Những nghịch lý mọi thời đại khi đi học
Có rất nhiều điều trái khoáy của học sinh khi đi học mà ngay đến cả chính những người trong cuộc cũng không thể lí giải nổi “tại sao lại như vậy?”.
Kiểu như:
Khi học bài thì rất buồn ngủ nhưng khi lên giường lại trằn trọc mãi không ngủ được
Với nhiều bạn ban đầu rất có quyết tâm, ý chí học hành với suy nghĩ nhất định hôm nay mình phải làm xong đống bài tập về nhà kia hay phải soạn cho đầy đủ mấy bài Ngữ văn. Nhưng đến khi mới giở sách ra, lật qua lật lại được vài trang, hay mới chỉ cầm bút viết được vài dòng thì tâm trạng chán nản bắt xuất hiện cùng cơn buồn ngủ kéo đến. Dẫu có dùng biện pháp gì thì hai mắt bạn vẫn cứ díp lại. Sau một thời gian đấu tranh nội tâm “ác liệt” giữa việc học tiếp hay đi ngủ thì bạn quyết định lên giường làm một giấc thật ngon lành rồi sau đó dậy học tiếp. Thế nhưng sự đời oái oăm. Lên giường trằn trọc mãi mà chúng ta không tài nào ngủ được. Đến nước này thì nhiều bạn học sinh không biết nên làm gì? Dậy học tiếp cũng không hiệu quả mà “yên vị” trên giường cũng không xong.
Để đối phó với tình huống này có lẽ ngay từ khi cơn buồn ngủ mới xuất hiện ta nên đứng dậy vươn vai đi ra ngoài, hít thở không khí cho tới khi nào “cắt cơn” thì vào học bài tiếp.
Video đang HOT
Giờ học môn này thì không học lại thích đem môn khác ra học
Việc này thường bị giáo viên cho vào tội thích làm việc riêng trong lớp và rất dễ các bạn sẽ có “vinh dự” có tên trong sổ đầu bài. Vì với các thầy, cô giáo việc trong giờ của mình mà học sinh đem môn khác ra học cũng đồng nghĩa với việc học sinh đó không tôn trọng giờ của mình và không tôn trọng cả chính bản thân giáo viên dạy môn đó nữa.
Nhưng theo những lời “ngụy biện” của teen thì “không hiểu sao khi giờ Văn lại rất thích mang Toán ra học. Hay giờ Toán thì lại rất thích mang Vật lí ra làm… khi đó rất có hứng thú với những môn trái giờ kia, chứ không hề có ý không tôn trọng giáo viên.” Vẫn biết là giờ nào việc đó, chúng ta nên chăm chú lắng nghe thầy, cô giảng bài như vậy sẽ hiểu đúng bản chất của các vấn đề hơn, hay những phần trọng tâm của bài, phần nào khi đi thi thường có. Nhưng biết làm sao được khi mà “lí trí không thể thắng nổi con tim”.
Phải đi học thì muốn nghỉ nhưng được nghỉ lại muốn được đi học
Chuyện này chẳng còn xa lạ gì với tất cả học sinh nữa. Đi học lên lớp thì chỉ mong được nghỉ giờ, được về sớm hay thầy cô có việc bận đột xuất để “đỡ phải học”. Nhất là khi có ai đó thông báo “hôm nay thầy/cô ốm nên các bạn/các em được nghỉ tiết này hay các em được về”. Thì không ai bảo ai, cả lớp vỗ tay, cười sung sướng. Các thầy cô thường đùa với nhau rằng “Chẳng hiểu tại sao học sinh lại vỗ tay khi biết tin thầy cô của mình bị ốm?” Dẫu cho các thầy, các cô rất hiểu tâm lí học sinh “vỗ tay vì được nghỉ, không phải học.”
Thế nhưng đến những dịp như 20/11 hay tết Dương lịch, tết Nguyên đán… được nghỉ vài ngày thì ai ai ở nhà cũng kêu chán, thấy nhớ trường lớp, bạn bè quá. Lúc đó ai cũng mong muốn thời gian trôi nhanh để đi học. Học trò đúng thật là “được voi lại còn đòi Hai Bà Trưng”.
Dù dậy sớm vẫn thích đi muộn
Rất nhiều bạn sau này khi lên đại học rồi, hay khi đã ra trường đi làm, mỗi lần họp lớp lại cảm thấy rất tự hào với thành tích “đi học muộn” của mình. Nhà xa thì chớ nhưng đằng này, càng nhà ở gần trường, các bạn học sinh lại càng hay đi muộn. Có lẽ là do tâm lí chủ quan, nhà gần đợi khi nào sắp đánh trống đi cũng kịp. Lại có rất nhiều bạn như một thói quen không thể đi sớm được, mặc dù ở nhà dậy rất sớm, cặp sách, quần áo cũng đã chuẩn bị xong, chỉ việc lên đường nữa thôi. Nhưng không hiểu sao vẫn không thể đi được. Cứ phải đợi đến “giờ đó-giờ hoàng đạo của mình” thì mới xách cặp đi, dẫu cho trong lòng biết rằng đi giờ này có thể bị muộn.
Bạn hãy thử một lần đi sớm, sẽ có rất nhiều điều thú vị mà bạn chưa khám phá ra. Ví như bạn sẽ thấy cảnh vật thật mới lạ, đường phố thật ít người, không khí thật trong lành, không có xe cộ tấp nập, còi xe inh ỏi, những làn gió sớm mai khoan khoái dễ chịu…
Ở nhà không học bài cũ, lên lớp chuẩn bị đến giờ mới đem sách ra học
Kiểm tra bài cũ luôn là phần khoai nhất và là khoảng thời gian thử thách tâm lí của học sinh. Hầu hết 99 % học sinh đều ngại học bài cũ ở nhà. Đó chính là lí do ở nhà có rất rất nhiều thời gian để học bài cũ nhưng ta lại không học. Mà cứ phải tới khi gần đến giờ học ta mới cuống cuồng lôi sách ra đọc, hoặc đến giờ vào lớp mới giở sách vội ra xem lại bài hôm trước. Có bạn thổ lộ rằng “ở nhà học mãi không tài nào thuộc được, nhưng có lẽ sắp đến giờ “tử”, không nhớ cũng phải cố nhớ. Vì thế mà học nhanh hơn.” Nhưng nhanh đến mấy cũng không giúp bạn có thể học thuộc toàn bộ kiến thức bài hôm trước một cách trơn chu, nhuần nhuyễn. Và học kiểu như vậy, học sinh sẽ rất dễ quên, thậm chí chỉ cần qua giờ kiểm tra đầu giờ là chúng ta đã quên những gì khi nãy vừa cố học thuộc rồi.
Phần học kĩ thì đề thi không có, phần không học thì đề lại ra
Còn gì đau hơn khi mà trong đề cương ôn tập có 10 bài. Ta học rất kĩ 8 bài, còn bài sau mới xem qua và bài nữa thì chưa xem tới. Và cứ nghĩ rằng, có lẽ đề cũng không ra vào bài đó đâu. Nhưng thế gian đâu biết được chữ ngờ. Phần mình học thì đề bài không có, phần không học thì lại chiếm nhiều điểm nhất.
Khổ một điều nữa là, đọc đề bài, câu nào cũng thấy quen quen, lơ mơ trong đầu hình như bài này mình làm rồi, câu này mình đã đọc ở trong sách rồi, bài bao nhiêu, trang thứ mấy còn nhớ mà sao nội dung trả lời thì hoàn toàn không có chút ấn tượng nào là sao? dù có vò đầu bứt tai, cắn nát bút cũng không thể nhớ ra chữ nào. Lúc này chỉ biết ngậm ngùi khóc thầm trong lòng mà thôi.
Vẫn còn rất rất nhiều những nghịch lí nữa mà chúng ta không thể giải thích nổi ở lứa tuổi “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” này. Thôi thì hãy cứ để học sinh sống với đúng với những vô tư lự của mình.
Theolethuy248 / MASK Online