Những nỗi lo “đính kèm” với đặt hàng, đấu thầu giáo viên
Không ít chuyên gia giáo dục đang băn khoăn về chất lượng khi cho phép đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên.
Thận trọng nếu không hậu quả rất lớn
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước nội dung đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội. Không ít chuyên gia giáo dục cũng tỏ rõ những băn khoăn liên quan đến chất lượng giáo viên được đào tạo trong giai đoạn tới.
Cụ thể, nội dung này được đề cập tại hội nghị Triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương do bộ GD&ĐT chủ trì kết nối với ba đầu cầu Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo dự thảo hướng dẫn của bộ GD&ĐT, UBND tỉnh/thành là cơ quan có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc (nếu có), đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương. Địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng và sử dụng giáo viên.
Vấn đề đấu thầu đào tạo giáo viên đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Các bộ/ngành có cơ sở đào tạo giáo viên chủ trì và phối hợp với bộ GD&ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo trực thuộc lập dự toán và bố trí kinh phí cho việc đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo trực thuộc và thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Nghị định số 116.
Các cơ sở đào tạo giáo viên nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên trên cơ sở được giao nhiệm vụ, hoặc được đặt hàng (có thể thông qua hình thức đấu thầu), theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ thông báo. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức để các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng phần mềm dùng chung nhằm hỗ trợ các địa phương và các cơ sở đào tạo giáo viên điều phối cung – cầu.
Hội nghị Triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương do bộ GD&ĐT chủ trì kết nối với ba đầu cầu Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Video đang HOT
Phát biểu ngay tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội) đã bày tỏ một số lo ngại: “Trước kia đào tạo giáo viên sử dụng cơ chế giao nhiệm vụ, còn bây giờ theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu, việc này nếu làm phải từng bước, thận trọng nếu không hậu quả là rất lớn. Ví như có thể dẫn đến chuyện một trường đại học vốn để đào tạo giáo viên nhưng chỉ tập trung để đi đấu thầu, như vậy khó tập trung cho chuyên môn đào tạo ra một giáo viên giỏi…”.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cũng băn khoăn: “Làm thế nào để đảm bảo cân bằng cung – cầu giáo viên? Thái Nguyên hiện thiếu hơn 5.000 giáo viên, trong khi biên chế Chính phủ giao thấp hơn nhiều, do đó, rất khó xác định số lượng đặt hàng do biên chế cứng. Bên cạnh đó, hiện địa phương chưa xử lý được nguồn giáo viên bên ngoài. Việc đặt hàng và đấu thầu của tỉnh có thể không đảm bảo”.
Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn và công khai thực hiện
Trao đổi về nội dung đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT) chỉ ra: “Nếu như cho phép đặt hàng, đấu thầu, thì việc đầu tiên, bộ GD&ĐT phải xây dựng được một tiêu chuẩn cho các đơn vị tham gia đấu thầu. Tiêu chuẩn đó có thể về giá cả (nằm trên khung nào cho phép hoặc tùy theo năng lực của đơn vị trả phí); tiêu chuẩn đó phải dựa trên kết quả của đơn vị tham gia đấu thầu (đã đào tạo được bao nhiêu giáo viên và chất lượng của đội ngũ đã được đào tạo đó ra sao?)…
Cần đặc biệt lưu ý, đối với tiêu chí đấu thầu, mức phí chỉ được chiếm phần trăm nhỏ thôi, điều quan trọng là đối tác đấu thầu đó đã đào tạo bao nhiêu giáo viên, phải công khai, chứng minh được chỉ số hiệu quả đào tạo, giả sử với những đơn vị đấu thầu đã từng đào tạo thành công thì sẽ được nhân hệ số “tín nhiệm” lên.
Về chỉ số hiệu quả đào tạo giáo viên, cần phải căn cứ vào bộ tiêu chuẩn đánh giá giáo viên, gồm nhiều mức độ đạt được khác nhau. Theo đó, giáo viên được phép tự đánh giá mình, học sinh đánh giá giáo viên, đồng nghiệp đánh giá lẫn nhau, cấp trên đánh giá giáo viên…, phải dựa trên những đánh giá đa chiều đó mới ra được kết quả đánh giá chính xác. Nếu kết quả có độ chênh thì cần đội ngũ chuyên môn bước vào thẩm định, còn nếu độ chênh không đáng kể thì có thể chấp nhận”.
