Những nét văn hóa đặc trưng của Đức du học sinh nên biết
Người Đức uống nhiều bia, thích ăn xúc xích và bánh mì, thường mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ Oktoberfest.
Để du học sinh hòa nhập nhanh chóng, trang Sudying in Germany đã cung cấp một số nét đặc trưng trong văn hóa của người Đức.
Ngôn ngữ
Theo thống kê, hơn 95% người Đức nói ngôn ngữ mẹ đẻ. Ngoài ra, chính phủ Đức công nhận bốn ngôn ngữ thiểu số khác là tiếng Sorbia, tiếng Romani, tiếng Đan Mạch và tiếng Frisian. Những ngôn ngữ này được sử dụng bởi một phần nhỏ cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hy Lạp, Ba Lan sinh sống tại Đức.
Tuy nhiên, các trường đại học Đức thường không chấp nhận chứng chỉ các ngôn ngữ thiểu số nói trên trong hồ sơ của bạn. Để giao tiếp và học tập tại đây, du học sinh cần bổ sung kiến thức và có chứng chỉ tiếng Đức.
Ở Đức, số người theo đạo Kito chiếm khoảng 65-70%, trong đó 29% là người Công giáo. Ngoài ra, những người theo đạo Hồi chiếm khoảng 4,4% và 36% còn lại là những người không theo tôn giáo nào.
Trang phục
Cũng như Việt Nam, mỗi một vùng, miền tại Đức sẽ có những trang phục truyền thống riêng và có đôi chút khác biệt với nhau. Ví dụ, ở Bavaria, trang phục truyền thống dành cho nam giới là quần da dài đến đầu gối, còn phụ nữ sẽ mặc váy kết hợp áo cánh và tạp dề. Bạn có thể thấy người Bavaria mặc trang phục này trong những ngày lễ truyền thống như Lễ hội bia tươi Oktoberfest.
Người Đức trong lễ hội Oktoberfest. Ảnh Hofbrauhaus Las Vegas
Video đang HOT
Biểu tượng
Biểu tượng của Đức thay đổi qua các giai đoạn trong lịch sử, bị ảnh hưởng bởi các sự kiện định hình văn hóa của đất nước này. Từ khi chiến thắng quân Phổ vào năm 1886, hình ảnh con đại bàng đã trở thành biểu tượng của nước Đức cho đến bây giờ. Bạn có thể thấy rất rõ hình ảnh này trên logo của đội tuyển bóng đá quốc gia Đức. Ngoài ra, cùng với Bỉ, màu sắc được gợi nhớ đến Đức nhiều nhất là đen, đỏ, vàng, cũng chính là ba màu trên quốc kỳ.
Ẩm thực
Người Đức uống rất nhiều bia, ăn xúc xích và làm nhiều loại bánh mì có hương vị khác nhau. Theo ước tính, trung bình một người dân Đức tiêu thụ khoảng 140 lít bia một năm. Đây là mức tiêu thụ bia lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Công hòa Czech.
Âm nhạc
Nếu so sánh với Anh hay Mỹ, âm nhạc Đức không được biết đến rộng rãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, những nhà soạn nhạc thiên tài nổi tiếng thế giới như Beethoven, Brahms, Schubert, Handel… đều là người Đức. Chính vì vậy, Đức là quốc gia có rất nhiều nhà hát opera.
Ngày nay, Đức là quốc gia tổ chức nhiều lễ hội âm nhạc với màu sắc đa dạng hơn. “Rock am Ring” là sự kiện âm nhạc lớn nhất tại Đức, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.
Kiến trúc
Do chiến tranh, biến động kéo dài và đến tận năm 1990 mới thống nhất đất nước, các công trình kiến trúc ở Đức mang đậm dấu ấn lịch sử và nhiều nơi còn giữ được nét nguyên trạng vốn có.
Một số công trình tiêu biểu tại Đức mà du học sinh có thể ghé thăm: Tu viện Saint Michael, có từ đầu thế kỷ 10 là một công trình kiến trúc tiền La Mã. Trong thời kỳ này, rất nhiều nhà thờ được xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay. Lâu đài Heidelberg và khu nhà ở Landshut được xây dựng trong khoảng thế kỷ 15-17, khoảng thời gian mà thời kỳ Phục Hưng nở rộ.
Văn hóa đọc sách
Theo nghiên cứu được thực hiện với Allensbach Media Market, Đức là một trong những quốc gia đi đầu về tỷ lệ người dân đọc sách với khoảng 44,6% người dân đọc ít nhất một cuốn sách một tuần và 58,3% người dân mua ít nhất một cuốn sách một năm.
Các nhà xuất bản Đức cho biết đã xuất bản khoảng 94.000 cuốn sách mỗi năm và sự kiện sách quốc tế Frankfurt lớn nhất thế giới cũng được tổ chức tại Đức.
Thanh Hằng
Theo Studying in Germany/VNE
Nữ sinh Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm giành học bổng MEXT danh giá
Trải qua bốn vòng thi tuyển, Phùng Huyền Trang (19 tuổi, ở Hà Nội) đã xuất sắc giành học bổng MEXT của Chính phủ Nhật Bản vào năm 2018.
