Những nỗi sợ ngày cận kề biết điểm thi
Trong khi các trường lần lượt công bố điểm thi thì không ít teen nơm nớp lo sợ. Những áp lực nặng nề về kì thi đại học lại một lần nữa dồn lên vai các sĩ tử…
Sợ xem điểm
Thi xong, ai mà không hồi hộp đợi ngày biết điểm, nhưng với một bộ phận không nhỏ xì – tin, xem điểm đúng là một cực hình.
Thùy Dung – Hai Bà Trưng – Hà Nội tham gia dự thi hai trường, ĐH Lâm Nghiệp – khối A và ĐH Sư Phạm khối C. Tuy khối A là khối thi chính nhưng ngay từ lúc thi xong Dung đã biết kết quả chẳng ra sao. Bởi thế, khi ĐH Lâm Nghiệp công bố điểm thi, trong lúc bố mẹ nóng lòng muốn xem điểm của con gái thì Dung lại thờ ơ và… cáu bẳn. Dung tuyên bố: “Con không muốn xem điểm. Bố mẹ cứ kệ con. Bao giờ ĐH Sư phạm có điểm thì con xem”.
Mặc dù rất phiền lòng nhưng chiều con gái, sợ con buồn bố mẹ Dung cũng đành chấp nhận. Giải thích cho thái độ rất chi là… bướng ấy của mình, Dung lạnh lùng: “Điểm thấp thì xem làm gì. Xem điểm xong chỉ có xấu hổ thêm”.
Với tâm lý sợ điểm thấp, nhiều teen phải chịu đựng những áp lực khá nặng nề trong những ngày gần biết kết quả.
“Đã gần năm mươi trường công bố điểm, chắc trường của mình cũng trong nay mai. Điểm thấp lắm, kiểu này chết mất, không muốn xem điểm đâu…”, Hằng, thi vào ĐH Ngoại ngữ chia sẻ.
Học rất tốt nhưng lại không giữ được phong độ trong bài thi, Hằng đã sớm dự cảm được kết quả chẳng ra sao của mình. Sau khi thi Hằng đã ủ rũ cả tuần liền, cố gắng lắm mới tươi tỉnh lên thì lại đến kì… công bố điểm. Vậy là lại len lén lau nước mắt lúc ngồi nghĩ vẩn vơ, lại sùi sụt nhắn tin than thở với bạn bè… Càng “rầu” hơn khi điều mà Hằng nhận lại chỉ là những lời an ủi kiểu “thôi, tao cũng… vậy!!!”
Video đang HOT
Nguyễn Văn Ba, thi vào ĐH Kinh Tế thì không để đâu hết run khi ngồi nhập tên mình để xem điểm. “Mình luống cuống phải đến ba lần mới nhập đúng được cái tên…” – Ba thở dài. Kết quả chẳng đủ để cậu “vươn” vào ngành mình đã chọn.
“Trước lúc xem điểm còn chút chút hi vọng. Giờ thì hi vọng tan nát hết cả. Cũng ít nhiều xác định trước nhưng sao vẫn thấy bê xê lết không chịu được. Biết vầy chẳng thèm xem điểm cho xong”- Ba buồn rầu tâm sự.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Sợ những lời hỏi thăm
Với những teen đoán biết trước kết quả không cao thì chuyện không muốn xem điểm là hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng khổ hơn cả chuyện biết điểm, ấy là chuyện… bị hỏi thăm.
“Sáng ra vừa mở mắt đã thấy bao nhiêu cuộc gọi nhỡ trong máy. Toàn các anh, chị, cô, chú… gọi báo tin trường mình thi có điểm rồi đấy, đã xem điểm chưa, được bao nhiêu điểm thế… Mình sợ! Lò dò lên tra điểm mà kết quả bấp bênh lắm, không biết đỗ trượt thế nào…”, Ngô Thu Hằng thi vào ĐH Quốc Gia Hà Nội cho hay.
“Vừa biết điểm vào ĐH Công nghệ, đã chán thì chớ lại có một lô lốc người hỏi thăm. Vẫn biết họ quan tâm đến mình, quý mình thì mới hỏi, nhưng tớ bực không chịu được. Những lúc thế này, chỉ xin hai chữ bình yên thôi”, Phạm Sơn – Hoàng Mai – HN bộc bạch. Với kết quả thi đại học không như ý, Sơn đang đau đầu tính nộp hồ sơ các nguyện vọng thế nào thì lại vướng vào nỗi lo sợ bị hỏi thăm khiến cậu cả ngày không có nổi một nụ cười.
“Mà không chỉ riêng mình sợ bị hỏi thăm. Mình biết, bố mẹ cũng ngại dữ lắm”- Q.H thi vào ĐH Thủy Lợi cho biết. Là con gái, lại thi vào một trường kĩ thuật nhiều nam nên Hương “thu hút” được sự quan tâm đặc biệt của mọi người, nhất là đội ngũ các vị phụ huynh bạn của bố mẹ Hương. “Họ cũng có con xấp xỉ tuổi mình, có khi cũng cùng thi ĐH nên sốt ruột lây hay sao í.”- Hương cáu kỉnh thổ lộ.
