Những học sinh vùng biên ‘níu chữ’ với ước mơ giúp bản làng thoát nghèo
Vô vàn khó khăn ở mảnh đất nghèo biên giới Mô Rai không ngăn được quyết tâm của các em nhỏ với khát vọng theo đuổi ‘con chữ’ giúp bản làng thoát nghèo.
Video: Học sinh nghèo vùng biên với ước mơ học lấy ‘con chữ’
Cậu bé Sán Dìu với giấc mơ ‘con chữ’
Nằm hiu hút trong bìa rừng sâu, điểm làng Ia Xoăn ( xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vỏn vẹn 32 hộ dân với hơn 100 khẩu. Nơi đây như tách biệt với cuộc sống tấp nập bên ngoài, cái gì cũng thiếu.Thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc, đến nước dùng để sinh hoạt cũng phải chắt chiu từng giọt. Thứ họ dư thừa là tinh thần hiếu học.
Xuất thân là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cậu bé Lý Văn Lộc (học sinh lớp 4B- trường Tiểu học & THCS Võ Nguyên Giáp, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy- người dân tộc Sán Dìu) là một trong những tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó, nuôi chí học lấy “con chữ” ở điểm làng này.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Lý Văn Lộc chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ nghỉ học.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều năm qua, cơm ăn bữa đói bữa no, quãng đường đến trường có vất vả đến mấy thì Lộc cũng chưa một lần có ý định bỏ học.
Không tivi, không internet, không mạng xã hội…, có lẽ thứ đáng giá nhất trong căn nhà sàn dột ướt nơi Lộc ở là những cuốn sách cũ mà thầy cô trong trường đi vận động cho các em.
Nhìn về góc nhà nơi cất mấy cuốn sách, Lộc tự hào lắm. “Đó là sách của thầy cô trong trường đi vận động sách cũ cho tụi em đó. Có cuốn em chưa học tới nhưng cuối tuần về nhà em lại mang ra xem vì em rất thích đọc sách. Sau này học xong rồi, em lại đem cho mấy em nhỏ trong làng để các em cũng được đọc sách như em”, Lộc nói.
Chia sẻ về ước mơ, đôi mắt Lộc ánh lên sự hy vọng: “Em cũng không dám ước mơ gì nhiều, em chỉ mong duy trì được việc học, đến trường cùng thầy cô và bạn bè. Em ước lớn lên sẽ làm công an để giúp đỡ gia đình và mọi người”.
Bồng Văn An (học sinh lớp 3B, cùng trường với Lộc) cũng là một trong những tấm gương hiếu học nơi bản làng Ia Xoăn. Cậu học trò với gương mặt khôi ngô lại rất kiệm lời, có phần nào đó nhút nhát, bẽn lẽn.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, cả cha và mẹ đều là công nhân, tháng lương ba cọc ba đồng nuôi mấy anh em An ăn học. Em gái An năm nay lên 5, vẫn chưa biết nói. Thương em, An chẳng biết làm gì, ngoài việc phấn đấu học thành tài.
Vượt qua khó khăn, em Bồng Văn An luôn cố gắng học tập và là học sinh giỏi tiêu biểu của trường.
Tưởng chừng khó khăn sẽ chùn bước An, nhưng suốt chừng thời gian đi học ấy, An chưa một lần nghĩ mình sẽ nghỉ học để ở nhà. Với cậu bé này, bao nhiêu khó khăn đi nữa, em vẫn sẽ cố gắng học thành tài giúp đỡ gia đình.
Hoàn cảnh khó khăn không đánh gục ý chí vượt khó, vươn lên trong học tập của những học trò nghèo. Nhiều năm liền, cả hai đều là học sinh giỏi tiêu biểu của trường. Hơn ai hết, Lộc và An hiểu rằng, chỉ có học thật giỏi mới có thể biến giấc mơ thành hiện thực.
Bản làng quyết tâm níu chữ để thoát nghèo
Để được đến trường học tập cùng bè bạn như hôm nay, Lộc và An đếm không xuể số lần cha mẹ hai em chật vật gần 30 cây số đưa đón mỗi tuần. Đó là chưa kể những hôm mưa tầm tã, đất bùn nhầy nhụa, họ phải để con ngồi trên yên xe, dắt bộ qua cả đoạn đường.
“Dù chúng tôi nghèo nhưng quyết không để con thất học”, bố mẹ hai em đều nói như vậy.
Anh Lý Văn Sầu (41 tuổi, bố em Lộc) không muốn con nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Dù bận rộn đến mấy, anh chị vẫn cố gắng thu xếp để đưa con đến trường, chăm lo việc học tập cho con không thua kém bạn bè.
Anh Sầu tâm sự: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, chỉ mong có đủ cơm ăn. Mặc dù còn nhiều vất vả, nhưng trong thâm tâm chúng tôi luôn suy nghĩ phải lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn để có một tương lai tươi sáng hơn. Vì ngày xưa mình nghèo, không được học chữ nên giờ chỉ mong sao cho tất cả con cái ăn học thành đạt, cha mẹ có vất vả đến mấy cũng chấp nhận”.
Dù đời sống nơi bản làng có nghèo khó thế nào, thì phụ huynh các em vẫn luôn cố gắng để con cái được đến trường.
Cũng như anh Sầu, anh Bồng Văn Phong (43 tuổi, bố của An) chấp nhận gian nan gồng gánh để cho con theo học ‘con chữ’, với quyết tâm thực hiện giấc mơ thoát nghèo. Anh Phong luôn hi vọng vào một ngày không xa, bản làng nơi vùng biên này sẽ từng bước khởi sắc và được biết đến bởi những tấm gương hiếu học.
