Những món ăn đượm hồn Tết cổ truyền người Việt
Bên cạnh câu đối đỏ, hoa mai, hoa đào nở rộ khắp nẻo đường, ẩm thực ngày Tết với bánh chưng, bánh tét, dưa hành cũng là nét văn hoá đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt.
B ánh chưng, bánh tét: Theo quan niệm dân gian, trời tròn, đất vuông. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất. Bên ngoài của bánh gói bằng lá dong, bên trong là gạo nếp, đậu xanh, hành và thịt heo. Các gia đình Việt xưa thường tự gói bánh chưng mỗi độ xuân về. Những chiếc bánh không đơn thuần là món ăn dịp Tết mà còn mang giá trị truyền thống đáng trân quý. Bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng, cả gia đình kể cho nhau nghe những điều đã qua suốt một năm bộn bề. Ảnh: Ashleechil, chay_blog.
Từ khoảng giữa tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp và tất bật chẻ lạt gói bánh chưng. Nguyên liệu của món bánh ngày Tết khá cầu kỳ, tăng giảm tùy thuộc vào đặc trưng mỗi vùng đất nhưng nhất định không thể thiếu gạo nếp, đậu xanh và thịt heo. Nếu bánh chưng là nét văn hóa lâu đời của người miền Bắc, bánh tét lại được người dân miền Nam chuộng hơn. Người miền Trung dùng cả bánh chưng và bánh tét, tuỳ theo khu vực. Ảnh: Oriental Tours.
Tôm chua: Công thức làm tôm chua với hương vị hòa trộn hoàn hảo được người miền Trung yêu thích mỗi dịp Tết đến và truyền lại từ nhiều đời. Tôm mang độ mặn của nước mắm, cay và thơm của riềng, tỏi ớt, ngọt của đường, chua và giòn của đu đủ. Tôm chua có ở nhiều nơi, song ngon nhất phải kể đến xứ Huế. Giữa vô vàn món ăn hấp dẫn nhưng nhiều dầu mỡ, tôm chua vị thanh thanh sẽ là lựa chọn chống ngấy số một dành cho bạn. Ảnh: Namkhanhtran, thuyvungoc99, mebimsuakoi, vuttha2108.
Video đang HOT
Thịt kho tàu: Chỉ cần ngửi hương thơm hấp dẫn, béo ngậy tỏa ra từ nồi thịt kho tàu đặt cùng với chén cơm nóng bốc hơi nghi ngút là thấy Tết kề bên. Hương vị thịt, trứng đậm đà hòa quyện chinh phục khẩu vị của biết bao người. Người nội trợ phải biết cách chọn thịt ngon, nêm nếm gia vị sao để món thịt kho thật đậm đà và có màu nâu vàng sóng sánh. Ảnh: Nunikitchen_, miso.en.place, shan.dao_comsuonbicha, vicky.pham.
Thịt đông: Thịt đông là món đặc trưng của Tết Nguyên Đán miền Bắc. Trong tiết trời se lạnh đầu xuân, món ăn càng trở nên thơm ngon khó cưỡng. Thịt đông thường được nấu từ thịt chân giò cùng nấm đông cô, mộc nhĩ, bì heo, hạt tiêu… Đặc trưng của món thịt đông là phải nấu thật nhừ, đến khi có một lớp mỡ sánh trên bề mặt. Ảnh: Jennyyyttt.
Dưa hành: Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, hương vị dân dã của món dưa hành vẫn luôn góp mặt trong ký ức sum vầy ngày Tết của người Việt. Vị chua, cay nhẹ phát huy tác dụng chống ngán hữu hiệu. Món ăn này ở mỗi vùng lại có một đặc trưng khác nhau. Người miền Trung và miền Nam gọi là dưa món và kiệu muối. Ảnh: Spicy_chef, jesuisquyenvu.
Canh khổ qua: Canh khổ qua (mướp đắng) là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm cúng ông bà ngày 29-30 Tết của người phương Nam. Người ta ăn món này với mong muốn xui xẻo, khổ cực trong năm cũ sẽ qua và điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Theo quan niệm xưa, khổ qua được chọn là những trái có màu xanh đậm, suôn dài và thật đều nhau, thể hiện sự tròn vẹn, viên mãn. Ảnh: Vivian.t.t.v.
Theo News.zing
Những món ăn ngày Tết miền Bắc không thể thiếu trong mâm cơm cổ truyền
Đối với người miền Bắc, mâm cơm ngày Tết đóng vai trò rất quan trọng nên luôn được các gia đình chăm chút kỹ lưỡng. Dưới đây là những món ăn ngày Tết miền Bắc quen thuộc, dân dã không thể thiếu trong bữa cơm đầu năm.
