Những ngành nghề triển vọng sau đại dịch
Theo chuyên gia từ Đại học Anh Quốc Việt Nam, Navigos Search, ngành nghề liên quan tới khoa học máy tính và công nghệ có tiềm năng phát triển mạnh sau đại dịch.
Thảo luận tại tọa đàm Đón đầu làn sóng ngành hot – việc hay trong kỷ nguyên số , trước tình hình thị trường lao động và xu hướng tuyển dụng trong những năm gần đây, các chuyên gia nhận định khoa học máy tính và công nghệ không phải xu hướng nhất thời và sẽ phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, chị Ngô Thị Ngọc Lan – Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search; thầy Chris Jeffery – Giám đốc Học vụ Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV); thầy Fraser Harrison – Giảng viên khối ngành Khoa học Máy tính và Công nghệ tại BUV cũng đưa ra những yêu cầu về kiến thức kỹ năng và giải pháp giúp sinh viên, người lao động trẻ thích ứng với môi trường việc làm trong thời đại 4.0.
Xu hướng việc làm sau đại dịch
Thầy Chris Jeffery nhận định, Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới khắp các quốc gia trên thế giới. Theo đó, bối cảnh này đã tạo ra sự phân chia thành hai nhóm người lao động. Nhóm thứ nhất là người có thể lao động tại nhà với số lượng tăng lên đáng kể. Ngược lại, nhóm thuộc các lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm, kéo theo tỷ lệ nghèo tăng cao.
“Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, một bộ phận người lao động đã nắm bắt cơ hội để nâng cao bộ kỹ năng ngay trong đại dịch nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế 4.0, điều cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới”, ông nói thêm.
Thầy Chris Jeffery – Giám đốc Học vụ Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phân tích kỹ hơn thị trường việc làm trong nước, chị Ngô Thị Ngọc Lan cho biết, cũng như nhiều nước trên toàn thế giới, các nhóm ngành như hàng không, du lịch lữ hành, nhà hàng, bán lẻ truyền thống và sản xuất đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ năm 2020. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề liên quan đến yếu tố công nghệ, đặc biệt là khoa học máy tính hay khoa học dữ liệu lại có xu hướng phát triển ngay cả trong đại dịch. Trong đó, mảng tài chính ngân hàng có sự gia tăng khá mạnh về yêu cầu tuyển dụng với các vị trí liên quan công nghệ thông tin. Điều này hướng tới mục tiêu giúp ngân hàng phát triển nhanh chóng trong cuộc đua ngân hàng số trên thị trường.
Trước đó, Navigos Search đã tiến hành phân tích thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin trong một thập niên (2010-2020), kết quả cho thấy nhu cầu tuyển dụng ngành này tại Việt Nam tăng gấp 4 lần. Trong đó, những vị trí hoặc công việc có nhu cầu tăng trưởng cao bao gồm nhóm ngành liên quan đến phát triển phần mềm, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý dự án – sản phẩm, thiết kế trải nghiệm người dùng và giao diện UX/UI, kiểm định chất lượng sản phẩm QA/AC, khoa học dữ liệu.
Sự thay đổi về nhu cầu thuyển dụng từ 2010-2019. Ảnh: Navigos Group
Video đang HOT
Đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng các vị trí công nghệ thông tin vẫn tiếp tục gia tăng. “Chúng tôi dự đoán, trong năm 2021, nhu cầu tuyển dụng những ngành này vẫn tăng đến 25% so với 2020″, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search bổ sung.
Bên cạnh đó, theo Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ (BLS), cơ hội việc làm trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin dự báo tăng 11% từ năm 2019 đến năm 2029, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của các ngành nghề khác.
Thầy Fraser Harrison cho biết, lĩnh vực Khoa học máy tính và Công nghệ rất rộng lớn và bao gồm nhiều chuyên ngành nhỏ khác nhau. Tại BUV, trường đào tạo các ngành học chuyên sâu bao gồm Khoa học Máy tính – An ninh mạng và Công nghệ đám mây; Thiết kế và Lập trình Game. Trên thực tế, các ngành này đều có mức độ tăng trưởng cao hơn so với con số 11% từ Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Ngành An ninh mạng có dự báo tăng trưởng từ năm 2020 đến 2030 là 33%. Đây là một trong những ngành có tốc độ tăng trường nhanh nhất hiện nay trong lĩnh vực Khoa học máy tính và Công nghệ. Ngành Công nghệ đám mây có tốc độ chậm hơn một chút là 13%, tuy nhiên vẫn cao hơn so với dự đoán toàn lĩnh vực. Với ngành Thiết kế và Lập trình Game, dự đoán tăng trưởng hiện tại là 22% trong cùng khoảng thời gian trên. Chỉ riêng vừa qua trong năm 2021, số tiền 56,9 tỷ USD đã được đổ vào ngành công nghiệp thiết kế game ở Mỹ, nhiều hơn cả ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh cộng lại.
Vì vậy, sinh viên và người lao động trẻ cần có sự chuẩn bị về cả kiến thức và kỹ năng để thích nghi với thị trường lao động đầy biến đổi sau đại dịch.
Kỹ năng sinh viên cần có trong kỷ nguyên số
Sau khi tiến hành khảo sát tại nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, chị Ngô Thị Ngọc Lan đưa ra 4 kỹ năng cơ bản các bạn trẻ cần tập trung trau dồi: học hỏi tích cực; kiến thức về công nghệ thông tin; quản lý bản thân và người khác; tư duy phản biện. Kèm theo những kỹ năng cơ bản này là năng lực ngoại ngữ. Đây là yếu tố rất quan trọng để học hỏi tích cực.
Ngoài ra, các bạn cũng cần bổ sung kỹ năng phức tạp hơn như hợp tác làm việc, quản lý con người, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và quyết định, giải quyết vấn đề…
Chị Ngô Thị Ngọc Lan – Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Riêng với khoa học máy tính và công nghệ thông tin, thầy Fraser cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để làm việc được trong lĩnh vực Khoa học máy tính nói chung và các chuyên ngành Công nghệ đám mây, An ninh mạng, Thiết kế và Lập trình Game nói riêng là xây dựng nền tảng và hiểu biết vững chắc về căn bản của công nghệ do lĩnh vực này luôn thay đổi biến thiên hàng ngày.
“Với nhiều lĩnh vực và chuyên ngành, bạn sẽ học và làm theo các phương pháp mới nhất và được áp dụng nhiều nhất. Nhưng với khoa học máy tính, có được nền tảng và hiểu biết căn bản sẽ đem lại giá trị lớn hơn rất nhiều”, ông khẳng định.
Sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn việc làm hơn khi có những phẩm chất quan trọng của người theo đuổi khối ngành Khoa học máy tính và Công nghệ như khả năng phân tích, kỹ năng giải quyết cùng năng lực tiếng Anh. Ảnh: BUV
Để thích nghi với biến đổi của kỷ nguyên số, thầy Fraser cho biết, trong quá trình giảng dạy, giảng viên BUV luôn tập trung vào việc giải thích cho sinh viên lý do đằng sau mỗi bước thức hiện công việc, thay vì chỉ đơn thuần truyền tải cách làm công việc đó. Những kiến thức căn bản và hiểu biết về xu hướng, kỹ thuật làm việc đang phổ biến trong ngành cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình học.
Ngoài ra, phần lớn công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ xoay quanh việc giải quyết các vấn đề được đặt ra ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, việc rèn luyện tư duy phản biện và phân tích sẽ là lợi thế lớn trong học tập và làm việc ở lĩnh vực này.
Thích nghi với biến đổi trong kỷ nguyên số cần nhanh và phù hợp
Giám đốc Học vụ Đại học Anh Quốc Việt Nam – thầy Chris Jeffery khẳng định, các trường đại học cần phải làm thật tốt việc nắm bắt thị trường, cập nhật ngành, chương trình học vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các bạn trẻ. “Thích nghi nhanh chóng nhưng phải phù hợp”, ông nhấn mạnh.
Về phía BUV, nhà trường đã triển khai những ngành học như Thiết kế và Lập trình Game; Khoa học Máy tính – An ninh mạng và Công nghệ đám mây với mục tiêu cung cấp cho sinh viên các công cụ và kỹ năng về học thuật và chuyên môn, giúp các bạn phát triển bản thân và thích nghi với môi trường làm việc, tạo ra giá trị cho tổ chức mà mình làm việc. Cùng với bằng cấp quốc tế, đây là yếu tố các nhà tuyển dụng sẽ tiếp tục tìm kiếm ở các ứng viên trong tương lai.
Song song, BUV cũng trau dồi cho sinh viên những kỹ năng cơ bản được các nhà tuyển dụng ưu tiên tìm kiếm, bao gồm khả năng làm việc trong các nhóm đa văn hóa và khả năng làm việc trực tuyến, nhất là trong bối cảnh Covid-19. “Những kỹ năng cơ bản này sẽ giúp sinh viên BUV làm việc và đóng góp ngay từ những ngày đầu tiên gia nhập tổ chức”, thầy nói thêm.
Thầy Chris Jeffery khẳng định xu hướng làm việc linh hoạt sẽ duy trì ngay cả khi đại dịch qua đi. Mọi người vẫn quay trở lại văn phòng nhưng nhu cầu và yêu cầu làm việc trực tuyến sẽ tiếp tục tăng cao ở một số lĩnh vực do tính chất công việc cho phép người lao động có thể làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới, sẽ không có rào cản địa lý nhất là trong những lĩnh vực ứng dụng đến khoa học máy tính và công nghệ.
Bí kíp chọn ngành học trong công cuộc chuyển đổi số
Mùa tuyển sinh 2021 đang đến gần, học sinh lớp 12 ngoài việc gấp rút ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi còn đặc biệt quan tâm tới chọn ngành, chọn nghề.
Trong đó, câu chuyện chuyển đổi số đang được nhắc đến nhiều ở tất cả lĩnh vực đã tác động trực tiếp đến sự lựa chọn này.
Học sinh cần lựa chọn ngành, nghề phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân.
PGS, TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, khối ngành Toán tin, Toán ứng dụng là những ngành cần trong nhiều lĩnh vực chuyển đổi số. Đây cũng là những ngành được nhiều trường đại học đào tạo. Riêng trong khối ngành Công nghệ thông tin có những chuyên ngành như: Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An ninh mạng... rất cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số.
Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội mở 5 chương trình mới, trong đó có tới 3 chương trình liên quan đến nội dung chuyển đổi số, cụ thể: Chương trình về hệ thống điện và năng lượng tái tạo thuộc lĩnh vực Kỹ thuật điện; lĩnh vực Điện tử viễn thông có Truyền thông số và kỹ thuật đa phương tiện liên quan đến xử lý thông tin về giọng nói, hình ảnh.
"Chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực xã hội nên không có nghĩa chỉ làm việc ở các cơ sở chuyên về công nghệ thông tin mới cần thiết với mục tiêu chuyển đổi số. Mỗi ngành nghề có những đòi hỏi mang tính đặc thù trong mục tiêu chuyển đổi số, dó đó cần có hiểu biết kiến thức chuyên ngành", PGS, TS Trần Trung Kiên lưu ý.
PGS, TS Hoàng Đình Phi, Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2021, Khoa Quản trị và Kinh doanh của trường công bố ngành học mới là Quản trị và An ninh.
Theo đó, cử nhân Quản trị và An ninh sau khi tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi có nhiều cơ hội nghề nghiệp tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo các nhóm công việc như: Làm việc cho các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ: Công an, Quốc phòng, TT&TT, Ngoại giao... hay các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương; làm chuyên viên phát triển công nghệ số, chuyên viên an ninh mạng, chuyên viên công nghệ tài chính, chuyên viên an ninh tài chính, chuyên viên khai thác dữ liệu, chuyên viên phát triển kinh doanh số, trợ lý hoặc chuyên viên cho các cơ quan hành chính, tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ.
PGS, TS Phạm Văn Thuần, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Hàng Hải Việt Nam) chia sẻ, nếu bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 thường gắn với CMCN 4.0 thì năm 2021 được cụ thể hơn với định hướng liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, đến phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế biển... Những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là những định hướng quan trọng cho học sinh chọn trường, chọn nghề.
Để rõ hơn về ngành logistics, PGS, TS Vũ Thị Hiền (Đại học Ngoại thương) cho biết, logistics là ngành hậu cần. Quá trình đưa hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng rất phức tạp. Với nền kinh tế áp dụng công nghệ, ngành này giúp cung ứng hàng hóa trên thế giới thuận lợi hơn.
"Đơn cử, hệ thống cung Walmart của Mỹ có một hệ thống logistics khổng lồ, ứng dụng công nghệ rất cao. Đây là ngành giao thoa kinh tế và kỹ thuật, cung cấp cơ hội việc làm rất tốt. Các trường hiện lồng ghép với các chứng chỉ quốc tế để các học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra, có thể làm việc tại các công ty có quy mô lớn", PGS, TS Vũ Thị Hiền cho biết thêm.
Lớp 12 là thời điểm các em học sinh đứng trước rất nhiều kỳ thi và sự lựa chọn ngành, nghề mà mình sẽ theo đuổi. Lựa chọn đúng, cơ hội sẽ rộng mở nhưng lựa chọn sai sẽ gặp rất nhiều khó khăn cùng đồng hành với các em trong suốt những năm tháng sau này.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, mỗi ngành nghề đòi hỏi những tố chất nhất định phù hợp với đặc thù công việc. Tuy nhiên, thực tế, không phải học sinh nào cũng đam mê hoặc có khả năng theo đuổi những ngành nghề "hot", dễ xin việc, thu nhập cao... Do vậy, các em cần lựa chọn ngành, nghề phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân.
Xét tuyển đại học: Ngành nào còn tuyển bổ sung? Năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tăng, điểm chuẩn vào ĐH nhiều ngành, nhiều trường cao kỷ lục. Nhưng ngược lại không ít trường (đặc biệt trường ngoài công lập) vẫn xét tuyển bổ sung, nhiều ngành số thí sinh trúng tuyển đếm trên đầu ngón tay. Thí sinh xem điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay - ĐÀO NGỌC THẠCH Một...