Những mẫu chuyên cơ cá nhân trị giá hàng trăm triệu USD
Air Force 1 trị giá 660 triệu USD dành cho tổng thống Mỹ hay Airbus A380 Custom 500 triệu USD của hoàng tử OMalley là những mẫu chuyên cơ cá nhân sang trọng và đắt giá.
Sự mạo hiểm đắt giá của BTS
BTS áp dụng cách bản địa hóa âm nhạc, tức chuyển sang hát tiếng Anh, như Abba từng làm để thâm nhập và từng bước thành công trên thị trường quốc tế.
"Chúng tôi bảo nhau rằng nếu có cơ hội hát tiếng Anh, chúng tôi phải làm bằng được", thành viên Benny Andersson của nhóm nhạc Thụy Điển Abba nói trong This Is Pop - bộ phim tài liệu về âm nhạc vừa lên sóng vào tháng 6. Đây cũng là bước đi đúng đắn, mở đầu cho sự nghiệp vang dội khắp thế giới của chủ nhân hit Happy New Year.
Hát nhạc pop bằng tiếng Anh để phủ sóng toàn cầu
Ola Johansson - nhạc sĩ kiêm giáo sư chuyên ngành âm nhạc Đại học Pittsburgh Johnstown (Pennsylvania, Mỹ) - chia sẻ trong This Is Pop : "Để có vị trị riêng trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu, bạn phải có khả năng nói và hát bằng tiếng Anh".
Chia sẻ của Andersson và Johansson nằm trong tập 3 với tên gọi "Hội chứng Stockholm" của This Is Pop . Tập phim kể về cách các nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ Thụy Điển trở thành những người chơi quyền lực thống trị thị trường nhạc pop toàn cầu, mà điển hình là nhóm nhạc bốn thành viên Abba.
Abba ngừng hát tiếng Thụy Điển và chuyển sang hát tiếng Anh để vươn ra thị trường quốc tế.
Với quyết tâm phải hát tiếng Anh để tiến xa hơn, năm 1974, Abba lần đầu biểu diễn Waterloo bằng tiếng Anh, không phải tiếng Thụy Điển, tại cuộc thi Bài hát Eurovision. Từ đó, nhóm dần mở ra con đường trở thành nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu. Và không chỉ Abba, nhiều nhóm nhạc hay nghệ sĩ khác cũng có nhu cầu hát tiếng Anh để mở rộng thị trường hoạt động.
Ngoài vấn đề ngôn ngữ, nhiều nguyên nhân khác cũng tạo nên sự bùng nổ làn sóng nhạc pop ở thị trường thế giới trong ba thập kỷ gần đây. Boyz II Men - nhóm nhạc da màu chuyên hát RnB bắt đầu hoạt động từ năm 1985 - từng tâm sự rằng nhóm cảm thấy những nghệ sĩ da trắng dễ dàng thành công và có thành tích vượt trội vì khán giả có xu hướng yêu thích những nhóm nhạc nam điển hình (như trào lưu nở rộ ở Anh thập niên 1990) hơn.
Shania Twain cùng nhiều ca sĩ khác cũng xuất hiện trong This Is Pop và thảo luận về việc nhạc đồng quê cũng miễn cưỡng tiếp nhận những điều mới mẻ, hoặc việc các album Britpop (văn hóa nhạc pop xuất phát từ Anh) bắt đầu xâm chiếm bảng xếp hạng thế nào.
This Is Pop nhiều lần nhấn mạnh với khán giả một thông điệp: "Không có vấn đề gì nếu bạn khác biệt, nhưng rõ ràng bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu không tuân theo các quy tắc thống trị của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu".
Tất nhiên, thông điệp cũng có chút phóng đại, theo nhận định của SCMP . Bởi có những người chọn lối đi khác biệt qua âm nhạc hay ngôn ngữ cũng thành công. Nhưng rõ ràng vấn đề được đặt ra không hoàn toàn sai, nhất là khi nhìn lại con đường xóa bỏ đi lằn ranh khu vực của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS.
Như bao nghệ sĩ đi trước, BTS đã chấp nhận chuyển sang hát tiếng Anh để thâm nhập thị trường Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. Đây là một thử thách khó cho bảy chàng trai, khi tiếng Anh vốn là điểm yếu chí mạng của người Hàn.
Boyz II Men cho rằng họ gặp nhiều khó khăn hơn khi không hát pop và không hoạt động theo mô hình boyband điển hình được khán giả yêu thích.
Hướng tới Grammy
Gần đây, khi nhắc tới sự bùng nổ bất ngờ của ngôi sao nhạc pop toàn cầu, phần lớn người làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc đều có ý nhắc tới BTS.
Mới nhất, giữa tháng 7, BTS phát hành ca khúc Permission to Dance và đứng đầu bảng xếp hạng Billboard's Hot 100, nối tiếp chuỗi thành tích trước đó của Butte r. Đây là ca khúc thứ 5 của nhóm đạt được vị trí đứng đầu BXH nổi tiếng trên, trong 5 ca khúc, chỉ duy nhất Life Goes On được hát bằng tiếng Hàn.