Tết là dịp để mọi người trở về đoàn tụ với gia đình, cùng nhau quây quần bên mâm cỗ. Ở mỗi vùng miền trên đất nước ta lại có nhiều món ăn đặc trưng khác nhau trong ngày Tết Nguyên đán.
Đối với người miền Bắc, các món ăn trong mâm cơm ngày Tết đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, số lượng mỗi nhà có thể khác nhau song không thể thiếu các món ăn dưới đây:
Bánh chưng
Nhắc đến món ăn ngày Tết miền Bắc, không thể bỏ qua món bánh chưng cổ truyền của dân tộc. Sự kết hợp giữa gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã đem đến cho ngày Tết một thứ bánh ngon tròn vị.
Bánh chưng là một trong những món ăn ngày Tết miền Bắc không thể thiếu trong mâm cơm cổ truyền.
Vào những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình thường tụ họp, cùng nhau gói bánh và trò chuyện, ôn lại kỷ niệm một năm đã qua. Tuy nhiên hiện nay, không còn nhiều gia đình giữ thói quen gói bánh chưng ngày Tết mà thường đi mua cho nhanh gọn. Song không vì thế mà món ăn ngày Tết này bị mai một bởi dù có mua, nhà nào cũng cố đặt được tấm bánh ngon nhất để dâng lên ông bà, tổ tiên.
Dưa hành
Cùng với các món thịt và bánh chưng, dưa hành là món ăn không thể thiếu trong các món ăn ngày Tết miền Bắc. Dưa hành có vị cay cay, chua chua dịu nhẹ giúp dễ tiêu hóa, giảm bớt độ ngấy và mang lại cảm giác ngon miệng.
Món dưa hành ngon đòi hỏi những củ hành phải trắng mịn, nổi vân xanh có độ giòn và vị chua vừa phải. Theo những người có kinh nghiệm thì bí quyết làm dưa hành ngon là nhờ cách pha nước ngâm.
Thịt đông
Thịt đông là món đặc biệt vào mùa đông xuân của các tỉnh miền Bắc. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này thường được làm từ thịt giò heo, bên cạnh đó là cà rốt, mộc nhĩ, bì heo, hạt tiêu...
Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, để nguội rồi cho ngăn mát tủ lạnh. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết miền bắc.
Giò chả
Trên mâm cơm cúng gia tiên hay mâm cơm sum vầy ngày Tết của người miền Bắc không thể không nhắc đến các món giò chả như: giò lụa, giò thủ, chả quế...
Khi bày cỗ, giò thường được thái theo khoanh, chia thành từng miếng gọn gàng, sắp xếp đẹp mắt và dễ gắp. Miếng giò chả ngon phải có màu sắc tươi tắn, đậm mùi thịt. Món ngon ngày Tết miền Bắc này chính là một nét ẩm thực đặc trưng trong mâm cơm đoàn viên.
Nem rán
Nem rán là đã trở thành món ăn quen thuộc và đặc trưng trong các gia đình Việt Nam nói chung và gia đình miền Bắc nói riêng vào dịp tết Nguyên đán. Nem rán giòn thơm có phần vỏ là bánh đa nem, phần nhân có thịt heo xay, trứng, mộc nhĩ, cà rốt, giá đỗ, rau thơm, hành tây... thái nhỏ.
Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa giữa vị mặn của nước mắm ngon, vị ngọt của mì chính, đường, vị chua của chanh (hay dấm) rồi hòa chung với nước lọc, thêm vào ít tỏi băm nhỏ, vài lát ớt tươi sao cho vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay, dậy mùi thơm của tỏi, ớt.
Canh măng
Món ăn ngày Tết miền Bắc mà quên nhắc tới canh măng thì quả thật là điều vô cùng thiếu sót. Măng được chọn là măng khô hoặc tươi, nước dùng là nước luộc gà hoặc nước hầm xương. Canh măng có phần thịt là xương heo hoặc móng giò. Bát canh măng là món ăn thanh mát không thể thiếu trong những ngày đầu xuân sang.
Theo Saostar
Ý nghĩa của 5 loại bánh truyền thống ngày Tết Trời đất giao hòa, sắp sang năm mới. Bên cạnh những mâm cỗ dành cả tình cảm và sự trân trọng để tưởng nhớ tổ tiên thì các loại bánh ngày Tết cũng được dành nhiều sự kỳ công và tâm huyết. Ẩm thực ngày Tết - những điều sâu sắc và thiêng liêng Cả nước ăn Tết cùng một mùa nhưng mỗi...