Những mầm xanh vươn lên từ đá
Bằng sự yêu thương, đồng cảm và sẻ chia, Đồn Biên phòng Xín Mần, huyện Xín Mần ( Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) đã nhận đỡ đầu cho 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Sự quan tâm, chăm lo của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã mở ra tương lai tươi sáng cho các em.
Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Mần hướng dẫn em Vàng Xuân Bình học tập.
Chúng tôi có dịp đến Đồn Biên phòng Xín Mần, chứng kiến sự chững chạc, trưởng thành của 2 em Vàng Xuân Bình, Vàng Củi Vu – người dân tộc Mông, những “quân nhân” của Đồn Biên phòng Xín Mần, từ chương trình “Nâng bước em tới trường” mới cảm nhận hết những tình cảm và sự quan tâm, chăm lo của cán bộ, chiến sĩ dành cho các em đang gặp khó khăn nơi đây.
Trung uý Đỗ Trọng Tín- Đội trưởng Đội vận động quần chúng cho biết, Vàng Xuân Bình là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Gia đình em là một trong nhiều hộ nghèo nhất ở xã Pà Vầy Sủ này. Nghèo đói đeo bám quanh năm nên bố em phải lao động cật lực để kiếm sống và nuôi dạy 3 anh em Bình. Vất vả và thiếu thốn trong thời gian dài nên bố Bình đổ bệnh mà chết khi các em vẫn còn rất nhỏ.
Không chịu được cảnh nghèo đói đem bám mãi, mẹ Bình sau đó cũng dứt áo đi lấy chồng khác. Bình và hai anh em sau đó phải đến ở với chú ruột. Ở nơi bốn bề là núi đá, thời tiết khắc nghiệt khiến cho cuộc sống của gia đình chú ruột Bình cũng chẳng dư giật, khá giả gì. Việc “đứt bữa” như một câu chuyện thường ngày ở huyện đối với anh em nhà Bình. Biết được hoàn cảnh của Vàng Xuân Bình, năm 2015, Đồn Biên phòng Xín Mần báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương và được sự chấp thuận của gia đình để nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng Bình.
Hoàn cảnh em Vàng Củi Vu, ở xã Xín Mần, cũng khó khăn tương tự. Bố chẳng may ốm rồi mất sớm. Hai anh và chị gái đều đã lập gia đình. Vu ở với mẹ trong căn nhà tuềnh toàng bên sườn núi quanh năm mây mù che phủ. Căn nhà vốn đã chẳng có thứ gì đáng giá nhưng lại càng trở nên hoang lạnh hơn khi mẹ của em đi bước nữa. Vu buộc phải đến ở với gia đình người anh trai cả Vàng Seo Sần. Gia đình người anh trai của Vu cũng nghèo khó, không thể nuôi nổi em cho nên Đồn biên phòng Xín Mần nhận Vu về nuôi dưỡng.
Từ khi “nhập hộ khẩu” về với Bộ đội Biên phòng, 2 em Bình và Vu luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ ở đồn. Trung uý Đỗ Trọng Tín là người được giao nhiệm vụ kèm cặp, giúp hai em trong học tập. Anh Tín kể lại, khi mới về đơn vị cả hai em còn nhiều suy tư, bỡ ngỡ và chưa hoà nhịp với cuộc sống quân ngũ nhưng ở trong môi trường mới, các em đã làm quen và hòa nhập rất tốt. Giờ đây các em đã coi đồn biên phòng là gia đình thứ hai của mình.
Thầy Hà Ngọc Tiến, giáo viên chủ nhiệm của hai em Bình và Vu cho biết: “Thời gian đầu hai em còn chưa đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Sau hơn một năm được Đồn Biên phòng Xín Mần nhận đỡ đầu, kèm cặp các em không những học thông, viết thạo mà còn được trang bị thêm kiến thức ở nhiều môn học khác nhau. Giờ đây, khi ở cùng các chiến sĩ mang quân hàm xanh, hai em Bình và Vu cũng ý thức được rằng cuộc sống dù có khó khăn, vất vả nhưng các em phải vững tâm như cây tùng, cây bách quả cảm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, gian khổ để sống, để học tập và để sau nay tiếp bước những chiến sỹ mang quân hàm xanh canh giữ “cổng trời” Tổ quốc”.
