Những ngôi trường “ba không”
Tuyển sinh khó khăn, nhiều trường thường kêu ca do chính sách tuyển sinh thắt chặt, do người học ngày càng khó tính hơn, yêu cầu cao hơn.
Sở GD-ĐT TP.HCM đã quyết định đình chỉ hoạt động một năm đối với Trường THCS-THPT Khai Trí – Ảnh: Như Hùng
Số lượng trường tư tăng và phát triển đến chóng mặt. Phụ huynh, thí sinh có nhiều cơ hội chọn trường. Ở bậc phổ thông, phần lớn trường tư đều có tổ chức nội trú, bán trú. Chuyện ăn, ngủ ở từng trường cũng được phụ huynh soi xét kỹ hơn trước.
Trường nhiều, người học ít
Hiệu trưởng một trường tư thục ở Q.Tân Bình, TP.HCM kể: nhiều phụ huynh tham quan trường lần thứ ba, vào tận bếp kiểm tra khâu nấu ăn, sau khi cả gia đình đến căngtin trường ăn thử bữa ăn HS rồi mới quyết định mua hồ sơ. Nhiều HS chuyển trường chỉ vì bữa ăn không vừa miệng. Trong khi đó, có HS từng học ở trường N (một trường nổi tiếng với tỉ lệ đậu tốt nghiệp và ĐH cao ngất) lại nhất quyết xin chuyển trường vì lý do… chỗ tắm rửa ở trường đó sơ sài quá, em này không chấp nhận chuyện phải tắm tập thể.
Ông Lê Văn Linh, hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình, phân tích: “Hiện nay nhu cầu phụ huynh rất đa dạng, có người đặt nặng chất lượng học tập, có người chuộng cơ sở vật chất, có người chỉ tìm hiểu chất lượng ăn uống, sinh hoạt trước khi gửi con vào trường tư. Họ đòi hỏi rất cao trước khi chấp nhận chi mức học phí năm bảy mươi triệu đồng/năm cho con mình. Đó là lý do các trường nhỏ, không đầu tư phát triển cơ sở vật chất, không có nét đặc thù sẽ bị phụ huynh từ chối”.
Vì vậy, để “sống sót” đã khó, các trường tư còn phải chống chọi với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các trường bạn trong hoàn cảnh trường nhiều, người học ít. Thêm hay bớt một người học là chuyện mà trường phải đau đầu bởi liên quan trực tiếp đến nguồn thu giúp trường… cầm cự. Như phép toán của ông Nguyễn Đình Độ – phó hiệu trưởng Trường tư thục Thành Nhân (Tân Phú, TP.HCM): “Một trường có hai cơ sở, tiền thuê mướn mặt bằng mỗi tháng đã hơn 200 triệu đồng, lương giáo viên, cán bộ khoảng 100 triệu đồng, tiền ăn (khoảng 100.000 đồng/HS/ngày), sinh hoạt phí, phí bảo trì, điện nước… cũng khoảng 200 triệu đồng nữa. Như vậy nếu trường chỉ có khoảng 100 HS với mức thu 5-5,5 triệu đồng/tháng phải chật vật lắm mới duy trì được. Tuyển sinh không được, chủ trường phải bán nhà, bán đất để bù lỗ nếu không muốn trường đóng cửa”.
Kết cục của “ba không”
Video đang HOT
Trong hoàn cảnh đó, những trường ọp ẹp, thiếu thốn trăm bề khó lòng thu hút người học. Thế nên, Trường THCS – THPT tư thục Khai Trí (Q.5, TP.HCM) không có sân, không có phòng bộ môn lý, hóa, sinh, không đủ cơ sở vật chất đảm bảo giảng dạy các môn thể thao, nhạc, họa, nghề phổ thông, các hoạt động ngoài giờ lên lớp… bị đình chỉ là điều dễ hiểu.
Tính đến ngày Sở GD-ĐT TP.HCM thanh tra (ngày 11-9), 10/15 nhân viên trường đã nộp đơn nghỉ việc (trong đó có cả hiệu trưởng nhà trường). Trong số 33 giáo viên đang giảng dạy tại trường chỉ có bảy giáo viên cơ hữu, hai giáo viên thỉnh giảng không đúng chuyên môn… Chẳng những thế, từ ngày thành lập đến nay trường này hoạt động trên mặt bằng được cho mượn.
Không chỉ trường phổ thông, từ năm 1998-2008 hàng chục trường ĐH, CĐ ngoài công lập được thành lập. Tuy nhiên rất nhiều trường được phê duyệt thành lập khi thực chất là những trường “ba không”: không cơ sở vật chất, không giảng viên, không chương trình đào tạo. Đến mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với hàng loạt trường ĐH, CĐ. Trường chưa bị đình chỉ thì cũng đang lay lắt qua ngày.
