Những pha knock out trên TTCK Kỳ 1: Sóng thần Phố Wall
Chốt phiên giao dịch ngày 11-10, VN Index giảm 48,07 điểm, tương đương 4,84%, xuống 945,89 điểm, hơn 150.000 tỷ đồng vốn hóa (khoảng 6,5 tỷ USD) đã bị cuốn trôi khỏi sàn HOSE trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Song đây vốn là “chuyện thường ngày” của các TTCK toàn cầu, nơi hàng chục tỷ USD có thể bị “bốc hơi” chỉ sau 1 đêm.
Trong thời gian 3 ngày từ 19 đến 21-8-2015, chỉ số Dow Jones mất tới 1.300 điểm. Khi thị trường mở cửa trở lại vào thứ hai ngày 24-8, TTCK thế giới giảm đáng kể, xóa sạch tất cả thành quả trong năm 2015. Ước tính khoảng 10.000 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi các thị trường toàn cầu trong cơn sóng thần này.
Chuỗi bán tháo toàn cầu
Đó là 2 phiên giao dịch tồi tệ nhất của đợt bán tháo kéo dài tới 1 năm của các TTCK toàn cầu, diễn ra từ tháng 6-2015 đến tháng 6-2016. Nó bao gồm cơn hỗn loạn TTCK Trung Quốc 2015-2016, trong đó chỉ số SSE Composite giảm 43% chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8-2015, kéo theo đó là sự mất giá của đồng nhân dân tệ.
Trong ngày 24-8-2015, chỉ số Dow Jones bị mất 1.000 điểm, trước khi hồi phục và đóng của với mức giảm 588 điểm.
Trong khi đó, TTCK Trung Quốc chứng kiến mức sụt giảm 8%. Ngày 24-8 được giới truyền thông Trung Quốc gọi là “Thứ hai Đen”. Tại Ấn Độ, chỉ số Sensex ghi nhận mức giảm trong ngày lớn nhất là 1.624,51 điểm vào ngày 24-8, chốt phiên giảm 5,94%. Các nhà đầu tư Ấn Độ chịu các khoản lỗ trị giá trên 7.000 tỷ Rupee (97 tỷ USD). Tại châu Âu, các TTCK chính giảm ít nhất 3% vào ngày 24-8. Chỉ số FTSE giảm 4,4% (78 tỷ bảng), nhưng sau khi mở cửa ngày 25-8 đã tăng 116 điểm (1,97%).
Vào thứ ba ngày 25-8, chỉ số Dow tăng 442 điểm trong phiên giao dịch sớm, nhưng lại giảm mạnh trong giờ giao dịch cuối cùng, chốt phiên mất thêm 204 điểm so với mức mở cửa. Cũng trong ngày này, chỉ số tổng hợp SSE của Trung Quốc giảm mạnh 7,6%, khiến thị trường giảm 40% kể từ tháng 6. Trong 2 ngày 24 và 25-8, chỉ số SSE mất hơn 15%.
Phản ứng của các chính trị gia
Một số chính trị gia đã đưa ra những nhận định về việc bán tháo trên TTCK. Phát biểu vào ngày 24-8-2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Franois Hollande, khi đó đã mô tả nền kinh tế thế giới là vững chắc và bày tỏ sự tự tin rằng sự sụp đổ của thị trường Trung Quốc và các biến động thị trường tiếp theo sẽ sớm ổn định. Bà Merkel tuyên bố: “Trung Quốc sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để ổn định tình hình kinh tế”.
Chuỗi bán tháo của các nhà đầu tư toàn cầu năm 2015-2016 được cho là kết quả của sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc; giá xăng dầu giảm; nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp vào tháng 6-2015; tác động của việc chấm dứt nới lỏng định lượng tại Hoa Kỳ vào tháng 10-2014; lượng trái phiếu tăng mạnh vào đầu năm 2016; cuộc trưng cầu dân ý của Anh để rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào tháng 6-2016.
Trong khi đó, doanh nhân tỷ phú kiêm ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, tuyên bố vào ngày 24-8 rằng ông cảm thấy rằng việc bán cổ phiếu có thể trở nên “lộn xộn”. Ông Trump đã chỉ trích các chính sách ràng buộc nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ với nhau. Cũng vào ngày 24, một ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa, Chris Christie, đổ lỗi cho Tổng thống Obama vì đã vay quá nhiều tiền từ Trung Quốc, nói rằng nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau. Christie bình luận: “Nếu người Trung Quốc bị ho, chúng ta bị cúm”.
