Những nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết
Trong 5 năm gần đây, các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học PCCC đã có gần 50 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/ SCPUS.
Đây là một thành tích đáng ghi nhận cho quá trình lao động, sáng tạo của đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học trẻ hiện đang công tác tại trường trong hành trình hội nhập và phát triển.
Thành quả từ sự đầu tư nghiêm túc, có chiều sâu
Số liệu từ Phòng nghiên cứu khoa học của Trường Đại học PCCC cho thấy, tính đến tháng 10-2019, đã có gần 50 công trình khoa học của 13 tác giả là cán bộ, giảng viên được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI. Dẫn đầu danh sách là TS Đỗ Đăng Trung với hơn 10 bài, TS Tống Sỹ Tiến với 9 bài; Khúc Quang Trung với 5 bài; Ngô Trung Học với 4 bài; Nguyễn Tuấn Anh với 4 bài; Phan Văn Thành với 3 bài; Lương Khắc Vọng và Đào Tuấn Anh với 2 bài.
Các tác giả còn lại gồm TS. Lê Quang Bốn, Trần Văn Huỳnh, Đỗ Thị Mai Hương, Trương Quang Vinh, Nguyễn Đức Việt, mỗi người đều có 1 công trình đã được công bố trên các tạp chí quốc tế.
Chia sẻ với phóng viên Báo CAND về những thành tựu của nhà trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế, Thiếu tướng, TS. Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết: Do là một lĩnh vực có tính đặc thù cao, mang tính ứng dụng thành tựu của các khoa học khác, khoa học kỹ thuật PCCC&CNCH nên lĩnh vực này đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc và có chiều sâu.
Nhận thức được điều đó, từ nhiều năm trước đây và hiện nay, Trường Đại học PCCC đã luôn quan tâm đầu tư xây dựng, đào tạo và khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên học tập và nâng cao trình độ, nhất là ngoại ngữ và chọn cử đi nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Bên cạnh giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo kế hoạch hằng năm, nhà trường đã phát động đội ngũ cán bộ, giáo viên đăng ký tham gia các chuyên đề, sáng kiến, viết bài cho các tạp chí của trường và được tính vào tiêu chí thi đua.
Cùng với đó, để tạo nên sân chơi đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia, nhà trường đã thành lập nhiều CLB như “Nhóm nghiên cứu khoa học chuyên sâu”, “CLB những người yêu phương tiện PCCC&CNCH”, “CLB Pháp luật nghiệp vụ”, “CLB Tiếng Anh”. Đặc biệt, để động viên phong trào nghiên cứu khoa học, cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, nhà trường cũng đã dành một khoản kinh phí (tuy chưa nhiều) được trích từ quỹ đời sống để hỗ trợ, động viên những tác giả có đề tài, chuyên đề, sáng kiến mang tính thiết thực cao, có tính khả thi và ứng dụng được ngay trong công tác giảng dạy cũng như chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Lãnh đạo Trường Đại học PCCC cũng cho rằng, PCCC&CNCH là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật còn nhiều tiềm năng. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của công tác PCCC&CNCH là mang lại bình yên cho người dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra. Vì vậy, đi sâu nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đây cũng chính là tiền đề cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên; khẳng định trình độ, khả năng của các nhà khoa học Việt Nam trên lĩnh vực PCCC&CNCH có thể tham gia sâu hơn vào các đề tài, các cuộc hội thảo quốc tế về lĩnh vực quan trọng này.
Video đang HOT
Cán bộ, giảng viên trẻ Trường Đại học PCCC say mê nghiên cứu khoa học.
Lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học
Thiếu tá, TS Đỗ Đăng Trung, Bộ môn cơ sở PCCC, Trường Đại học PCCC, tác giả sở hữu nhiều bài báo đã đăng trên các tạp chí ISI, cũng là giảng viên thế hệ 8X chia sẻ: Do các đề tài nghiên cứu mà các giảng viên trẻ theo đuổi đều gắn với các phòng thí nghiệm, trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ nên mỗi công trình nghiên cứu với các anh thực sự là một thử thách. Tuy vậy, chính niềm đam mê đã giúp anh và các đồng nghiệp vượt qua mọi khó khăn để có được các công trình nghiên cứu giàu hàm lượng khoa học và được các tạp chí quốc tế uy tín công nhận.
