Những kết quả nổi bật của giáo dục đại học năm năm qua
Với sự nỗ lực không ngừng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cùng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trên cả nước, trong năm năm qua GDĐH đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Những kết quả này góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, góp phần phát triển kinh tế – xã hội , đồng thời nâng tầm GDĐH Việt Nam trong khu vực và trên thế giới .
Đổi mới tuyển sinh
Trong năm năm qua, công tác tuyển sinh đại học , cao đẳng sư phạm được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội , mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Thí sinh không phải thi nhiều lần nhưng được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển. Các trường phối hợp thực hiện công tác xét tuyển nhẹ nhàng dựa vào phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo do Bộ GD và ĐT hỗ trợ; đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh với những phương thức khác, phù hợp với yêu cầu riêng.
Đáng chú ý trong năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 với hai lần thi THPT và bão lũ ở khu vực miền trung, nhưng công tác tổ chức thi và tuyển sinh vẫn đạt được kết quả tốt, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Các cơ sở GDĐH phối hợp chặt chẽ các địa phương để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ chung của ngành, chia sẻ khó khăn với thí sinh và toàn xã hội . Các trường đại học, cao đẳng sư phạm khi xét tuyển đợt 1 đã sử dụng kết quả gộp chung của cả hai lần thi THPT; tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và quyết định phương thức tuyển sinh, trong đó chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, công tác tuyển sinh những năm 2021 – 2025 sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH. Bộ GD và ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập; khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đăng ký nguyện vọng, giảm tỷ lệ ảo. Đáng chú ý, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Đột phá về chất lượng
Trong phát triển GDĐH những năm qua còn đánh dấu sự ra đời của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ thống GDĐH, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ đại học. Một trong những điều kiện tiên quyết để các trường thực hiện quyền tự chủ đó là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của Luật số 34 và Nghị định 99. Đó không chỉ là yêu cầu tuân thủ pháp luật , mà còn là sự đổi mới cần thiết về mặt nhận thức và tư duy trong quản trị đại học theo mô hình tiên tiến.
Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Việc kiện toàn hội đồng trường theo quy định của Luật số 34 và Nghị định 99 có chuyển biến tích cực. Nhiều trường đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu. Đáng chú ý, khi tự chủ đại học được mở rộng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục được quan tâm đặc biệt, định hướng theo các tiêu chí chuẩn mực của khu vực, thế giới . Những năm gần đây, hoạt động kiểm định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường được tiếp cận với mô hình quản lý hiện đại, tiên tiến. Các cơ sở GDĐH tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, coi công tác đánh giá và kiểm định là các hoạt động thường xuyên nhằm liên tục cải tiến chất lượng, mang lại niềm tin và lợi ích cho người học và cả xã hội.
Đáng chú ý, lần đầu tiên, nước ta có bốn cơ sở GDĐH lọt vào tốp 1.000 thế giới ; 11 cơ sở GDĐH nằm trong bản xếp hạng châu Á của QS; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới (trước năm 2015, các cơ sở GDĐH Việt Nam chưa có mặt trong các bảng xếp hạng thế giới, chỉ có ba trường vào tốp 300 châu Á). Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong năm 2020 cũng được vào tốp 101-150 trường đại học trẻ (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS. Ngoài ra, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt thứ hạng 351-400 trong bảng xếp hạng các trường đại học trẻ thành lập dưới 50 năm (THE Young University Rankings 2020).Trường đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng” (THE Best ‘Golden Age’ universities)…
Số lượng báo cáo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín tăng đáng kể với 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới. Cũng trong năm 2020, lần đầu một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới. Đó là tạp chí Vật liệu và linh kiện tiên tiến (JSAMD) của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất (nhóm Q1) về lĩnh vực vật liệu composite và vật liệu từ, điện tử, quang.
Thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0
Trong những năm qua, các cơ sở GDĐH luôn đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tuyển sinh và đào tạo; đổi mới phương pháp nghiên cứu và quản trị nhà trường. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã tạo ra một cú huých lớn, đồng thời cũng là một dịp để hệ thống GDĐH thể hiện năng lực sử dụng công nghệ trong dạy và học. Các cơ sở GDĐH không chỉ ứng phó với tình hình dịch bệnh mà đã có những định hướng chiến lược và đầu tư, chuẩn bị mạnh mẽ cho chuyển đổi số, phát triển đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa.
Bộ GD và ĐT bước đầu xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu cho GDĐH phục vụ thống kê ngành và tuyển sinh đại học . Các cơ sở GDĐH đã thực hiện cập nhật dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH cũng là một thành phần cốt lõi trong khung chuyển đổi số GD và ĐT. Kết quả đó, đóng vai trò quan trọng công tác quản trị nhà trường, góp phần công khai minh bạch thông tin, giúp các cơ sở GDĐH thực hiện trách nhiệm giải trình, đồng thời phục vụ công tác phân tích, dự báo, giám sát, thanh tra trong chức năng quản lý nhà nước.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ GD và ĐT xác định chuyển đổi số là một chiến lược đột phá, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả GD và ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đưa Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số GD và ĐT.
Ngay trong năm 2021, toàn ngành đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện chuyển đổi số trong GD và ĐT. Trong đó, thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở GDĐH, được triển khai nhanh chóng, hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học. Bộ GD và ĐT tăng cường rà soát, bổ sung văn bản chính sách để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy triển khai chuyển đổi số GD và ĐT; hướng dẫn các trường triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 và kết nối vào hệ thống dịch vụ công quốc gia.
Ưu tiên, tạo cơ chế đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học
Đây là một trong 5 nhóm vấn đề mà Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Khoa học - Công nghệ thống nhất phối hợp thực hiện trong thời gian tới.
Chiều 19/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Huỳnh Thành Đạt chủ trì buổi làm việc về chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT và Bộ KHCN.
Bài công bố ISI tăng 50,3% so với năm 2019
Báo cáo về chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GDĐT, Bộ KHCN giai đoạn 2017-2025, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) Tạ Ngọc Đôn cho biết, chương trình phối hợp đã được triển khai tích cực, tạo chuyển biến tốt cho hoạt động KHCN, góp phần thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và góp phần nâng cao thứ hạng, vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 17.028 bài báo đăng tạp chí thuộc danh mục Scopus, trong đó toàn hệ thống giáo dục đại học có 16.346 bài.
Năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GDĐT có 3.627 bài công bố ISI năm (tăng 50,3% so với năm 2019). Tiềm lực cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GDĐT rất lớn, dư địa phát triển còn rất nhiều.
Với kết quả thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán, thứ hạng ngành Toán học Việt Nam đã tăng từ 53 (2010) lên 32 (2018). Công bố ISI ngành Toán đứng đầu ASEAN cả về số lượng và tỷ lệ trích dẫn. Chương trình Vật lý cũng đạt được kết quả quan trọng khi đã tăng hạng từ 60 (năm 2014) lên 52 (năm 2017).
Giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có các cơ sở giáo dục đại học lọt top các trường tốt nhất khu vực và thế giới. Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cùng 1.527 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới và hàng đầu châu Á. Tổ chức giáo dục QS công bố Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cùng 634 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á...
Triển khai Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã có 49 nhiệm vụ, trong đó 34 nhiệm vụ tập trung xây dựng chính sách đổi mới GDĐT. Tiêu biểu, đã xây dựng thành công 2 kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng; 2 Luật (Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học); 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 19 Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; 22 Thông tư và Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác.
Tạo đột phá trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc 2 Bộ đã có những trao đổi, đề xuất để hoạt động phối hợp ngày càng hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tạo đột phá trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học;
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và triển khai các chương trình nghiên cứu liên ngành của các nhóm nghiên cứu mạnh; rà soát, sắp xếp lại mạng lưới tạp chí khoa học trong nước, đầu tư xây dựng một số tạp chí có chất lượng cao gia nhập hệ thống trích dẫn ISI/Scopus; ưu tiên kinh phí cho năm 2021 để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia.
Đề cập đến nhiệm vụ rà soát, xây dựng cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ nút thắt cho các trường đại học trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra 5 nhóm vấn đề cần tăng cường phối hợp giữa Bộ GDĐT và Bộ KHCN trong năm 2021 và giai đoạn 5 năm tới.
Cụ thể: tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; tạo cơ chế đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống tạp chí khoa học trong các trường đại học; kết hợp triển khai Đề án 2395 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Thống nhất với 5 nội dung Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn, Bộ GDĐT sẽ hỗ trợ Bộ KHCN trong nhiệm vụ xây dựng Chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2030 và xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo. Đồng thời, quan tâm xem xét hỗ trợ Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo được đào tạo sau đại học.
Giáo dục Đại học - những thành tựu nổi bật 3 thành tựu lớn, nổi bật của GDĐH Việt Nam sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 29 được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Trưởng ban Đào tạo (ĐHQGHN) - tổng kết. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trong một giờ giảng cho sinh viên Trường ĐH Việt Nhật. GD đại học...