Những hiểu lầm hài hước ở tuổi dậy thì
Con sinh ra trên đời bằng cách bố mẹ đặt mua ở cửa hàng, bố sinh con trai bởi ăn nhiều thịt bò… Đó là những suy nghĩ ngây thơ của học sinh THCS khi được hỏi về tuổi dậy thì.
Teen tưởng mình… sắp chết
Buổi học giáo dục giới tính dành cho học sinh lớp 7, trường Wellspring, Hà Nội, diễn ra sôi nổi khi giáo viên và học sinh trao đổi thẳng thắn về tuổi dậy thì.
Cô giáo Đào Thị Thùy cho biết, học sinh tại trường học giáo dục giới tính từ năm lớp 6. Trong đó, giáo viên trao đổi 4 chuyên đề với các bạn nam, 4 chuyên đề với bạn nữ.
Cô Thùy kể, phần nội dung về sự ra đời của em bé, khi cô giáo hỏi, nhiều học sinh trả lời: “Con được nhặt ở ngoài cổng”, “Do con cò mang con đến”, “Con được chui ra từ nách”…
Với câu hỏi tại sao sinh ra lại là con trai/gái?, có em nói: “Do thần linh tạo ra con như vậy”, hoặc “do bố ăn nhiều thịt bò nên con là trai”, “bố yêu mẹ quá nên con là gái”…
Cũng theo cô Thùy, bước vào tuổi dậy thì, một số em rất hoảng hốt vì cơ thể thay đổi, nghĩ mình bị bệnh sắp chết khi thấy cơ thể đau nhức, chảy máu.
Lớp học về giới tính diễn ra sôi nổi. Ảnh: Quyên Quyên.
Sau phần nhắc lại câu chuyện vui hồi lớp 6, tiết học bắt đầu dưới hình thức trải nghiệm từ trò chơi. Nội dung gồm 12 câu hỏi về tuổi dậy thì, sự phát triển cơ thể nam – nữ, cách chăm sóc vệ sinh cơ thể.
Từ đó, các em có kiến thức cơ bản như: Tuổi dậy thì bắt đầu từ 10, 11 tuổi – 15, 16 tuổi; Tuổi dậy thì là những biến đổi của sự trưởng thành và trở thành người lớn; Dấu hiệu đầu tiên bắt đầu tuổi dậy thì ở nam là mộng tinh, ở nữ là kinh nguyệt. Rụng trứng là sự phóng thích của một nang trứng đã chín từ buồng trứng xuống vòi trứng…
Xen giữa những câu hỏi, giáo viên đặt vấn đề để học sinh chia sẻ trải nghiệm về tuổi mới lớn. Những gương mặt đỏ ửng, những trận cười thoải mái, những ánh nhìn e thẹn… của học sinh bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc.
Có bạn nữ chia sẻ, trong những ngày có kinh nguyệt, em từng nằm im trên giường vì nghĩ nếu mất quá nhiều máu sẽ chết.
Một học sinh nam hào hứng trả lời cả câu hỏi dành cho bạn gái: “Con thưa cô, kinh nguyệt giống như thủy ngân”. Các thành viên trong lớp bỗng cười ầm lên.
Video đang HOT
Học sinh bày tỏ quan điểm về giới tính. Ảnh: Quyên Quyên.
Giờ học thẳng thắn
Đại diện trường Wellspring cho biết, lớp học giáo dục giới tính bắt đầu khi học sinh vào lớp 6, giúp các em hiểu được cơ thể chính mình, cũng như những biến đổi về tâm lý.
“Đây là giai đoạn các em bắt đầu bước vào tuổi dậy thì – đánh dấu bước quan trọng trong quá trình trưởng thành. Nếu không hiểu rõ cơ thể mình và cơ thể bạn, học sinh có tâm lý tò mò, dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn. Trong khi đó, các em chưa có nghề nghiệp và tương lai vững chắc, tâm lý chỉ muốn tìm hiểu mà không gắn kết”, cô Thùy nhận định.