Học bổng du học MEXT hay còn gọi là Monbukagakusho do chính phủ Nhật cung cấp, du học sinh sẽ được miễn phí vé máy bay, sinh hoạt phí và học phí cho toàn bộ quá trình học tập tại Nhật Bản.
Phùng Huyền Trang, cựu học sinh THPT Chuyên Ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) giành được học bổng đại học vào năm 2018, hiện học dự bị năm nhất tại Đại học Osaka. Học bổng MEXT bậc đại học của Trang kéo dài năm năm, gồm một năm dự bị và bốn năm đại học.
Sinh năm 2000, từ khi học lớp 10 trường THPT Chuyên ngữ, Trang đã biết đến MEXT và ấp ủ giấc mơ giành học bổng. Suốt ba năm THPT, em là học sinh giỏi, điểm GPA trên 9.0, IELTS 7.0 và có chứng chỉ JLPT N2 tiếng Nhật. Nữ sinh cũng tích cực tham gia dự án tình nguyện, hai cuộc thi hùng biện tiếng Nhật và các hoạt động của câu lạc bộ trường, lớp.
"Để ứng tuyển học bổng MEXT, học bạ THPT phải thật đẹp và điểm số sẽ là yếu tố quyết định", Trang giải thích cho nỗ lực suốt ba năm THPT.
Đến năm lớp 12, khi biết đang có kỳ thi xét tuyển học bổng, Trang nộp hồ sơ thử sức. Trong bộ hồ sơ cần có bài luận, chủ yếu hỏi về bản thân và kế hoạch tương lai của người ứng tuyển nên theo Trang, tốt nhất cần hiểu rõ bản thân, biết mình muốn làm gì. "Bài luận không cần dùng nhiều từ vựng cao sang quá, em thấy chỉ cần viết đủ và dễ hiểu là được", Trang chia sẻ.
Với thành tích học tập xuất sắc, trình bày hồ sơ gọn gàng, sạch đẹp, bài luận đạt yêu cầu, Trang vượt qua được vòng nộp hồ sơ, cùng 40 bạn khác tham gia vòng thi viết tại Đại sứ quán Nhật Bản.
Vòng thi viết sẽ chia làm 2 khối tự nhiên và xã hội. Trang thuộc khối xã hội nên làm ba bài thi: Tiếng Anh, tiếng Nhật và Toán. Bài tiếng Anh dễ hơn thi đại học một chút, bài tiếng Nhật nếu trình độ N1 sẽ làm tốt, còn Toán thì chỉ cần nắm chắc kiến thức học suốt THPT sẽ làm được, Trang cho biết.
Phạm Huyền Trang, sinh năm 2000, chụp ảnh tại Nhật Bản. Ảnh: Nhật vận cung cấp.
Với phần thi viết, Trang tham khảo các mẫu đề trên mạng, tham gia nhóm "Học bổng toàn phần chính phủ Nhật Bản MEXT" trên Facebook để hỏi xin đề từ các "senpai" (tiền bối) đi trước. "Ngoài ra, các bạn có thể theo dõi trang Scholarships for Vietnamese Students, cũng khá hữu ích", Trang đưa ra lời khuyên.
Nữ sinh Hà Nội đã làm bài thi viết từ 10h sáng đến 12h trưa thì được nghỉ giải lao và 1h chiều thi tiếp đến 4h chiều mới xong. Vì khoảng thời gian thi tương đối dài nên ứng viên có thể mang theo đồ ăn trưa, hoặc ra các quán ăn ở gần Đại sứ quán Nhật Bản để nạp năng lượng.
Đến vòng phỏng vấn cuối cùng, mỗi ứng viên được một giáo sư đại học và một chuyên viên Đại sứ quán, đều là người Nhật, phỏng vấn. Câu hỏi thường là yêu cầu giới thiệu về bản thân, học vấn, điểm mạnh, điểm yếu, lý do chọn ngành học, vì sao muốn du học Nhật...
"Nếu bị hỏi trúng câu không biết, bạn hãy thẳng thắn nói xin lỗi thay vì trả lời quanh co. Người Nhật đánh giá rất cao sự trung thực", Trang chia sẻ và cho rằng ứng viên nên tập dượt phỏng vấn trước, tạo các tỉnh huống giả định để luyện dần và bớt run. Về trang phục, tốt nhất nên mặc vest, còn không thì chọn quần áo lịch sự là được.
Sau khi qua vòng phỏng vấn, hồ sơ ứng viên sẽ được gửi sang Nhật để xét duyệt. Sau thời gian chờ đợi căng thẳng, Trang đã trúng tuyển học bổng MEXT. Hiện nữ sinh mới học dự bị, chưa chọn chuyên ngành. Nguyện vọng của em là sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận.
Thanh Hương
Theo VNE
Vì sao Pháp thu hút du học sinh? Với những người mong muốn ở lại Pháp làm việc sau khi tốt nghiệp, triển vọng nghề nghiệp ở đất nước này rất hứa hẹn, đặc biệt ở thủ đô. Trang Topuniversities đưa ra những lý do khiến nhiều du học sinh lựa chọn Pháp. Pháp có các trường kinh doanh tốt nhất thế giới Chất lượng giáo dục ở Pháp đã được...