Những khám phá thú vị về nhà vệ sinh La Mã cổ đại
Thời cổ đại ở các thành phố lớn tại La Mã người ta đã sử dụng nhà vệ sinh cng hệ thống thoát nước như thế nào?
Ở Rome cổ đại, các kỹ sư tài giỏi đã thiết kế những tuyệt tác dưới lòng đất và kiến trúc tráng lệ bên trên che giấu hệ thống thoát nước này. Mặc dù chúng không chạy dưới mọi đường phố, cũng không phục vụ mọi khu vực, nhưng ở một số nơi, bao gồm cả Rome, những đường cống chính có hiệu quả khá tốt mặc dù ngày đó các nhà vệ sinh, cống rãnh và hệ thống thoát nước của La Mã chưa được như thời hiện đại.
Để loại bỏ chất thải, rác, nước bẩn và những thứ khác từ các cửa hàng khác nhau nằm dọc theo vỉa hè, những cống rãnh đô thị là phương tiện không thể thiếu. Bằng chứng khảo cổ học cho thấy hệ thống cống được xây dựng tinh xảo của họ liên quan nhiều đến việc thoát nước đọng hơn là loại bỏ các mảnh vụn bẩn. Cảm giác sạch sẽ và riêng tư của người La Mã xung quanh phòng tắm khá khác biệt so với sự hiện đại ngày nay.
Người Etruscans đã đặt cống ngầm đầu tiên ở thành phố Rome vào khoảng năm 500 trước Công nguyên. Những đường hầm bên dưới thành phố được xây dựng bằng đá chạm khắc tinh xảo, và người La Mã rất vui được sử dụng chúng khi họ tiếp quản thành phố. Những cấu trúc như vậy sau đó trở thành chuẩn mực ở nhiều thành phố trên khắp La Mã.
Cống giúp xử lý nước thừa nhiều hơn chất thải
Hệ thống cống ở Rome không nằm trong kế hoạch tổng thể vệ sinh thành phố. Mục đích của nó là loại bỏ nước chảy sau mưa, những con đường không bằng phẳng và rút nước từ những vùng trũng thấp. Chức năng chính của nó là thoát nước. Ở dưới cùng của ống cống tại một con đường ở Herculaneum, những người khai quật đầu tiên đã tìm thấy một vũng bùn. Cống rãnh La Mã thỉnh thoảng được làm sạch thủ công bởi các nô lệ hoặc tù nhân.
Rất nhiều nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh công cộng và tư nhân đã được rải khắp thành phố Pompeii. Mặc dù có cơ sở hạ tầng cống ngầm, nhưng hầu như không có nhà vệ sinh nào có kết nối với hệ thống này. Trên thực tế, hầu hết mọi ngôi nhà riêng và chung cư ở Ostia đều có nhà vệ sinh riêng nhưng chỉ là một chỗ ngồi không được kết nối với các đường cống chính.
Và những nhà vệ sinh này thường được đặt trong nhà bếp, nơi chuẩn bị thức ăn và mùi của một món hầm thịnh soạn sẽ hòa lẫn với mùi tổng thể từ nhà vệ sinh. Chất thải được thu gom thủ công để bán cho nông dân làm phân bón hoặc được sử dụng trong các khu vườn hộ gia đình, điều mà đôi khi sẽ khiến cho khu vườn khá hôi thối.
Thêm vào mùi hôi thối là nhiều vòi nước từ nhà vệ sinh ở tầng trên cũng sẽ bị rò rỉ nghiêm trọng bên trong các bức tường cũng như chảy ra bên ngoài. Các phần của những ống xả đất nung này bị lỏng ra theo thời gian khiến chất thải trong đó sẽ gây ra mùi hôi thối ở khắp mọi nơi.
Các nhà khảo cổ đã tìm ra ít nhất 15 nhà vệ sinh ở tầng trên tại Pompeii và những nhà vệ sinh khác ở Herculaneum. Trong một số trường hợp họ đã có được bằng chứng thông qua thử nghiệm khoa học cho thấy các chất thải của con người nằm trong những đường ống này.
Nhà vệ sinh công cộng có mối nguy hiểm riêng
Ngay cả nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh nhiều chỗ ngồi hầu như luôn được kết nối với các tuyến cống chính của thành phố cũng gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho người dùng. Đừng bị đánh lừa bởi đá cẩm thạch trắng sạch và ánh nắng mặt trời ngoài trời của những tàn tích được xây dựng còn để lại mà chúng ta có thể thấy ngày nay. Hầu hết các nhà vệ sinh công cộng La Mã đều tối, ẩm và bẩn, và thường nằm trong không gian nhỏ.