“Bên cạnh đó, khi đưa ra một kế hoạch nào đó, phải có một văn bản hướng dẫn chi tiết đi song hành, chứ không phải đợi ra kế hoạch rồi một thời gian sau mới ra văn bản hướng dẫn, như vậy thì không thể thực hiện được. Ngoài ra, văn bản đó cũng sẽ trở thành hành lang pháp lý để các bộ phận, cá nhân đi đúng hướng. Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng được một bộ tiêu chuẩn đánh giá, để đưa vào làm thang đo, xem kết quả thực hiện đã đạt được mức độ nào” – vị chuyên gia giáo dục này phân tích thêm.
Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, cần chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn triển khai đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên mà không để xảy ra hệ lụy tiêu cực.
Một trong những kỳ vọng đối với đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên, chính là “làm sao để chúng ta có một hệ thống vận hành trơn tru, cân đối giữa cung – cầu; trong đó, cung là nơi các cơ sở đào tạo giáo viên, cầu chính là các địa phương”. Tuy nhiên, theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, hai chuyện này hoàn toàn độc lập với nhau: “Tôi cho rằng, việc cho phép đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên không thể giải quyết được chuyện thừa thiếu giáo viên.
Có một thực tế như thế này, một giáo viên được đào tạo một cách đàng hoàng tử tế mà tại một số nơi, không có tiền nộp vào là không được tuyển dụng. Có những người phải lo chạy vạy 100-200 triệu đồng để có việc làm, không biết đến bao giờ mới “hồi vốn”. Một số địa phương, mặc dù trường học thiếu giáo viên nhưng lại không có biên chế để tuyển dụng, phải thuê giáo viên hợp đồng hoặc thậm chí không có hợp đồng. Điều này xuất phát từ tư duy máy móc, áp giáo dục vào định biên của công chức…
Chính vì vậy, quan trọng là các bộ/ngành phải có sự “chung lưng”, đưa ra giải pháp đảm bảo cân đối cung – cầu nhằm giải quyết các hệ luỵ thừa thiếu giáo viên cục bộ và các vấn đề xã hội khác”.
Nếu các đơn vị chuyên môn giúp bộ GD&ĐT đào tạo giáo viên thì hợp lý hơn
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, GS.TS Phạm Tất Dong (nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) bày tỏ: “Tôi thấy rất ngạc nhiên và hoàn thành không đồng ý đưa chuyện đấu thầu vào đào tạo giáo viên. Tôi cho rằng điều này là vô nguyên tắc giáo dục, chúng ta vất vả xây dựng hệ thống trường sư phạm, bởi một lẽ, đào tạo sư phạm là một môi trường đặc biệt, cần đứng riêng ra, không phải ai muốn “nhúng tay” vào cũng được. Đào tạo giáo viên thì phải có cơ quan chuyên môn, chứ không thể do địa phương đặt hàng, rồi hình thành các cơ quan gọi thầu… theo một kiểu rất “chợ búa”. Chưa kể, hiện nay, còn quá nhiều giáo viên đang thất nghiệp, tại sao không đào tạo lại, huấn luyện lại họ mà lại phải đưa hình thức mới vào đào tạo?
Chúng ta đã có “máy cái” là trường sư phạm chứ không phải “máy con”, vốn đã có chuyên môn và kinh nghiệm đào tạo, tại sao lại nghĩ đến đấu thầu? Nếu như vậy thì phải giải tán hệ thống các trường sư phạm, để tồn tại làm gì?
Đáng lẽ, nếu chỉ kêu gọi những viện nghiên cứu, những cơ quan khoa học, có điều kiện, hiểu biết khoa học, sư phạm, đứng ra hỗ trợ bộ GD&ĐT trong việc đào tạo giáo viên thì nghe còn có vẻ thực tế hơn”.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nói gì về việc đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên?
Việc công khai đấu thầu trong đào tạo giáo viên đang khiến nhiều chuyên gia trăn trở về giải pháp cân đối cung - cầu, trong đó phải tính đến cả câu chuyện biên chế giáo viên.
Chia sẻ về vấn đề công khai đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Trước kia đào tạo giáo viên sử dụng cơ chế giao nhiệm vụ, còn bây giờ theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu, việc này nếu làm phải từng bước, thận trọng nếu không hậu quả là rất lớn.
Ví như có thể dẫn đến chuyện một trường đại học vốn để đào tạo giáo viên nhưng chỉ tập trung để đi đấu thầu, như vậy khó tập trung cho chuyên môn đào tạo ra một giáo viên giỏi.
Cần phải có những quy định rõ ràng, hướng dẫn cụ thể, nếu quy định đấu thầu không rõ rất có khả năng cả năm các trường mới chuẩn bị được khâu đấu thầu. Rồi đào tạo thế nào đáp ứng nhu cầu chất lượng?".
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, quan trọng là Bộ GD&ĐT có giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu nhằm giải quyết các hệ luỵ thừa thiếu giáo viên cục bộ và các vấn đề xã hội khác. Để làm được điều này, Bộ GD&ĐT cần dự báo nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các địa phương đăng ký nhu cầu theo từng giai đoạn.
Ảnh minh họa
Theo nhiều chuyên gia khác thì việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo đấu thầu cũng không quá khó nhưng cái chính là sau khi tuyển được thí sinh, có cơ chế cho đặt hàng cũng như đấu thầu đào tạo giáo viên xong thì cần tính tới đầu ra của các em. Bởi lẽ, chỉ tiêu đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT quyết nhưng biên chế giáo viên lại do Bộ Nội vụ nắm, nhất là hiện nay cả nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết, để đào tạo giáo viên đáp ứng cung cầu là vấn đề không dễ. Cụ thể như hiện nay tại Thái Nguyên thiếu đến 5.000 giáo viên. Trong khi định mức biên chế mà ngành Nội vụ cho thì thấp hơn nhiều và chủ trương chung đang là tinh giản biên chế theo từng giai đoạn.
"Hiện số lượng sinh viên sư phạm đã ra trường nhưng chưa xin được việc làm còn rất nhiều. Như vậy nguồn giáo viên ngoài xã hội vẫn còn, nhưng cái khó là không được tăng thêm biên chế nên chưa thể tuyển dụng hết, trong khi rõ ràng đang thiếu giáo viên, thậm chí là thiếu trầm trọng ở bậc mầm non nhưng không được tuyển.
Trước khi bàn đến đấu thầu tôi nghĩ phải có giải pháp cho việc đăng ký chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng, đăng ký theo nhu cầu sử dụng, hay định mức biên chế được giao.
Nếu đăng ký theo định mức biên chế được giao thì thực tế ở nhiều địa phương đã sử dụng hết mà vẫn còn thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt ở cấp mầm non, tiểu học.
Rồi đào tạo theo nhu cầu, theo đấu thầu xong không được giao biên chế thì sao?", ông Hưng trăn trở.
Trước đó, Bộ GD&ĐT vừa có công văn hướng dẫn các địa phương, các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội.
Theo đó, hàng năm UBND cấp tỉnh sẽ rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp của địa phương theo từng trình độ, cấp học, ngành học, từ đó xác định chỉ tiêu để giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc tỉnh, hoặc đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên với các trường có ngành sư phạm khác.
Với đặt hàng đào tạo giáo viên, UBND cấp tỉnh sẽ lựa chọn trường và hoàn thành hồ sơ dự kiến với các trường trên cơ sở thông tin về tuyển sinh và đào tạo tại Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cổng thông tin tuyển sinh của các trường.
Với đấu thầu, UBND cấp tỉnh tổ chức đấu thầu việc đào tạo giáo viên của địa phương với các trường theo chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Các trường sẽ hướng dẫn, thông báo tới sinh viên trúng tuyển về chỉ tiêu đào tạo được các địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng để sinh viên trúng tuyển đăng ký, cam kết tham gia học tập và công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên của địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp, công khai danh sách, năng lực đào tạo trong năm tuyển sinh của các trường, chỉ tiêu, điểm trúng tuyển theo ngành đào tạo trong hai năm liền kề để UBND cấp tỉnh, người học tham khảo, lựa chọn ngành, trường phù hợp. Việc thông báo chỉ tiêu sẽ được thực hiện trước ngày 15/5.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương, trường đại học, cao đẳng công khai thông tin liên quan đến giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên trên trang thông tin điện tử để người học tham khảo, lựa chọn và cam kết tham gia.
Lễ khai giảng rạng ngời và bài học lòng yêu thương dành cho tân sinh viên sư phạm "Thầy cam kết rằng, các em sẽ được tôn trọng, sẽ được hướng dẫn, sẽ được tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của Nhà trường để có môi trường học, tập, nghiên cứu, rèn luyện để trưởng thành". GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã mở đầu lời dặn dò với tân sinh...