Những lý giải lợi nhuận ngân hàng Việt tiếp tục bùng nổ
Lợ i nhuận các ngân hàng thương mại Việt N am nói chung lên tầm cao mới dù siết tín dụng…
Như thường lệ những quý gần đây, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là thành viên đầu tiên trong hệ thống công bố lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm 2018. Đây tiếp tục là trường hợp có mức tăng trưởng đột biến.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2018 của TPBank đạt 1.613 tỷ đồng, tăng gấp đôi mức cùng kỳ 2017.
Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo cao cấp của TPBank cho biết, tốc độ tăng trưởng và kết quả trên hợp lý với các cơ sở rõ ràng, chứ không có kiểu “làm hàng” hoặc “lãi ảo” nào cả.
Quỹ đạo mới
Vị lãnh đạo trên lý giải rằng, về tổng thể vĩ mô, sau thành công 2017, đến 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo tiếp tục đạt mức cao, có thể lên tới 6,9-7%. Đây là cái nền đầu tiên, môi trường và điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các ngân hàng thương mại.
“Nếu xét riêng 2017 và đến nay 2018, có vẻ như lợi nhuận các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung tăng trưởng quá nhanh, quá cao và bước vào một quỹ đạo mới. Nhưng trước hết, theo tôi, chúng ta cần nhìn lại và xem đây là kết quả dồn lại từ nhiều năm trước”, lãnh đạo TPBank đặt vấn đề.
Giai đoạn 2012 – 2016, nhiều năm nợ xấu nổi lên và gia tăng mạnh, trích lập dự phòng bào mòn, lợi nhuận các ngân hàng giảm sút, thậm chí thua lỗ.
Theo đó, thứ nhất, nền tham chiếu lợi nhuận những năm qua của họ khá thấp, để khi phục hồi và tăng tốc 2017 và 2018 tạo nên những con số tăng trưởng lớn.
Thứ hai, qua giai đoạn đó, nợ xấu đến nay đã và đang được xử lý khối lượng lớn, nợ được thu hồi, lượng trích lập dự phòng được hoàn nhập. Đúng ra, một phần lợi nhuận hiện nay đã được tạo ra những năm trước, “tạm trú” ở trích lập dự phòng và nay lần lượt được ghi nhận về theo kết quả xử lý nợ xấu. Theo đó, lãi cao hiện nay còn do tích lũy từ trước.
Video đang HOT
Tất nhiên, lợi nhuận hàng năm đi liền với tăng trưởng tín dụng và tổng tài sản. Để có được tốc độ tăng lợi nhuận cao hơn, trong điều kiện tín dụng và tài sản có giới hạn, một điểm quan trọng bên cạnh kết quả xử lý nợ xấu là chi phí hoạt động.
Theo phân tích của lãnh đạo TPBank, nặng nhất trong hoạt động ngân hàng là chi phí nhân sự và chi phí đầu tư mạng lưới. Nếu giảm thiểu được hai điểm này, lợi nhuận càng có điều kiện để tăng trưởng.
“Theo kế hoạch, năm nay tăng trưởng lợi nhuận của TPBank sẽ đạt khoảng 80%, trong khi đó chi phí nhân sự chỉ tăng khoảng 5% thôi. Như vậy để thấy nhân sự làm việc hiệu quả hơn, chi phí được kiểm soát tốt hơn để góp phần gia tăng lợi nhuận. Tất nhiên ở đây chúng tôi lựa chọn phát triển ngân hàng số, thay vì đầu tư mạng lưới và nhân sự mở rộng chi nhánh như mô hình ngân hàng truyền thống”, đại diện lãnh đạo TPBank giải thích.
Và nay, trong hoạt động ngân hàng thương mại nói chung, chỉ tiêu tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) trở nên đáng chú ý khi đánh giá hiệu quả.
Nhìn sang Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – hai thành viên cũng đang đi vào quỹ đạo mới về tăng trưởng lợi nhuận, chỉ tiêu CIR cũng đã giảm đáng kể trong các quý cập nhật gần đây so với cùng kỳ, trong khi cả hai đều “không cần” phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Tất nhiên, lợi nhuận tăng cao còn gắn với những cơ sở khác.
Đến kỳ hái quả
Nói gì thì nói, tín dụng vẫn là chủ đạo sinh lãi. Vậy chủ trương siết lại tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đang làm có kìm hãm lợi nhuận hệ thống không?
Thực ra, các nhà băng đã và đang cho vay với mức độ quá lớn rồi. Tỷ lệ tín dụng đã lên tới 130% GDP, ở vùng cao nhất trong lịch sử rồi, cũng là giới hạn cần siết lại. Còn lại là doanh số cho vay, vòng quay cho vay của mỗi thành viên, cũng như phân khúc lựa chọn hoặc các giải pháp để cải thiện lãi biên.
Như trên, cả Techcombank và VPBank trong nửa đầu năm nay đã không đẩy cao tăng trưởng tín dụng, và sẽ không bất ngờ nếu năm nay không cần dùng hết chỉ tiêu. Chiến lược của họ dịch chuyển và còn có trọng tâm ở dịch vụ.
Hay ngay tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Chỉ sau 9 tháng đầu năm Vietcombank đã tạo kỷ lục mới về lợi nhuận, vượt trên 11.700 tỷ đồng. Tín dụng đã dùng gần hết chỉ tiêu 15%, nhưng lãnh đạo ngân hàng này nói với VnEconomy rằng, không cần thiết phải nới thêm. Vì họ có thêm động lực tập trung cho phát triển dịch vụ, dù đã chủ động gieo hạt trong chiến lược từ ba năm trước.
Tương tự, lãnh đạo TPBank cũng lạc quan, việc Ngân hàng Nhà nước định hướng siết lại tăng trưởng tín dụng đang là thực tế của 2018 và định hướng 2019, để tránh các ngân hàng thương mại ỉ lại, dựa quá nhiều vào tín dụng.
Tại nhiều thành viên hiện nay, lợi nhuận đã bớt dựa nhiều vào tín dụng truyền thống; tỷ lệ thu ngoài lãi, từ dịch vụ đã gia tăng lên 20%, 30%, thậm chí gần 40%. Sự gia tăng nguồn và tỷ trọng này cũng góp phần giải thích cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao 2017 và 2018, cả triển vọng 2019.
Như giải thích từ đại diện TPBank, lãnh đạo VPBank khi trao đổi với VnEconomy gần đây cũng tự tin rằng, với dịch vụ, đặc biệt ở kênh ngân hàng số, độ trễ đầu tư những năm qua đến nay đã và đang được rút ngắn, nay bắt đầu kỳ hái quả. Và đây là xu hướng vận động của tương lai, theo mô hình và đòi hỏi về ngân hàng hiện đại.
Và độ trễ cũng đã, đang rút ngắn ở những mô hình khác để góp vào tốc độ gia tăng lợi nhuận các ngân hàng thương mại hiện nay, trong tương lai gần.
Sau những năm đầu khởi động và kết nối, hoạt động ngân hàng liên kết bảo hiểm đã tạo đóng góp lớn tại nhiều thành viên.
Hay tại Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB)…, mô hình mở rộng các vệ tinh như công ty tài chính tiêu dùng, công ty bảo hiểm cũng đã và đang đến kỳ hái quả, trở thành trợ lực quan trọng cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
Tất nhiên, qua 2017 và đặc biệt năm 2018, sự bùng nổ của lợi nhuận các ngân hàng nói chung đã tạo một mặt bằng mới, tạo một nền cao hơn nhiều năm trước mà qua đó tham chiếu cho tăng trưởng năm sau sẽ khác đi.
Theo đó, từ 2019, dự báo tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng sẽ “bớt nóng” và dần ổn định ở quỹ đạo mới, cách biệt so với giai đoạn 2012 – 2016.
Theo Minh Đức
Vneconomy
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 sẽ đạt 6,8%
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương ngày 4/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 lên 6,8% (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018).
WB nhận định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu khôi phục bền vững và những cải cách trong nước đang được thực hiện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2018. Tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt, đứng đầu là ngành chế tạo chế biến với mức tăng vững chắc 13% nhờ sức cầu mạnh bên ngoài..
GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng bình quân 3,5%/ năm (thấp hơn chỉ tiêu 4% cho năm nay của Chính phủ), trong khi tỷ lệ lạm phát lõi xoay quanh 1,4% trong 7 tháng đầu năm 2018. Nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân.
WB dự báo, triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018).
Lý giải về điều này, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết: "Mặc dù có nhiều rủi ro nhưng chúng tôi chưa thấy trong những chỉ báo có yếu tố gì ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam. Đầu năm khi chưa có những con số thống kê của quý I/2018 và nửa năm đầu tiên thì WB dự báo phần còn lại của năm sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng thực tế đã tăng trưởng nhanh hơn với dự báo ban đầu".
Ông Senbastian cũng nhận định, trong trung hạn nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại theo chu kỳ. Do đó, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng chững lại ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% năm 2020.
Đồng thời, dự kiến lạm phát vẫn xoay quanh chỉ tiêu 4%, với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu.
Cũng theo WB, về chính sách tài khóa, mục tiêu tiếp tục giảm bội chi đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, nhằm nâng cao hiệu suất chi tiêu và duy trì bền vững tiềm năng thu trong trung hạn.
Bên cạnh chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng là nhu cầu tiếp tục chú trọng cải cách cơ cấu sâu rộng, bao gồm cả những cải cách pháp quy nhằm xóa bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, tiếp tục cải cách nhằm nâng cao năng suất trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước...
Theo WB, quá trình tái cơ cấu ngân sách vẫn đang được tiến hành nhưng chất lượng và tính bền vững vẫn cần cải thiện. Sau khi nợ công được ổn định vào năm 2017, ưu tiên vẫn là duy trì kỷ cương ngân sách.
Thanh Nhung
Theo baodansinh.vn
WB dự báo GDP Việt Nam năm 2018 tăng 6,8% WB dự báo tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018, cao hơn mức dự báo 6,5% hồi tháng 4/2018. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Trong đó, WB đánh giá triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải...