Những kỳ thi Học sinh giỏi gây ‘chấn động’
Hàng loạt học sinh giỏi bị điểm 0, bị đánh dấu bài tập thể khiến dư luận không khỏi choáng váng.
Tại kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa năm học 2012-2013, 58 thí sinh không được công nhận kết quả vì gian lận.
Kỳ thi diễn ra vào ngày 15/3 khi học sinh toàn tỉnh ở các khối THPT, giáo dục thường xuyên và THCS tham gia với 16 cụm thi. Trong quá trình làm phách và chấm thi, Hội đồng thi đã phát hiện có 58 bài có dấu hiệu đánh dấu bài tập thể ở các môn: Toán, Văn, Vật lý, Giáo dục công dân (bậc THPT) và môn Văn, Lịch sử (bậc THCS).
Số trường THPT liên quan gồm: Hàm Rồng (11 bài môn Văn), Quảng Xương 4 (9 bài), Thạch Thành 1 (5 bài); Nguyễn Xuân Nguyên (10 bài môn Vật lý), Hoằng Hóa 3 (3 bài), Sầm Sơn…
Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, một trong những trường có nhiều thí sinh bị phát hiện đánh dấu bài. Ảnh: Lê Hoàng.
Điều này được Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa xác nhận dựa trên căn cứ: thí sinh đồng loạt đánh dấu bài bằng cách viết N.Văn (ngữ văn) sau phần bài làm, làm bài hết 3 tờ giấy thì ghi 3 lần, hết 4 tờ thì ghi 4 lần hay ghi câu hỏi bằng chữ (câu một, câu hai…thay vì câu 1, câu 2).
Sự việc gây chấn động toàn Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Bài thi của 58 thí sinh đều bị hủy do vi phạm quy chế và kết luận có hành vi đánh dấu bài tập thể. Sự việc đã được được Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa xử lý kiên quyết.
Video đang HOT
14 học sinh giỏi bị điểm 0
Sự việc diễn ra tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 của tỉnh Tây Ninh vừa qua. Trong số 79 học sinh dự thi môn Toán, có tới 14 thí sinh bị điểm 0 và nhiều bài thi dưới 5.
Đáng chú ý là trong số này có cả thí sinh từng đoạt giải nhất, nhì, ba… tại kỳ thi huyện. Điều này dấy lên làn sóng thắc mắc của dư luận về việc chọn lựa đội tuyển thi học sinh giỏi.
Theo tìm hiểu, kết quả trên là do sự thiếu sót trong việc lựa chọn thí sinh dự thi của tỉnh Tây Ninh. Có 2 thí sinh chỉ đạt 3/20 điểm vòng huyện vẫn được lựa chọn tham gia thi học sinh giỏi tỉnh. Sự việc không chỉ khiến dư luận bàng hoàng mà chính những người trong cuộc cũng khó hiểu.
Theo phổ điểm chấm thi của Sở, môn Toán được chấm từ 0,25 điểm. Việc 14 thí sinh không thể giành được điểm nào tại một kỳ thi học sinh giỏi là điều quá bất ngờ, đại diện phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh) nhận định.
37 học sinh giỏi bị điểm 0
Công bố mới nhất của Sở GD&ĐT Bình Phước về kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua lại thêm một lần nữa khiến dư luận sửng sốt. Có gần 1.000 thí sinh dự thi đạt điểm dưới 10 (theo thang điểm 20) và 37 thí sinh bị điểm 0.
Trường THPT chuyên Quang Trung có 3 thí sinh đạt điểm dưới 10 theo thang điểm 20. Ảnh: Y.Thanh
Số học sinh bị điểm kém rơi vào các trường như: THPT Dân tộc nội trú tỉnh (1 thí sinh bị điểm 0 môn Tin học trong tổng 29 học sinh dự thi), THPT chuyên Quang Trung (3 thí sinh dưới điểm 10 trong tổng 123 học sinh dự thi), THPT Đồng Xoài (88 thí sinh dự thi thì có 6 học sinh bị 0 điểm môn Tin học).
Kỳ thi vừa được tổ chức vào ngày 3/10 vừa qua với 1.537 thí sinh từ lớp 10 đến lớp 12, thuộc 36 trường THPT ở các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Anh văn, Tin học, Giáo dục công dân và Công nghệ.
Theo TNO
'Học giỏi chưa thể gọi là hiền tài của đất nước'
Trong buổi gặp mặt chiều 1/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bất ngờ đặt câu hỏi cho học sinh đoạt giải Olympic quốc tế: "Các cháu đã có thành tích rất tốt, vậy đã được gọi là hiền tài của quốc gia chưa?".
Em Lê Đức Việt (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng, huy chương bạc Hóa học) cho rằng, 57 học sinh được tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội hôm nay đều đã khẳng định được học lực của bản thân qua các cuộc thi ở đấu trường quốc gia, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hiền tài phải là người đem tài năng của mình để góp công xây dựng đất nước.
"Những tấm huy chương mà chúng em đem về chỉ giúp khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Con đường phía trước còn rất dài, chúng em phải cố gắng nhiều hơn nữa, hoàn thiện bản thân để đủ kiến thức đưa đất nước hội nhập quốc tế", Đức Việt nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bắt tay động viên những học sinh đoạt giải Olympic quốc tế cố gắng hơn nữa để trở thành hiền tài, nguyên khí quốc gia. Ảnh: HT.
Một nam sinh khác phát biểu, hiền tài là người vừa có tài năng, vừa có đạo đức. Khi hội tụ đủ hai điều đó, con người mới thực sự là nguyên khí quốc gia.
Hài lòng với câu trả lời của những học sinh xuất sắc đoạt huy chương Olympic quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ niềm tự hào đối với các em. Theo ông, với kết quả 36/36 học sinh dự thi Olympic quốc tế đều có huy chương, các em đã làm rạng danh đất nước. 17 thủ khoa đại học cũng rất xuất sắc khi giành trên 9 điểm mỗi môn, đặc biệt là thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Thành Trung đạt 30 điểm.
Đó là một cột mốc xứng đáng được tuyên dương, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chưa đủ để xem là hiền tài, là nguyên khí quốc gia. "Các cháu đang là những học sinh giỏi, học sinh rèn luyện tốt. Các cháu phải tự hào vì điều đó và phấn đấu nhiều hơn nữa trong quãng đường học tập phía trước. Hãy là người có đủ tài, đủ đức để làm rạng danh chính mình, rạng danh đất nước. Đem tài, đức đó để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Khi nhiều người tài cùng kết lại, đó sẽ là nguyên khí quốc gia", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Ông cũng bày tỏ sự mong mỏi những học sinh giành huy chương Olympic quốc tế hôm nay sẽ là thế hệ thay thế, kế cận của những lãnh đạo đương chức và truyền lại được tri thức cho thế hệ sau. "Phải cố gắng lớp sau giỏi hơn lớp trước, hoàn thiện cả về trí - đức - thể - mỹ mới giúp đất nước phát triển theo kịp xu thế bởi thế giới đang ở một tầm cao hơn", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Thay mặt cho những học sinh được Bộ Giáo dục vinh danh, Ngô Phi Long (THPT chuyên Sơn La) - người đem về 5 huy chương trong đó có 4 vàng và 1 bạc đã hứa với Chủ tịch Quốc hội sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập, nghiên cứu, hoàn thiện bản thân.
"Chúng cháu nhất định sẽ đem kiến thức được học để xây dựng đất nước giàu mạnh, hạnh phúc", Long nói.
Theo VNE
Bỏ bớt một kỳ thi: Không nên cải cách nửa vời Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tung ra dự thảo đề án về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất hướng đổi mới tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) theo hướng: Không thi Đại học mà dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT để kiểm tra xét tuyển hoặc...