Những lưu ý giúp đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia
Từ những đánh giá về đề thi THPT quốc gia 2015, thí sinh có thể rút kinh nghiệm cho kỳ thi sắp tới. Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi năm nay, về cơ bản, giữ ổn định như năm ngoái.
2015 là năm đầu tiên đề thi THPT quốc gia đáp ứng 2 mục tiêu thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Trước kỳ thi năm nay, thí sinh nên tham khảo cấu trúc đề thi 2015 để chuẩn bị tốt cho bài thi của mình.
Nên điều chỉnh cơ cấu đề thi
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhận định, đề thi năm nay tăng thêm câu hỏi khó. Đề năm ngoái hơi dễ, phổ điểm 7 và 8 quá nhiều. Nhiều thí sinh đạt điểm 22 khiến trường khó xét trúng tuyển.
Đồng ý quan điểm này, thầy Dương Văn Cẩn, giáo viên Vật Lý trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, cơ cấu đề thi năm 2016 nên thay đổi theo hướng 40% câu dễ và 60% câu khó.
Thầy Cẩn nêu vấn đề: “Ở môn thi Vật lý THPT quốc gia 2015, cả nước chỉ có 1 học sinh được điểm 10, quá nhiều học sinh trên 6 điểm. Phổ điểm để cạnh tranh vào đại học chỉ còn từ điểm 7 đến điểm 9. Phổ hẹp như vậy sẽ làm tăng tính may rủi, khó phân loại thí sinh”.
GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi cũng cho rằng, cần phân hóa tốt hơn, mở rộng phổ điểm xét tuyển đại học, tránh trùng điểm, các trường khó tuyển sinh.
Thí sinh dự thi vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Ảnh: Anh Tuấn.
Rút kinh nghiệm từ đề thi THPT 2015
Với môn Toán, thầy giáo Lê Bá Trần Phương phân tích: “60% số câu hỏi dễ giúp thí sinh có nhiều cơ hội lấy điểm. Tuy nhiên, các em phải nắm vững kiến thức cơ bản để giành điểm tối đa phần này”.
Để không mất điểm ở phần câu hỏi dễ, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Về nội dung kiến thức, các câu hỏi trong đề thi vẫn là những dạng bài quen thuộc. Giải các câu hỏi này, ngoài kiến thức cơ bản, thí sinh phải biết phối hợp các kỹ năng, phương pháp với nhau.
Ví dụ, thí sinh phải biết kết hợp kỹ năng giải phương trình với nhân liên hợp và phương pháp hàm số (câu số 9 đề thi THPT 2015).
Trong đề thi Vật lý THPT quốc gia vừa qua, số lượng câu hỏi về đời sống và thực tiễn đã tăng lên. Ví dụ: Câu hỏi xác định điện áp của mạng điện dân dụng Việt Nam, ứng dụng của sóng điện từ của trạm phát ở Trường Sa… Những câu hỏi này không quá khó, trong quá trình học, thí sinh cần liên hệ thực tiễn là có thể xử lý được.
Bên cạnh đó, đề thi xuất hiện nhóm câu hỏi mang tính vận dụng cao hơn, như bài toán đọc dữ kiện liên quan đến đồ thị. Để xử lý dạng bài này, thí sinh cần rèn luyện các bài toán về đồ thị và hiểu bản chất hiện tượng.
Trước đây, kiến thức trong đề thi Vật lý tập trung ở lớp 12, nhưng vài năm gần đây, đề thi đã hỏi cả kiến thức lớp 10, 11. Ví dụ, trong đề thi 2015 có nhiều câu hỏi cần dùng kiến thức về chuyển động biến đổi đều trong chương trình lớp 10.
Ở môn Hóa học, đề thi có nhiều thay đổi về bố cục câu hỏi và dung lượng kiến thức. Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, người có nhiều bài giảng online về môn này, số lượng câu hỏi dễ trong đề thi đã tăng lên, đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, giúp thí sinh thuận lợi về tâm lý khi làm bài. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến sự chủ quan và mất tập trung với những câu hỏi khó ở cuối.
Thầy Ngọc nêu ra một số điểm mới của đề thi Hóa học năm 2015: Số lượng câu hỏi dễ nhiều hơn; Kiến thức tập trung ở lớp 12 thay vì trải đều cả 3 năm phổ thông; Câu hỏi khó tập trung ở lớp 12; Thêm nhiều câu hỏi tương ứng các chất trong đời sống.
Video đang HOT
Môn Ngữ văn, tiến sĩ Phạm Hữu Cường lưu ý một số vấn đề khi làm bài. Năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, đề thi năm 2015 có cấu trúc chưa hợp lý, độ phân hóa không cao nên dẫn đến chưa đảm bảo mục tiêu “2 trong 1″.
Ngoài ra, do đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, đề thi cũng có một số thay đổi so với những năm trước đó.
Theo tiến sĩ Cường, đề thi THPT quốc gia 2015 tăng nhiều câu hỏi về thời sự và đời sống xã hội, tập trung phần đọc hiểu văn bản và nghị luận xã hội.
Ở phần đọc hiểu, thay cho yêu cầu tái hiện, đề thi kiểm tra mức độ kiến thức của thí sinh: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Câu nghị luận văn học ở phần làm văn được rút từ 5 điểm xuống còn 4 điểm.
Giảng viên môn Ngữ văn này cũng lưu ý thí sinh để giành điểm tối đa phần đọc hiểu: Nắm vững kỹ năng đọc hiểu văn bản; Nắm vững kiến thức tiếng Việt và tập làm văn; Trả lời trực tiếp đề bài theo tiêu chí đúng, đủ, ngắn gọn.
Học sinh có thể tham khảo cách phân bố thời gian làm bài hợp lý: Phần đọc hiểu: 30 – 40 phút; Phần nghị luận xã hội: 50 – 60 phút; Phần nghị luận văn học: 80 – 90 phút.
Theo cô giáo Nguyệt Ca, giáo viên dạy tiếng Anh, đề thi môn này ở mức trung bình, khó hơn đề thi tốt nghiệp và dễ hơn khá nhiều so với đề thi đại học hàng năm. Phần câu dễ của đề bám khá sát kiến thức SGK. Các câu khó cũng không quá “đánh đố” mà chủ yếu rơi vào phần kiểm tra kĩ năng đọc hiểu. Một số phần kiến thức mà học sinh sợ như thành ngữ, cụm động từ, cụm giới từ… cũng đều rơi vào các cụm từ quen thuộc, hoặc có một số từ xung quanh để đoán nghĩa.
Phổ điểm học sinh có thể đạt: khoảng 30% số câu rất dễ, rơi vào các điểm ngữ pháp – từ vựng quen thuộc để học sinh học lực yếu – trung bình có thể dễ dàng đạt được. Số câu trung bình chiếm khoảng 40% và mức khó chủ yếu rơi vào dạng bài đọc hiểu (2 bài) và một số câu trong phần viết lại câu.
Trong đề có 2 câu nhắc đến bệnh dịch MERS và “kình ngư” Ánh Viên, đều là các sự kiện vừa xảy ra trong vòng 1 tháng gần kỳ thi. Phần đọc hiểu cũng là các vấn đề đang nóng bỏng của thế giới nói chung, giúp học sinh bổ sung thêm kiến thức xã hội.
Đánh giá về đề thi môn Sinh học 2015, nhiều giáo viên và thí sinh cho rằng đề dài và khó hơn đề thi mọi năm, đồng thời cũng khó hơn đề minh họa. Thầy Bùi Hữu Bến, giáo viên dạy môn Sinh học trường THPT Nam Đông Quan (Thái Bình) nhận định: Về cơ bản, đề môn Sinh học năm 2015 dài, độ khó cao hơn hẳn so với đề thi các năm trước đó. Học sinh trung bình khá chỉ có khả năng làm được khoảng 20 – 25 câu, các câu còn lại yêu cầu tư duy cao.
Phần lý thuyết chỉ có một vài câu dễ, một số câu dài và khó. Phần bài tập, tỷ lệ câu hỏi về dạng đếm câu đúng sai nhiều hơn hẳn so với đề thi đại học những năm trước. Dạng bài này đưa ra rất nhiều dữ kiện, đòi hỏi thí sinh phải đếm và nhận định được có bao nhiêu câu đúng sai. Chỉ cần nhầm lẫn một câu, bài tập đó coi như không có điểm. Ngoài ra, có thêm phần câu hỏi liên quan kiến thức thực hành.
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đề thi THPT năm 2016 sẽ được giữ ổn định về cơ bản như năm 2015. Đồng thời, Bộ sẽ xem xét tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015 để các trường yên tâm sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh nhưng không có ảnh hưởng khác đến kết quả xét tốt nghiệp THPT so với năm 2015.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết,sẽ công bố đề thi minh họa sau Tết Nguyên đán, tạo điều kiện cho học sinh làm quen, ôn tập tốt nhất.
Theo Zing
Đề thi THPT quốc gia sẽ tăng cường câu hỏi nâng cao
Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ như thế nào khi tiếp tục duy trì hình thức tổ chức thi "hai trong một", vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ?
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng GD&ĐT, cho biết: Với định hướng đổi mới tăng cường đánh giá năng lực học sinh, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 nhưng tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện...
Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao, tạo thuận lợi cho thí sinh khi làm bài.
Việc ra đê thi như trên đã tạo tâm lý thoải mái, gây hứng thú cho thí sinh khi làm bài thi, đồng thời làm giảm rõ rệt hiện tượng luyện thi tràn lan như những năm trước đây và tác động tích cực đến việc đổi mới dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông.
Nhìn lại kỳ thi trước, bằng sự phân tích phổ điểm các môn thi cho thấy kết quả thi có sự phân hóa cao, sát với năng lực của từng đối tượng thí sinh, giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thuận lợi.
Tuy nhiên, có một số ý kiến từ các trường ĐH cho rằng đề thi cần được tăng cường câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn để các trường ĐH, CĐ thuận lợi hơn khi sử dụng làm căn cứ tuyển sinh.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 làm thủ tục trước giờ thi. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Câu hỏi nâng cao chiếm 40%
- Vậy phạm vi kiến thức có thể đưa vào đề thi năm nay như thế nào? Có nhiều ý kiến cho rằng nên tách phần nội dung thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ để thuận tiện hơn cho thí sinh trong việc dự thi và theo dõi kết quả thi của mình. ý kiến của ông như thế nào về việc này?
"Đề thi năm nay sẽ được giữ ổn định về cơ bản như năm 2015. Đồng thời, sẽ xem xét tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015 để các trường yên tâm sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh nhưng không có ảnh hưởng khác đến kết quả xét tốt nghiệp THPT so với năm 2015".
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
- Ý kiến đề nghị tách riêng các nội dung thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong đề thi THPT quốc gia đã có từ trước kỳ thi năm 2015 và đã được Bộ GD&ĐT, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực thi đánh giá và các giáo viên trao đổi, thảo luận kỹ.
Xét thấy việc tách riêng đề thi thành hai phần sẽ dẫn đến những khó khăn, phức tạp khi tổ chức thi trong phạm vi cả nước.
Trên thực tế, đề thi THPT quốc gia không tách riêng thành hai phần mà được sắp xếp từ dễ đến khó nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh khi làm bài thi và theo dõi kết quả thi của mình.
Đề thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 nên việc sử dụng chung đề thi sẽ tạo cơ hội để học sinh có thể phát huy hết năng lực của mình khi trả lời các câu hỏi trong đề thi với mục đích đỗ tốt nghiệp cũng như dự xét tuyển sinh.
Điều này đã được xác nhận từ kết quả đỗ tốt nghiệp và kết quả xét tuyển sinh năm 2015, cần được kế thừa trong kỳ thi năm 2016.
- Đề thi năm nay sẽ dành tỷ lệ như thế nào cho mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ? Số lượng các câu hỏi mang tính phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức linh hoạt, sáng tạo chiếm bao nhiêu phần trăm?
- Tương tự như năm 2015, các câu hỏi ở mức độ cơ bản trong đề thi chiếm khoảng 60%, đảm bảo các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm bài đạt mức điểm đủ để công nhận tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi ở mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, sẽ tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao trong số 40% các câu hỏi yêu cầu nâng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015 nhằm phục vụ tốt hơn cho mục đích tuyển sinh để các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh.
Ông Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tăng cường câu hỏi mở
- Hướng ra đề mở của Bộ GD&ĐT năm nay có điều chỉnh gì về mức độ không? Bộ GD&ĐT đang triển khai việc dạy học tích hợp liên môn, dạy học theo dự án vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề trong thực tế. Vậy đề thi THPT quốc gia năm nay có đưa những nội dung liên môn và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống không?
- Trong những năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông được đẩy mạnh theo định hướng hình thành phẩm chất, năng lực người học theo tinh thần của nghị quyết 29-NQ/TW.
Trong đó, các nội dung liên môn, tích hợp được các nhà trường triển khai ngày càng sâu rộng không chỉ trong giảng dạy mà cả trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Đề thi trong những năm gần đây và trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã có các yêu cầu này.
Điều này phù hợp với quá trình đổi mới và cải thiện chất lượng dạy học, việc ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời đã được thực hiện với yêu cầu tăng dần trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục được thực hiện ở kỳ thi năm 2016 phù hợp với hướng tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015.
- Bộ GD&ĐT đã xác định đổi mới thi là khâu đột phá để đổi mới việc dạy học ở các nhà trường phổ thông. Vậy ông có thể đánh giá về tác động tích cực của việc đổi mới thi với việc dạy học ở phổ thông hiện nay không?
- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã có tác động tích cực đến giáo dục phổ thông ở một số phương diện cơ bản sau:
Góp phần bước đầu thực hiện giáo dục theo định hướng nghề nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề.
Hạn chế dạy thêm, học thêm, khắc phục tình trạng học tủ, học lệch; tạo điều kiện cho việc tổ chức thi nghiêm túc, khắc phục gần như triệt để hiện tượng sử dụng "phao thi" trong phòng thi; các hiện tượng gian lận có tổ chức trong kỳ thi không còn xảy ra như một số năm trước đây.
Tác động tích cực đến việc đôi mới phương pháp dạy hoc, thi, kiêm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông; tạo tiền đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
- Môn ngoại ngữ năm nay có phần tự luận bên cạnh phần trắc nghiệm như năm trước không? Phần tự luận (nếu có) về mức độ có điều chỉnh theo hướng yêu cầu cao hơn so với đề thi năm trước?
- Đề thi của năm 2016 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2015. Theo đó, đề thi môn ngoại ngữ vẫn sẽ có phần viết và phần trắc nghiệm với yêu cầu tương tự năm trước đối với mỗi phần.
Việc đưa phần thi viết vào đề thi môn ngoại ngữ nhằm từng bước hướng tới đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh trên cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Đây chỉ là những bước đi ban đầu trong lộ trình đổi mới đánh giá năng lực ngoại ngữ mà Bộ GD-ĐT tích cực chỉ đạo các nhà trường thực hiện trong những năm qua.
Trên thực tế, việc đưa phần viết vào đề thi đã ít nhiều làm công tác chấm thi ngoại ngữ phức tạp thêm. Nhưng đây là việc làm cần thiết để đạt mục tiêu đưa ngoại ngữ thành thế mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam, chủ động chuẩn bị tốt nhất cho các em bước vào cuộc sống trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế.
Vì thế, các nhà trường cần nỗ lực cố gắng chuẩn bị tâm thế và những điều kiện để tổ chức thi các môn ngoại ngữ (nhất là chấm thi) đạt yêu cầu trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Theo Vĩnh Hà/Tuổi Trẻ
Nên cân nhắc việc mở rộng cụm thi THPT quốc gia Cần hết sức cân nhắc việc mở rộng các cụm thi nếu như chưa đủ các điều kiện bảo đảm việc tổ chức thi an toàn, coi thi nghiêm túc và chấm thi công bằng, chính xác. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngày 3/2, đã công bố Văn bản 525 về các chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia...