Những quốc gia có nền giáo dục phát triển, đào tạo giáo viên như thế nào?
Điểm đặc biệt của việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan là từ giáo viên tiểu học đến giáo viên trung học đều phải học có bằng thạc sĩ.
Mỹ
Ở Mỹ không có trường đại học sư phạm riêng biệt. Tất cả các khoa có chương trình đào tạo giáo viên đều trực thuộc một trường đại học nào đó. Muốn được làm giáo viên thì người học cần trải qua 2 giai đoạn sau:
Thứ nhất, học cử nhân tại một trường nào đó: Trước khi làm giáo viên, người học bắt buộc phải có một bằng cử nhân một ngành nào đó.
Thứ hai, đào tạo giáo viên: Sau khi học và có bằng cử nhân, để được làm giáo viên, trước hết người học phải thi đỗ được vào chương trình đào tạo giáo viên qua kỳ thi Praxis I để kiểm tra kiến thức 3 môn cơ bản của tiểu học là Đọc, Viết và Toán (Reading, Writing & Math).
Sau khi thi đỗ sẽ học một chương trình đào tạo giáo viên: Thông thường thời gian của chương trình đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên cấp 1 là 2 năm, bao gồm cả thời gian học trên lớp và thời gian đi thực tập. Nếu ai muốn dạy cấp 2 hay cấp 3 thì phải học thêm vài môn nữa cho chuyên môn mình dạy. Ví dụ dạy Vẽ, dạy Sử hay dạy Toán thì học thêm môn Vẽ, Sử hay Toán.
Đại học Chicago (Mỹ). Ảnh: từ website của trường.
Thông thường, giáo viên có ít nhất 3 lần đi thực tập (field work): Lần thực tập đầu chỉ quan sát hoàn toàn, ghi chép tìm hiểu. Không nhất thiết phải là cấp mình định dạy, chủ yếu cho mình khái niệm là làm việc trong trường học nói riêng và môi trường sư phạm nói chung ra sao.
Lần thứ hai bắt đầu tham gia vào quá trình hay ngày làm việc thực sự của cô giáo nhưng chủ yếu là phụ giúp (như giúp cô các công việc về giấy tờ, phụ giảng).
Lần thứ ba là thực tập giảng dạy: Ở giai đoạn này thực tập khoảng 15 tuần và thực hiện những công việc như một cô giáo thực thụ: Chuẩn bị bài, chấm bài, đi họp, tham gia các hoạt động của trường, đi tham quan…
Khi thực tập dạy sẽ có cô giáo của lớp (cô giáo phổ thông) và thầy giáo ở trường đại học đến quan sát, chỉ bảo, chấm điểm, giúp đỡ, nhận xét.
Trong quá trình thực tập này hoặc kỳ cuối trước khi ra trường có thể xin đi làm lấy kinh nghiệm (được gọi là giáo viên dạy thế).
Sau khi thực tập xong rồi chuẩn bị hồ sơ tốt nghiệp/xin việc (portfolio) cũng sẽ có giáo viên hướng dẫn. Sau đó phải thi đầu ra khóa học đào tạo giáo viên với những kiến thức liên quan đến công việc tương lai của mình, tức là thi Praxis II – content knowledge.
Phần Lan
Điểm đặc biệt của việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan là từ giáo viên tiểu học đến giáo viên trung học đều phải học có bằng thạc sĩ. Còn giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo cần có bằng cử nhân.
Trình độ chuyên môn cao của ngành sư phạm ngoài việc đảm bảo cho những người học không chỉ có trình độ chuyên môn tốt, làm chủ công việc giảng dạy trong ngành giáo dục mà còn giúp họ dễ dàng tìm được việc làm khác.
Giáo viên các trường dạy nghề: được đào tạo ở 5 trường đào tạo giáo viên liên kết với các đại học thực hành. Việc đào tạo giáo viên dạy nghề có thể được thực hiện dưới hai hình thức: toàn bộ thời gian và bán thời gian (kết hợp học với làm). Trình độ của giáo viên dạy nghề được đánh giá dựa trên bằng cấp và kinh nghiệm công việc.
Đức
Chính phủ Đức quy định việc đào tạo giáo viên phải tại trường đại học và thực tập nghề:
Giai đoạn đào tạo trong trường đại học: Đào tạo hai giai đoạn đào tạo cử nhân (Bachelor of Education): Giai đoạn này kéo dài trong 3-4 năm, sinh viên học trong 6-8 học kì với 180-240 tín chỉ (trung bình 30 tín chỉ/ học kì, 1 tín chỉ bằng 15 giờ, bao gồm cả thời gian tự học).
