Những nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt do nhiều yếu tố gây ra và ảnh hưởng đến mỗi phụ nữ theo những cách khác nhau.
Trong hầu hết các trường hợp, rối loạn kinh nguyệt biểu hiện dưới dạng sự dao động của dòng chảy kinh nguyệt và sự không đều trong chu kỳ hàng tháng. Một số rối loạn không quá nghiêm trọng và có thể ổn định dần. Tuy nhiên, có những trường hợp phức tạp hơn và cần được bác sĩ phụ khoa thăm khám, chẩn đoán sớm.
Có nhiều nguyên nhân cụ thể khác nhau gây ra các loại rối loạn khác nhau xuất phát từ nhiều yếu tố như nồng độ hormone, chức năng của hệ thần kinh trung ương, sức khỏe của tử cung…
1. Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng phổ biến ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Video đang HOT
Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng bao gồm những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Điều này có thể dao động từ việc thường xuyên có kinh nguyệt đến không có kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, tuy nhiên nhiều trường hợp chu kỳ ngắn hơn khoảng 24 ngày hoặc dài hơn khoảng 38 ngày vẫn được xem là bình thường. Thời gian có kinh khác nhau ở mỗi người, thường là 3 – 5 ngày. Lượng máu mất đi sau mỗi chu kỳ kinh khoảng 50 – 150ml.
Rối loạn kinh nguyệt phổ biến nhất là chảy máu kinh nguyệt nặng mà chúng ta gọi là chảy máu tử cung do rối loạn chức năng.
Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng phổ biến ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, không những ảnh hưởng đến tâm lý, công việc, sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.
2. Một số nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt
Mất cân bằng nội tiết tố: Nồng độ hormone dao động trong cơ thể có tác động trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt. Những biến động này có thể do rối loạn chức năng ở tuyến yên, tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận. Nó cũng có thể là kết quả của sự trục trặc ở một hoặc cả hai buồng trứng và sự tiết hormone bắt nguồn từ đó.
Các vấn đề về cấu trúc cơ thể: 1/4 rối loạn kinh nguyệt là do các vấn đề về cấu trúc cơ thể. Chúng bao gồm các vấn đề phụ khoa khác nhau như sự hiện diện của u xơ tử cung và polyp, giảm sức co bóp tử cung, adenomyosis (xâm nhập mô tử cung vào thành cơ của tử cung), tử cung có diện tích bề mặt quá lớn và ung thư nội mạc tử cung.
Rối loạn đông máu: Bất thường về đông máu là nguyên nhân gây chảy máu kinh nguyệt nhiều ở phụ nữ. Nó dẫn đến mất máu quá nhiều do những vết cắt và vết đứt nhỏ và khiến người ta dễ bị bầm tím. Điều này cũng có thể bao gồm các tình trạng bệnh lý như giảm tiểu cầu (rối loạn chức năng tiểu cầu) và bệnh Von Willebrand (sự thiếu hụt về số lượng di truyền hoặc bất thường về chức năng của yếu tố von Willebrand, gây ra rối loạn chức năng tiểu cầu. Xu hướng chảy máu thường nhẹ).
Thuốc và thực phẩm bổ sung: Một số loại thuốc và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hoặc nội tiết tố như aspirin, ibuprofen, thuốc estrogen, vitamin E… thường gây rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ và dẫn đến sự dao động trong chu kỳ kinh nguyệt.
Các yếu tố khác: Là những yếu tố tương đối hiếm và cần được chăm sóc y tế ở mức độ cao hơn. Nó bao gồm các tình trạng như ung thư cổ tử cung, khối u buồng trứng, bệnh gan và thận, nhiễm trùng tử cung, căng thẳng tâm lý cực độ, béo phì… Các sự cố như sẩy thai và mang thai ngoài ý muốn cũng được biết là gây ra chảy máu kinh nguyệt bất thường.
Do đó, để xác định chính xác trường hợp rối loạn kinh nguyệt do nguyên nhân nào, chị em nên đi khám và thực hiện những kiểm tra cần thiết, để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp.
