Những lý do ngại ‘yêu’ sau sinh
Sợ tổn thương vết rạch tầng sinh môn, tự ti về vóc dáng, bận rộn chăm con nhỏ, lo lắng bầu “tập 2″… là những lý do khiến chị em tránh né chuyện ấy sau sinh.
Phụ nữ nên san sẻ việc chăm sóc con nhỏ cho chồng. Ảnh: Shutterstock.
Chuyện gối chăn hòa hợp là vấn đề khó nói, và được nhiều cặp vợ chồng quan tâm sau khi sinh con đầu lòng. Không ít chị em cho rằng, họ cảm thấy bối rối khi gần gũi chồng, tâm lý lo sợ hơn cả lần “yêu” đầu tiên bởi những lý do dưới đây.
Sợ tổn thương vết rạch tầng sinh môn
Video đang HOT
Nếu chọn phương pháp sinh thường, nhiều chị em phải mổ rạch tầng sinh môn. Thủ thuật này được thực hiện trong quá trình chuyển dạ, nhằm giúp bé chào đời nhanh chóng và tránh trường hợp sản phụ cố rặn làm rách tầng sinh môn. Mặc dù được bác sĩ khâu thẩm mỹ, song chị em vẫn ngại gần gũi chồng vì sợ vết rạch chảy máu, bung chỉ hoặc nhiễm khuẩn mưng mủ, dễ để lại sẹo. Một số khác sẵn sàng chọn phương pháp đẻ mổ để không làm hỏng vùng kín và ảnh hưởng đến chuyện gối chăn.
Trên thực tế, chị em chỉ cần kiêng cữ trong khoảng thời gian nhất định. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tài – Trưởng bộ môn sản, Đại học Y dược TP HCM cho biết: “Chỉ sau 4-6 tuần, cơ quan sinh sản và bộ phận sinh dục của phụ nữ trở lại bình thường. Với những ca sinh thường, sau khi sản dịch hết, cơ thể hồi phục, thì vợ chồng có thể gần gũi. Tình dục sau khi sinh còn là cách tập thể dục bên trong cơ thể, kích thích sự tuần hoàn máu”.
Tâm lý tự ti về vóc dáng
Sau sinh nở, người phụ nữ thường trở nên tròn trịa và mất đi nhiều đường nét thời con gái. Vòng bụng ngấn mỡ, ngực chảy sệ, làn da rạn nứt… là nỗi ám ảnh với phái đẹp. Tâm lý tự ti về cơ thể không còn quyến rũ, cùng tình trạng “khô hạn” do thay đổi nội tiết tố, khiến nhiều chị em không sẵn sàng cho cuộc yêu.
Theo Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, có nhiều cách để phái đẹp chủ động thoát khỏi sự tự ti và mặc cảm sau sinh. “Quyết tâm thay đổi chế độ ăn uống khoa học, luyện tập những bài thể dục phù hợp, sẽ giúp chị em nhanh chóng lấy lại vóc dáng, trở nên nhanh nhẹn và năng động hơn. Bên cạnh đó, ngoài thời gian chăm sóc con và gần gũi chồng, người phụ nữ cũng cần lên kế hoạch cho bản thân để đọc sách, cập nhật thông tin, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè… Điều này sẽ giúp bà mẹ trẻ sớm lấy lại cân bằng, vui tươi và tự tin hơn, đồng thời quay lại đời sống vợ chồng một cách thoải mái, hạnh phúc nhất”, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ.
Bận rộn chăm con nhỏ
Lần đầu làm mẹ, chị em chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi nấng trẻ sơ sinh. Lo sợ sự vụng về của mình làm ảnh hưởng đến con, các bà mẹ trẻ thường dồn toàn bộ thời gian và tâm ý cho thiên thần nhỏ. Không chỉ bỏ bê chăm sóc bản thân, chị em còn xao nhãng cả chuyện gối chăn, quên mất thiên chức “làm vợ” cũng không kém phần quan trọng so với việc “làm mẹ”. Dù thông cảm, song các ông chồng cũng khó chấp nhận khi thấy vợ mình đầu bù tóc rối, liên tục tránh né bạn đời với lý do bận chăm con.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai tư vấn rằng: “Vừa làm vợ, vừa làm mẹ, người phụ nữ trẻ có cảm giác phải gánh vác thêm quá nhiều trọng trách. Họ dễ trở nên mệt mỏi và bi quan. Điều nên làm lúc này không phải là âm thầm chịu đựng, mà nên chia sẻ với chồng hoặc người thân để được giúp đỡ, san bớt công việc và những lo toan lần đầu làm mẹ. Khi sắp xếp được cuộc sống khoa học và hợp lý hơn, chị em sẽ nhanh chóng giải tỏa được gánh nặng về tinh thần và thể chất, để cùng chồng tận hưởng “chuyện ấy” ngọt ngào và lãng mạn nhất”.
Nỗi lo có bầu “tập 2″
Kế hoạch hóa gia đình là vấn đề chị em quan tâm hàng đầu sau sinh, nhằm đảm bảo thời gian phục hồi sức khỏe cho mẹ và điều kiện chăm sóc tốt nhất cho bé. Nếu sinh mổ, thời gian tối thiểu được phép có thai trở lại là 3 năm. Tuy nhiên, không dễ tìm được phương pháp ngừa thai an toàn và hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến cảm hứng yêu. Chị em cần lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp với nhu cầu và điều kiện của bản thân.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản TP HCM, Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Thuốc tránh thai hàng ngày liều thấp là biện pháp được nhiều chị em sau khi sinh lựa chọn, bởi hiệu quả tránh thai cao, dễ sử dụng. Thuốc còn có một số lợi điểm như không gây gián đoạn hay ảnh hưởng tới “cảm xúc” vợ chồng; giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và ít đau hơn; giảm nguy cơ u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung… Tuy nhiên, chị em không được sử dụng thuốc khi đang cho con bú và lưu ý một số trường hợp chống chỉ định”.
Bao cao su cũng là một phương pháp tránh thai phổ biến và hiệu quả, đồng thời giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, chúng có thể khiến “chuyện ấy” kém thân mật. Nếu mua phải bao cao su thủng, chất lượng kém hoặc sử dụng sai cách, có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
Đặt vòng cũng cho hiệu quả ngừa thai cao, thời gian tránh thai dài tới 5 năm. Song chị em nên lưu ý nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa, tăng lượng máu kinh hàng tháng và một số tai biến trong khi thực hiện thủ thuật đặt vòng. Một số bà mẹ trẻ cũng có thể chọn phương pháp tránh thai tự nhiên như tính vòng kinh hay giao hợp gián đoạn, nhưng cần lưu ý nguy cơ có thai ngoài ý muốn rất cao.
Theo VNE