Còn theoThượng úy Phạm Văn Thành, giảng viên 9X trẻ nhất của nhà trường có 3 bài đăng trên Tạp chí quốc tế thì một bài báo có thể đăng được trên Tạp chí ISI cũng là một công trình nghiên cứu, rất vất vả và mất nhiều thời gian. Bên cạnh tính mới mẻ, hàm lượng chất xám trong các công trình, người viết cũng phải có một trình độ tiếng Anh nhất định để đọc tài liệu tham khảo; có kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng internet để tìm các tạp chí uy tín; có thể tương tác với các tổng biên tập để trả lời phản biện và cuối cùng là kỹ năng đọc và viết được một bài báo khoa học đúng chuẩn, đúng cấu trúc.
Với các trường đại học dân sự, phần thưởng cho các tác giả có bài đăng trên các tạp chí ISI uy tín thường rất lớn, xê dịch trong khoảng từ 60-200 triệu đồng tùy vào nguồn lực của từng trường. Với các trường CAND, do đặc thù riêng của lực lượng vũ trang nên không thể áp dụng chế độ đãi ngộ với những người làm nghiên cứu khoa học như các trường đại học dân sự. Trong khi đó, để dấn thân vào làm khoa học, ngoài việc phải hy sinh thời gian, công sức, có những thời điểm các cán bộ, giảng viên trẻ của Trường Đại học PCCC còn phải bỏ ra một khoản tiền bằng nhiều tháng lương cộng lại để đầu tư cho các công trình nghiên cứu.
Tuy vậy, vì xác định làm nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng của người chiến sĩ CAND trong nhà trường, vì đam mê, vì tự trọng với nghề nghiệp của mình nên các cán bộ, giảng viên trẻ của nhà trường vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. Và mỗi công trình khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín với các anh, đó là phần thưởng có giá trị tinh thần lớn nhất. Nó là động lực để các anh cố gắng, không tự thỏa mãn, không tự bằng lòng.
“Các tạp chí ISI trên thế giới hiện có hai dạng, một là dạng mở, mất phí do bản quyền thuộc về tác giả. Dạng thứ hai là đóng, không mất phí, bản quyền thuộc về Ban biên tập. Tuy nhiên, dù là dạng mở hay đóng thì cũng đòi hỏi hàm lượng trí tuệ khoa học rất cao trong mỗi công trình nghiên cứu. Các trường đại học lớn của Việt Nam hiện nay đều có chính sách hỗ trợ cho giáo viên trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các tác giả có bài đăng trên tạp chí ISI. Mong rằng, Bộ Công an cũng sẽ sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này để động viên kịp thời và lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên trẻ trong toàn lực lượng”- một cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ của Trường Đại học PCCC chia sẻ.
Thiếu tướng Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết: Để duy trì và phát huy tốt hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, trong thời gian tới, nhà trường sẽ đề xuất Bộ Công an cho phép từng bước xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ về lĩnh vực PCCC đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với các quốc gia có quan hệ truyền thống cũng như các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến.
Huyền Thanh
Theo CAND
Những bông hoa ngát hương
Những ngày này, cả nước tưng bừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hơn một triệu giáo viên, nhà giáo của cả nước đã được đón nhận sự tri ân của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và toàn xã hội đối với sự nghiệp trồng người cao quý và vẻ vang.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ tặng hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam cho giáo viên Trường Chuyên biệt tương lai.
Nghìn lời tri ân không bao giờ là đủ
Đối với những giáo viên đang giảng dạy tại các lớp học tình thương cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì hàng trăm, hàng nghìn lời cảm ơn, lời tri ân cho thầy cô sẽ chẳng bao giờ là đủ...
Gắn bó với lớp học tình nguyện gần 20 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hồng (trú tại phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), vẫn miệt mài hằng ngày đem những con chữ của mình để giảng dạy cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại nhà văn hóa cộng đồng (thuộc phường Hương Sơ) với mong muốn những em thiếu may mắn có được những kiến thức cơ bản để làm hành trang bước vào đời.
"Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em nhỏ không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nên chúng tôi đã mở lớp học này, đồng thời đứng ra vận động nhiều gia đình cho các cháu đến học tại lớp học này" - cô Hồng chia sẻ.
Cũng giống như cô Hồng, gần 30 năm qua cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh âm thầm mở lớp học tình thương tại phường Kim Long (Tp Huế) để dạy miễn cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Đa số các em học sinh ở đây đều thuộc gia đình nghèo, ban ngày thì phụ gia đình làm việc kiếm thêm thu nhập nên buổi tối mới có thời gian đến lớp học tình thương của cô Hạnh để biết thêm con chữ.