Chập chờn "đèn đỏ"
Kinh nguyệt không đều là một trong những mối bận tâm lớn nhất của chị em, nhất là với phụ nữ chuẩn bị kết hôn và có kế hoạch làm mẹ.
Sau đám cưới gần 1 năm, vợ chồng chị Đường Tô Lan, 26 tuổi, ở quận 1, TPHCM, "thả cửa" để có con. Tuy nhiên dạo này, chị Lan gặp phải tình trạng "đèn đỏ" chập chờn nên dù đã "thả" mấy tháng nhưng vẫn chưa có "kết quả". "Có tháng, ngày kinh của mình kéo dài 5 hôm nhưng cũng có lần, "đèn đỏ" diễn ra trong 10 ngày, thậm chí 2-3 tháng gần đây, mình mới "có" 1 lần. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy mình bị vô sinh?", chị Lan lo lắng. Theo các chuyên gia y tế, hiện tượng "đèn đỏ" chập chờn có thể không tác động xấu đến sức khỏe nhưng dễ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của chị em. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây rối loạn rụng trứng và giảm khả năng thụ thai, dẫn đến hiếm muộn và vô sinh.
Có nhiều nguyên nhân khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt hay kinh nguyệt thất thường như mất cân bằng hormone. Nếu tình trạng này diễn ra có thể khiến việc giải phóng noãn gặp trục trặc, trứng không rụng nên không thể thụ tinh. Nguyên nhân gây mất cân bằng hormone có thể do hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì, ăn uống thất thường... Kinh nguyệt không đều cũng có thể do suy dinh dưỡng. Bởi người bị suy dinh dưỡng dễ bị ngừng bài tiết estrogen và ngừng phóng noãn. Phụ nữ bị chứng chán ăn thường thiếu hụt dinh dưỡng, estrogen và mất kinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Trung tâm chăm sóc Sức khỏe sinh sản Hà Nội, cho biết: Rối loạn nội tiết sau thời gian dài sử dụng các biện pháp tránh thai cũng có thể là nguyên nhân khiến kinh nguyệt thất thường. Vận động quá nhiều là một trong những lý do khiến hormone leptin bị rối loạn. Hormone này có nhiệm vụ báo cho não biết tỉ lệ mỡ của cơ thể và tỉ lệ này ảnh hưởng đến kinh nguyệt nên khi bị rối loạn thì kinh nguyệt cũng bị ảnh hưởng theo. Cùng với các nguyên nhân trên, kinh nguyệt không đều còn có thể do tuyến giáp. Khi tuyến giáp của chị em hoạt động kém, dễ làm tăng hay giảm bài tiết prolactin, một hormone sinh sản do tuyến yên bài tiết ra. Thay đổi về nồng độ hormone này có thể ảnh hưởng đến tuyến dưới đồi và làm mất kinh. Ngoài ra, nếu bị u tuyến yên, cũng có thể gây kinh nguyệt không đều.
Thực tế, một người có kinh nguyệt bình thường thì chu kỳ "đèn đỏ" khoảng từ 21 đến 35 ngày; thời gian có máu tháng kéo dài từ 2 đến 7 ngày; lượng máu trong kỳ kinh khoảng 30-50ml. Nếu bị rối loạn kinh nguyệt thì ngày "đèn đỏ" sẽ không theo chu kỳ trên.
Trở lại với trường hợp của chị Lan, nhiều bác sĩ sản phụ khoa cho rằng, chị có nguy cơ cao bị rối loạn kinh nguyệt. Vì thế, chị Lan phải đi khám, làm xét nghiệm nội tiết tố để được chẩn đoán chính xác, nhằm phát hiện đúng và điều trị sớm bệnh. Nếu không, khả năng có thai sẽ thấp, thậm chí để lâu có thể gây vô sinh. Những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh tương tự cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Phụ nữ có cần bổ sung sắt trong kỳ kinh nguyệt không? Mệt mỏi, yếu ớt... là triệu chứng bình thường khi đến kỳ kinh nguyệt nhưng cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Vậy kinh nguyệt có gây thiếu máu và có cần bổ sung sắt không? 1. Kinh nguyệt có gây thiếu máu không? Thiếu sắt và thiếu máu ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn...