Những phát ngôn ấn tượng chốn Nghị trường
“Bao nhiêu thỏ thành gấu?”, “Nghị quyết gối đầu giường”, “Chúng ta đang nói về chúng ta!”, “ĐBQH nói gì thì nói trừ tham nhũng”… Nghị trường năm nay ấn tượng vì tràn ngập những phát ngôn… ấn tượng.
Bao nhiêu con gấu bị tuyên là thỏ?
Ấn tượng nhất là câu hỏi chất vấn Chánh án TAND Tối cao của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền “Liệu có bao nhiêu con gấu bị tuyên là thỏ?”.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga nói về “Suy đoán có tội”, đại kỵ của ngành tư pháp – với chánh án: “Nếu không đủ căn cứ kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn phạm tội thì phải đình chỉ điều tra ngay, không phụ thuộc vào kết quả điều tra Lý Nguyễn Chung, tuyệt đối không được dùng nguyên tắc suy đoán có tội theo hướng không chứng minh được tên Chung phạm tội thì chính là ông Chấn”.
Điều đáng buồn, chánh án thậm chí còn không biết thế nào là “gấu bị tuyên là thỏ”!
Chúng ta đang nói về chúng ta!
“Quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù… Đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công Thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu về quy hoạch thủy điện. Phát biểu này, sau đó ĐBQH là ông Ngô Văn Minh bình luận: “Chắc chắn là hầu hết đại biểu Quốc hội chúng ta không hiểu nổi. Chính tôi không hiểu nổi. Bộ trưởng nói “chúng ta nói về chúng ta” và nhắc đi nhắc lại mấy lần. Tôi không hiểu bộ trưởng nói gì”.
Nghị quyết “gối đầu giường”
Hai lần bị truy về thực trạng chạy chức, chạy quyền trong chính ngành nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời: “Do đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị, chúng tôi đã đọc kỹ các văn kiện của Đảng. Báo cáo chính trị tại ĐH Đảng XI đánh giá cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục… Chúng tôi coi đây là tài liệu gối đầu để nghiên cứu giải pháp khắc phục”!
Video đang HOT
Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới
“Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước chúng tôi làm việc 1 tuần với FBI, thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền trả lời phỏng vấn xung quanh vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang.
Ra ngõ gặp kẻ cướp
“Tôi băn khoăn khi đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm và thực tế, chưa bao giờ lòng dân bất an như lúc này. Cử tri nói ra ngõ là gặp kẻ cướp. Thậm chí chúng còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, uy hiếp lột tài sản… Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt” – phát biểu của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Bùi Đặng Dũng.
Sự đơn độc của ngành y tế…
“Sự đơn độc của ngành y tế trong việc giáo dục và nâng cao y đức sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền.
Đối với vụ Cát Tường, bà cho biết đó là “sự mất nhân tính chứ không chỉ là đạo đức ngành y, nó đã gây đau đớn cho tất cả ngành y, tất cả cán bộ y tế đều không tin đó là sự thật. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc là y đức là vấn đề rất lớn. Mong đại biểu và cử tri có cái nhìn khoan dung và toàn diện hơn, bởi hằng năm với khối lượng rất lớn các ca khám – chữa bệnh thì chắc chắn có tai biến…”.
Phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng!
“Khi có tham nhũng xảy ra, chính người đứng đầu lại chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu, làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở, hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn. Vì thế, nhiều người nói: Xung quanh chúng ta toàn đồng chí tốt, “bộ phận không nhỏ” là ở cơ quan khác, ngành khác, địa phương khác. Có vị đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp QH, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng, vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin – cho, mình xin… ai cho… Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn QH” – ĐBQH Lê Như Tiến phát biểu về chống tham nhũng.
“Vinacho”, “Vinachia”…
“Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa là “Vinacho”, và bên cạnh là “Vinachia”. Chia như thế nào? Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút cái tài sản nhà nước” – ĐBQH Dương Trung Quốc bình luận về Vinashin.
Mỗi phút QH họp tốn 2 triệu đồng
“Trong buổi tập huấn cách đây 1 năm, một chuyên gia cho biết 1 phút họp của các đại biểu tại hội trường là Nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng. Như vậy, bình quân một ngày họp mất 1 tỉ đồng” – ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu trong phiên thảo luận về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Theo Lao động
Vì sao Việt Nam không cần Tòa án Hiến pháp?
Là người đã có 4 lần tham gia vào công tác sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phân tích rất sâu về 3 thiết chế độc lập là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử và Kiểm toán nhà nước.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: Ngay từ đầu tôi đã không đồng tình việc có Hội đồng Bảo hiến - ảnh: Tuệ Khanh
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, trong 3 thiết chế độc lập là Hội đồng Hiến pháp, kiểm toán nhà nước và hội đồng bầu cử thì điều gây tranh luận nhiều nhất là Hội đồng Bảo hiến mà một số nước gọi là Tòa án Hiến pháp.
"Là người trong Ban biên tập, ngay từ đầu tôi đã không đồng tình việc có Hội đồng Bảo hiến" - ông Quyền khẳng định ngay khi bắt đầu phát biểu về vấn đề này và chỉ rõ, nghiên cứu về thiết chế, chính trị và tổ chức bộ máy của nhiều nước trên thế giới cho thấy, Hội đồng Bảo hiến và đặc biệt là Tòa án Hiến pháp phát triển rất mạnh và hoàn thiện ở những thiết chế chính trị có nhiều đảng phái.
