Những niềm tin đang vụn vỡ sau sự việc tiêu cực của kỳ thi năm 2018
Dư luận xã hội vẫn chờ đợi vào những phiên tòa có đầy đủ các thành phần liên quan chứ không đơn thuần là mấy nhà giáo và vài vị cán bộ an ninh đã bị truy tố.
Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La đến nay đã hơn một năm kể từ khi phát hiện ra sự việc nhưng mọi chuyện có lẽ đã đang dần dần bị lắng xuống.
Những thông tin viết về sự việc này giờ đây không được người đọc đón nhận như lúc ban đầu. Phải chăng dư luận xã hội đã tha thứ, quên lãng hay chính là họ đã mất niềm tin vào cách xử lý về sự việc này?
Ông Trần Xuân Yến (áo trắng) đã khai với cơ quan điều tra là ông Hoàng Tiến Đức “nhờ” sửa điểm cho 8 thí sinh (Ảnh: VTV.vn)
Đã nhiều lần hy vọng được lóe lên sau những phát ngôn hùng hồn của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ, có những lần dư luận tưởng chừng những nhân vật cộm cán liên quan đến sự việc này phải trả giá.
Sự thay đổi về nhân sự ở một số vị trí chủ chốt ở địa phương cũng tưởng sẽ có nhiều khởi sắc trong quá trình xử lý những sai phạm kể cả những người liên quan đến tổ chức nâng điểm và cả những phụ huynh đã “nhờ vả xem điểm trước”.
Thế nhưng, niềm tin cứ mai một, trôi dần theo thời gian…
Diễn biến của vụ án tiêu cực kể cả 3 địa phương không có nhiều điểm mới so với việc các cơ quan chức năng công bố danh sách số lượng thí sinh được nâng điểm. Những thí sinh “bị nâng điểm” vẫn được đảm bảo trong vòng bí mật.
Nhiều em vẫn đang là học viên, sinh viên ở các học viện, các trường đại học. Những em bị trả về thì cũng đã tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 và có lẽ cũng chuẩn bị bước vào giảng đường đại học (nếu đậu).
Số bị can gần như cũng đã cố định, không có những điểm mới. Một số người bị các bị can khai ra thì họ cũng chối bay, chối biến và phủ nhận hoàn toàn việc chạy điểm cho con em mình.
Tất cả các phụ huynh còn lại là cán bộ, công chức, viên chức chưa có vị nào bị đình chỉ công tác hay khai trừ khỏi Đảng. Họ vẫn tại vị, vẫn xem sự việc con mình bị ai đó nâng điểm bởi họ không nhờ nâng điểm, chỉ có một số ít phụ huynh “nhờ xem điểm trước” mà thôi.Những phụ huynh của hơn 200 thí sinh ở cả 3 tỉnh chỉ duy nhất mỗi mình ông Phạm Văn Khuông bị truy tố.
Cho dù, một số bị can ở Sơn La đã nộp cho cơ quan điều tra đến trên 3 tỉ đồng tiền được các phụ huynh và những người trung gia đưa để nhờ nâng điểm.
Video đang HOT
Nhưng, số tiền đó bây giờ thành vô chủ. Chẳng phụ huynh, chẳng có người trung gian nào nhận. Và, cơ quan điều tra cũng không làm rõ được sự việc này.
Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang thì về hưu, Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình dù không là Chủ tịch Hội đồng thi năm 2019 nhưng vẫn nằm trong Ban chỉ đạo Hội đồng thi. Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La dù bị Ban Bí thư kỷ luật về mặt Đảng nhưng đến giờ này vẫn tại vị ghế Giám đốc Sở.
Có thể tương lai ông Hoàng Tiến Đức sẽ bị Hội đồng nhân dân tỉnh kỷ luật nhưng dù sao hơn một năm sóng gió trôi qua ông vẫn tại vị cho đến ngày…đã qua tuổi nghỉ hưu được 1 tháng rồi!
Phó giám đốc Sở Giáo dục, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Giáo dục tỉnh Sơn La được xác định là có con được nâng điểm thì đến giờ phút này họ vẫn tại vị một cách…bình thường.
Họ vẫn giữ được ghế dù có lúc cũng gặp một chút sóng gió từ dư luận. Nhưng, ghế của họ vẫn vững vàng cho đến tận bây giờ…Dư luận, báo chí nói chán chê nhưng có lẽ đối với họ thì cũng chẳng hề hấn gì cả.
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nhưng sau sự kiện tiêu cực của năm 2018 thì người đứng đầu cũng chỉ một hai lần “nhận trách nhiệm” chung chung, có lúc buông lời “tôi rất buồn” rồi cũng trôi vào cõi thinh không.