Điển hình là tình trạng của Trường ĐH Phan Châu Trinh mà chúng tôi đã đề cập. Ra đời từ năm 2006 với tham vọng của ban sáng lập trường là “xây dựng thành một ĐH tư thục “hoa tiêu” hoạt động theo mô hình chất lượng cao…” nhưng đến nay vẫn đang khốn đốn do thiếu đủ thứ.
Ngay từ đầu, trường được UBND thị xã Hội An (nay là TP Hội An, Quảng Nam) cho mượn khu đất (diện tích 4,5ha) để đặt văn phòng ban sáng lập trường. Khu đất được cấp có diện tích hơn 40ha để xây trường thì đến nay vẫn chưa được triển khai, dự án còn trên giấy. Cơ sở hiện tại của trường trước đây là Trường Quân chính (Tỉnh đội Quảng Nam cũ) với mấy khu nhà cấp bốn cũ kỹ, trường phải cải tạo lại và xây dựng chắp vá.
Bi đát hơn, Trường ĐH Văn Hiến sau 15 năm hoạt động đến nay vẫn chưa sở hữu được tấc đất nào. Tất cả cơ sở hiện nay của trường đều phải thuê mướn khá ọp ẹp, nằm rải rác các quận ở TP.HCM. Khu đất ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) mà trường được UBND TP.HCM quy hoạch cũng vướng chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều năm nay chưa giải quyết được.
Trường ĐH Hùng Vương đến thời điểm này đã xây dựng xong cơ sở riêng trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) ba năm nay nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng do chưa nghiệm thu. Khu đất hơn 26ha được UBND TP.HCM quy hoạch cho xây trường tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) cũng còn trên giấy. Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2008, trong khi mới có dự án xây dựng trường ở huyện Củ Chi, nhưng đến nay vẫn phải thuê mướn các cơ sở chật chội làm chỗ dạy.
Theo tuổi trẻ
Học phí cao, HS chuyển khỏi trường tư
Chị Minh, phụ huynh có con học Trường Hà Nội - Academy (Hà Nội) được một năm, cho biết: "Cả nhà tôi đang phải tính cách chuyển con về trường công. Cho dù có tốn tiền để lo chuyển trường thì cũng chỉ tốn một lần, đằng này với mức học phí cao ngất cộng thêm nhiều phụ phí khác thì chịu không nổi vài năm học nữa".
Theo thông báo của trường này, học phí cấp I (tiểu học) năm học 2012-2013 là 93,6 triệu đồng/năm học/học sinh, học phí cấp II (THCS) là 106,6 triệu đồng/năm học/học sinh, học phí cấp III (THPT) là 124,6 triệu đồng/năm học/học sinh.
Lo chuyển trường từ đầu năm
Một số phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Ngôi Sao - Hà Nội cũng cho biết học phí năm học mới là 4,4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với năm học trước, chưa kể nhiều loại tiền khác. Chị Hồng, một phụ huynh, lo lắng: "Năm nay con tôi mới lớp 2, mỗi năm tăng học phí thêm 1 triệu đồng cùng với nhiều khoản phát sinh thì không chắc trụ được tới lớp 5".
Theo chị Hồng, trường công lập ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính không có nên nhiều người không có sự lựa chọn khác ngoài Trường Ngôi Sao nếu không muốn cho con đi học quá xa. Nhưng với mức tăng học phí và đủ loại phí như hiện nay, nhiều phụ huynh phải nghĩ đến giải pháp quay về trường công vì lo không thể trụ nổi.
Tương tự, một số phụ huynh có con học ở Trường tiểu học quốc tế Thăng Long trong khu đô thị Bắc Linh Đàm cũng xin chuyển trường cho con. Theo anh Thắng - phụ huynh có con học lớp 2, "lý do chuyển trường vì năm nào học phí cũng tăng. Bên cạnh học phí, tiền xây dựng trường, tiền hoạt động ngoại khóa, đồng phục, những khoản phải nộp đầu năm cũng đội lên rất cao khiến phụ huynh không thể gánh nổi".
Giờ tan học của học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
"Một năm học thì có thể cố được để con không phải chuyển trường, nhưng không có cam kết nào của nhà trường cho thấy tiền trường không tiếp tục tăng mà không báo trước cho phụ huynh. Trong khi đó, cơ quan quản lý giáo dục không thể can thiệp vào quan hệ trường tư và phụ huynh. Đó là điều khiến nhiều người hoang mang" - anh cho biết.
Trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn năm học này tăng học phí lên 2,8 triệu đồng/tháng/học sinh, bữa ăn từ 1 triệu đồng/tháng/học sinh (năm trước) lên 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh. Chỉ riêng học phí và tiền ăn, một tháng phụ huynh phải đóng 4,3 triệu đồng. Nhưng ngoài khoản cố định, học sinh phải đóng góp thêm nhiều khoản dịch vụ và tiền (một lần) đầu năm học với chi phí hàng triệu đồng. Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội, một học sinh trung bình phải đóng 5,5-6 triệu đồng/tháng. Trường Việt - Úc (Hà Nội) riêng học phí cũng 70 triệu đồng/năm học.
