 300 chiếc mũ bảo hiểm và bữa ăn tối cho khách hàng đã tiêm vaccine. Trên khắp Ấn Độ, các biện pháp khuyến khích tương tự cũng đang được triển khai để thúc đẩy người dân đi tiêm chủng.
Tại quận Karur ở Tamil Nadu, chính quyền đã tổ chức một chương trình bốc thăm may mắn. Giải thưởng cho những người tham dự bao gồm máy giặt, máy xay và nồi áp suất. Tại huyện Rajkot ở Gujarat, những người thợ kim hoàn cũng cam kết tặng khuyên mũi bằng vàng cho phụ nữ nếu họ đi tiêm phòng.
Song thách thức quan trọng nhất vẫn là tiêm phòng cho phụ nữ, đây vốn là điều khiến bà Archana Kapoor luôn bận tâm. Bà Kapoor là người sáng lập Smart, một tổ chức phi chính phủ điều hành Radio Mewat, một đài phát thanh cộng đồng. Tổ chức của bà hiện có 106 tình nguyện viên đang thực hiện tiêm vaccine cho 1.300 người/ngày.
"Chúng tôi làm việc với phụ nữ, những người thường bị phớt lờ và đưa ra thông điệp rằng sức khỏe của họ rất quan trọng đối với gia đình", bà Kapoor nói. Tổ chức Smart đã bác bỏ tin đồn vô căn cứ cho rằng vaccine gây vô sinh bằng cách chứng minh một thành viên trong tổ chức đã mang thai sau khi tiêm chủng. Bà nói: "Chúng tôi đã nhận được kết quả tốt. Có tiêm vaccine hay không là một sự lựa chọn. Nhưng chúng tôi không muốn bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau".
Toàn thế giới đã ghi nhận 273,4 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 17/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 273,4 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 5,35 triệu người không thể qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện là trên 245,59 triệu người. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Turku, Phần Lan. Ảnh: AFP/TTXVN Châu...