Video đang HOT
Một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit (23-6-2016), Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney đã trấn an tại một cuộc họp báo: “Các yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng lớn nhất của chúng ta hiện cao gấp 10 lần so với trước khủng hoảng tài chính. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tiến hành kiểm tra những ngân hàng lớn để chuẩn bị cho các tình huống nghiêm trọng hơn. Nhờ đó, các ngân hàng của Anh đã huy động được hơn 130 tỷ bảng Anh vốn mới và hiện có hơn 600 tỷ bảng tài sản có chất lượng cao.
Đó là nguồn vốn đáng kể và thanh khoản rất lớn, giúp các ngân hàng linh hoạt để tiếp tục cho vay các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Anh, ngay cả trong thời điểm thách thức. Hơn nữa, để hỗ trợ hoạt động của các thị trường, BoE sẵn sàng cung cấp hơn 250 tỷ bảng tiền bổ sung thông qua các hoạt động thị trường bình thường. BoE cũng có thể cung cấp thanh khoản đáng kể bằng ngoại tệ nếu cần”.
Ước tính khoảng 10.000 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi các TTCK toàn cầu trong ngày “Thứ hai Đen” 24-8-2015.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu 5 ngân hàng lớn nhất của Anh đã giảm trung bình 21% vào buổi sáng sau cuộc trưng cầu dân ý. Đến cuối phiên giao dịch ngày 24-6, cổ phiếu của cả HSBC và Standard Chartered đã hồi phục hoàn toàn, trong khi Lloyds, RBS Group và Barclays vẫn giảm hơn 10%. Trong khi đó, tất cả cơ quan xếp hạng tín dụng trong nhóm “Big Three” đều phản ứng tiêu cực với cuộc bỏ phiếu Brexit: Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín dụng của Anh từ AAA xuống AA, Fitch Group giảm từ AA xuống AA, và Moody cắt triển vọng của Vương quốc Anh thành “tiêu cực”.
Tác động Brexit
Để cố gắng kiềm chế đà suy giảm và tăng sự ổn định tài chính, ngày 5-7-2016, BoE đã phát hành 150 tỷ bảng cho vay bằng cách giảm các khoản vốn đệm theo chu kỳ các ngân hàng được yêu cầu giữ lại. Lo ngại về sự sụp đổ về giá trị tài sản, các nhà đầu tư bắt đầu mua lại các khoản đầu tư vào các quỹ bất động sản. Điều này khiến Standard Life đóng băng giao dịch vào ngày 4-7 và Aviva nối gót ngày hôm sau. Các công ty đầu tư khác bao gồm Henderson Group và M & G Investments đã cắt giảm số tiền các nhà đầu tư rút tiền trong quỹ của họ sẽ nhận được.
Vào ngày 12-7, công ty quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock, dự đoán Anh sẽ trải qua một cuộc suy thoái vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 do kết quả bỏ phiếu để rời khỏi EU, và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong ít nhất 5 năm do giảm đầu tư tại Anh. Vào ngày 18-7, nhóm dự báo kinh tế EY ITEM của Anh, cho rằng đất nước sẽ trải qua cuộc suy thoái kinh tế ngắn vì nền kinh tế phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng về chi tiêu và kinh doanh. EY ITEM cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh từ 2,6% xuống 0,4% trong năm 2017, từ 2,4% xuống 1,4% cho năm 2018.
Cố vấn kinh tế chính của EY ITEM, Peter Soencer, cũng cho rằng sẽ có nhiều tác động lâu dài hơn. Theo đó, Vương quốc Anh có thể phải điều chỉnh để giảm vĩnh viễn quy mô của nền kinh tế, so với xu hướng dường như có thể đạt được trước khi bỏ phiếu Brexit. Nhà đầu tư Senior City Richard Buxton cũng lập luận rằng Anh sẽ có suy thoái nhẹ. Vào ngày 19-7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2017 của Anh từ 2,2% xuống còn 1,3%, nhưng vẫn dự kiến Anh sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 của G7 trong năm 2016. IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 0,1% xuống còn 3,1% trong năm 2016, từ 3,4% vào năm 2017, do kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Đến tháng 7-2016, chỉ số Dow Jones Industrial Average đã phục hồi và đạt mức cao kỷ lục. Chỉ số FTSE 100 của Anh cũng đạt được điều đó vào cuối năm 2016.
(Còn tiếp)
Vinh Trang
Theo saigondautu.com.vn
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Sẽ phân hóa mạnh mẽ
Theo Trung tâm Phân tích Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI), thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay sẽ là sự "đấu tranh" giữa những thông tin lạc quan từ nội tại TTCK Việt Nam và sự e ngại đối với những thông tin của TTCK thế giới.