Chia sẻ về Lộc và An, thầy Võ Hoàng Sơn – Hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Võ Nguyên Giáp cho biết, hai em đều là những học sinh giỏi vượt khó tiêu biểu của trường. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng hai em luôn phấn đấu học thành tài. Thương hoàn cảnh của các em nên trường hỗ trợ ở nội trú, chỉ về nhà mỗi cuối tuần, đỡ phần nào khó khăn đi lại.
“Chúng tôi coi các em như con cái trong nhà, nên luôn tận tình chỉ bảo, giúp các em tiến bộ. Ở trường, ngoài việc dạy kiến thức, các thầy cô cũng cho các em tham gia nấu ăn, quét dọn trường lớp, để khi về nhà các em có thể góp một chút sức nhỏ để phụ giúp gia đình”, thầy Sơn nói.
Hiện trường Tiểu học & THCS Võ Nguyên Giáp – nơi Lộc và An đang theo học có gần 500 học sinh, thì trên 70% là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng dù có vô vàn khó khăn đi nữa thì các cô cậu trò nghèo vẫn nỗ lực vượt qua, học tập để bản làng biên giới thoát nghèo.
Các trường vùng khó nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19
Tuy điều kiện còn khó khăn nhưng các trường vùng khó ở các xã biên giới thuộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai vẫn nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh.
Vượt hàng trăm cây số đường rừng, chúng tôi đến với ngôi trường xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), đây là ngôi trường khó khăn nhất nhì của tỉnh Kon Tum.
Trên địa bàn xã, người dân đa phần là bà con dân tộc ít người như Xê Đăng, Jrai, Bana, Rơ Mâm... Chính vì vậy, việc nắm bắt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 còn chưa được chú trọng.
Từ sáng sớm, các học sinh trường Tiểu học và THCS rửa tay và đo nhiệt độ trước khi vào lớp học.
Ngay sau khi đi học lại, thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Võ Nguyên Giáp (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum) đã đến từng nhà để tuyên truyền cho bà con thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Đồng thời rà soát, vận động học sinh đến trường sau một kì nghỉ dài tránh dịch bệnh Covid-19.
Trường Tiểu học và THCS Võ Nguyên Giáp nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khi học sinh đi học trở lại.
Khi màn sương trên đỉnh núi Chư Mo Ray còn bao vây trường, các giáo viên đã đứng trước cổng để đón học sinh vào trường. Đa phần là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nên khi các em bước vào trường, thầy cô đã chuẩn bị nước sạch, xà phòng để các em rửa tay và đo thân nhiệt trước khi vào lớp.
Vì biết các học sinh thiếu khẩu trang nên thầy cô cũng đã huy động từ nhiều nguồn hảo tâm để phục vụ học sinh.
Các học sinh THCS trường Võ Nguyên Giáp ngồi giãn cách 1,5m
Thầy Võ Hoàng Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Võ Nguyên Giáp cho biết: "Hiện nay, khối Trung học cơ sở đã đi học lại theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum.
Tuy ở vùng biên giới, chủ yếu là người dân địa phương nhưng công tác phòng, chống dịch trong nhà trường vẫn được chú trọng. Qua đó, nhà trường đã yêu cầu học sinh rửa tay trước khi vào trường; kiểm tra nhiệt độ cơ thể... Đồng thời, trong phòng học và giờ ra chơi, nhà trường cũng yêu cầu các em đeo khẩu trang, tránh tập trung đông người.
Nếu em nào có biểu hiện ốm thì đều được giáo viên giúp đỡ đưa đi đến trung tâm y tế khám để kịp thời điều trị. Các học sinh nghỉ học phải có lý do đầy đủ và giáo viên cũng kịp thời đến thăm hỏi".
Hầu như các trường đã chia đôi lớp học và cho học sinh đi học chéo nhau để tránh tập trung đông người
Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) cũng là một trường nằm ở xã biên giới, điều kiện vật chất khó khăn nhưng nhà trường vẫn cho học sinh ngồi giãn cách và thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cô Bùi Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: "Toàn trường có tổng số 505 học sinh với 13 lớp và 30 cán bộ, giáo viên.
Trước khi cho học sinh đi học, nhà trường đã huy động các giáo viên tiến hành dọn vệ sinh, phun diệt khuẩn... Ngay trong ngày đầu tiên, nhà trường đã hỗ trợ khẩu trang và đo nhiệt độ cơ thể cho từng học sinh.".
Học sinh một trường vùng khó ở xã biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) trong những buổi học đầu tiên.
"Theo tinh thần chỉ đạo giãn cách học sinh của UBND tỉnh Gia Lai và Sở GD&ĐT, nhà trường đã tách ra một lớp ra làm 2 phòng học, mỗi phòng khoảng 15 em và học sinh ngồi cách nhau 1,5m. Đồng thời, nhà trường sắp xếp cho học sinh học chéo buổi nhau.
Tuy về lâu dài sẽ áp lực cho các giáo viên khi dạy liên tục và học sinh cũng sẽ học chậm hơn một nửa chương trình so với bình thường.
Hiện nhà trường đang dựa vào thực tế để thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19."
Phạm Hoàng
Nơi học sinh được ăn, ở, học miễn phí và nhận học bổng đều đặn Một ngôi trường đặc biệt nằm sát biển, ngay trung tâm thành phố Sầm Sơn nhộn nhịp, là nơi học tập của học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa với những câu chuyện ấm áp mùa dịch Covid-19. Nơi đây đã ươm mầm cho biết bao thế hệ học trò người dân tộc, giúp họ vươn lên thay đổi...