Tại trường Chuyên biệt tương lai thuộc Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên-Huế ngôi trường bán trú dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Trường được thành lập nhằm tạo điều kiện cho trẻ chậm phát triển trí tuệ có cơ hội được đến trường, được học tập, được vui chơi cùng bạn bè và phát huy hết khả năng của chính bản thân để sau này có cơ hội được sống độc lập và hòa nhập vào xã hội. Nơi đây hiện đang nhận nuôi dạy bán trú trên 50 cháu khuyết tật mỗi năm.
Đối với những cô giáo nơi đây, niềm vui của các cô đôi khi chỉ là tiếng cười òa sung sướng khi học sinh tự đút được cơm ăn, và nhẹ lòng khi nhìn các cháu bé viết được những nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết.
Chính sự hy sinh tầm lặng của các cô giáo đang ngày đêm gieo những con chữ đến với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Đau đáu với học trò kém may mắn
Là một trong số những nhà giáo được vinh danh ở giải thưởng Những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2019, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là người gắn bó nhiều năm với trẻ tự kỷ. Chọn học Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngay từ khi còn là sinh viên cô giáo Diệp đã có duyên nhận dạy kèm một trẻ tự kỷ. Kể từ đó, cô đã có những trăn trở đầu tiên với đối tượng học sinh đặc biệt này. Tới năm 2003, cô Diệp về dạy tại Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) và được giao nhiệm vụ kèm một học sinh tự kỷ. Khi đó, cô Diệp đã tìm hiểu kỹ hơn về trẻ mắc chứng tự kỷ với các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. "Em ấy không thể ngồi tập trung học, không nghe lời cô nói ngay nên phải kiên trì hướng dẫn em từng việc nhỏ.. Cũng có những khi cảm thấy bất lực vì hướng dẫn rất nhiều lần em vẫn chưa thực hiện được, nói trước quên sau nhưng dần dần những nỗ lực của mình cũng đạt được thành tựu khi hướng em được vào các hoạt động học tập bình thường"- cô Diệp tâm sự.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp cùng học sinh hỗ trợ các bạn mắc chứng tăng động vào giờ ra chơi.
Trải qua việc dạy học ở các Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, Trường tiểu học Tân Mai... đều gắn bó với việc giảng dạy có trẻ mắc chứng tự kỷ, tăng động... trong lớp, cô Diệp càng có thêm những kinh nghiệm để tiếp cận, làm bạn với những cô bé, cậu bé đặc biệt này. Thậm chí, sau giờ trên lớp, cô còn tham gia các lớp học, trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các tổ chức phi chính phủ để có thêm nhiều hiểu biết liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt, cô Diệp cũng tham gia CLB cha mẹ trẻ tự kỷ để nghe phụ huynh chia sẻ, hiểu hơn các học sinh của mình cũng như cách tiếp cận các em làm sao có hiệu quả. Đến năm học 2018-2019, cô đã tự mình mày mò và nghiên cứu, thiết kế thành công phần mềm Hỗ trợ trẻ khuyết tật (Trẻ tự kỉ, phổ tự kỉ, tăng động giảm tập trung) ở môn Toán, Tự nhiên xã hội, giai đoạn 1(lớp 1,2,3).
Ưu điểm của phần mềm này là các bài học được thiết kế đơn giản, đưa nhiều hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy giúp trẻ dễ tiếp thu. Bởi cô hiểu, đây là những thế mạnh của các em cần được phát huy triệt để so với những phần mềm dạy học thông thường khác. Nhiều phụ huynh trong CLB cha mẹ trẻ tự kỷ đã tiếp cận với phần mềm này và cho biết sản phẩm thân thiện, hữu ích, giúp cha mẹ cùng con tự học tại nhà, tự rèn luyện...
Là giáo viên luôn gương mẫu và nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô Diệp ngoài thời gian giảng dạy tại trường đã sẵn sàng dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc chăm sóc, dạy dỗ học sinh mắc chứng tăng động, giảm tập trung, học sinh tự kỷ. Cô Diệp hy vọng, trong tương lai, sẽ có nhiều trẻ tăng động, giảm tập trung được rèn luyện kĩ năng tự học, tự khám phá thế giới xung quanh bằng phần mềm của cô.
Nguyễn Quốc - Thu Hương
Theo daidoanket
Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 Tại buổi lễ, cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường ôn lại truyền thống tôn sư trọng đạo; chia sẻ định hướng phát triển trường. Kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng 20-11, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, đến thăm và chúc mừng các nhà giáo...