Video đang HOT
Giai đoạn đào tạo thạc sĩ (Master of Education): giai đoạn này kéo dài trong 1-2 năm, sinh viên học trong 2-4 kì với 60-120 tín chỉ.
Giai đoạn đào tạo tập sự, sau khi tốt nghiệp đại học: Sau khi nhận được bằng thạc sĩ, để trở thành giáo viên thì sinh viên cần đăng kí đào tạo tập sự tại bộ giáo dục của bang, thời gian đào tạo tập sự là 01 năm (một số bang là 1,5 – 2 năm).
Thời gian này sinh viên chủ yếu làm công tác thực tập giảng dạy tại trường phổ thông và sau đó sẽ tham gia kì thi quốc gia để trở thành giáo viên tại các trường phổ thông.
Ở Đức có nhiều mô hình đào tạo giáo viên khác nhau: Đào tạo giáo viên trường tiểu học: Thời gian đào tạo 4 năm, trong đó chương trình đào tạo cơ bản (Bachelor) 3 năm; năm cuối cùng sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu (Master).
Khi có văn bằng này, các sinh viên sẽ trải qua 18 tháng “luyện giảng” ở một trường tiểu học (hưởng lương luyện giảng).
Vượt qua được kỳ thi luyện giảng, các bạn trẻ sẽ chính thức được cấp “chứng chỉ” để làm giáo viên ở các trường tiểu học trên toàn bộ lãnh thổ Đức.
Đào tạo giáo viên trường trung học cơ sở: Thời gian đào tạo 5 năm, trong đó 3 năm học cơ bản (gọi là Bachelor) và 2 năm học chuyên sâu (gọi là Master).
Tiếp theo, đó là thời gian luyện giảng từ 18 đến 24 tháng ở một trường trung học cơ sở, tùy theo từng tiểu bang…
Khi vượt 3 qua được kỳ thi luyện giảng, các giáo viên trẻ sẽ được cấp “chứng chỉ”, chính thức trở thành giáo viên ở các trường trung học cơ sở trên toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức.
Đào tạo giáo viên trường trung học chất lượng cao – Gymnasium: Thời gian đào tạo 5 năm, trong đó 3 năm học cơ bản (Bachelor) và 2 năm học chuyên sâu (Master). Tiếp theo sinh viên có 24 tháng luyện giảng ở một trường Gymnasium.
Mỗi giáo viên luyện giảng ít nhất 2 môn như đã được đào tạo Master. Khi đã thành công trong kỳ thi luyện giảng, các giáo viên trẻ sẽ được cấp “chứng chỉ”: Chính thức là thầy cô giáo của trường Gymnasium.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, có hai mô hình đào tạo giáo viên: đào tạo tại các trường và khoa sư phạm; đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng khác.
Đào tạo giáo viên tại các trường và khoa sư phạm: Trước năm 1949, mỗi tỉnh tại Nhật Bản có 1 trường sư phạm, chuyên đào tạo giáo viên phổ thông cơ sở (Normal School).
Sau năm 1949, những trường sư phạm này dần trở thành đại học sư phạm (University of Education). Sinh viên của những trường hoặc khoa này sẽ được cấp các bằng hành nghề giáo viên khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, họ có thể làm nghề khác sau khi tốt nghiệp, không bắt buộc phải trở thành giáo viên.
Đối với các trường cao đẳng và đại học khác: Cung cấp các khóa học tự chọn cho những sinh viên muốn có bằng hành nghề giáo viên.
Khác với các trường, khoa sư phạm nói trên (sinh viên bắt buộc phải học và được cấp bằng hành nghề giáo viên), sinh viên của những trường đại học và cao đẳng này không bắt buộc phải học các học phần để được cấp bằng hành nghề giáo viên (nếu họ không muốn trở thành giáo viên).
Khung chương trình do Luật cấp bằng giáo dục (1949) của Bộ Giáo dục Nhật Bản quy định. Để nhận được bằng hạng 1 dành cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, sinh viên cần học 124 tín chỉ (bằng 186 tín chỉ ở Việt Nam).
Hàn Quốc
Về chương trình đào tạo giáo viên, các chương trình đào tạo giáo viên ở Hàn Quốc là chương trình 4 năm học, bao gồm cả nội dung môn học và lý thuyết sư phạm.