Trăm loại phí
Tại TP.HCM, các trường phổ thông ngoài công lập đã công bố mức học phí năm học 2012-2013, trong đó đa số trường giữ nguyên mức học phí, chỉ tăng các phí dịch vụ bán trú, nội trú. Tuy nhiên, việc tăng các loại phí dịch vụ này cũng đủ khiến phụ huynh choáng váng khi một số trường có mức tăng các khoản thu đầu năm lên tới 15-20%. Không ít phụ huynh cho biết họ có ý định chuyển sang trường có mức thu thấp hơn, hoặc chuyển con từ nội trú sang bán trú để giảm bớt các loại phí phải đóng hằng tháng.
Mức học phí được các trường công bố về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm học 2011-2012, dao động ở mức 1,5-2,6 triệu đồng/ tháng như Thanh Bình (1,6 triệu đồng), Nguyễn Khuyến, Đông Du, Đăng Khoa (1,7 triệu đồng), Thành Nhân (1,8 triệu đồng), Đức Trí (2,6 triệu đồng)... Tuy nhiên, ở một số trường, mức tiền ăn, các dịch vụ vệ sinh, giặt ủi, xe đưa rước, phí quản lý đã tăng lên so với năm trước, đẩy tổng chi phí mà phụ huynh phải đóng hằng tháng đội lên.
Một phụ huynh ở Trường Quốc văn Sài Gòn (Q.Tân Phú) cho biết năm học mới này chị phải đóng hơn 5,5 triệu đồng/tháng bao gồm học phí (2,2 triệu đồng), tiền ăn (2 triệu đồng), tiền ở (600.000 đồng), quản sinh (400.000 đồng), giặt ủi (200.000 đồng), như vậy tăng khoảng 17% so với năm học trước khi chị chỉ phải đóng tổng mức phí một tháng khoảng 4,7 triệu đồng.
"Đó là chưa kể tiền cơ sở vật chất, tiền hội phụ huynh, xe đưa đón được tính riêng. Dẫu biết học trường tư thì phải chấp nhận việc thu chi là do thỏa thuận, nhưng nếu mức tăng quá cao thì chi phí hằng tháng của gia đình cũng sẽ đội lên, gây không ít khó khăn. Nếu cứ tiếp tục tăng mỗi năm như thế này, chắc chắn gia đình phải tính toán lại việc có nên cho con học trường có mức thu thấp hơn" - chị cho biết.
Tương tự, ở Trường trung - tiểu học Thái Bình Dương (Tân Bình), so với năm học trước mức thu cũng đã tăng hơn 20%. Nếu năm học 2011 học sinh lớp 1 chỉ phải đóng 2,3 triệu đồng/tháng thì năm nay mức học phí là 2,8 triệu đồng. Tổng chi phí nội trú do vậy cũng tăng từ 3,5 triệu đồng lên 4,3 triệu đồng/tháng. Đối với phụ huynh có con học bậc THPT, tổng mức phí phải đóng hằng tháng lên đến 7-8 triệu đồng.
Không có quy định về mức thu của trường tư thục Theo ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, sở không quản lý các mức thu của trường tư thục mà hiện nay cũng không có quy định nào về việc thu chi của trường tư. Ông Chương thừa nhận: "Các mức thu ở trường tư hiện đang bị "thả nổi". Do đó, một số trường tự đặt ra nhiều khoản thu khác nhau với nhiều mức khác nhau. Tình hình lạm thu ở trường tư ngày càng tăng lên, ví dụ như năm nay TP.HCM đã bỏ khoản thu cơ sở vật chất nhưng tôi vừa nhận được thông tin do phụ huynh báo là có trường tư thục yêu cầu phụ huynh phải đóng khoản cơ sở vật chất đầu năm 2 triệu đồng". Về việc học sinh ở trường tư chuyển sang học ở trường công, ông Chương cho biết: "Theo đúng quy định, học sinh trường tư không được chuyển về trường công lập, nhưng thời gian qua tôi đã trực tiếp ký đơn cho một số trường hợp vì hoàn cảnh gia đình không có điều kiện cho các em tiếp tục học ở trường tư". H.HG.
Theo tuổi trẻ
Trường tư: Những "cái chết" được báo trước Đã qua rồi cái thời trường tư cứ hùn vốn mở trường, tuyển sinh rồi thong thả thu lợi đơn giản và chóng vánh. Hệ thống trường từ phổ thông đến đại học đang chứng kiến sự đào thải mạnh mẽ. Ngày 5/10, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai quyết định đình chỉ hoạt động một năm đối với Trường THCS và THPT tư...