Với cách dạy học vui vẻ, học sinh thoải mái bày tỏ suy nghĩ của mình. Cô Thùy lập ra một số nguyên tắc như: Chỉ bày tỏ trải nghiệm của bản thân; Không quan tâm câu chuyện của thành viên xung quanh; Những chia sẻ trong lớp sẽ được giữ bí mật; Không mang chuyện lớp học ra bàn tán hay làm trò đùa ngoài lớp học…
Việc học giáo dục giới tính để giúp các em có tuổi dậy thì an toàn và vui vẻ là quan điểm của cô giáo Thùy.
Theo Zing
Tuổi dậy thì tưởng chơi ngông là bản lĩnh
Bi kịch hóa cuộc đời, hiểu lầm cha mẹ, đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, nhầm lẫn chơi ngông là bản lĩnh... là những vấn đề tâm lý tuổi dậy thì thường gặp, TS Vũ Thu Hương nói.
Bi kịch hóa cuộc đời của mình
Bạn nào tuổi teen cũng thấy mình khổ hơn người khác. Các bạn luôn phóng to những điểm thiệt thòi của mình lên và thu nhỏ phần vất vả của người khác lại.
Đồng thời, các bạn luôn cảm thấy oan ức, bất công và nghĩ rằng cuộc đời này đối xử với mình tệ hơn rất nhiều những gì hy vọng.
Giới trẻ thường mắc vấn đề về tâm lý trong tuổi dậy thì. Ảnh minh họa.
Rất tiếc, thưa các bạn teen, các bạn đang hiểu nhầm nghiêm trọng. Ai cũng phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ và ai cũng phải chịu hoặc từng chịu bất công. Vì thế, đừng bi kịch hóa cuộc đời của mình, điều đó không giúp gì cho các bạn cả.
Ngoài ra, những lỗi lầm gây ra thường do chính bản thân mình, nên đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác.
Hiểu nhầm cha mẹ
Tuổi teen có tính ghen tỵ rất lớn. Các bạn luôn ngắm nghía và so bì với người khác để thấy cha mẹ thật tệ, không hiểu mình, cha mẹ chiều em/chị/anh mình hơn...
Nhiều bạn thấy như bị bỏ rơi, hay cha mẹ lạc hậu, kém cỏi, giỏi mắng mỏ nhưng hiểu biết ít.
TS Vũ Thu Hương.
Thực ra, điều đó không chính xác. Cha mẹ các bạn đều đã trải qua giai đoạn này nên nhìn xa hơn. Họ biết với tính cách như thế, cách học tập, lao động như thế..., thì hệ quả/hậu quả là gì. Vì thế, bố mẹ có nói nhiều một chút, trách móc một chút, ghê gớm một chút, cũng là vì thương, lo lắng cho các bạn.
Vì vậy, nếu chót nghịch dại cái gì, bạn nói với bố mẹ đi nhé, bị mắng một chút nhưng rồi bố mẹ sẽ lo lắng và giúp mình giải quyết. Đừng giấu diếm, không bị mắng nhưng hậu quả do mình tự ý giải quyết có khi lớn hơn nhiều lần. Bố mẹ luôn là người yêu thương các bạn số 1.
Làm một phép thử nhỏ, hãy tưởng tượng xem, nếu không có cha mẹ bên cạnh, các bạn sẽ ăn bằng gì, sống bằng gì trong thời gian một năm.
Hãy nhớ rằng, tiền các bạn đang tiêu, cơm các bạn đang ăn đều do cha mẹ làm ra cả.
Nếu các bạn tự lo được bữa ăn, tiền tiêu vặt của mình bằng sức lao động thật sự thì lúc đó hãy tin là mình đã tạm lớn. Còn nếu vẫn cần có sự trợ giúp của cha mẹ thì các bạn chưa lớn, dù đã bao nhiêu tuổi rồi.
Tưởng mình hiểu biết
Càng lớn, chúng tôi càng biết biển kiến thức là vô bờ; Càng học càng thấy mình dốt, mình kém. Đọc, viết, hiểu được một số bài không phải tận cùng của hiểu biết.
Ngoài ra, hiểu biết bao gồm: Kiến thức và tầm nhìn. Có thể một số môn học các bạn giỏi hơn bố mẹ (hiểu biết hơn), nhưng tầm nhìn thì vẫn hạn hẹp vô cùng.