Một nhà vệ sinh công cộng tại Ostia, với các cửa xoay và vòi nước để dọn dẹp, có thể tiếp nhận hơn 20 người cùng một lúc. Người ta không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy người La Mã phải trả tiền để sử dụng nhà vệ sinh công cộng và thường các nô lệ sẽ là người dọn dẹp chúng. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học cũng tìm ra phiên bản giấy vệ sinh thời La Mã cổ đại trong nhiều trường hợp là một miếng bọt biển buộc trên gậy và được tất cả mọi người dùng chung với nhau.
Tệ hơn nữa, những nhà vệ sinh công cộng cũng khiến mọi người phải lo lắng và sợ hãi về chuột và các loài sâu bọ nhỏ bên cạnh những lời đồn đại về ma quỷ thường ẩn nấp tại đây.
Khi chúng ta xem xét các bằng chứng về nhà vệ sinh của người La Mã, cả trên văn bản và khảo cổ, rõ ràng là quan điểm của họ khá khác biệt với chúng ta. Hiểu rõ hơn về cuộc sống của người La Mã trên đường phố, trong không gian công cộng và nhà riêng của họ cho chúng ta thấy rằng, họ đang ở giai đoạn đầu phát triển hệ thống mà chúng ta đã áp dụng cho những nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại ngày nay.
Hàn Ly
Giải mã lời nguyền chết chóc bí ẩn xung quanh bức tranh nổi tiếng "Cậu bé khóc"
Bức chân dung "Cậu bé khóc" do họa sĩ Bruno Amadio vẽ được sản xuất hàng loạt và trở nên nổi tiếng vì cứ nơi nào treo nó thì đều bị cháy rụi.
"Cậu bé khóc" (The Crying Boy) là một bức chân dung được vẽ bởi họa sĩ Bruno Amadio. Với nhiều người, đây là bức tranh bình thường, phảng phất sự u ám và nỗi buồn, nhưng có người lại cảm thấy sợ hãi khi nhìn "Cậu bé khóc".
Trong thập niên 80 của thế kỉ XX, bức tranh này đã được sao chép và bày bán tràn ngập khắp nơi trên thế giới, riêng tại Vương quốc Anh đã có thể bán được 50.000 bức. Lúc bấy giờ, đây là một trong những bức tranh được nhiều người Anh mua nhất.
Bức tranh cậu bé khóc vướng vào lời nguyền đầy ám ảnh.
Một loạt các vụ hỏa hoạn xảy ra liên quan đến bức tranh
Câu chuyện bí ẩn về lời nguyền của bức tranh "Cậu bé khóc" bắt đầu xuất hiện từ tháng 9/1985, khi tờ The Sun - trang tin tức nổi tiếng ở Anh đưa tin về hàng loạt các vụ cháy bí ẩn lan rộng tại Anh. Điều đặc biệt là những nơi xảy ra hỏa hoạn đều có treo bức "Cậu bé khóc" ở trong nhà.
Theo lời kể của các lính cứu hoả cùng các nạn nhân, trong tất cả các vụ cháy, mọi vật dụng trong nhà đều bị thiêu rụi, duy chỉ có các bản sao bức tranh "Cậu bé khóc" vẫn còn nguyên vẹn.
Thông tin về lời nguyền của bức tranh "Cậu bé khóc"
Cô Dora Mann (Surrey, Anh) - một nhân chứng nổi tiếng, cho biết cô đã mua bức chân dung "Cậu bé khóc" về treo trong phòng tranh của mình. Tuy nhiên, 6 tháng sau, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra. Thậm chí, cô và chị dâu cũng suýt thiệt mạng trong một vụ cháy đó. Tất cả mọi thứ đềuchỉ còn là một đống đổ nát, thứ duy nhất còn sót lại nguyên vẹn là bức tranh "cậu bé khóc".
Sau khi hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra, những người sở hữu bức tranh đều hoang mang, lo sợ. Trước tình hình đó, hàng nghìn bản sao "Cậu bé khóc" bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Cục cứu hỏa. Mặc dù vậy, nhiều bản sao khác của bức tranh vẫn còn tồn tại và tin tức về các vụ cháy vẫn tiếp tục xuất hiện. Những câu chuyện liên quan đến "Cậu bé khóc" càng được lan truyền rộng rãi và nhiều người cho rằng có một lời nguyền luôn đeo bám bức tranh đó.
