Những ngành học có điểm chuẩn cao
Y dược, Công nghệ Thông tin, Kinh tế… là những ngành học có điểm chuẩn cao trong nhiều năm liền. Lựa chọn những ngành này, học sinh cần cân nhắc kỹ và biết lượng sức mình.
Tham dự một kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh chủ động hơn trong việc đăng ký xét tuyển ngành nghề, cũng như trường đại học. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ, các bạn trẻ rất dễ chọn ngành học không phù hợp.
Ngành hot, điểm chuẩn cao
Ngành Bác sĩ đa khoa từ trước tới nay có sức hút rất lớn, với quan niệm của nhiều thí sinh: “Nhất Y, nhì Dược”. Đây cũng là ngành có điểm trúng tuyển cao hàng đầu trong cả nước. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, điểm chuẩn của ngành Bác sĩ đa khoa tăng lên theo nấc 0,25 điểm mỗi ngày trong giai đoạn cuối. Tại Đại học Y Hà Nội, điểm trúng tuyển vào trường của ngành đạt mức kỷ lục: 27,75.
Bác sĩ Đa khoa thuộc Đại học Y dược Thái Bình có điểm chuẩn là 26, Đại học Y dược Hải Phòng lấy 25,5 điểm.
Tại phía Nam, Đại học Y dược TP HCM có điểm trúng tuyển ngành Bác sĩ đa khoa cao nhất 28. Ngành này ở Đại học Y dược Cần Thơ có điểm chuẩn 25,75, Đại học Quốc gia TP HCM là 26 điểm.
Với tốc độ phát triển mạnh của các ngành khoa học máy tính và công nghệ, Công nghệ Thông tin được giới trẻ yêu thích.
Khoa Toán – Tin thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn cao là 8,08 (theo cách tính riêng của trường).
Đại học Bách khoa TP HCM, ngành công nghệ Thông tin lấy điểm chuẩn 25,25 điểm cho hai tổ hợp môn Toán – Lý – Hóa và Toán – Lý – Văn.
Thí sinh chọn ngành học phù hợp năng lực là lời khuyên của các chuyên gia.
Ngành này của Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM) có mức điểm chuẩn trúng tuyển 22,75 cho các tổ hợp môn thi Toán – Lý – Hóa và Toán- Lý- Anh.
Video đang HOT
Đại học Khoa học Tự nhiên lấy 23,5 điểm cho cả hai tổ hợp môn Toán – Lý – Hóa, Toán – Lý – Anh.
Ngành Kinh tế nhiều năm được thí sinh ưa chuộng. Năm 2015, ngành Kinh tế thuộc Đại học Ngoại thương đạt mức điểm cao với 25,75 điểm khối A1 và D; 27,25 điểm khối A.
Đối với Đại học Ngoại thương TP HCM, ngành Kinh tế khối A00 có mức điểm trúng tuyển là 17, còn lại khối A1, D1, D6 là 25,5.
Thời gian gần đây, sức hút của ngành Sư phạm có giảm do thuộc nhóm ngành khó xin việc và mức lương dành cho giáo viên thấp. Tuy nhiên, điểm chuẩn vào ngành này vẫn ở mức cao.
Tại Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn ngành Sư phạm tiếng Pháp là 28,92 điểm. Sau khi nhân hệ số 2 môn chính, điểm chuẩn nhiều ngành trường Đại học Sư phạm TP HCM lấy trên 30. Trong đó, ngành Sư phạm Toán có điểm chuẩn cao nhất với 34,33. Nhiều ngành khác lấy trên 30 điểm như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử khối C, Sư phạm Địa lý.
Chọn ngành: Hãy biết lượng sức mình
Đối với trường hot như Đại học Y Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó hiệu trưởng nhà trường đưa ra lời khuyên: Học sinh nên tìm hiểu thông tin về điểm chuẩn của trường các năm trước trên Website của Đại học Y và đăng ký vào các ngành này. Để tăng khả năng đỗ vào trường, học sinh nên xem xét dự tuyển vào các ngành cử nhân.
Ngô Vương Minh – thủ khoa kép khối A, B và đồng thủ khoa Đại học Y Hà Nội vừa qua lưu ý thí sinh cần lựa chọn ngành có điểm số phù hợp, theo dõi lượng hồ sơ và điểm chuẩn của năm ngoái.
Đã trải qua kỳ học đầu tiên của năm thứ nhất, Ngô Vương Minh cũng nhắn nhủ, thời gian học tập tại Đại học Y Hà Nội tương đối vất vả. Với ngành Bác sĩ đa khoa, buổi sáng, Minh học từ 7h30 đến 11h, chiều đi thực tập và buổi tối học thêm ngoại ngữ. Thời lượng kiến thức học sinh phải tiếp thu trong mỗi buổi khá nhiều, cần xem bài trước ở nhà mới có thể tiếp thu. Tân thủ khoa cho rằng, việc học vất vả tại Đại học Y Hà Nội đã cho thấy tầm quan trọng của ngành này.
Đối với ngành Kinh tế, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, chương trình đào tạo các ngành kinh tế của các trường đại học đều chung nhau những phần kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, điểm khác biệt thuộc phần kiến thức chuyên ngành, tùy theo đặc thù của từng trường. Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo các ngành Kinh tế và quản lý định hướng ứng dụng trong các tập đoàn công nghiệp.
Là sinh viên năm cuối khoa Kinh tế Đối ngoại, Đại học Ngoại thương, Hoàng Đình Quang – Á khoa năm 2012 chia sẻ, các ngành kinh tế nói chung thường học khá nhiều kiến thức, từ marketing, quản trị, kinh tế vi mô, luật đến kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp…
Vì vậy, khi ra trường, tuỳ vào mong muốn cá nhân và điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà các bạn học kinh tế có thể lựa chọn những ngành nghề cụ thể phù hợp với mình và tiếp tục theo đuổi.
Đánh giá về ngành Công nghệ Thông tin, TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Nhu cầu tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành Công nghệ Thông tin vẫn rất cao. Khảo sát bình quân thu nhập của các sinh viên ngành này của các trường lớn là 13,5 triệu.
Theo Zing
Những ngành học dễ xin việc làm
Theo dự báo thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Kỹ thuật ôtô, Tâm lý học... là những ngành cần nhiều nhân lực trong vài năm tới.
Cụ thể, dự báo thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhu cầu việc làm của ngành Xây dựng sẽ tăng 375 nghìn người, Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, Bán buôn - bán lẻ tăng 284 nghìn người, Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 61 nghìn người.
Trong khi tình trạng khó kiếm việc làm diễn ra ở một số ngành như Kế toán - kiểm toán, Tài chính Ngân hàng..., nhu cầu nhân lực của các ngành Xây dựng, Kỹ thuật, Vận tải lại có chiều hướng tăng.
Sinh viên trong giờ học tại phòng thực hành ôtô. Ảnh: Ntt.edu.vn
Bám sát nhu cầu thực tế để chọn ngành học
Tư vấn trong chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2016", thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang, Phó trưởng phòng Đào tạo chất lượng cao, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhận định, ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô đang phát triển và được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Hai trong số nhiều trường đào tạo ngành này ở phía Nam là Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và Đại học Bách Khoa TP HCM. Trong đó, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ngoài đào tạo kỹ sư, ôtô, lắp ráp, kinh doanh ôtô, cũng là nơi đào tạo chuyên gia cho các hãng ôtô lớn.
Cũng theo dự báo, Xây dựng vẫn thuộc nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao, trong khi số lượng đào tạo hiện tại thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Tính riêng tại TP HCM, gần 20 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành này. Năm 2015, Đại học Bách khoa TP HCM dành 565 chỉ tiêu cho nhóm ngành Xây dựng. Đại học Kiến trúc TP HCM tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng với 400 chỉ tiêu. Đại học Tôn Đức Thắng tuyển 150 chỉ tiêu ngành này.
Một ngành học khác dự kiến cũng có nhu cầu nhân lực cao trong vài năm tới là Tâm lý học. Theo tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT đang dự thảo đề án đưa cán bộ tâm lý học đường vào các trường phổ thông. Nhu cầu tuyển dụng vì thế sẽ tăng cao.
Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Đại diện Phòng đào tạo Đại học Sư phạm TP HCM cũng nhận định, Tâm lý học, với chuyên ngành tư vấn học đường, được nhiều thí sinh chọn lựa. Sinh viên tốt nghiệp sẽ tư vấn cho lứa tuổi học sinh, nhu cầu xã hội đang rất cần.
Thí sinh có thể học ngành này tại các trường lớn như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa tâm lý, Đại Sư phạm Hà Nội, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chọn ngành học đón đầu hội nhập
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tỷ lệ việc làm ở Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Điều này có nghĩa nước ta (đang có hơn 53 triệu lao động) sẽ có thêm 14,5 triệu lao động tìm được việc làm vào năm 2025.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM đánh giá, nhu cầu việc làm trong các ngành Xây dựng, Vận tải, Dệt may và Chế biến thực phẩm sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Sau khi Việt Nam gia nhập AEC, nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các nước tăng mạnh. Đây là cơ sở để Logistics - ngành Dịch vụ vận tải hàng hóa phát huy tiềm năng. Muốn làm ngành này, thí sinh có thể thi vào các trường khối kỹ thuật, liên quan dịch vụ giao thương hàng hải, kỹ thuật tàu biển.
Hiện nay, khu vực phía Nam có hai trường đào tạo Logistics là Đại học Giao thông vận tải TP HCM và Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM.
Mặc dù những ngành học hứa hẹn việc làm đều đã có nhiều cơ sở đào tạo, nhưng lãnh đạo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM đánh giá chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. TP HCM là nơi có quy mô đào tạo lớn nhất nước nhưng chất lượng lao động vẫn còn "khập khiễng" so với các nước trong AEC.
Bên cạnh yếu tố đào tạo từ nhà trường, sinh viên học những ngành này cần chủ động trang bị kỹ năng mềm và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.
Theo Zing
Những ngành học thu hút thí sinh Thú y, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, kinh tế quốc tế, tâm lý học... là những ngành được thí sinh ưa chuộng. Đây không hẳn là những ngành có đầu vào cao nhất song có xu hướng thu hút ngày càng nhiều hồ sơ thí sinh, điểm chuẩn tăng liên tục, dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội. Thí...