Mấy tháng nay, chẳng thấy một vị lãnh đạo nào của Bộ Giáo dục nhắc về sự việc này nữa.
Hơn một năm qua, nỗi đau về việc gian lận điểm ở 3 địa phương dù không còn ồn ào và liên tục xuất hiện trên tất cả các trang báo như những ngày mới phát hiện sự việc nữa.
Nhưng, vết thương trong lòng xã hội thì có lẽ vẫn âm ĩ không dễ nguôi ngoai. Dư luận xã hội vẫn chờ đợi vào những phiên tòa có đầy đủ các thành phần liên quan chứ không đơn thuần là mấy nhà giáo và vài vị cán bộ an ninh đã bị truy tố.
Nhưng, đó cũng chỉ là hy vọng và chờ đợi mà thôi bởi theo dõi sự việc này suốt hơn một năm qua, chúng ta cũng thấy được sự chờ đợi của dư luận mong manh lắm. Và, cái gì đã mong manh thì thường dễ vỡ!
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Gian lận thi cử Sơn La: Chỉ 6 người khai nhận "nhờ nâng điểm" cho con cháu
Qua triệu tập, xác minh đối với 42 người là cha, mẹ, người thân của 44 thí sinh được nâng điểm, chỉ có 6 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh để nhờ "nâng điểm thi", 21 trường hợp nhận "nhờ xem điểm thi", 15 trường hợp còn lại không thừa nhận có liên quan...
Bị can Trần Xuân Yến (áo trắng) bị đưa về nhà riêng để thực hiện việc khám xét.
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Sơn La, cơ quan công an đã làm việc với 18 đối tượng trung gian và làm việc với 42 trường hợp là người thân, cha mẹ của 44 thí sinh nằm trong danh sách được nâng điểm.
Sau khi cơ quan điều tra lấy lời khai các bên, xuất hiện mâu thuẫn giữa lời khai của các bị can với số người trung gian hay mâu thuẫn giữa người trung gian này với người trung gian khác, nhất là về nội dung có chuyển thông tin cá nhân hay không chuyển, nhờ nâng điểm hay chỉ nhờ xem điểm thi, có đưa tiền hay không đưa tiền.
Chỉ 6 trường hợp thừa nhận "nhờ nâng điểm"
Theo cơ quan điều tra, qua triệu tập, xác minh đối với 42 người là cha, mẹ, người thân của 44 thí sinh được nâng điểm, chỉ có 6 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh để nhờ "nâng điểm thi", 21 trường hợp thừa nhận có chuyển thông tin của thí sinh nhưng là để "nhờ xem điểm thi", 15 trường hợp còn lại không thừa nhận có liên quan, khai không chuyển thông tin thí sinh và cũng không nhờ vả ai "nâng điểm" hay "xem điểm".
Trong số những trường hợp thừa nhận có nhờ vả "nâng điểm thi" có bà Lù Thị K. (giáo viên Trường tiểu học Mường Bú, huyện Mường La). Trước khi chấm thi THPT quốc gia 2018, bà K. khai có đến nhà bà Phạm Thị Thu H. (giáo viên Trường THPT chuyên Sơn La) trao đổi, cung cấp thông tin nhờ giúp nâng điểm cho thí sinh Lò Công C. (số báo danh 14002571) ba môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm, đủ điểm xét tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân.
Ngày 30/6/2018, Phạm Thị Thu H. đến phòng làm việc của ông Nguyễn Ngọc H. (Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT) để nhờ nâng điểm. Ông H. đồng ý và yêu cầu Phạm Thị Thu H. cung cấp thêm thông tin mã đề thi từng môn vào tờ danh sách thông tin cá nhân của thí sinh.
Bà Phạm Thị Thu H. khai gia đình thí sinh Lò Công C. có hứa hẹn sau khi em C. đỗ Học viện Cảnh sát sẽ cảm ơn (bằng tiền) sau, nhưng tới nay chưa nhận khoản tiền nào từ gia đình thí sinh; cũng chưa có khoản tiền nào được chuyển cho ông H.
Một trường hợp khác là bà Đào Thị N. (hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn huyện Phù Yên). Bà N. khai ngày 1/7/2018 có gọi điện cho ông Nguyễn Ngọc H. cung cấp thông tin, nhờ giúp nâng điểm cho con là thí sinh Phạm Xuân D. để đủ điểm xét tuyển đại học, tuy nhiên không thỏa thuận gì về tiền bạc.
Ngoài ra, bà Đinh Thị L. (ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) có con là thí sinh Mai Việt T. dự thi THPT quốc gia năm 2018, đăng ký xét tuyển vào Trường Sĩ quan lục quân. Bà L. thông qua em gái là bà Đinh Thị T. nhờ Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, là chị chồng của bà T.) giúp nâng điểm cho thí sinh này.