Video đang HOT
Thông qua công tác vận động quần chúng, biết nhiều học sinh có hoàn cảnh còn hết sức khó khăn. Thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường”, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Mần còn nhận đỡ đầu 3 em học sinh khác trên địa bàn 4 xã biên giới do Đồn Biên phòng quản lý. Hàng tháng, ngoài hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/người; cán bộ, chiễn sĩ ở của đồn còn dành cho các em những món quà giản dị, lúc thì đôi dép, chiếc áo, khi thì tập giấy, quyển vở. Các chiến sỹ trong đồn còn thường xuyên liên lạc với cán bộ địa phương, gia đình, giáo viên chủ nhiệm của các em để biết về tình hình học tập, suy nghĩ và nguyện vọng của từng em để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.
Những việc làm nghĩa tình của Đồn Biên phòng Xín Mần đã góp phần phát huy truyền thống và đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Những việc làm nghĩa tình đó cũng góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với đồng bào các dân tộc trên các dải biên giới xa xôi của Tổ quốc để xây dựng Nền Biên phòng toàn dân vững chắc và đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.
Mạnh Tường
Theo daidoanket
Người thầy của bản
Sớm một ngày cuối tuần tháng 11, trời rét. Ở cái xã vùng cao xa xôi Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), mùa đông, rét như nghìn vạn mũi lá sa mộc châm vào da thịt, sương mù mịt, nhiều đoạn chẳng thấy đường.
Thầy giáo Ma Văn Dân sắp xong đồ đạc, chằng lại bao gạo trên yên xe rồi nói với vợ: Tôi đi nhé. Đã 26 năm, quen với cảnh cứ chủ nhật, chồng lại lên điểm trường "cắm bản" dạy học nên chị nhẹ nhàng: "Mình đi cẩn thận".
Thầy Dân trong một giờ lên lớp tại điểm trường Bản Cám.
Đó là một mùa ngô vào năm 1992. Hai vợ chồng người Mông Ma Văn Dân đang cặm cụi trên lưng núi thu hoạch ngô, lòng phấn khởi vì đã có thêm ngô làm mèn mén. Dưới chân núi có tiếng gọi "Dân ơi" vọng lên. Dân ngừng tay đáp lại. Tiếng đến trước rồi mà phải quãng một tuần trà mới thấy người lên tới nơi. Hóa ra là thầy Hiệu trưởng Trường cấp 2 Lường Văn Xiên (sau này thầy làm đến chức vụ Phó Chủ tịch HĐND huyện Pác Nặm). "Có việc gì mà khiến thầy phải lặn lội quãng đường hàng mấy chục quăng dao để tới đây". Về tới nhà, thầy Xiên mới nói, "Dân à, ở bản Khuổi Trà của em, rồi cả cái xã Cổ Linh này, trong đồng bào Mông em là người có trình độ học vấn cao nhất đấy". Cao nhất của Dân chính là chiếc bằng tốt nghiệp cấp 2. Nhà có tới 12 anh, chị em, Dân là người duy nhất học hết cấp này dù ngày nào cũng phải đi bộ ít nhất 6km cả đi lẫn về để tới lớp.
Thầy Dân xem thời khóa biểu phân công lịch dạy được dán trên tường phòng hiệu bộ đơn sơ.