Kết quả thi chẳng cao nhưng H, bố mẹ H cũng không gây nhiều áp lực cho con. Vậy nhưng Hương vẫn thầm thương bố mẹ khi phải chịu trận những câu thăm hỏi, dù có khi chỉ là xã giao. “Cứ nghĩ cảnh bố mẹ muối mặt bảo con nhà tôi được đâu mười mấy điểm mình đã muốn chui xuống đất”, Hương buồn bã chia sẻ.
Bản chất những nỗi sợ này của teen là do áp lực thi cử nặng nề, khiến teen nhà mình dằn vặt và lo lắng quá mức. Thế mới biết, áp lực của kì thi đại học đâu chỉ kéo dài một vài ngày, nó còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều teen cả khi kì thi đã hoàn toàn khép lại.
Theo PLXH
Gặp gỡ thủ khoa ĐH điểm 30/30
Tăng Văn Bình quê Nghệ An, thi vào Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đang là thủ khoa duy nhất có điểm 30/30 sau khi 49 trường công bố điểm thi. Cậu bé mồ côi này từng giành ngôi thủ khoa khi thi vào THPT 3 năm trước.
Thủ khoa từ cấp 3
Những ngày này, người dân xứ Nghệ hay nhắc chuyện chàng thủ khoa Tăng Văn Bình (SN 1992, ở xóm Yên Hoa, Yên Sơn, Đô Lương). Mới 8 tháng tuổi, Bình đã mồ côi bố. Chị Trần Thị Dung, mẹ Bình kể: "Khi đứa con gái đầu được 3 tuổi và cháu Bình được 8 tháng tuổi thì bố các cháu mất".
Một nách hai đứa con thơ và bà mẹ chồng già yếu, đồng lương giáo viên mầm non không thể trang trải nổi, chị Dung phải xoay như chong chóng, hết chăn nuôi lại làm ruộng, vay mượn cho con ăn học. Tuy lớn lên trong bất hạnh và đói nghèo nhưng hai con của chị đều ngoan hiền và học giỏi có tiếng đất Đô Lương.
Ngay từ nhỏ, Bình đã ý thức được hoàn cảnh của mình để phụ giúp, đỡ đần mẹ mọi công việc và phấn đấu học. Bạn sớm bộc lộ năng khiếu Toán học. Ngày ấy (ở Trường Tiểu học Yên Sơn), các thầy cô giáo đều gọi Bình là thần đồng toán học bởi bạn có nhiều phương pháp giải toán nhanh và độc đáo. Năm học lớp 5, Bình đạt giải 3 học sinh giỏi tỉnh môn Toán. Thấy con học giỏi và nhiều người khuyên nên cho thi vào Trường chuyên Phan Bội Châu của tỉnh, chị Dung đã đưa Bình đi thi. Thật bất ngờ, Bình đậu thủ khoa!
Năm lớp 12, Bình đạt giải nhất môn Toán của tỉnh và giải nhì môn Toán kì thi học sinh giỏi quốc gia.
Thầy Võ Thanh Hải, chủ nhiệm lớp 12A1 Trường Chuyên THPT Phan Bội Châu cho biết: "Bình là một học sinh ngoan gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động của lớp cũng như của trường. Bản thân em không những tự nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống mà Bình còn giúp đỡ bạn bè trong lớp cùng tiến bộ trong học tập".
Mơ thành nhà kinh tế
Chị Dung chia sẻ: "Tôi hạnh phúc lắm, dù nghèo khó, tôi sẽ quyết tâm để các cháu theo học bằng người. Cũng may gia đình tui được anh em nội ngoại và làng xóm cưu mang mới được như bây giờ". Chị gái Bình hiện là sinh viên năm 2 ĐH KHXH&NV Hà Nội. Rồi đây người mẹ nghèo chắc sẽ vất vả hơn để nuôi hai người con đại học.
Chia sẻ về phương pháp học để có được thành công, Tăng Văn Bình tâm sự: "Chủ yếu mình học thuộc bài thầy cô giáo giảng trên lớp. Về nhà tìm kiếm sách vở, tài liệu tham khảo. Mình thích nghiên cứu về Toán. Chỗ nào không biết thì hỏi bạn bè, kiến thức mình có được một phần là do em tự học".
Nguyễn Hữu Ý bạn cùng lớp với Bình cho biết: "Bạn ấy học khiếp lắm. Học giỏi như vậy mà đêm mô cũng lăn ra học 1-2 giờ sáng mới đi ngủ. Có đêm học thâu đêm. Tớ chưa thấy một ai chăm học như Bình". Khi hỏi về ước mơ, Bình nói : "Mình ước mơ trở thành nhà lãnh đạo về kinh tế".
Theo Dân Việt
Thủ khoa trường Kinh tế Quốc dân đạt 29,5 điểm Đại học Kinh tế Quốc dân vừa hoàn thành công tác chấm thi và công bố điểm thi tuyển sinh 2010. Thí sinh dự thi có thể vào website của trường để xem điểm. Thí sinh dự thi tuyển sinh Đại học KTQD 2010. Theo thông báo của hội đồng tuyển sinh năm học 2010 của trường, thí sinh đạt 29,5 điểm là...