Bị can Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, nghe đọc quyết định khởi tố bị can.
Bà Nguyễn Thị X. (giáo viên Trường THCS Mường Bằng 1, huyện Mai Sơn) khai có con trai là thí sinh Võ Hoàng L. dự thi THPT quốc gia, nên tìm gặp ông Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu) để nhờ nâng điểm thi 3 môn Toán, Hóa học, Sinh học để đủ điểm xét tuyển vào Trường đại học Y Hà Nội.
Bà Lò Thị T. (TP Sơn La) có con là thí sinh Lù Mạnh H. đăng ký dự tuyển vào Học viện An ninh nhân dân. Bà khai ngày 27/6/2018 có đến nhà riêng gặp ông Lò Văn Huynh (trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) để nhờ nâng điểm cho con để đủ điểm xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân.
Theo cơ quan điều tra, về 6 trường hợp khai nhận có cung cấp thông tin cá nhân của thí sinh nhờ nâng điểm, lời khai cơ bản phù hợp với lời khai của 8 bị can trong vụ án, lời khai của các đối tượng trung gian và tài liệu chứng cứ thu thập được.
Mâu thuẫn lời khai giữa các bên
Lời khai của ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La và lời khai của bị can Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở này có mâu thuẫn về mục đích chuyển thông tin cá nhân 8 thí sinh. (Ông Đức khai "nhờ xem điểm", bị can Yến khai "nhờ nâng điểm").
Ông Hoàng Tiến Đức (bên phải ngoài cùng). Ảnh cắt từ clip do công an cung cấp.
Các ông Nguyễn Quang V., Bùi Minh H., Đỗ Kim Q., Dương Đức T. (phụ huynh các thí sinh) đều khai không chuyển thông tin cá nhân của các thí sinh để nhờ ông Đức xem điểm thi, trong khi trước đây ông Đức khai các trường hợp này có nhờ ông. Ngày 23/1/2019, ông Đức thay đổi lời khai tại cơ quan điều tra, phủ nhận toàn bộ lời khai trước đây là không nhận thông tin thí sinh, không chuyển thông tin thí sinh cho bị can Yến.
Ngoài ra, có mâu thuẫn trong lời khai của ông Nguyễn Ngọc H. (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Sơn La) với các bị can Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga và lời khai bà Phạm Thị Thu H. (trung gian) về việc nhờ "nâng điểm" hay "xem điểm" cho các thí sinh ( Bị can Yến , Nga, Huynh đều khai Nguyễn Ngọc H. nhờ chuyển thông tin thí sinh để "nâng điểm"; Phạm Thị Thu H. khai nhờ ông Nguyễn Ngọc H. "nâng điểm" cho thí sinh).
Mâu thuẫn trong lời khai của các bị can Lò Văn Huynh, Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng với lời khai của ông Nguyễn Minh K. (nguyên Phó trưởng Công an huyện Mai Sơn) về động cơ, mục đích chuyển thông tin cá nhân thí sinh cho bị can này. ( Khoa khai chỉ nhờ "xem điểm", trong khi các bị can khai ông này nhờ "nâng điểm").
Cùng với đó là mẫu thuẫn trong lời khai về việc đưa tiền khi Lò Văn Huynh khai ông K. đã chuyển cho Huynh 1 tỉ đồng để nâng điểm cho thí sinh, nhưng ông K. phủ nhận việc này.
Mâu thuẫn lời khai của ông Nguyễn Minh K. với lời khai của bà Nguyễn Thị Ngọc T. (trung gian) về việc chuyển hay không chuyển thông tin cá nhân thí sinh Vũ Hoàng H. cho ông K. ( ông K. khai bà T. có chuyển thông tin cho ông này nhưng bà T. lại phủ nhận).
Mâu thuẫn giữa lời khai bị can Nguyễn Thị Hồng Nga với lời khai của Trần Văn P. về thời gian, động cơ, mục đích chuyển thông tin cá nhân 2 thí sinh cho Nga từ khoảng ngày 29/6/2018 và mục đích là để nhờ "nâng điểm" cho những thí sinh này. Tuy nhiên P. khai chuyển cho Nga vào ngày 10/7/2018 nhằm mục đích chỉ nhờ "xem điểm" cho 2 thí sinh trên.
Theo Dân trí
Cả Ban Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La 'nhúng chàm' Kết quả điều tra của Công an tỉnh Sơn La cho thấy việc sửa, nâng điểm cho 44 thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có sự tham gia trực tiếp, gián tiếp của hàng loạt quan chức trong ngành giáo dục tỉnh Sơn La. Đến nay đã có 6 người trong ngành giáo dục Sơn La bị khởi tố...