Bên bếp lửa hồng, lửa nhảy nhót trong mắt người đối diện, thầy Xiên mới thủng thẳng, Dân à, em có muốn đi học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm rồi về làm thầy giáo dạy chữ cho con em người Mông mình không. Dân ngạc nhiên, bối rối vì làm thầy giáo thì thích lắm nhưng liệu mình có làm được không, với lại mình đã 27 tuổi rồi, còn phải lo cho vợ con nữa chứ. Thầy Xiên nói tiếp, em suy nghĩ đi rồi trả lời sớm cho thầy nhé. Sau một đêm suy nghĩ, Dân quyết định mình sẽ đi học làm thầy giáo. Thế nhưng đưa ra ý kiến thì cả bố, mẹ, anh em, nhất là vợ phản đối kịch liệt. Anh đi học lấy ai làm nương, học về làm thầy giáo có đủ tiền mua ngô mà làm mèn mén không? Cả thầy Xiên và Dân vận động mãi, gia đình mới đồng ý.
Thế là chàng trai Mông Ma Văn Dân lên đường học lớp sư phạm cấp tốc chín tháng ở Chợ Rã, Ba Bể. Năm 1993, ra trường, thầy Dân lập tức được phân công lên dạy học ở điểm trường Khuổi Trà. Là người Mông, thầy hiểu tâm lý của các em học sinh nên việc dạy và học rất tốt. Trong thế hệ đầu tiên thầy "gieo" chữ ấy có em Dương Thị Pàn, khi vào lớp một đã 10 tuổi, cái tuổi mà cùng trang lứa có khi có đứa đã sắp lấy chồng tới nơi. Lúc thì học, chán thì bỏ, thầy vận động được hết các em ra lớp. Em Dương Thị Pàn giờ đã nối nghiệp thầy, cũng trở thành cô giáo dạy ở Trường THCS bán trú xã Cổ Linh. Tháng lương đầu tiên, thầy Dân lĩnh 80 nghìn đồng. Số tiền này chỉ đủ mua bốn cân thịt lợn. Thế là đi dạy mà chả đem được đồng nào cho vợ, trong khi vẫn cứ mang gạo ở nhà đi.
Ở Cổ Linh, Thôm Niêng là một trong những thôn xa và khó đi nhất. Con đường dốc đứng, nhỏ len lên đỉnh núi, trẻ con nhiều đoạn còn phải bám vào đuôi ngựa mà lên. Thế mà thầy Dân "đánh vật" với chiếc xe máy cà tàng chở được cả sách vở lên cho học sinh. Có lần, thầy bị ngã, người rơi xuống vực, may nắm được bụi cây nên thoát chết.
Thầy Lường Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Cổ Linh nhớ lại, năm 2004, ra trường đi công tác, thầy được phân công lên cùng dạy ở điểm trường Thôm Niêng với thầy Dân. Buổi học đầu tiên kết thúc tốt đẹp, thầy Tuân trịnh trọng: Giờ học đã xong, mời các em chào thầy rồi về nào. Cả lớp im phăng phắc. Thầy lại nói: Thầy mời các em về, mai lại đến lớp nhé. Cả lớp vẫn ngồi im. Lúng túng, thầy chạy sang thầy Dân hỏi sao lại thế. Thầy Dân phì cười, em nói thế các em không về đâu, em phải nói bằng tiếng Mông mới được. Thầy Dân dạy cho thầy Tuân một câu tiếng Mông với nghĩa mời các em về, thầy Tuân về lớp nói lại, thế là các em chào thầy rồi về. Thầy Tuân nhấn mạnh: Biết tiếng dân tộc, hiểu các em như thế nên ở Cổ Linh này thầy Dân là người quan trọng lắm.
Thầy Dân trên đường đến điểm trường Bản Cám.
Đã 26 năm công tác thì toàn bộ thời gian thầy Dân đều "cắm bản" dạy học ở các điểm trường vùng cao xa xôi, khó khăn nhất của Cổ Linh. Từ Khuổi Trà tới Nặm Nhì, Thôm Niêng, Cốc Nghè, Phia Bay... thầy đều có mặt. Tổng cộng thầy đã "cắm bản" ở chín thôn, bản xa nhất chỉ còn trừ mỗi Lủng Nghè và Lủng Vài. Và năm 2019 này, thầy lại tiếp tục cắm bản dạy học ở Bản Cám. Thầy Dân nhẹ nhàng, lần này là gần nhà nhất đấy nên sáng đi, tối về được với vợ con. Nhà chỉ có 3.000m2 ruộng, hơn 25 năm toàn một mình vợ làm, giờ gần nhà rồi cũng đỡ đần được cho vợ. Thầy cười: Nếu không đỡ đần, cứ về lấy gạo đi chắc vợ mắng chết. Thầy vẫn phải lấy gạo đi để nấu ăn bữa trưa ở trường, tối mới về nhà. Tôi biết thầy đùa nhưng tự hào lắm, vì nếu không hiểu, hết lòng vì chồng, con thì hiếm có người phụ nữ nào lại sẵn sàng để chồng mình đi công tác xa quá nửa đời người như thế.
Thầy Dân nói thêm, nói thật có lúc mình cũng nản, muốn bỏ. Ở điểm trường, chỉ có một thân một mình trong nhà lớp học tạm bợ, vách nứa, cơm nấu lên có khi chả buồn ăn. Các điểm trường đa phần không có điện, đêm tối lủi thủi, nghe gió luồn qua kẽ nứa, chỉ muốn bỏ về nhà với vợ, con. Thế nhưng, sáng hôm sau, học sinh đến lớp, đứa thì mang thầy mớ rau, đứa thì vài bắp ngô, có lúc, có nhà cho thầy cả con gà... thầy lại gạt ngay ý nghĩ bỏ nghề vì: Các em cũng như mình ngày xưa, dân bản yêu mến thế mà mình bỏ nghề thì không được.
Cổng điểm trường Bản Cám đơn sơ trên lối lên nhỏ hẹp.
Đứng từ ngoài quan sát lớp học, chúng tôi thấy không khí lớp học của thầy Dân sôi nổi, hào hứng, bởi những kỹ năng truyền đạt có một không hai của thầy. Đó là sử dụng song ngữ, kết hợp giữa tiếng phổ thông và tiếng Mông giảng giải cặn kẽ, để các em hiểu bản chất của vấn đề, từ đó nắm chắc bài học. Với phương pháp giảng dạy như vậy, tại tất cả các điểm trường thầy Dân dạy học, hầu hết học sinh là con em đồng bào Mông ở bản đều thích được đến lớp học cái chữ hằng ngày. Còn đối với đồng nghiệp của mình, thầy Dân luôn là một phiên dịch viên đắc lực tại những điểm trường mà thầy từng công tác, bởi khả năng nói được nhiều thứ tiếng dân tộc như Mông, Dao, Tày giúp cho các thầy, cô thu hẹp khoảng cách dạy và học do bất đồng ngôn ngữ với học sinh dân tộc thiểu số vùng cao.
Lại một chiều muộn nữa, thầy Dân bảo: Hôm nay về sớm tý, vòng qua chợ mua ít đồ chơi cho cháu nội. Thầy đã lên chức ông nội vài năm rồi nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với điểm trường. Thầy bảo, còn 10 năm công tác nữa tôi vẫn tiếp tục gắn bó với điểm trường thôi, quen rồi.
Lại chiếc xe máy cà tàng, thầy về. Lũ trẻ tan học đứng xếp hàng: Em chào thầy ạ. Thầy Dân nói lớn: Chào các em, mai lại đến lớp đúng giờ nhé.
TUẤN SƠN
Theo Nhân dân
Nữ sinh nghèo người Mông sẵn lòng "nhường cơm sẻ áo" Nữ sinh người Mông Mua Thị Chở những tưởng phải nghỉ học vì nhà quá nghèo. Nhờ Báo GĐ&XH kêu gọi, mà Chở được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ và đã trở thành sinh viên K17 tại Đại học Thái Nguyên. Để cánh tay thiện nguyện được nối dài, nữ sinh đã chia sẻ tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ cho...