Những kết thúc khác nhau của truyện ‘Tấm Cám’
Truyện cổ tích “Tấm Cám” có nhiều phiên bản với những kết thúc không giống nhau, mang lại những bài học giáo dục khác nhau cho trẻ em.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện bức ảnh chụp kết thúc “kinh dị” của truyện cổ tích Tấm Cám do Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa – Văn nghệ biên soạn: Sau khi dội nước sôi giết Cám, Tấm mang xác em ngâm mắm gửi cho mẹ kế, thậm chí còn nói quà con gái biếu. Bà dì ghẻ tưởng thật, lấy mắm ra ăn, đến khi ăn hết, thấy đầu lâu con thì lăn đùng ra chết. Truyện còn thêm câu cảm thán vô cùng hả hê: Thật đáng đời hai mẹ con ganh tị và tham lam. Cái kết này được cộng đồng mạng bình luận là phản giáo dục và có tình tiết bạo lực, không phù hợp trẻ em.
Video đang HOT
Tấm Cám được in trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” của NXB Văn học cũng kết thúc với cái chết đầy đau đớn dành cho 2 mẹ con Cám. Hùng Sơn (sinh năm 1993) khẳng định: Kết thúc “muối mắm” của Tấm Cám, thể hiện “lòng căm thù của dân gian”, mang tính biểu tượng răn đe kẻ ác, không cho cái ác trở lại. Tuy nhiên, Phương Hoa (sinh năm 2001, Ba Đình, Hà Nội) đặt câu hỏi: Có phải Tấm thay đổi thành người độc ác và mưu mẹo? Vì chỉ người mưu mẹo, nham hiểm mới có thể nghĩ ra cách làm này. Bất cứ ai khi đọc đều không tránh khỏi cảm giác ghê sợ. Hình ảnh một nàng Tấm hiền lành lương thiện cũng nhạt nhòa phần nào đó.
Tấm Cám nằm trong cuốn “Truyện Cổ tích Việt Nam đặc sắc” của NXB Văn học do Phúc Hải tuyển chọn cũng có cái kết “na ná” cuốn trên khi Tấm sai quân lính đem nước sôi dội vào Cám, khiến em “chết còng queo ngay lập tức”, còn mẹ kế “uất lên chết theo con”. Nhưng, truyện đã “nhẹ tay” hơn khi không đưa thêm đoạn Tấm làm mắm Cám. Tôn Huyền Trang (học sinh lớp 10 THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) nêu quan điểm: “Tấm tự tay giết em gái mình. Một cô gái hiền lành sao lại giết người?”. Nữ sinh cho rằng, hình ảnh cô Tấm sẽ đẹp hơn nếu không dùng những hình thức tàn khốc để trừng trị người xấu.
SGK Ngữ Văn lớp 10 cũng đưa truyện cổ tích Tấm Cám vào chương trình học với cái kết đã được giản lược nhiều. Ở phần ghi nhớ, nhân vật Tấm được coi là có “sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của thiện thắng ác”. Cô Minh Hà (giáo viên THPT Trương Định, Hà Nội) cho rằng, Tấm tự tay tạo ra một điều ác mới. “Việc giết người là tàn ác, sai trái, dù trong bất cứ tình huống nào. Đây không phải là hành động của cô gái thiện lương, hiền lành, nhân hậu. Cái kết này không thể mang lại giá trị giáo dục nào”.
Chị Nguyễn Anh Tú (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị ủng hộ cái kết của Tấm Cám trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam – Mẹ kể con nghe của NXB Mỹ Thuật: Mẹ con Cám chết vì sét đánh trên đường về quê. Một cái chết hoàn toàn do thiên nhiên, số phận. Chị Tú nhận định, cách kết thúc vẫn đảm bảo phẩm chất hiền lành, giàu lòng vị tha của cô Tấm, thể hiện rõ nét ước mơ của con người về chân lý của cuộc sống, về quy luật của tự nhiên: Cái thiện chiến thắng cái ác, hạnh phúc mỉm cười với người lương thiện và sự trừng phạt đích đáng sẽ đến với kẻ độc ác.
NXB Mỹ Thuật lại tiếp tục chọn cách không chỉ rõ cái kết dành cho mẹ con Cám, mà chỉ nói họ “bị trừng trị đích đáng” trong cuốn truyện song ngữ Tấm Cám nằm trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Chọn mua cuốn sách này cho con, chị Lan Hương (Hàng Trống, Hà Nội) giải thích: “Tấm được hạnh phúc bên nhà vua, mẹ con Cám bị trừng phạt” là đích đến của câu truyện này, thể hiện ước vọng ở hiền gặp lành của người Việt.
Cùng của NXB Văn học, nhưng cô Tấm cuốn trong bộ Truyện cổ tích Việt Nam dành cho thiếu nhi lại bị đánh giá yếu đuối, dựa dẫm, khi mà phải dựa vào vua để trừng trị kẻ ác. Chị Tú Anh (36 tuổi, Thuốc Bắc, Hà Nội) cho biết: “Sau những hành động độc ác của mẹ con Cám, Tấm không hề có hành động nào thể hiện sự vùng lên, chống lại cái xấu. Nàng trở nên yếu đuối, nhu nhược, không có cá tính”. Chị cho rằng, cái kết này sẽ tạo ra suy nghĩ ỷ lại, chờ đợi sự giúp đỡ của người khác.
“Cái kết của Tấm Cám trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Văn học là hợp lý nhất”, chị Mỹ Phương (Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) nhận xét. Theo chị, Tấm sau khi trải qua bao vất vả, quay về bên nhà vua, còn mẹ con Cám vì xấu hổ phải bỏ đi, là cách phù hợp để giáo dục trẻ. “Mình dạy con khi làm việc xấu cần phải biết nhận lỗi, biết sai. Mẹ con Cám trong truyện đã nhận ra sai xót của mình và tự chọn cách bỏ đi. Còn bản thân Tấm vẫn giữ được sự rộng lượng, hiền hậu của mình”. Theo chị, cái kết này hiện đại, tiến bộ hơn, giữ trọn vẹn hình ảnh đẹp của người con gái Việt Nam.
Theo Zing