Những khóa “chơi mà học” rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ
Với mong muốn giúp trẻ tự tin, vững vàng trong cuộc sống, vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong dịp hè, nhiều đơn vị đã đầu tư mở các lớp học ngoại khóa để thu hút học sinh.
Ngoài việc mở các lớp năng khiếu như: Bơi, đàn, khiêu vũ, múa, mỹ thuật, âm nhạc…, các khóa học mới với nội dung đa dạng, phong phú hơn, như: “ Học kỳ quân đội”, “Trại hè tự tin tự lập”, “Kỹ năng tự bảo vệ”, “Kỹ năng giao tiếp ứng xử”… thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Các em học sinh Trường Mầm non Họa Mi ( TP Thanh Hóa) tham gia học kỹ năng sống tại trường.
Ngay sau khi con trai nghỉ hè được 1 tháng, anh Lê Văn Ninh, nhân viên tại một công ty đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa đã nhanh chóng tìm hiểu và đăng ký cho con học kỹ năng sống (KNS) phù hợp theo lứa tuổi và sở thích. Anh Ninh bộc bạch: Tôi thấy khóa học “Trại hè tự tin tự lập” của Trung tâm KNS Tâm Việt Thanh Hóa có nhiều hoạt động bổ ích giúp con rèn luyện và tích lũy kỹ năng phục vụ cuộc sống. Với mức học phí hơn 4 triệu đồng, con trai tôi được trải nghiệm 5 ngày đêm hoạt động theo đội nhóm, được giao lưu với nhiều độ tuổi, được sinh hoạt trong môi trường tập thể đầy tích cực và tính kỷ luật, trách nhiệm, đòi hỏi tình yêu thương bao bọc lẫn nhau. Các cháu cũng sẽ liên tục được rèn luyện và ứng dụng những kỹ năng thiết yếu như: Kỹ năng giao tiếp ứng xử, biết lắng nghe chia sẻ với nhau; kỹ năng tự tin trình bày, thể hiện cùng đồng đội, bày tỏ quan điểm; hình thành nền nếp sinh hoạt cá nhân, thói quen đúng giờ, lối sống tích cực, lành mạnh. Rèn luyện năng lực tự chủ, tự giải quyết vấn đề. Từ đó, phát huy kỹ năng vượt khó, thử thách chính mình để bình tĩnh trước các tình huống xảy ra.
Tương tự như anh Ninh, trước khi con nghỉ hè chị Lê Thị Loan, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) đã đến Tỉnh đoàn Thanh Hóa để đăng ký cho con trai 9 tuổi tham gia chương trình “Học kỳ quân đội”. Chị Loan chia sẻ: Có rất nhiều Trung tâm “mời gọi” đăng ký cho con tham gia các lớp KNS, nhưng tôi quyết định đăng ký cho con trai mình tham gia chương trình “Học kỳ quân đội”. Bởi, qua tìm hiểu từ những người đi trước, được biết khi tham gia khóa học ngoài việc phải học tập, huấn luyện và chấp hành giờ giấc sinh hoạt nghiêm túc theo thời gian biểu của quân đội, các con còn phải tự phục vụ bản thân từ việc gấp chăn màn, tắm, giặt giũ, phơi, gấp quần áo, dọn dẹp phòng ở… “Chính vì muốn con mình được tham gia trải nghiệm, được trang bị những bài học quý giá về tính kỷ luật, ý thức tự giác, tính tự lập, tính trung thực, sự dũng cảm, sáng tạo, sự chia sẻ và ý chí vươn lên trong cuộc sống thông qua những bài học thể dục buổi sáng; các trò chơi vận động; tăng gia sản xuất; các diễn đàn xây dựng ý thức và nhân cách; hoạt động giao lưu văn nghệ, hoạt động thể thao, hành quân dã ngoại, tham quan các di tích lịch sử, các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng… nên tôi đã quyết định đăng ký cho con tham gia chương trình này” – Chị Loan cho biết thêm.
Tại Nhà văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa, các bộ môn như: Thanh nhạc, khiêu vũ thể thao, múa, họa, cờ vua, đàn… cũng được đưa vào giảng dạy. Dịp hè, đã có gần 1.000 em đến đăng ký các hoạt động văn hóa văn nghệ. Trước nhu cầu học tập ngày càng cao của các em, cùng với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và nội dung giảng dạy, nhà văn hóa đã hợp đồng thêm trên 10 giáo viên có kinh nghiệm tham gia công tác giảng dạy, đồng thời mua sắm thêm một số trang thiết bị phục vụ học tập và tập luyện. Cùng với dạy các môn văn hóa văn nghệ, nhà văn hóa còn mở thêm các lớp KNS; hướng dẫn khôi phục các trò chơi, trò diễn dân gian mang tính cộng đồng, từ đó nhân rộng các trò chơi này trong năm học mới 2019-2020; tuyên truyền phòng chống đuối nước, phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ em; hướng dẫn các em cách ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời có chính sách giảm học phí cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các em có tài năng vượt trội và trẻ em ở các xã, phường xa trung tâm TP Thanh Hóa.
Ngoài việc dạy các lớp KNS tại các trung tâm và Nhà Văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa, tại các cơ sở giáo dục mầm non, việc giáo dục trẻ theo phương pháp trải nghiệm, gắn liền với hoạt động thực tế là một phương pháp giáo dục tiên tiến đang được nhiều trường mầm non áp dụng (đặc biệt là các trường tư thục trên địa bàn TP Thanh Hóa), bước đầu đã nhận được những phản ứng tích cực từ phía phụ huynh, học sinh. Tại Trường Mầm non Họa Mi (TP Thanh Hóa), ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện KNS cho các con và xem đây là hoạt động thường xuyên trong chương trình chính khóa của các khối lớp, vì vậy, mỗi một chuyến tham quan, dã ngoại, đều được nhà trường, giáo viên lên kế hoạch, tổ chức kỹ lưỡng thông qua việc soạn các giáo án. Bằng trải nghiệm thực tế, “học mà chơi – chơi mà học”, hoạt động này đã tạo cho các bé niềm hứng thú tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Khi gặp phải các tình huống thực tế, các bé dễ dàng thể hiện cảm xúc, những kỹ năng xử lý; từ đó, bộc lộ những điểm mạnh, yếu của mình – điều mà khi học trong môi trường lý thuyết, sách vở rất ít khi có được.
Qua các hoạt động trải nghiệm bổ ích ở các khóa học KNS các em không chỉ học kiến thức, mà còn được va chạm với thực tế để từ đó phát triển một cách toàn diện, từng bước cải thiện các kỹ năng, nhất là khả năng tự bảo vệ mình trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, để có được kết quả tốt nhất trong giáo dục KNS cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ và khoa học giữa nhà trường và gia đình; giữa giáo viên và phụ huynh; đặc biệt, đòi hỏi cha mẹ phải luôn là người bạn đồng hành cùng trẻ, để kỹ năng học được qua khóa học không bị mai một trong ý thức các em.
Bài Và Ảnh: Trần Hằng
Video đang HOT
Theo baothanhhoa
Trường cao đẳng sư phạm 'sống dở chết dở' xin dạy tiểu học: Nên không?
Chuyện thật mà như đùa, năm nay, nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương rơi vào cảnh khó tuyển sinh dẫn đến tình trạng "sống dở chết dở", nhiều trường nghĩ cách xin được dạy học sinh tiểu học.
Nhiều trường cao đẳng sư phạm không tuyển được sinh viên. Ảnh minh họa.
Đỏ mắt tìm sinh viên
Lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho hay, năm học 2019-2020 này, trong đợt 1 nhà trường chỉ tuyển được 34 sinh viên. Trong đó, 30 sinh viên học ngành sư phạm mầm non, 4 sinh viên còn lại chia cho 4 ngành gồm sư phạm âm nhạc, tiếng Anh, giáo dục công dân, giáo dục tiểu học.
Đặc biệt, các ngành còn lại như sư phạm tin học, mỹ thuật, kế toán, quản trị văn phòng, lịch sử, vật lý, sinh học, ... đều không tuyển được sinh viên.
Bà Lê Thị Ngoãn, trường Cao đẳng sư phạm Nam Định cho biết các trường CĐSP ngày càng khó tuyển sinh. Tại Trường CĐSP Nam Định, Khoa Tự nhiên năm học 2018 - 2019 hiện nay có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên.
Giữa tháng 8, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thông báo tuyển bổ sung 65 chỉ tiêu ngành Giáo dục Mầm non và 47 chỉ tiêu ngành Giáo dục Tiểu học. Ở bậc trung cấp Sư phạm mầm non, trường tuyển thêm 23 chỉ tiêu.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng cho biết, trường phải "đóng" 3 lớp ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Tiếng Anh do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít.
Tại trường Cao đẳng Đà Lạt (Lâm Đồng), với 240 chỉ tiêu các ngành sư phạm ở 10 ngành, 178 thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trong đó, 5 ngành không có thí sinh trúng tuyển gồm: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hoá học, Giáo dục thể chất.
Nhiều trường khác như Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM, Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ cao đẳng sư phạm trường Đại học An Giang từ giữa tháng 8 phải tuyển sinh bổ sung với 10-50 chỉ tiêu ở nhiều ngành.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 30 trường cao đẳng sư phạm địa phương đang sống trong tình trạng "sống dở chết dở".
Thực tế cho thấy, các trường cao đẳng sư phạm thiếu giảng viên đầu ngành có trình độ cao. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng sư phạm chiếm từ 2% đến 5%, trường có tỷ lệ cao là Cao đẳng sư phạm Quảng Trị đạt 14,6%. Quy mô tuyển sinh của các trường cao đẳng sư phạm giảm sụt kinh khủng.
Giảng viên của các trường cao đẳng sư phạm gặp nhiều khó khăn do quy mô đào tạo giảm, giảng viên thiếu giờ dạy, việc liên kết đào tạo (đại học hệ vừa làm vừa học) với các trường đại học cũng giảm, nhiều giảng viên được điều chuyển xuống các trường phổ thông giảng dạy.
Một số trường cao đẳng sư phạm mở thêm các trường phổ thông, trường mầm non thực hành, trung tâm trải nghiệm giáo dục cho học sinh phổ thông, dịch vụ giáo dục khác,... để tạo việc làm cho giảng viên. Tuy nhiên, số giảng viên không có giờ dạy còn nhiều. Trước tình trạng này, nhiều giảng viên của các trường cao đẳng sư phạm có trình độ cao đã chuyển công tác khiến đội ngũ giáo viên đã thiếu lại càng thiếu hơn.
Chuyển thành trường liên cấp, nên không?
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng, quá trình đổi mới diễn ra đã bộc lộ yếu kém của quản trị giáo dục đại học. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, cần phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao không tuyển đủ người học. Mỗi trường cần xem tình hình cụ thể để xử lý.
"Nếu không tuyển được là do lãnh đạo yếu kém thì xử lý thay người khác. Nếu do không có đầu tư thì phải tính toán có nên đầu tư không? Nếu trên cùng địa bàn có quá nhiều trường công thì nên sáp nhập lại, bỏ đi các ngành nghề chồng chéo nhau, xây dựng chiến lược phát triển hậu sáp nhập... Hoặc cũng có thể sáp nhập vào một trường đại học địa phương trở thành một khoa để dạy cao đẳng"- TS Vinh nhấn mạnh.
Trước đề xuất của trường CĐ Sư phạm Quảng Trị được trình đề án xin thành lập trường liên cấp, cụ thể ngoài đào tạo hệ cao đẳng, trường còn có thể dạy từ cấp tiểu học đến phổ thông để đội ngũ giảng viên có cơ hội đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có,
TS Vinh cho rằng, việc chuyển trường cao đẳng thành trường liên cấp thì phải phù hợp với qui hoạch các trường phổ thông trên địa bàn cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng khác.
Tuy nhiên, theo TS Vinh, cần tránh phá vỡ qui hoạch mạng lưới các trường phổ thông hiện thời trên địa bàn và tránh đầu tư thêm cơ sở vật chất nhưng nguồn tuyển cạnh tranh với các trường phổ thông khác kể cả trường tư.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, sắp tới đây Bộ GD&ĐT sẽ công bố qui hoạch các trường sư phạm trong cả nước vì thế khi đó có cơ sở tốt hơn sắp xếp lại các trường sư phạm.
Cụ thể, trong dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức lại các trường Sư phạm, Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025:
Hình thành được 2 trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và một số trường ĐH sư phạm khác.
Xây dựng được mạng lưới vệ tinh là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường CĐSP, TCSP, các khoa/trường sư phạm trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học đa ngành...
Một chuyên gia tuyển sinh tại TP HCM nhận định, các trường cao đẳng sư phạm đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tuyển sinh khi tình trạng thừa giáo viên đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành.
"Cơ hội việc làm ngành này không nhiều, lương thấp. Với số điểm trên 16 mới đậu, thí sinh có nhiều lựa chọn các đại học tầm trung nên sẽ ít người chọn vào sư phạm hệ cao đẳng"... Vì vậy, ngành giáo dục cần nhanh chóng quy hoạch lại các trường sư phạm.
Theo Tiền phong
Không tuyển được sinh viên, Trường CĐ Sư phạm xin dạy học sinh tiểu học Chật vật mãi, đợt 1 trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cũng chỉ tuyển được 34 sinh viên. Các ngành như sư phạm tin học, mỹ thuật, lịch sử, vật lý, sinh học, kế toán, quản trị văn phòng... đều không tuyển được sinh viên. Lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Quảng Trị cho hay, năm học 2019-2020 này, đợt...