Nếu các bạn tự xây dựng được cho mình tương lai một cách chi tiết và mạch lạc từ giờ đến năm 40 tuổi và thực hiện được nghiêm túc dù chỉ một phần nhỏ, lúc đó, các bạn sẽ có tầm nhìn tương đối ổn để gọi là hiểu biết. Còn nếu chưa thì hiểu biết của các bạn vẫn chưa đáng là bao nhiêu.
Đánh giá người khác qua vẻ ngoài
Điều này thật sự rất khó tránh khỏi, đặc biệt với các bạn tuổi teen. Hiện giờ trong lớp bạn rất nhiều hot boy, hot girl. Thật ra, chính các bạn cũng chẳng định nghĩa được thế nào, không biết họ thế nào và họ hơn gì chúng ta.
Việc thần tượng hóa ai đó thông qua vẻ bề ngoài của họ không những là hành động thể hiện tầm hiểu biết kém cỏi, mà còn có thể gây hại cho chúng ta.
Có nhiều bạn đã vì cái chữ hot đó mà đánh đổi rất nhiều thứ. Cũng có bạn hy sinh vì thần tượng một cách quá ngốc nghếch.
Thực ra, ai cũng có điểm mạnh, yếu. Các bạn thay vì thần tượng ai đó, hy sinh chiến đấu vì họ, hãy tự nghiêm túc kiểm điểm và đẩy mạnh bản thân lên. Chẳng có lý do gì để bạn không trở thành thần tượng trong mắt ai đó.
Coi trọng bạn bè
Bạn, những người đến với ta khi ta khó khăn, khóc khi ta buồn, giúp khi ta cần, chia sẻ với ta mọi thứ. Bè, đến với ta và nhờ vả khi ta mạnh, bỏ đi khi ta yếu, cười cợt nói xấu ta sau lưng.
Giữa một lớp học, một tập thể, may mắn lắm chúng ta chỉ có một số người bạn từ đó. Nhưng cha mẹ là những người bạn luôn tốt với ta. Tỷ lệ những người bạn tốt tên là cha mẹ cao đến 99%, còn tỷ lệ bạn tốt đến từ các tập thể và cùng lứa lại chỉ có từ vài đến mười mấy phần trăm thôi. Vì thế, hãy suy nghĩ kỹ trước khi coi trọng bạn bè hơn cha mẹ nhé.
Tưởng chơi ngông là bản lĩnh
Nhiều bạn thấy cảnh rú ga lao vút trên đường rất bản lĩnh. Nếu tầm nhìn hữu hạn thì mọi thứ đơn giản là vậy. Tuy nhiên, chỉ cần nghĩ xa hơn chút nữa, các bạn sẽ nhìn ra phía sau cảnh rú ga, lao ầm ầm đó là bệnh viện với máu me, xương cốt hoặc cảnh đám tang u buồn. Chơi ngông chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là bản lĩnh.
Vậy bản lĩnh là gì?
Khi bạn gặp khó khăn lớn, bạn vững vàng vượt qua một cách tài tình và xuất sắc, chính lúc đó, bản lĩnh của các bạn đã cao lên một bậc.
Người bản lĩnh không chùn bước trước bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Họ luôn thành công với mọi thứ chướng ngại. Họ chẳng bao giờ quan tâm mấy cái thể hiện vớ vẩn, lẳng lặng làm, lẳng lặng thành công. Bản lĩnh của họ là vậy.
Khi gặp những chuyện khủng khiếp, động trời, những người bản lĩnh cũng không nói nhiều nhưng tất cả đều hướng về phía họ chờ đợi. Tất cả đều chờ sự phân công của họ để giải quyết từng bước một cách hiệu quả.
Vì thế, đừng chơi ngông, thời gian để chúng ta tự trau dồi mình trở thành người bản lĩnh không nhiều đâu. Hãy nhớ rằng: Người đáng xem trọng nhất là người cần thiết cho mọi người, cho xã hội.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương/Đại học Sư Phạm Hà Nội
Teen dễ tự tử ở tuổi dậy thì vì bế tắc Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM có những chia sẻ về tâm lý tuổi dậy thì. Chỉ cần một lời phê bình của thầy cô cũng đủ để học sinh lớp 9 nhảy lầu tự tử. Chỉ vì buồn chán chuyện gia đình, trường lớp, 5 học sinh lớp 7 ở Hải Dương cột...