Những người “đưa đò” của học sinh nghèo biên giới
Khi màn đêm buông xuống, tiếng giảng bài, học bài của thầy và trò tại lớp học phổ cập giáo dục tiểu học do Đồn Biên phòng Tuyên Bình, BĐBP Long An tổ chức lại vang lên rộn ràng, xóa tan màn đêm tĩnh mịch của vùng biên giới.
Học sinh là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên địa bàn, nên cuộc sống hết sức khó khăn. Ngày ngày, các em phải tất tả phụ giúp gia đình làm thuê, làm mướn mưu sinh, đêm đến lại cần mẫn cắp sách đến trường theo đuổi giấc mơ con chữ.
Các thầy giáo Biên phòng ân cần chỉ bảo, chỉnh sửa từng nét chữ cho học sinh nghèo. Ảnh: Viết Hà
Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An – nơi các “thầy giáo mang quân hàm xanh” của Đồn Biên phòng Tuyên Bình đang ngày đêm miệt mài uốn nắn từng nét chữ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lớp học xóa mù chữ của các “thầy giáo quân hàm xanh” dành cho con em các gia đình người Việt Nam từng sinh sống ở Biển Hồ (Campuchia), nay trở về nước sinh sống trên địa bàn. Các hộ dân dựng lều, làm nhà tạm trên các bờ đê hoặc sống trên thuyền dọc theo biên giới, tập trung ở 2 xã Tuyên Bình, Vĩnh Bình. Con em của họ dù đang trong độ tuổi đi học, nhưng hầu hết không đủ các điều kiện pháp lý để được cắp sách tới trường với bạn bè cùng trang lứa, hằng ngày cùng với bố mẹ làm thuê, bán vé số kiếm sống…
Đại úy Nguyễn Minh Lợi, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tuyên Bình chia sẻ, trước hoàn cảnh của các em, từ năm 2012, đơn vị đã xin ý kiến Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, phối hợp với chính quyền địa phương, ngành giáo dục triển khai các lớp học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho các em. Để mở được lớp học, ngoài việc điều tra, khảo sát thực trạng người mù chữ, cán bộ, chiến sĩ phải kiên trì tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh đồng ý cho các em đến lớp. Đồng thời, tiến hành tổ chức họp các hộ dân bàn kế hoạch tổ chức lớp học, bố trí thời gian dạy học hợp lý, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình. Khi hình thành được lớp học, các cán bộ BĐBP phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là làm sao duy trì sĩ số, tạo cho học sinh không khí thi đua học tập, vượt qua mặc cảm…
Nhờ sự kiên trì, tận tụy của những người “thầy giáo mang quân hàm xanh” hằng đêm, lớp học được duy trì đều đặn. Cũng từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã tổ chức lớp học phổ cập giáo dục phổ thông cho con em Việt kiều Campuchia sinh sống trên địa bàn một cách hiệu quả. Chỉ huy đơn vị phân công 1 đồng chí sĩ quan phụ trách, 3 chiến sĩ trực tiếp giảng dạy cho 52 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Về chương trình học tập, giai đoạn đầu, các em được học chương trình phổ cập lớp 1 và kết thúc năm học, Đồn Biên phòng Tuyên Bình phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng tổ chức thi lên lớp cho các em. Những học sinh đạt điểm quy định được lên lớp, số chưa đạt tiếp tục học lại chương trình.
Video đang HOT
Hiện nay, Đồn Biên phòng Tuyên Bình đang duy trì 5 lớp với 52 học sinh theo học chương trình từ lớp 1 đến lớp 5, tất cả các em đều hăng say học tập, chất lượng dạy và học ngày một nâng lên.
Đại úy Nguyễn Minh Lợi cho biết, sau 7 năm tổ chức dạy học cho các em, qua các bài kiểm tra, lớp học của Đồn Biên phòng Tuyên Bình được ngành giáo dục công nhận đạt chuẩn chung của ngành giáo dục. Đây là niềm động viên để các “thầy giáo mang quân hàm xanh” phấn đấu nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, tiếp tục hoàn thành tốt mục tiêu phổ cập kiến thức lớp 5 cho trẻ em ở khu vực biên giới.
