Những “mồi lửa” hun nóng ngành giáo dục năm 2015
Nếu như trong năm 2015, nhiều khu chung cư, xưởng sản xuất bị bao vây bởi những ngọn lửa hung tàn thì ngành giáo dục cũng “rực lửa” không kém khi dư luận bị “hun nóng” bởi nhiều quy định mới.
Cảnh tượng phụ huynh chen nhau mua hồ sơ tại trường Lương Thế Vinh – Ảnh: Vnexpress
Nỗi lo tuyển sinh nhân đôi
Mùa hè năm 2015 được xem là bất thường nhất trong nhiều năm qua khi đợt nóng kéo dài, nhiều lúc trời lên tới 40 độ C. Cùng với cái nắng nóng của thời tiết thì không khí trong nhiều gia đình cũng oi bức không kém khi các vị phụ huynh lòng như lửa đốt vì chuyện tuyển sinh của con em mình. Nếu như mọi năm, nhiều gia đình có con em từ bậc tiểu học chuyển sang THCS chỉ phải lo con em mình luyện tập để ôn thi vào các trường điểm đã chọn thì năm nay, nỗi lo này lại tăng thêm gấp đôi khi mùa tuyển sinh vào lớp 6 trở nên “nhộn nhạo” hơn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do Bộ GD&ĐT ra quy định cấm thi tuyển vào lớp 6. Việc này dẫn tới một loạt các trường “đau đầu” lên phương án xét tuyển còn các bậc phụ huynh thì đứng ngồi không yên, không biết con em mình sẽ vào trường theo cách thức nào.
Nhiều phụ huynh luôn phải cập nhật tình hình các trường, nếu không chỉ cần chậm chân là con em mình có thể bị bật ra khỏi trường tốt. Chính vì vậy đã dẫn tới tình trạng ngày 5/5, khi trường THCS Lương Thế Vinh mở cửa bán hồ sơ tuyển sinh đã xảy ra cảnh phụ huynh chen lấn, xô đẩy nhau để cầm trên tay bộ hồ sơ “ngàn vàng”. Điều đáng nói là do không nắm rõ được thông tin trường mở bán hồ sơ không giới hạn trong vòng 20 ngày, nhiều phụ huynh sợ đến muộn sẽ không thể mua hồ sơ nên ngay từ 6h sáng cổng trường đã chật kín người.
Thi THPT “thất bại hoàn toàn”
Cùng chung cảnh ngộ với các vị phụ huynh có con lên lớp 6, các gia đình có con năm nay thi Đại học cũng mướt mải không kém, khi rối rắm với khâu thông tin. Với cách thức thi tuyển 2 trong 1, kỳ tuyển sinh đại học năm 2015 từ sau khâu công bố điểm trở nên “rối như tơ vò”. Từ lúc Bộ cho phép các trường ĐH nhận hồ sơ xét tuyển cũng là lúc bắt đầu một cuộc đua đầy chật vật, nặng nề. Phụ huynh và thí sinh đều quay cuồng với công cuộc nộp-rút hồ sơ. Cho tới ngày cuối cùng trong đợt xét tuyển đợt 1, các thí sinh cũng vẫn chưa ngơi nghỉ trong việc theo dõi vị trí, thứ hạng để xem mình có bị bật ra khỏi trường, có nên rút hồ sơ hay không. Một cuộc thi cử không khác gì như đang trên sàn chứng khoán khiến người dân vừa mệt mỏi lại gây tốn kém. PGS Văn Như Cương còn thẳng thắn nhận định kỳ thi THPT quốc gia đã “thất bại hoàn toàn”. Sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển, ngay chính vị tư lệnh ngành giáo dục cũng đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm về những bất cập đã bộc lộ trong đợt tuyển sinh này.
Suýt “xóa sổ” môn Sử?
Không chỉ có các vị phụ huynh có con trong độ tuổi thi cử quýnh quáng vì những quy định mới của Bộ GD. Trong năm 2015, dư luận cũng một phen dậy sóng khi Bộ cho công bố Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” trong đó có việc tích hợp môn Lịch sử trở thành môn học có tên “Công dân với Tổ quốc”. Trong khi môn Lịch sử đang gặp khó khăn trong cách dạy khi bị học sinh “ghẻ lạnh”, nhiều em ngay cả những kiến thức lịch sử cơ bản cũng lơ mơ, việc tích hợp môn Sử này đã vấp phải không ít ý kiến phản đối, nhất là từ giới Sử học.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng “Bộ GD-ĐT luôn lập luận không bỏ môn lịch sử nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói và chúng tôi rất nghi ngờ”. Tương tự, trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/11, đại biểu Lê Văn Lai cũng cho rằng việc thay đổi về môn Lịch sử là “sự xáo trộn tận tâm can”. Vụ việc chỉ giảm bớt “độ nóng” khi Quốc hội quyết định giữ Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình SGK mới.
Với một loạt các sự kiện trong năm qua, nhiều người vẫn không khỏi lo lắng về việc học hành của các em học sinh sắp tới, bởi những thay đổi chóng mặt của nền giáo dục Việt trên con đường trăn trở tìm hướng đi thích hợp. Nếu như chỉ một ngọn lửa bùng lên khiến nhiều người dân trắng tay hay phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” thì những quy định mới của Bộ GD trong năm nay cũng không khác gì “bà hỏa” thiêu đốt tận tâm can cõi lòng của nhiều bậc phụ huynh khiến niềm tin vào giáo dục Việt ngày càng lụi tàn.
Theo songmoi.vn