"Chỉ khi sự phân lập quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp lên đỉnh điểm thì Hội đồng Bảo hiến, Tòa án Hiến pháp mới phát triển và hoàn thiện để cho sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái và thậm chí sự xung đột quyền lực giữa 3 nhánh quyền lực nằm trong vòng không ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia và lợi ích nhân dân. Nó gần như là nơi giải quyết mối mâu thuẫn giữa các đảng phái và sự phân chia quyền lực chứ không phải là cái mà lâu nay chúng ta nghĩ, đó là Tòa án Hiến pháp và Hội đồng Bảo hiến liên quan đến các vấn đề của công dân. Tòa án Hiến pháp chủ yếu là để phân định quyền lực của các đảng phái chính trị, phân định quyền lực giữa sự tranh chấp của các nhánh quyền lực" - đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu rõ.
Trên cơ sở những phân tích trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi: "Vậy, ở nước ta có cần vấn đề đó không?" và câu trả lời của đại biểu này là không cần.
"Nước ta đặt toàn bộ xã hội và nhà nước dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Chúng ta lại có hệ thống chính trị với rất nhiều tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, chúng ta lại thực hiện dân chủ hóa... thì có cần phải có một bộ máy để phân chia các quyền lực nhà nước hay không khi mà quyền lực ở nước ta là thống nhất và thuộc về nhân dân? Theo nguyên lý đó thì tôi thấy ở nước ta, không cần có tòa án hiến pháp và hội đồng bảo hiến" - đại biểu Nguyễn Đình Quyền khẳng định.
Theo ông, chức năng hiện nay đang giao cho Hội đồng Bảo hiến thì ở Việt Nam , thực ra là chức năng mà Ủy ban Pháp luật đã làm từ lâu. "Không những Ủy ban Pháp luật mà 9 Ủy ban và Hội đồng Dân tộc đều làm, đó là bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật" - đại biểu đoàn Hà Nội chỉ rõ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng thừa nhận, "những chức năng đó chúng ta làm chưa tốt nên bây giờ phải làm cho tốt hơn" và trên thực tế, mặc dù ở Việt Nam chưa có văn bản nào, đạo luật nào được coi là vi hiến, nhưng do có sự kiểm soát văn bản của cấp trên đối với cấp dưới, nếu không phù hợp thì hủy bỏ. "Đó là giám sát văn bản của HĐND, UBND, là Cục Kiểm soát văn bản của Bộ Tư pháp... Chúng ta hoàn toàn có những cơ chế để xử lý văn bản không phù hợp với quy định của hiến pháp" - đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận định.
Về vấn đề Hội đồng bầu cử quốc gia, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng cần phải nghiên cứu một cách bài bản để hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển.
Ông phân tích: Lâu nay chúng ta vẫn có hội đồng này. Mỗi lần bầu cử chúng ta thành lập hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử, tổ bầu cử... chỉ có điều khi thực hiện hết nhiệm vụ thì giải tán. Nhưng khi nghiên cứu ở các nước thì thấy rằng, Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoạt động thường xuyên, làm nhiệm vụ thực hiện bầu cử ở cả trung ương và địa phương. Ở một số nước, 1/3 nhiệm kỳ đã tiến hành bầu cử để loại ra 1/3 số đại biểu, và 1/3 số đại biểu mới vào. Thứ hai là Hội đồng này thực hiện trưng cầu dân ý, Việc lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp và các đạo luật cũng do Hội đồng này thực hiện.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng làm nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa chế độ dân chủ đại diện. Thậm chí một số hội đồng bầu cử quốc gia còn có Viện nghiên cứu về pháp quyền, về đại diện và về dân chủ" - đại biểu Nguyễn Đình Quyền dẫn chứng và cho rằng "đã đến lúc nền dân chủ đại diện của chúng ta cần phải có nghiên cứu một cách bài bản để trong quá trình phát triển được hoàn thiện hơn".
Về Kiểm toán nhà nước, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đây là phương diện kiểm soát việc thực hiện các nguồn lực của nhà nước, ngân sách nhà nước và đây cũng là thể chế hóa nguyên lý kiểm soát quyền lực nhà nước.
"Việc chi tiền, việc tiêu tiền là một quyền lực và phải được kiểm soát chặt chẽ. Quyền lực đưa tiền của dân ra để chi cho cái gì, đầu tư ra làm sao, hiệu quả thế nào đều phải được kiểm soát chặt chẽ" - đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.
Theo vietbao
Các bộ trưởng "quá vô tình"? Chiều 22/3 vừa qua, khi chất vấn Bộ trưởng BộGiáo dụcvà Đào tạo Phạm Vũ Luận, Phó chủ nhiệm Ủy banPháp luậtcủa Quốc hội, đại biểu Lê Minh Thông đã nhắc đến một số bức thư ngỏ mà theo lời ông là đã gây xôn xao dư luận thời gian qua. Tác giả các bức thư này chính là TS. Trần Đăng Tuấn,...