“Khi được phân công đứng lớp, ai cũng xác định đây vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự của người chiến sĩ Biên phòng. Qua thời gian tiếp xúc, dạy học, tôi càng hiểu hơn, đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của các em. Chính tinh thần ham học, sự tiến bộ của các em là nguồn động lực thôi thúc chúng tôi duy trì lớp học. Không chỉ dạy chữ, chúng tôi còn cố gắng truyền đạt cho các em về kỹ năng sống, ứng xử… để giúp ích cho các em trong cuộc sống” – Binh nhất Mạc Văn Nhân chia sẻ.
Em Võ Thị Ny (SN 2004) chưa một lần cắp sách đến trường cho tới khi được tham gia lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học của Đồn Biên phòng Tuyên Bình. “Từ khi về Việt Nam sinh sống, ba mẹ em sống bằng nhiều nghề mới đủ trang trải cuộc sống. Hằng ngày, em phải đi phụ giúp ba mẹ làm thuê, bán vé số, nhặt ve chai… Sau một thời gian theo học, giờ đây, em đã có thể đọc thông, viết thạo. Em sẽ cố gắng học tập tốt để có kiến thức và không phụ công lao của các thầy đã dìu dắt em bấy lâu nay”.
Để tranh thủ tối đa thời gian, giúp các em theo kịp chương trình chính thức, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình quyết định huy động ra lớp tất cả các buổi tối trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Học sinh được chia lớp theo trình độ để thầy giáo có thể kèm cặp cho từng em.
Binh nhất Mạc Văn Nhân chia sẻ: Do không có nghiệp vụ sư phạm, lúc đầu, tôi và các chiến sĩ được phân công đứng lớp gặp không ít khó khăn trong việc chuẩn bị giáo án, cách truyền đạt kiến thức… Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình từ các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Tuyên Bình, sự động viên của chỉ huy đơn vị, cùng với sự tìm tòi nghiên cứu các tài liệu về sư phạm, nên chúng tôi có thêm niềm tin, vững vàng hơn khi lên lớp, giúp các em ngày càng tiến bộ.
Viết Hà
Theo bienphong.com
Dành cả tuổi trẻ miệt mài "gieo con chữ" vùng biên
Miệt mài, chịu đựng những khó khăn, vất vả, thiếu thốn, cô giáo trẻ miền xuôi Lê Thị Toan sẵn sàng đến những điểm trường vùng cao xa xôi của xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để dạy chữ cho học sinh nghèo với mơ ước các em sẽ có được một tương lai tươi sáng hơn...
Vào mỗi dịp cuối tuần, cô giáo Lê Thị Toan đều đưa các em học sinh của mình về nhà. Ảnh: Kim Nhượng
Chiều chiều, khi mặt trời bắt đầu lặn xuống đỉnh núi, vào những dịp cuối tuần, người ta lại thấy bóng dáng một cô giáo với khuôn mặt xinh xắn cùng các em học sinh lội qua con suối nhỏ, tỏa về những ngôi nhà nằm xa xa lẩn khuất sau những triền đồi. Cô giáo Lê Thị Toan sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình - người đã có 10 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao này.
Tháng 9-2009, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Toan tình nguyện lên vùng cao của xã Chung Chải và Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, dạy tiểu học và đã gắn bó với nơi này cho đến bây giờ. 10 năm ròng bám mảnh đất biên cương đã để lại cho cô giáo Toan biết bao kỷ niệm.
Cô Toan chia sẻ: "Khi mới lên đây nhận công tác, em được phân công vào điểm trường Cà Là Pá, xã Chung Chải dạy tiểu học, đến nơi nhận lớp chỉ thấy có 5, 6 em, cả một điểm trường tiểu học chỉ có 24 học sinh, mà hầu hết các em đi học đều không được học qua mẫu giáo, nên còn hồn nhiên, ngây ngô lắm. Từ trung tâm xã vào đây phải mất 16 cây số đi bộ, trèo đèo, lội suối. Tới mảnh đất không điện lưới, không sóng điện thoại, không nhà ở, việc đầu tiên của chúng em là lên rừng lấy tre về để dựng nhà, huy động bà con dân bản đan vách giùm rồi quây tạm mấy tấm bạt dựng lên. Mấy chị em ở với nhau. Nói là nhà thôi chứ thực ra nó như cái lều nhỏ".