Các môn học kiến thức chung, cơ sở chiếm 30% chương trình giảng, trong đó 65% các lĩnh vực nhân văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, và thể dục thể thao; 35% còn lại là tự chọn, và sinh viên có thể lựa chọn các môn học về nhân văn, ngôn ngữ và văn học, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và nghệ thuật.
Các môn chuyên ngành (mỗi giáo viên ở Hàn Quốc phải có một chuyên ngành chính, được liệt kê trong giấy chứng nhận giảng dạy của mình) chiếm 70% chương trình đào tạo.
Khi sinh viên hoàn thành 4 năm học để lấy bằng cử nhân, họ có đủ điều kiện để xin giấy chứng nhận giáo viên (chứng chỉ hành nghề).
Họ được cấp chứng chỉ loại hai, có thể được nâng cấp lên chứng chỉ loại một sau ba năm kinh nghiệm và mười lăm giờ tín chỉ bồi dưỡng.
Giáo viên mới không phải trải qua thời gian tập sự mặc dù có thời gian thử việc trong hai tuần, bao gồm nghiên cứu tình huống, các bài tập thực tiễn và nghiên cứu lý thuyết, hướng dẫn sinh viên và quản lý lớp học.
Ngoài ra, có sáu tháng đào tạo sau khi được nhận vào làm, bao gồm hướng dẫn và đánh giá giảng dạy, giám sát lớp học, công việc văn thư – hành chính và hướng dẫn sinh viên.
Australia
Ở Australia hiện nay có tới 62 trường đại học có khoa học ngành đào tạo giáo viên, điểm đầu vào được từng trường quy định thường là điểm kết quả các bài thi năm cuối cấp cộng với điểm đánh giá năng lực.
Đại học Melbourne (Australia). Ảnh: từ website của trường.
Các chương trình đào tạo giáo viên của Australia được xây dựng phải có luận chứng để trình duyệt, thẩm định theo quy định.
Cấu trúc chương trình gồm kiến thức chuyên ngành, phương pháp giáo dục, kiến thức, kỹ năng sư phạm, thực hành giảng dạy chuyên ngành…
Chương trình đào tạo giáo viên ở Australia có: Chương trình quốc gia, chương trình khu vực và cuối cùng là chương trình nhà trường, có nhiều bộ sách giáo khoa để được lựa chọn, các bộ sách giáo khoa đều được viết dựa vào chương trình quốc gia, chương trình khu vực, chính vì vậy có những bang sẽ sử dụng riêng một bộ sách giáo khoa.
Pháp
Ở Pháp, trước năm 1989, việc đào tạo giáo viên do các trường sư phạm đảm nhận. Từ năm 1989, Pháp thành lập các Học viện Đại học đào tạo giáo viên (IUFM).
Trước đây, hệ thống giáo dục đại học của Pháp chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm hai năm đầu tương đương giáo dục đại cương; Giai đoạn 2 gồm hai năm tiếp theo tương đương đào tạo nghề nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên sẽ có bằng Cử nhân và có thể được bổ nhiệm làm giáo viên chính thức.
Tuy nhiên, hiện nay, để thống nhất với các hệ thống giáo dục khác ở châu Âu, Pháp đã chuyển sang mô hình LMD (Licence – Master – Doctorat), nghĩa là để trở thành giáo viên, sinh viên phải trải qua đào tạo bậc Cử nhân (L), sau đó phải qua bậc đào tạo Thạc sĩ (M) ở Học viện Đại học đào tạo giáo viên thì mới được Bộ Quốc gia Giáo dục Pháp công nhận và bổ nhiệm vào ngạch giáo viên.
Như vậy, các giáo viên muốn trở thành giáo viên chính thức của hệ thống Giáo dục Pháp phải có bằng Thạc sĩ.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Hỗ trợ 3,63 triệu/tháng, ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn?
Hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên sư phạm ngoài việc miễn học phí là điều Bộ GD-ĐT đang tính đến để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Song chừng ấy liệu đã đủ hấp dẫn?
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm để xin ý kiến dư luận.
Theo đó, ngoài học phí được miễn toàn bộ, mỗi tháng, sinh viên sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức này được điều chỉnh hàng năm theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế
Những khoản hỗ trợ được "luật hóa" này nhằm mục tiêu thu hút người tài theo học ngành sư phạm hướng đến đào tạo cho xã hội những thế hệ giáo viên chất lượng.