Họa sĩ Bruno Amadio đang vẽ một tác phẩm về trẻ em.
Nguồn gốc của bức tranh
Có rất nhiều câu chuyện đằng sau nguồn gốc của bức tranh "Cậu bé khóc". Nhiều tài liệu cho rằng, ông Bruno Amadio đã trốn sang Tây Ban Nha ngay sau khi kết thúc Thế chiến thứ Hai. Ở đây, Amadio gặp một cậu bé tên là Don Bonillo, một đứa trẻ mồ côi đã tận mắt nhìn thấy cha mẹ mình bị chết trong hỏa hoạn.
Amadio nhanh chóng nhận Don là con nuôi mặc cho những lời khuyên ngăn của cảnh sát cũng như các linh mục địa phương bởi họ đều cho rằng cậu bé là trung tâm của nhiều vụ cháy bí ẩn. Người dân gọi cậu bé là Diablo, có nghĩa là "ma quỷ" bởi hễ em đi đến sống ở ngôi nhà nào là ở đó xảy ra hỏa hoạn.
Lúc đó, Amadio không hề tin những điều đó và nhất quyết đưa Don về nhà. Ông đã nắm bắt được mọi cảm xúc, trạng thái của cậu bé để rồi vẽ lên bức tranh "Cậu bé khóc". Bức họa của Amadio được bán rất chạy và điều đó giúp hai người có cuộc sống sung túc hơn.
Tuy nhiên, một thời gian sau, ngôi nhà và phòng tranh của ông Amadio đột nhiên bốc cháy. Nhớ lại lời cảnh báo của linh mục năm xưa, Amadio liền đổ lỗi cho Don và đuổi cậu bé đi. Kể từ khi đó, vị họa sĩ này không hề nghe thấy tin tức gì của Don cho đến năm 1976. Cảnh sát phát hiện đứa trẻ năm nào đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi.
Nhiều người cho rằng tất cả các bức tranh của ông Amadio vẽ về những đứa trẻ khóc đều bị nguyền rủa và nó có liên quan đến Don Bonillo. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa được xác thực bởi người liên quan trực tiếp đến nó là họa sĩ Amadio đã qua đời vào năm 1981. Sau khi ông mất được 4 năm mới xảy ra sự kiện những đám cháy "cậu bé khóc."
Một số phiên bản của bức tranh "Cậu bé khóc".
Lời nguyền hay chỉ là sự ngẫu nhiên
Steve Punt, một nhà văn và diễn viên hài người Anh đã đứng ra điều tra các lời nguyền của "Cậu bé khóc" trong một chương trình của đài phát thanh BBC. Trong chương trình, Punt nghiên cứu lịch sử của bức tranh, đồng thời cũng công bố các thí nghiệm được tiến hành lên các bản sao.
Trong thí nghiệm, nhiều bản sao cũ của bức tranh đã được đem đốt và các nhà khoa học phát hiện phần lớn các bản in chỉ có viền khung tranh bị bắt lửa và cháy sém một góc còn bức tranh vẫn nguyên vẹn. Kết quả kiểm tra cho thấy nguyên nhân giúp "Cậu bé khóc" luôn "sống" trong mỗi vụ hỏa hoạn là nó được vẽ bằng chất liệu khó bắt lửa, không bị phá hủy bởi nhiệt và khói.
Nhân viên cứu hoả Mick Riley cũng khẳng định nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn thời gian đó phần lớn là do chập điện hoặc do vật dễ bắt lửa vô tình bị cháy. Không có bất kì lời nguyền bí ẩn hay câu chuyện ma quỷ nào ở đây.
Theo Nhật Linh/Khám phá
Người đàn ông tức giận nhai đầu con rắn vì dám cả gan cắn ông Được biết, sau khi có hành động vô cùng dã man nhưng cũng đáng sợ này, người đàn ông Ấn Độ đã phải nhập viện khẩn cấp. Theo tờ India Times đưa tin, một người đàn ông sống tại làng Shuklapur Bhagar, thành phố Hardoi, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ đã phải nhập viện gấp sau khi cắn đầu rắn và nhai trước...