Toan chia sẻ với chúng tôi những khó khăn, vất vả mà nghe nhẹ bẫng đúng như lời em nói: "Khổ chúng em quen rồi". Anh Vừ A Và, Trưởng bản Cà Là Pá vẫn còn nhớ như in ngày cô giáo Lê Thị Toan lên đây dạy học, anh bảo: "Ngày ấy vất vả lắm, cô giáo lên đây chẳng có nhà để ở, thấy cô nhiệt tình ngày nào cũng vào từng nhà vận động bà con cho con đi học, thương cô giáo nên dân bản giúp cô dựng nhà. Vì thương, vì quý nên tuần nào bà con cũng tặng cô khi thì con gà, khi thì cân gạo, còn nhắc con em mình đi học thì đầu tuần mang cho cô bó củi".
Năm 2016, trận mưa lớn đã làm con đường vào điểm trường Cà Là Pá sạt lở hết. Cô giáo Toan cùng 3 đồng nghiệp của mình lên điểm trường, cố gắng vượt qua suối để kịp đến lớp. Dòng nước đổ về nhanh làm sạt lở đất, cuốn luôn một đồng nghiệp của Toan, may sao cô giáo ấy bám được vào trụ bê tông của cống nước gần đó, rồi được dân bản chạy lên cứu kịp thời.
Đó chỉ là một trong số những nguy hiểm mùa mưa lũ mà các thầy cô vùng cao nơi đây phải thường xuyên đối mặt. Khi chúng tôi hỏi Toan: "Vất vả là thế, sao một người trẻ như cô giáo lại bám trụ được ở nơi này?". Toan cười: "Nguy hiểm chúng em cũng quen rồi, chỉ sợ nhất là đêm tối. Vì cứ đêm là nhớ bố mẹ, nhớ con. Hồi mới vào đây, ngày nào em cũng khóc, tưởng như khóc hết nước mắt. Cuối tuần lại đi bộ 16 cây số, rồi mượn xe máy các anh chị ra tận trung tâm xã, cách đó cả chục cây số nữa mới có sóng điện thoại để gọi về cho mẹ, cho con trai".
Ở cái nơi xa xôi vào bậc nhất đất nước như xã Leng Su Sìn này, cái đói, cái khổ của đồng bào vẫn còn đó. Thế nhưng, những cô giáo trẻ như Toan cùng biết bao đồng nghiệp cùng trang lứa khác vẫn luôn chia sẻ, gắn bó với đồng bào và các em nhỏ nơi đây.
Có lẽ, điều động viên nhất với cô giáo Toan là mỗi ngày lên lớp, được nhìn thấy học sinh đến lớp đầy đủ. Nhắc tới ngày 20-11, khuôn mặt bỗng nhiên rạng ngời lên, Toan bảo: "Em thích hoa dã quỳ lắm, cứ mùa này dã quỳ lại nở rộ khắp cả vạt rừng dọc đường đi xuống điểm trường, trông vàng óng. Mấy đứa nhỏ mặc váy dân tộc Mông, dân tộc Hà Nhì hòa vào hoa dã quỳ đẹp vô cùng"...
Kim Nhượng
Theo bienphong.com
Nhà nghèo, mồ côi từ nhỏ, nữ sinh dân tộc Lự vẫn xuất sắc đỗ đại học Đam mê học hành đã giúp cô gái sinh năm 2001 vượt lên hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi ước mơ của mình. Vượt lên hoàn cảnh của chính mình, cô gái dân tộc Lự đã trở thành 1 trong 120 tấm gương học sinh, sinh viên và thanh niên dân tộc xuất sắc được vinh danh. Mồ côi cha mẹ, đỗ...