Hỗ trợ thêm phí sinh hoạt 3,63 triệu/tháng, ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn? Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Chị Lê Hằng, tốt nghiệp và trở thành giáo viên tại một trường ở Hà Nội từ gần một năm nay chia sẻ: "Trước đây khi mình còn đang đi học mà được hỗ trợ như thế này thì tốt quá. Như vậy sinh viên sư phạm giờ đây gần như không phải lo về vấn đề gì trong quá trình đi học bởi học phí vốn đã được miễn giờ có thêm chi phí sinh hoạt".
Nguyễn Quốc T., hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ chút tiếc nuối khi giai đoạn em vào trường trước khi có nghị định này. Tuy nhiên, T. cho hay em cũng không quá buồn bởi "đổi lại" không chịu việc ràng buộc phải hoàn trả chi phí nếu ra trường chẳng may không xin được việc.
Có con năm nay học lớp 11 và cũng đang cân nhắc chuyện vào các trường sư phạm, chị Ngọc Hoa (Thanh Hóa) cho rằng đây có thể là một "điểm cộng" để gia đình chị quyết định cho con theo học ngành này. Song, chị Hoa cũng chợt lo ngại khi nghĩ đến chuyện ra trường con mình không xin được việc.
"Chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo hướng này rất tốt song để thực sự hấp dẫn thì còn phải đi cùng với việc giải quyết việc làm cho người học sau ra trường. Chứ như hiện nay chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành ở đa số các địa phương đều rất eo hẹp trong khi cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan. Quan trọng nhất vẫn là có việc làm ngay sau khi ra trường. Nếu không, thêm điều khoản hoàn trả chi phí lại càng phức tạp", chị Hoa chia sẻ.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Chị Nguyễn Diệp, giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) ủng hộ hướng này bởi chị cho rằng hỗ trợ được sinh viên học tập là điều tốt chứ không chỉ riêng đối với ngành sư phạm.
"Đó chính là điều nên làm của hệ thống đại học công. Ở những nước phát triển họ còn hỗ trợ cả sinh viên nước ngoài nữa. Điều này sẽ tạo ra cơ hội thực hiện quyền tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người".
Theo chị Diệp, có thể chính sách này cũng sẽ thu hút được thêm một lượng học sinh lựa chọn ngành sư phạm.
Song, nếu mục đích của việc hỗ trợ kinh phí là để thu hút sinh viên học ngành sư phạm thì theo chị Diệp là chưa đủ.
"Thực tế việc các học sinh có học lực giỏi không muốn thi sư phạm là vì nghĩ đến cơ hội nghề nghiệp sau này chứ không quá đặt nặng vấn đề chi phí học tập. Chi phí học tập chỉ 4 năm, nhà nghèo vẫn có thể cố, nhưng cơ hội và thu nhập từ công việc ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống tương lai. Thực tế hiện nay nếu tham gia giảng dạy ở các trường công thì cơ hội được tuyển dụng là quá khó, áp lực về thủ tục hành chính lớn trong khi lương thấp. Nếu tham gia giảng dạy ở các trường tư thì lại gặp nhiều hơn các áp lực từ học sinh, phụ huynh và thời gian giảng dạy", chị Diệp nói.
"Vấn đề không chỉ là có một chỗ làm mà là môi trường, tính chất và đãi ngộ của công việc nữa. Học sinh của tôi, phần đa các em khá giỏi thường không thích đi dạy. Lý do các em đưa ra là môi trường công việc không năng động, không kích thích sự sáng tạo..."
Chị Diệp cho rằng muốn kéo người giỏi vào vẫn cần nhất đãi ngộ đầu ra. Bởi những người thực sự có năng lực thì môi trường làm việc mới là yếu tố quyết định. "Đãi ngộ đầu ra không chỉ hiểu đơn giản là tiền lương mà còn là môi trường làm việc,..."
Cô Hồ Thị H., Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Nghệ An cũng cho rằng vấn đề cốt lõi thu hút người tài không chỉ nằm ở học phí mà quan trọng hơn là tuyển dụng, bố trí và đãi ngộ việc làm.
"Nếu đào tạo và tuyển dụng còn đi theo 2 đường thẳng song song như mấy năm qua thì chính sách miễn học phí và hỗ trợ phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm chắc sẽ không còn mấy ý nghĩa", cô H. nói.
Hải Nguyên
Theo vietnamnet
Chuẩn bằng kĩ sư, bác sĩ: Không chỉ đủ tín chỉ là không được công nhận Hệ thống văn bằng giáo dục đại học (GDĐH) là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Nghị định 99 quy định đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến...