Những huyền tích về nghề săn “thủy quái” trên sông Tiền
Cá hô được mệnh danh là “vua” của loài cá nước ngọt. Loài cá này to, có con nặng tới trên 300kg và số lượng nhiều ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Một khúc sông Tiền, nơi mà ông Tám Trạng đã săn được nhiều cá hô
Vì thế, hàng trăm năm trước, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã hình thành nghề săn cá hô. Cuộc chiến của những lão ngư cừ khôi với “thuỷ quái” đã tạo ra những huyền tích mà đến nay nhiều người vẫn tìm cách lý giải.
Nhắc đến lão ngư Tám Trạng, những lão ngư trong vùng đất Cao Lãnh không ai không biết tới. Ông được xem như là người kỳ cựu nhất với nghề săn cá hô ở vùng đất này. Dù tuổi đã cao nhưng khi có người hỏi đến quá khứ hào hùng của mình, ông Tám như trẻ lại và nhớ ngày giong thuyền, bủa lưới.
Dày dạn kinh nghiệm trên sông
Mặc dù đã bước qua tuổi 80 nhưng lão ngư Tám Trạng (tên thật là Nguyễn Văn Khai, 82 tuổi) vẫn còn rất khỏe mạnh. Để lý giải cho sức khỏe tốt của mình, ông Tám Trạng cười lớn nói: “Có thể do ngày xưa tôi kéo cá hô khổng lồ nhiều quá nên sức vóc giờ mới được như vậy”. Nói rồi ông lim dim đôi mắt như để nhớ về quãng đời dọc ngang sông nước.
Video đang HOT
Câu chuyện của ông Tám Trạng đưa tôi về thời gian cách đây gần 60 năm, khi ấy ở vùng đất này vẫn chưa có ai làm nghề săn cá hô. Loài cá này được nhiều người biết đến nhưng để đánh bắt nó thì mọi chuyện không phải đơn giản. Cho dù có lưới, có thuyền cũng chưa chắc bắt được cá. Phải là người có kinh nghiệm, những tay săn cá chuyên nghiệp thứ hạng cao mới có khả năng giăng lưới dính cá hô. Vào thời gian đó, những người Khmer ở các Châu Đốc, An Phú (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) thường xuyên tìm đến những khúc sông ở Đồng Tháp để giăng lưới bắt cá hô.
Ông Tám Trạng cho biết: “Tôi thấy người ta bắt cá hô hay quá, số lượng cá bị dính lưới rất nhiều nên lân la đến học nghề. Những “sư phụ” thấy tôi cũng chịu thương chịu khó, sai gì làm nấy, nên họ cũng vui vẻ cho đi theo. Thời gian đi học nghề, tôi học được cách quan sát tăm cá như thế nào thì mới buông lưới”. Sau khi học được kha khá số kinh nghiệm mà người Khmer nhiệt tình truyền lại, ông Tám Trạng bắt đầu một mình một thuyền đi bắt cá. Nhưng khổ nỗi, để có một tấm lưới đủ tiêu chuẩn bắt cá hô thời điểm ấy là chuyện khó hơn lên trời. Lúc đó, ngoài người Khmer có lưới “đặc dụng” săn cá hô còn những nơi khác chỉ làm được lưới đánh bắt cá nhỏ. Sau nhiều lần năn nỉ thuyết phục những ngư dân người Khmer, họ mới đồng ý chia lại một tấm lưới cũ cho ông Tám Trạng lập nghiệp. Lúc này, cha mẹ ông Tám Trạng hết lời khuyên ngăn ông từ bỏ ý định săn cá hô, nhưng ông nhất quyết theo nghề. Ông Tám Trạng cười nói: “Nghề săn cá hô kỳ lạ lắm, nó luôn kích thích tôi mỗi khi giong thuyền đi giăng lưới”.
Lúc mới vào nghề cũng lắm gian truân, ông Tám Trạng kể lại, tấm lưới của ông mắt quá nhỏ nên chỉ bắt được cá khoảng 30, 40kg. Cá lớn dính lưới thoát được luôn và để lại những lỗ rách quá lớn. Không chịu thua loài “thuỷ quái”, ông Tám Trạng bỏ ra hàng tháng trời để mày mò tháo từng mắt lưới và đan lại với mỗi mắt rộng đến 6 tấc. Đó là bộ lưới đánh cá dã chiến nhất lúc bấy giờ. Cá to cỡ nào đụng phải lưới của ông Tám Trạng coi như hết đời. Từ đó, lưới của ông thường xuyên dính những con cá hô nặng từ 100kg, 150kg, cá biệt có những con nặng tới 180kg. Vì thế, tiếng tăm ông Tám Trạng được nhiều anh em trong nghề khác vị nể. Và sau khi những con cá của ông Tám Trạng được xẻ thịt bán khắp chợ thì những ngư dân khác cũng bắt đầu rục rịch sắm lưới tốt để săn cá hô mong đổi đời.