Điều này đã dẫn đến cuộc tranh luận về chiến lược bản địa hóa âm nhạc để thâm nhập thị trường của BTS. Các đĩa đơn hát tiếng Anh của BTS như Dynamite, Butter và Permission to Dance đều có chất nhạc và lyrics mang âm hưởng lạc quan, yêu đời, và tất nhiên không phải loại âm nhạc điển hình từng làm nên thành công cho BTS ở Hàn Quốc và châu Á. Trước đây, nhóm thường hát các ca khúc đậm âm hưởng hip hop, có màu sắc u ám và ca từ nói về khó khăn, vấp ngã trong quá trình trưởng thành của mỗi con người.
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc BTS có đang đưa ra lựa chọn đúng đắn hay không. Một số cho rằng BTS đang từ bỏ chất riêng độc đáo, số khác lại cho rằng nhóm vẫn thành công và thu được doanh thu nhạc số, cùng doanh thu đĩa cứng ngay cả ở một thị trường khổng lồ như Mỹ.
Thậm chí, BTS từng khẳng định mục tiêu của nhóm là Grammy.
BTS theo đuổi phong cách tươi sáng, tích cực hơn trong các ca khúc tiếng Anh.
Và để giành được Grammy, BTS đã điều chỉnh, ở một mức độ nào đó, toàn bộ phong cách âm nhạc và cả ngôn ngữ truyền tải ca khúc để phù hợp với các tiêu chí đánh giá của giải thưởng.
Tuy nhiên, chính nhóm nhạc Hàn Quốc cũng từng cảnh báo rằng những bản nhạc hát tiếng Anh của họ sẽ có sự khác biệt lớn với album ở Hàn. Chẳng hạn, album BE (2020) tập trung vào hát tiếng Hàn, không quá thiên về các ca khúc nhạc pop điển hình, mà pha trộn thêm dance pop mạnh mẽ, thu hút.
Nhưng với mục tiêu phủ sóng toàn cầu, BTS sẽ tiếp tục đẩy mạnh những nước cờ đã thực hiện trong hai năm qua, như hát tiếng Anh, lựa chọn âm nhạc vui vẻ và tích cực, nhắm tới các giải thưởng danh tiếng ở Mỹ.
Bản địa hóa âm nhạc
Thực tế, bản địa hóa để thâm nhập một thị trường âm nhạc mới không phải "chiêu" quá lạ lẫm với các nhóm nhạc Kpop. Như các Abba hát tiếng Anh để vượt khỏi ranh giới Thụy Điển, các nhóm nhạc Kpop (gồm cả BTS) cũng hát tiếng Nhật để gia nhập thị trường âm nhạc xứ hoa anh đào. Và những album tiếng Nhật này không liên quan hay thuộc về bất kỳ album nào từng phát hành ở Hàn Quốc của họ.
Không có gì sai khi hát bằng một ngôn ngữ không phải tiếng Anh. Nhưng nếu một nghệ sĩ muốn trở thành ngôi sao toàn cầu, thống trị thị phần âm nhạc lớn nhất thế giới, họ phải hát tiếng Anh. Và rõ ràng ngành công nghiệp âm nhạc ở Mỹ, với số lợi nhuận khổng lồ hàng năm và sức lan tỏa rất lớn một khi đã đứng vững trên BXH Billboard Hot 100, vẫn là "sức hấp dẫn không thể chối từ" với bất kỳ ca sĩ nào.
Các nhóm Kpop luôn phát hành album tiếng Nhật để thâm nhập thị trường lớn thứ 2 thế giới.
This Is Pop liên tục nhấn mạnh sự khắc nghiệt của ngành công nghiệp không khói âm nhạc. Bộ phim cho rằng thật vô ích khi cố gắng gây tiếng vang ở thị trường âm nhạc thế giới bằng loại hình và ngôn ngữ khác biệt, bởi những người trong cuộc (tức nghệ sĩ hát tiếng Anh) sẽ vĩnh viễn coi họ là kẻ ngoài cuộc. Có quá ít ca khúc không-phải-tiếng-Anh thành công, bởi thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới là Mỹ, và là nơi hiếm khi chấp nhận đa dạng hóa ngôn ngữ trong âm nhạc.
Abba muốn thu hút được khán giả, muốn được lắng nghe ở những vùng đất bên ngoài đất nước Thụy Điển, và họ nhận ra tiếng Anh là công cụ tối quan trọng để thực hiện ước mơ.
BTS cũng đã nhận ra điều đó, và đang làm theo cách tương tự. Bảy chàng trai Hàn Quốc đã dần bước ra khỏi vùng an toàn do cộng đồng fan hùng hậu khắp thế giới thiết lập, bước đầu "tấn công" tới những khán giả thông thường. SCMP ví bước đi này như những viên gạch đầu tiên BTS đặt trên con đường dẫn nhóm tới vị trí ngôi sao nhạc pop toàn cầu của thời đại mới.
Anchor: Thú vui sưu tập giày sneaker 'khủng' của chàng doanh nhân trẻ Sneaker được xem là một trong những sản phẩm thời trang được giới trẻ săn đuổi. Nguyễn Minh là một người có sở thích sưu tầm loại giày này, đặc biệt là giày của thương hiệu Nike. Doanh nhân Nguyễn Minh hiện điều hành một cửa hàng giày thể thao chính hãng cùng tên và là người có tiếng trong các cộng đồng...