Những nhầm lẫn thường gặp về Lịch sử của học sinh
Bà Trưng – bà Triệu là 2 chị em, Trần Quốc Tuấn là Trần Thủ Độ, các vị vua có họ tên gần giống nhau… đó là một số nhầm lẫn được nhiều giáo viên, học sinh cho rằng hay mắc phải.
Chia sẻ với PV, một số học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội “thú thực” rằng, không thể phân biệt được cái vị vua có họ tên gần giống nhau như: Lý Thái Tổ – Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông – Trần Anh Tông… Việc ghi nhớ các vị vua nhà Nguyễn hay các võ tướng cùng họ cũng là vấn đề gây khó khăn cho các em. “Em hay bị nhầm lẫn Trần Quốc Tuấn và Trần Thủ Độ”, một nữ sinh nói.
Giáo viên của một trường cấp 3 có tiếng tại thủ đô thì tâm sự rằng, ngoài nhầm lẫn mốc thời gian các sự kiện lịch sử, học sinh còn ngộ nhận nhân vật của Trung Quốc với Việt Nam. Có em học sinh lớp 12 vẫn đinh ninh rằng, bà Trưng và bà Triệu là chị em ruột. Những sự kiện lịch sử, chiến dịch mà tên gọi có chút liên quan như: Chiến dịch biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ… địa danh của hai miền Bắc – Nam nhiều khi cũng làm học sinh lúng túng trong phân định.
Video đang HOT
Năm 2015 chỉ có 15,3% thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia chọn thi môn Lịch sử. Nhiều hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh. Ảnh minh họa: Giang Huy.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu – giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) qua 20 năm chấm thi tốt nghiệp phổ thông, đã chứng kiến rất nhiều bài thi có sự hiểu biết ngây ngô, sai lầm về nhận thức và kiến thức lịch sử.
Trong kỳ thi đầu tiên triển khai chủ trương “Hai không” của Bộ Giáo dục (năm học 2006-2007), đã xuất hiện rất nhiều bài thi môn Sử “dính” điểm 0 và cùng với số điểm đó là bài làm “cười ra nước mắt”. “Điều đau lòng là nhiều học sinh đã “viết lại lịch sử” một cách khó lý giải. Nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng giải phóng dân tộc và các sự kiện tiêu biểu đều bị “bóp méo” đến mức khó chấp nhận. Sự nhầm lẫn phổ biến kiểu như nói đến tên của các danh nhân: Đinh Bộ Lĩnh với Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn với Lý Thái Tổ, Lê Lợi với Lê Thái Tổ, Nguyễn Huệ với Quang Trung…, hoặc nhầm kiến thức, sự kiện cơ bản giữa Chiến dịch Điện Biên Phủ với Chiến dịch Hồ Chí Minh, giữa cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) với kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)”, thạc sĩ Hiếu nói.
Những ngộ nhận về kiến thức lịch sử trên cũng như việc học sinh ở Hà Nội nhầm “Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai anh em, hay Quang Trung và Nguyễn Du là một”, khiến thầy Trung Hiếu cảm thấy đau lòng. “Đây là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục còn quá nhiều bất cập. Học sinh chán Sử và dốt Sử là lỗi của người lớn. Suy cho cùng, học trò cũng chỉ là nạn nhân của cách học “ứng thi”, của việc xem thường các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Sử”, thạc sĩ Hiếu nói.
Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam – Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) – GS Nguyễn Quang Ngọc đồng quan điểm việc học sinh ngộ nhận Quang Trung với Nguyễn Du là minh chứng rõ ràng cho sự xuống cấp, cảnh báo tình trạng kém hiểu biết kiến thức cơ sở nền tảng về khoa học xã hội nói chung, trong đó có lịch sử dân tộc.
Theo ông, coi câu chuyện này là ví dụ về sự yếu kém của ngành Lịch sử cũng đúng, nhưng chắc chắn phải là sự yếu kém nhiều hơn của các ngành học khác như Văn học, giáo dục công dân và khoa học xã hội nhân văn nói chung. “Người Việt Nam mà không biết Nguyễn Du, không biết Truyện Kiều thì là người Việt Nam nửa mù, nửa điếc. Học sinh của trường mang tên Nguyễn Du, được học bao nhiêu về truyện Kiều, được giáo dục về truyền thống của nhà trường hẳn cũng không ít mà còn nhầm lẫn một cách thảm hại như vậy, thì liệu có phải lỗi của riêng thày giáo dạy Sử hay sách giáo khoa Lịch sử không”, GS đặt câu hỏi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hiểu biết kiến thức Lịch sử ở nhiều thế hệ học sinh, theo Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam là do quan niệm về giáo dục môn học này chưa đúng. “Giáo dục Việt Nam hiện nay về hình thức tôn trọng Lịch sử nhưng trong thực tế lại rất xem nhẹ môn học này, coi là môn phụ, học cũng được mà không học cũng chẳng sao”, GS Ngọc nói. Ông bức xúc, không giải thích nổi dựa vào đâu lại cấu trúc chương trình học một tuần có 7 tiết Văn, trong khi môn Sử chỉ có 1-1,5 tiết. Nhiều trường thậm chí còn không có giáo viên dạy Sử mà phải chuyển người của môn khác sang giảng dạy. Theo ông, bản thân người dạy đã không được đào tạo bài bản về Sử học, khi giảng dạy lại bị coi là môn học phụ dạy phụ, người học chỉ theo lối “đá gà đá vịt” cho qua thì lấy đâu ra chất lượng?
GS Ngọc chia sẻ thêm rằng, bản thân ông đã có những kỷ niệm “đau xót và đáng xấu hổ” khi được Hội đồng giáo viên của một trường ở giữa Thủ đô Hà Nội nhắc nhở vì để con viết quốc hiệu nước ta thời nhà Hồ là nước Đại Ngu. “Người dạy mà thiếu kiến thức nền tảng đến như vậy thì những nhầm lẫn “ngây ngô” của học sinh về Quang Trung – Nguyễn Huệ lại là điều có thể giải thích được”, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nói.
Đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử không được đầu tư đúng mức, cộng thêm phương pháp giảng dạy khô cứng, sách giáo khoa cũ, coi lịch sử là một mớ sự kiện… không kích thích được hứng thú của học sinh. Đặc biệt hiện nay thi tốt nghiệp THPT, Đại học, Lịch sử trở thành môn tự chọn thì với tâm lý “ứng thi”, học đối phó nên việc học sinh không chọn thi Lịch sử là thực tế dễ hiểu. “Nếu cứ tổ chức thế này thì sẽ không còn học sinh thi Lịch sử nữa chứ đừng nói đến 1% hay cả cụm thi THPT quốc gia chỉ có một em như năm nay”, GS Ngọc nói.
Để giải quyết căn cốt vấn đề, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, phải nhận thức lại vị trí của khoa học xã hội nói chung, trong đó có khoa học Lịch sử. Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, không có bề dày Lịch sử như Việt Nam, họ cũng không lớn tiếng đề cao truyền thống lịch sử như nước ta nhưng trong thực tế người ta vẫn đặt lịch sử ở vị trí hàng đầu của các ngành khoa học xã hội nhân văn. “Tôi biết ở Mỹ người ta coi môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với học sinh phổ thông, tổ chức dạy sử, học sử và thi sử một cách khoa học nghiêm túc”, GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết.
Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, nếu nhìn nhận đây là một ngành khoa học đích thực, sẽ có ứng dụng rất lớn về nhiều mặt, cả trong chiến lược phát triển con người và đất nước nói chung. “Lịch sử cho ta nhiều bài học quý giá, cả những bài học thành công và không thành công. Bài học nào cũng quý nếu như chúng ta muốn rút kinh nghiệm một cách thật sự, muốn học một cách nghiêm túc, để có thể vận dụng giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề đang đặt ra của cuộc sống hiện tại và cả trong tương lai nữa”, ông Ngọc nói.
Theo Công lý