Tuần qua, TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đã phải trải qua một tuần "kinh hoàng" bắt nguồn từ TTCK Mỹ. Những nỗi lo về áp lực tăng mạnh của lợi suất trái phiếu, áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ và căng thẳng chính trị với Trung Quốc, đã đẩy giảm tổng mức tăng trong năm 2018 của S&P 500 (chỉ số cổ phiếu 500 của Standard & Poor) xuống còn 3,5% và biến năm 2018 trở thành năm có nhiều biến động tồi tệ nhất kể từ năm 2015 đến nay.
VIX (Volatility Index) - chỉ số đo dao động thể hiện mức độ sợ hãi của nhà đầu tư - tăng vọt và đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 khi lên mức 24.73 điểm. TTCK châu Á cũng ghi nhận một tuần sụt giảm mạnh. Ngày 12/10/2018, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22.694 điểm, giảm 4,58%; chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở mức 2.606 điểm, giảm 7,6%; chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.801 điểm, giảm 3,4%.
TTCK đang đón mùa báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh quý III của doanh nghiệp
Nhiều yếu tố đang làm chao đảo TTCK: Từ các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng chính trị với Trung Quốc cho tới nỗi lo về đà giảm tốc của lợi nhuận doanh nghiệp, yếu tố đã hỗ trợ TTCK trong nhiều năm qua. Vấn đề cấp bách nhất có lẽ là tăng lãi suất: Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên gần 3,26% trong tuần này, cao nhất trong 7 năm qua.
TTCK Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi chỉ số VN-Index đánh mất 3,8% trong tuần qua, ghi nhận tuần giảm mạnh thứ 2 trong năm 2018. Liệu tuần giảm điểm có kéo dài trong thời gian tới hay không?
Thực tế không có gì bất thường quá lớn và có tác động tiêu cực mang tính thời điểm, chưa kể các nhà đầu tư đang có kỳ vọng đón mùa báo cáo quý III/2018, dự kiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục có kết quả kinh doanh khả quan và các yếu tố vĩ mô thuận lợi trong 9 tháng năm 2018 như: GDP tăng cao; xuất siêu kỷ lục; tỷ giá USD/VND liên tiếp hạ nhiệt...
Đáng chú ý, các yếu tố vĩ mô trên thế giới như chỉ số USD-Index phản ánh sức mạnh đồng USD đã giảm đáng kể, có thời điểm nằm dưới 95 điểm. Đồng nhân dân tệ sau khi đe dọa xuyên đáy của năm so với đồng USD đã lên giá đáng kể trở lại. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm có xu hướng giảm.
Do đó, giai đoạn hiện tại sẽ là sự "đấu tranh" giữa những thông tin lạc quan từ nội tại TTCK Việt Nam và sự e ngại đối với những thông tin bên ngoài như những bấp bênh trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào ngày 6/11/2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có lối thoát, các nhà đầu tư đang lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan với lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết...
Trong nước, TTCK vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ như sẽ đón nhận mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2018. Kể cả khi mùa kết quả kinh doanh quý III không đủ "tạo sóng dài" thì cũng là một nhịp hồi phục kỹ thuật đủ lớn. Trong phiên giao dịch "kinh hoàng", đã có khoảng 10.000 tỉ đồng giao dịch khớp lệnh trên hai sàn cho thấy nhà đầu tư vẫn đánh giá triển vọng tích cực của TTCK và sẵn sàng tham gia khi mức chiết khấu giá đủ lớn, coi đây là cơ hội điều chỉnh trước thời điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang tới gần với tình hình doanh nghiệp không có gì thay đổi trong thời gian này, mức giá sẽ hấp dẫn hơn...
Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ trong từng nhóm cổ phiếu hoặc đối với các nhóm ngành. Các nhóm ngành được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền và có lợi nhuận cao trong quý III/2018 có thể kể đến: Chứng khoán, dệt may, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, bán lẻ, điện...
Giai đoạn hiện tại sẽ là sự "đấu tranh" giữa những thông tin lạc quan từ nội tại TTCK Việt Nam và sự e ngại đối với những thông tin bên ngoài như những bấp bênh trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào ngày 6/11/2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có lối thoát...
M.C
Theo petrotimes.vn
Nỗi lo lãi suất tăng đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng kết thúc phiên giao dịch đầy giằng co ngày thứ Tư trong trạng thái giảm điểm, sau khi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy sự đồng thuận về tiếp tục nâng lãi suất. Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn...