Những “ngân hàng máu sống” ở Tây Nguyên
Mặc cho gió lạnh và mưa phùn sáng sớm, dòng người vẫn tấp nập đổ về nhà thi đấu đa năng trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) tham dự ngày Chủ nhật Đỏ hiến máu ở Đắk Lắk. Lượng máu tiếp nhận trong ngày đã đạt 544 đơn vị (vượt 144 đơn vị so với chỉ tiêu 400 đơn vị máu).
Sinh viên, tình nguyện viên hiến máu tại Chủ nhật Đỏ
Điều đáng nói, tại điểm hiến máu này có những “ngân hàng máu sống”. Họ vừa học giỏi, năng nổ công tác phong trào vận động hiến máu và cá nhân nhiều lần hiến…
“Cặp đôi hiến máu”
Sáng 9/1, dưới cơn mưa phùn, gió lạnh, từng nhóm sinh viên hối hả chạy nhanh về khu nhà đa năng trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) để hiến máu. Đoàn Xuân Viên, một thủ lĩnh trong phong trào hiến máu tình nguyện của Trường ĐHTN là một trong những tình nguyện viên tiêu biểu được tôn vinh trong dịp này. Xuân Viên đã 8 lần hiến máu (trong đó hiến trực tiếp 4 lần), nòng cốt của Ban ngân hàng máu sống và là Phó chủ nhiệm CLB hiến máu nhân đạo trường ĐHTN.
Ngoài giờ học, chàng sinh viên dành phần lớn thời gian vào công tác thiện nguyện, tham gia truyền thông hiến máu online, cùng các thành viên trong CLB đi đến từng lớp tuyên truyền vận động hiến máu. Chàng trai này còn kéo luôn cả cô người yêu cùng tham gia hiến máu và điều phối được hơn 60 đơn vị cần máu khẩn cấp. “Hoạt động tình nguyện không chỉ là niềm đam mê mà còn là niềm vui, ý nghĩa vì mình đã giúp đỡ được cho nhiều người” Xuân Viên chia sẻ. Không riêng Viên, nhiều sinh viên khác cũng hình thành “cặp đôi hiến máu”.
Trong trang truyền thống người Ê đê, H jôl Ayun (Sinh viên Khoa Chăn nuôi thú y, Trường ĐHTN), 7 lần hiến máu (2 lần cho máu trực tiếp). Lần hiến máu khiến H jôl nhớ nhất là cho máu trực tiếp 1 em nhỏ người Ê đê bị bệnh tan máu bẩm sinh.
“Nhìn em nhỏ gầy ốm, xanh xao, mình thương quá. Khi mình cho máu xong, sắc mặt em bé tươi hẳn và quấn lấy mình. Gia đình cầm tay cảm ơn ríu rít khiến mình cảm động”, H jôl Ayun nói. Cô gái này còn được mệnh danh hoa khôi Ê đê của trường. Trong sự kiện Chủ nhật Đỏ, cô vừa làm công tác hậu cần, vừa tham gia hiến máu.
Sinh viên H’trinh (phải) tích cực trong vận động hiến máu
Sinh viên H jôl Ayun đã có 7 lần hiến máu
Video đang HOT
Có mặt từ sớm tại điểm hiến máu Chủ nhật Đỏ và luôn thường trực nụ cươi tươi xinh, nữ sinh viên H’ Trinh Byă (chuyên ngành Giáo dục chính trị k17) đã 4 lần hiến máu. H’trinh cũng là thành viên tích cực của CLB hiến máu nhân đạo Trường ĐHTN. H’ Trinh nhiều lần trực tiếp vận động các bạn người Êđê, M’ nông đi hiến máu và lần này chính cô tiếp tục nghĩa cử đẹp.
Sinh viên Khout Thavong, du học sinh Lào (Khoa Chăn nuôi thú y, trường ĐHTN) vừa hiến máu xong đã niềm nở khoe rằng đã 3 lần hiến máu, nhưng đây là lần đầu tiên hiến tại Trường Đại học Tây Nguyên. “Hai lần trước, tôi hiến ở nước Lào.
Mỗi lần hiến xong, tôi rất vui, hạnh phúc vì mình có thể giúp cho những người bệnh cần máu có thêm sức khỏe”, Khout nói. Sinh viên Ket phanthavong (Chuyên ngành Bảo vệ thực vật, trường ĐHTN) cho biết: “Tôi cùng 2 người bạn đi động viên tinh thần cho Khout Thavong hiến máu. Chúng tôi chưa đủ dũng khí để hiến lần này, nhưng lần sau sẽ cố gắng”.
Tập thể dục để có sức khỏe hiến máu
Đang tất bật hướng dẫn các sinh viên lấy giấy đăng ký hiến máu, Phan Thị Vân Anh (học y đa khoa, Trường ĐHTN, “Sinh viên 5 tốt” năm 2020 và từng nhận được nhiều giấy khen các cấp) chia sẻ, nhiều lần đăng ký nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì không đủ cân nặng.
Suốt 1 năm qua, Vân Anh đã lên kế hoạch tăng cân mong 1 lần được hiến máu. Vân Anh cho hay, biết đến Chủ nhật Đỏ từ năm thứ nhất song đều lỡ hẹn vì cân nặng chỉ 40 kg.”Mình ăn rất nhiều, thậm chí tập thể dục chỉ mong lên ký, để hiến máu”, Vân Anh nói.
Nam sinh viên Trần Ánh Bắc (SV lớp Y đa khoa) nhanh chóng hoàn thành các thủ tục đăng ký hiến máu. Bắc cho hay, bắt đầu hiến máu khi đang sinh viên năm 2, đến nay đã hơn 11 lần hiến máu và tiểu cầu. Biết bản thân đủ điều kiện cho tiểu cầu (nam, khỏe mạnh, ven to…), Bắc hạn chế hiến máu, để dành hiến tiểu cầu.
Lần cho tiểu cầu khiến Bắc không quên, năm 2020, khi ấy khoảng 6 giờ tối, Bắc đang tập thể dục, bỗng nhận được thông tin cần người hiến tiểu cầu. Không chần chừ, nam sinh chạy một mạch lên BV đa khoa Vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, bệnh nhân sau đó đã không qua khỏi. Bắc buồn và nhận ra, nhiều tiền cũng không mua được sức khỏe nên càng chăm chỉ tập thể thao, ăn uống điều độ, sinh hoạt lành mạnh, vừa giúp mình, vừa đủ lượng máu quý giúp người.
Đến với ngày Chủ nhật Đỏ, anh Đoàn Vinh Thuận (cựu sinh viên Trường ĐHTN) ra trường 5 năm song vẫn tương tác với CLB hiến máu nhân đạo. Dáng người nhỏ nhắn, nhưng anh Thuận đã trên 20 lần hiến máu và dự định sẽ tham gia cho đến khi bản thân không đủ điều kiện mới thôi. Lần trở lại này, anh Thuận rất vui vì các bạn trẻ vẫn giữ được tinh thần hiến máu vì cộng đồng.
Kết thúc sự kiện Chủ nhật Đỏ đầu tiên (1 trong 5 địa điểm: Đại học Tây Nguyên, Công an tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm y tế huyện M’đrắk, Trung tâm văn hóa huyện Cư Mgar và huyện Ea Kar), tổng lượng máu tiếp nhận tại điểm ĐHTN là 544 ĐVM. Nhiều sinh viên vừa thi hết môn, đã nhanh chóng tới điểm hiến máu thực hiện nghĩa cử cao đẹp.
"Tái sinh" nhiều cuộc đời nhờ ghép tế bào gốc
Máu cuống rốn của đứa con thứ ba đã "chữa" lành cho bé thứ hai mắc căn bệnh Tan máu bẩm sinh nhờ kỹ thuật ghép tế bào gốc...
Cháu Phạm Hồng Minh (bìa trái) mạnh khỏe bên em út sau gần 5 năm được ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn từ chính người em của mình
Gia đình anh Phạm Nam Trung vỡ òa hạnh phúc khi máu cuống rốn của đứa con thứ ba đã "chữa" lành cho bé thứ hai mắc căn bệnh Tan máu bẩm sinh nhờ kỹ thuật ghép tế bào gốc...
Không bỏ cuộc
Từ năm 2007 - 2009, vợ chồng anh Phạm Nam Trung và chị Hoàng Thị Hương (Chi Lăng, Lạng Sơn) sinh liền 2 con. Bé trai tên Hoàng Anh và bé gái là Hồng Minh. Cuộc sống chồng là công nhân, vợ giáo viên càng thêm vất vả vì cả hai bé rất hay sốt mà không rõ nguyên nhân.
Ôm con đi khám ở bệnh viện huyện thì được bác sỹ chẩn đoán viêm họng và cho thuốc kháng sinh. "Cứ sau mỗi đợt kháng sinh lại thấy các con thêm mệt mỏi, rồi tiếp tục sốt vào tháng sau. Gia đình đành đưa con lên thẳng tuyến tỉnh. Ở đây các bác sĩ xét nghiệm máu với kết quả nghi ngờ các con mắc bệnh lý về máu nên cho chuyển lên bệnh viện Trung ương", anh Trung chia sẻ.
Chỉ tới khi lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nguyên nhân khiến các con anh Trung thường xuyên sốt được bật mở. Cả hai bé đều mắc bệnh Tan máu bẩm sinh vì trong cơ thể bố và mẹ mang gene bệnh. Cũng từ đó, đều đặn hàng tháng, anh Trung cùng hai con định kỳ về Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương điều trị, truyền máu và uống thải sắt để duy trì sức khỏe.
Năm 2014, vợ anh "lỡ" có bầu, lo con lại mang bệnh giống anh chị mình, vợ chồng anh Trung tìm đến các bác sĩ tư vấn.
"Bác sĩ khuyên nên sàng lọc trước sinh nếu thai nhi mang bệnh thì đành bỏ, còn khỏe mạnh thì để sinh và còn có cơ hội lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn để ghép chữa lành bệnh cho anh chị bé. Vợ chồng lại thấp thỏm hy vọng từ giây phút đó. Và rất may mắn thai bình thường dù có mang gene bệnh", anh Trung nhớ lại.
Sau 5 tháng sinh bé thứ 3, vợ chồng anh vỡ òa hạnh phúc khi nhận tin tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn phù hợp mọi chỉ số với bé Minh, hoàn toàn có thể tiến hành ghép. Thế nhưng "cuộc vui ngắn chẳng tày gay" bởi kinh phí cho cuộc ghép khoảng 700 triệu đồng nằm ngoài khả năng của gia đình.
"Hai vợ chồng tính đến phương án cuối cùng là bán đi ngôi nhà, được khoảng hơn 300 triệu đồng, đi vay mượn thêm nhưng cũng không đủ. Lúc đó gia đình thực sự bất lực muốn bỏ cuộc, dù biết cơ hội chữa bệnh cho con đang cận kề", anh Trung trầm giọng chia sẻ.
Hiểu rõ khó khăn của gia đình bệnh nhân, các y bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã vận động, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ.
Anh Trung cho biết: "Một phần vì kinh tế quá khó khăn, một phần vì lúc đó ghép tế bào gốc chữa Tan máu bẩm sinh rất mới, bác sĩ Bình và bác sĩ Hà có gọi lên nói, nếu gia đình quyết tâm, bệnh viện sẽ giúp. Làm cha mẹ có con mắc bệnh này mới hiểu nỗi khát khao cho con được khỏi bệnh lớn đến chừng nào".
Và ca ghép đã diễn ra vào khoảng tháng 8/2015. Sau gần chục ngày chờ đợi kết quả, bé Minh trở thành 1 trong những bệnh nhân Tan máu bẩm sinh đầu tiên được ghép thành công.
"Minh đã có gần 5 năm sống không phụ thuộc thuốc, mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác, điều mà trước đây gia đình không dám nghĩ đến. Chúng tôi vẫn tiếp tục chờ đợi cơ hội ghép cho cháu Hoàng Anh", vợ chồng anh Trung hy vọng.
Mắc một dòng bệnh lý máu khác, đó là ung thư máu Leuceumia cấp, với cậu bé Phạm Nguyên Hà, cơ hội kéo dài sự sống chỉ còn lựa chọn ghép tế bào gốc. Đã có lúc hy vọng của Hà tưởng như vụt tắt sau 3 lần ghép bất thành.
Lần thứ nhất, bé Hà được ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn cộng đồng. Lần tiếp theo Hà được ghép tế bào gốc từ bố và lần thứ 3 là từ mẹ. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với Hà khi những mảnh ghép mọc trong cơ thể Hà sau lần ghép thứ tư (từ tế bào gốc của bố). "Gia đình tôi như vỡ òa vì hạnh phúc, con đã có hy vọng khỏe mạnh trở lại", chị Cúc chia sẻ.
Mạnh khỏe sau 12 năm ghép tế bào gốc
Trong quá trình ghép tế bào gốc, người bệnh phải trải qua một khoảng thời gian dài (từ 1 - 3 tháng) trong phòng cách ly, phải vượt qua quá trình điều trị hóa chất liều cao, có tác dụng mạnh hơn, giúp tiêu diệt tế bào ác tính, tế bào miễn dịch tồn dư trong cơ thể, tạo "điều kiện" tốt để khi tế bào gốc vào cơ thể có thể phát triển ổn định.
Hóa chất liều cao đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào lành tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết, viêm loét... Đối với người bệnh, quá trình ghép tế bào gốc là một hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Đã có nhiều người bệnh gọi đó là một cuộc chiến sinh tử.
BS. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương)
Từ khi triển khai ca ghép tự thân năm 2004, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã thực hiện được 445 ca ghép tế bào gốc với nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau.
Mới đây, trở lại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để chia sẻ thêm kinh nghiệm cho các bệnh nhân khác, anh Lâm Tiến Bình (Lạng Sơn) cho hay: "Năm 2008, khi biết tin mắc ung thư máu, tôi khá suy sụp bởi suy nghĩ sắp đối đầu với cuộc chiến vô cùng khó khăn cả về thể chất, tinh thần lẫn kinh tế và cơ hội để chữa trị thành công là điều không tưởng.
Lúc đó, ghép tế bào gốc là cơ hội duy nhất có thể níu kéo tôi ở lại với cuộc đời này. Không gì may mắn hơn khi ca ghép thành công. Từ sau khi kết thúc ca ghép, tôi chỉ phải dùng thuốc thêm 6 tháng theo chỉ định của bác sĩ và từ đó đến nay đã 12 năm, tôi có cuộc sống của riêng mình, mạnh khỏe và hạnh phúc bên gia đình".
Anh Bình là ca ghép đầu tiên với nguồn tế bào gốc được lấy từ người anh ruột. Nhắc lại ca ghép này, BS. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho hay: "Ê-kíp bác sĩ vô cùng cân não trước ca ghép đầu tiên này bởi nguy cơ thải ghép rất cao. Thật may mắn, chúng tôi đã thành công. Nếu không, có lẽ chúng tôi không đủ tự tin để triển khai thêm một ca nào nữa".
Được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu kinh dòng tủy, một loại bạch cầu thể mạn từ 13 năm trước, chị Dương Thị Chiến (Hà Tĩnh) cũng đã trải qua 7 năm ròng rã dùng thuốc, khiến cơ thể suy yếu và ghép tế bào gốc là lựa chọn cuối cùng dù có nhiều bất trắc.
Sau ghép, chị Chiến nôn ra máu, cơ thể suy kiệt. 4 tháng đầu, gene bệnh vẫn dương tính. Cố gắng từng ngày, sang tháng thứ 5, các chỉ số của chị chuyển biến tích cực và chị Chiến đã có cuộc đời mới khỏe mạnh suốt 6 năm qua.
Làm gì để tận dụng hết nguồn huyết tương, tránh lãng phí? Việt Nam vẫn phải nhập khẩu sản phẩm phân đoạn huyết tương (PDMP-Plasma Fractionation Derived Medicinal Products) với giá đắt đỏ. Theo tin từ thị trường nhập khẩu các sản phẩm này năm 2019 là 56,62 triệu USD và dự kiến năm 2027 sẽ tăng lên khoảng 79,03 triệu USD. Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng với một nước có...