Lão ngư Tám Trạng
Nhờ săn được cá hô mà cuộc sống của gia đình ông cũng khá lên rất nhiều. Mặc dù thời đó, giá bán cá hô chỉ rẻ như thịt heo nhưng sau mỗi lần bán một con cá, vợ chồng ông Tám Trạng lại rủng rỉnh thu về vài ba chỉ vàng. Trong suốt cuộc đời săn cá hô của mình ông Tám Trạng không thể nào nhớ hết mình đã bắt được bao nhiêu con cá hô. Ông nhớ: “Có lẽ lịch sử nhất là khoảng hơn 30 năm về trước, chỉ trong một ngày ông giăng lưới dính đến 6 con cá hô từ 60kg đến 150kg. Người dân trong vùng nghe tin tôi trúng cá kéo nhau đến bến sông xem đông như hội”.
Ngày ấy, những con cá khổng lồ được ông lần lượt kéo vào bờ cột thành từng hàng dưới bến chờ thương lái đến cân. Thời hoàng kim của ông Tám Trạng kéo dài mãi cho đến năm 2001 khi UBND tỉnh Đồng Tháp cấm săn bắt cá hô vì đây là loài cá có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Sống bao nhiêu năm với nghề săn cá hô khi có lệnh cấm, ông vẫn không quên được con thuyền và mảnh lưới đã theo mình hơn nửa đời người. Ông sắm một tấm lưới nhỏ hơn, ngày ngày đi giăng ở những khúc sông để bắt những con cá mè dinh, cá tra, cá bông lau sống tạm qua ngày và cũng để bớt nhớ nghề.
Hiểu cá hô hơn bất cứ con vật nào
Hơn nửa đời người gắn bó với nghề săn cá hô nên ông Tám Trạng hiểu rất rõ tập tính của loài cá này. Ông Tám Trạng cho biết: “Muốn theo dấu được cá hô phải biết quy luật kiếm ăn của nó. Cứ mỗi một tháng, cá hô sẽ đi kiếm ăn từ 3 đến 5 lần. Khi đi, chúng thường bơi theo những con nước ròng thường là vào các ngày 17, 18, 25, 27. Mùa cá hô chỉ kéo dài cao nhất là 4 tháng, nên người săn cá phải quan sát chúng thật kĩ thì mới có khả năng thành công.“
Ông Tám kể lại: “Những đêm sáng trăng cá hô tung mình lên không trung rồi rơi ầm xuống nước như bom dội. Cá hô là loài to xác nhưng rất dại, khi bị mắc vào lưới chúng cứ đâm đầu cho mắc sâu thêm chứ không biết quẫy để thoát ra. Cá hô là loài cá rất khỏe, có lần do tôi quá chủ quan nên bị cái đuôi nó “tát” tối sầm mặt, rơi xuống sông may được con trai cứu.” Trong cuộc đời săn cá hô của mình, ông Tám Trạng đã trải qua không biết bao nhiêu là vui buồn, lúc được, khi mất nhưng đổi lại, ông là người nhận được nhiều tặng phẩm của sông Tiền. Hơn nữa, ông đã khẳng định khát khao chinh phục sông nước và khuất phục loài “thủy quái”.
Theo ông Tám Trạng, ấn tượng nhất trong cả cuộc đời săn cá của ông là một lần duy nhất ông bắt được một con cá tra dầu nặng 195kg. Đây là con cá “khủng” nhất mà ông từng bắt được. Chính con cá này cũng là “đối thủ” đáng gờm nhất của ông. Khi cuộc giao chiến nổ ra, nó buộc ông phải trổ hết tài nghệ, kinh nghiệm cả đời mới chịu khuất phục. Ông Tám Trạng nhớ lại: “Thời điểm ấy, tôi gần 60 tuổi, độ tuổi chín muồi về kinh nghiệm cũng như tài nghệ săn cá thì xảy ra chuyện “đối đầu” với con cá tra dầu, một loài cá hung dữ”.
Trong một lần chèo thuyền trên sông Tiền giăng lưới cá hô, ông Tám Trạng bỗng thấy những tấm phao nổi trên sông run lên dữ dội. Biết là có cá lớn dính lưới, ông Tám Trạng không vội lại gần mà đứng từ xa quan sát, chờ cho con vật đuối sức mới tiếp cận. Sau khoảng 15 phút vật lộn với tấm lưới khổng lồ con vật dường như đã đuối sức, không còn quẫy đạp nữa. Ông Tám Trạng cùng con trai tiến lại gần, xem xét và hết sức bất ngờ vì nằm trong tấm lưới là một con cá tra dầu lớn nhất mà cha con ông từng thấy. Chiều dài con cá xấp xỉ bằng chiếc thuyền mà hai cha con đang đứng.
Ông Tám Trạng thu lưới lại ra dấu cho con trai chèo thuyền quanh con cá để ông phủ thêm một lớp lưới. Bất thình lình, con cá thấy động, liền quẫy mạnh khiến chiếc thuyền chao đảo làm cho ông Tám Trạng cùng con trai rơi xuống sông. Con cá khổng lồ càng ra sức vùng vẫy thêm nữa, và lần này ông Tám Trạng dính hai ba “cú tát” trời giáng của con cá. Lấy lại bình tĩnh, ông Tám Trạng túm lưới, một đầu cột vào thuyền, một đầu ông cầm chắc tiến tới gần con cá nhẹ nhàng vây nó rồi từ từ siết chặt, không cho con cá thoát thân. Nhận thấy tấm lưới vây quanh mình ngày càng bị siết chặt, con cá vẫy vùng chốc lát rồi nằm yên khuất phục. Ông Tám Trạng cùng con trai bụng no càng nước sông từ từ chèo thuyền kéo chiến lợi phẩm của mình về bến.
Săn cá hô “làm chơi, ăn thiệt”
Một đời tung hoành sông nước, chợt ông Tám Trạng ngậm ngùi khi nhìn gia cảnh của mình hiện tại. Ông Tám Trạng tâm sự: “Dân săn cá hô làm chơi mà ăn thiệt mấy chú à, những lúc có cá có tiền rồi tiêu xài hoang phí cũng hết. Đến nay cá không còn nữa thì tôi lại trở về với cuộc sống khó khăn rồi”. Không riêng gì ông Tám, những người săn cá hô sau khi số cá trên sông càng ngày càng khan hiếm, cộng thêm với chính sách ngăn cấm đánh bắt của nhà nước, nhiều người đã bỏ lên bờ tìm kế sinh nhai khác. Ký ức về những lão ngư săn thủy quái trên sông tiền cũng dần lãng quên từ đó.
Theo xahoi
Thả xuống sông hơn 11 tấn cá giống
Trong số cá giống được ngành thủy sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thả xuống sông Vàm Nao ở An Giang có hai loại quý hiếm là cá chày, cá hô.
Ngày 28/2, Trung tâm giống thủy sản tỉnh An Giang cùng ngành thủy sản các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP Cần Thơ thả hơn 11,5 tấn cá giống và 276.000 cá bố mẹ xuống ngã ba sông Vàm Nao ở xã Tân Trung, huyện Phú Tân (An Giang). Ngoài cá tra, chép, rô phi, mè vinh, cá lóc... còn có hai loài quý hiếm là cá chày và cá hô.
Người dân An Giang thả cá xuống sông Vàm Nao sáng 28/2. Ảnh: Gia Bảo
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm giống thủy sản An Giang, cá thả sáng 28/2 trị giá hơn nửa tỷ đồng do 46 tổ chức và 115 cá nhân ở miền Tây và TP HCM đóng góp.
Đây là lần thứ hai tỉnh An Giang tổ chức chương trình "Thả cá bản địa về thiên nhiên khu vực sông Vàm Nao". Đã có hơn 19 tấn cá giống và 776.000 cá bố mẹ được thả về môi trường tự nhiên, góp phần bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt.
Dự kiến cuối năm tỉnh An Giang thả thêm 2 đợt cá giống và cá bố mẹ xuống sông Hậu ở thị xã Châu Đốc và đoạn đầu kênh 5 xã thuộc sông Tiền ở thị xã Tân Châu.
Theo VNE
Cẩn trọng khi ăn cá "khủng" Từ đầu năm đến nay người dân ĐBSCL bắt được nhiều loài cá lạ, cá có trọng lượng "khủng" hiếm thấy. Điều mà người dân lo ngại là các loài cá này là cá gì và nhất là có ăn được không? Một con cá hô nặng 120 kg ngư dân An Giang vừa bắt được đã có lái tới mua - Ảnh:...