Những hệ thống âm thanh tiền tỷ tại AV Show Hà Nội 2013
Triển lãm âm thanh sắp diễn ra tại Hà Nội tập trung nhiều hệ thống audio “khủng” nhất trừ trước đến nay, như Tesseract, đôi loa Avalon đầu bảng giá 300.000 USD, cao gần 2 mét.
Avalon – Goldmund
Loa Tesseract giá tới 300.000 USD.
Tesseract chắc chắn sẽ là một trong những đôi loa tham chiếu thu hút được sự quan tâm lớn nhất tại Hà Nội AV Show 2013. Avalon Tesseract là một quá trình nghiên cứu dài hơi đúc kết từ những kinh nghiệm, nghiên cứu trong hơn 20 năm hoạt động của hãng. Loa có mức giá lên đến hơn 300.000 USD, cao 193cm, chiều ngang đạt 73cm sử dụng tổng cộng 7 driver trong một thiết kế thùng loa đa diện rất phức tạp.
Đúng như tên gọi của nó, “Tesseract”, một thuật ngữ dùng để chỉ vật thể có khối siêu phương lập 4 chiều, đôi loa đầu bảng của Avalon có thiết kế thùng loa đặc biệt được ghép từ nhiều mặt khác nhau. Đây là kết quả của những nghiên cứu về nhiễu xạ âm thanh nhằm triệt tiêu tối đa những sai biệt gây ảnh hưởng đến chất lượng trình diễn. Hệ thống loa con của Tesseract gồm gồm 4 subwoofer 381 mm, một midbass gốm 280 mm, một midrange gốm 114 mm và một tweeter kim cương 20 mm. Bộ loa khổng lồ này có độ nhạy khá cao 92,5 dB, trở kháng 5 ohm với dải tần cực rộng từ 16 Hz đến 50.000 Hz (12 – 72.000 Hz, 3 dB).
Avalon Tesseract sử dụng bộ lọc được nghiên cứu giúp tối ưu độ đồng pha tại phần giao cắt tần số giữa các loa con, đem lại độ suy giảm âm tối thiểu ở 2 đầu dải tần, trong đó, mỗi loa con sẽ có một bộ lọc khác nhau. Đối với vấn đề trễ pha ở tần số trầm, Avalon giải quyết bằng cách sử dụng thiết kế thùng loa có đường dẫn âm Tranmission Line với một driver bass ẩn bên trong.
Phần khuếch đại của Goldmund.
Việt Trung Audio sẽ trình diễn đôi Tessract đầu tiên trên thế giới với phần nguồn âm từ hệ thống cơ/giải mã của Metronome, phần khuếch đại dùng thiết bị của Goldmund và dây dẫn do Zensati Cable đảm trách. Bộ cơ Metronome Kalista nổi tiếng với thiết kế chống rung theo cơ chế kiềng ba chân cho chất âm kết hợp giữa trình diễn chính xác và âm thanh nhạc tính. Hệ thống khuếch đại Goldmund gồm chiếc preamp tham chiếu Mimesis 22H nổi tiếng với khả năng tái tạo âm tinh tế đặc biệt với độ nhiễu cực thấp phối hợp cùng poweramp Telos 1000, sở hữu phần power supply có trở kháng thấp giúp kiểm soát tốt loa, đặc biệt là dải trầm.
Để kết nối các thiết bị tham chiếu, bộ dàn sử dụng dây dẫn dòng Seraphim đầu bảng của Zensati với ưu điểm tốc độ truyền dẫn cực nhanh, âm thanh đạt mức trung thực tối đa. Bên cạnh đó, hệ thống còn được trang bị dây digital và tín hiệu Zensati Seraphim Special, đây là thiết kế dây dẫn được sản xuất rất giới hạn theo đơn hàng đặt trước. Seraphim Special mang đầy đủ những đặc tính âm thanh của Searphim được tăng cường về mặt chống nhiễu mang lại những màn trình diễn thoát, nền âm tĩnh và sân khấu mở rộng tối đa.
Dynaudio – Burmester Audio
Loa Consequence Ultimate Edition.
Video đang HOT
Lần đầu tiên, những fan của Dynaudio được trải nghiệm sự kết hợp giữa thiết kế loa Consequence Ultimate Edition (UE) và những thiết bị nguồn âm cũng như khuếch đại đến từ thương hiệu Burmester Audio. Dynaudio Consequence UEgây ấn tượng bởi cách sắp xếp loa đặc biệt gồm có tất cả 5 loa nhưng lại được bố trí ở vị trước ngược hoàn toàn từ trên xuống dưới gồm: loa woofer 300 mm, mid woofer 170 mm, mid 52 mm, treble 28 mm và super treble 21 mm. Chính cách bố trí này giúp toàn bộ các loa con tạo được sự đồng pha mà theo Dynaudio là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo nên một âm hình chuẩn và rộng.
Điểm đặc biệt của Consequence UE là thiết kế loa woofer thứ 6 được bố trí ẩn ở khối loa phía sau. Thiết kế hai loa woofer này được gọi là Compound System (Hệ thống loa bass phức hợp), đây cũng chính là một trong những kỹ thuật đặc biệt tạo nên huyền thoại Consquence. Nguyên tắc hoạt động của Compoud System là sử dụng hai loa woofer có pha ngược nhau, bố trí ở 2 khối loa riêng thông với nhau bằng một ống thoát hơi, chính sự phối hợp này đã giúp loa Consequence UE có thể đạt dải trầm xuống đến 17 Hz (phiên bản trước đạt 20 Hz) mà không cần dùng những loa có đường kính quá lớn có độ động kém.
Bộ Burmester.
Để kéo một đôi loa có ưu điểm trình diễn những sân khấu âm thanh có độ chính xác cao như Dynaudio Consequence UE đòi hỏi các đối tác xứng tầm. Hoàng Hải Audio đã chọn các thiết bị nguồn âm và khuếch đại của Burmester, trong đó nổi bật nhất là bộ poweramp mono “khủng” 909 MK V. Burmester 909 MK V, có thiết kế ngoài chắc nịch như một chiếc tăng, các đường nét khỏe khoắn, phụ lớp chrôm sáng bóng với trọng lượng trên 80 kg. Mỗi khối mono cho công suất đầu ra lên đến 600W (4ohm), chạy 20 sò bán dẫn với biến thế siêu bự 3,5KV.
Không có sự tham gia của preamp huyền thoại 808, bộ dàn sử dụng preamp Burmester Audio Model 077. Nguồn âm của hệ thống cũng là một thiết kế của Burmester, đầu CD Player 069, đầu đọc này có thiết kế chassis làm từ nhôm khối, cơ chế quay đĩa sử dụng dây cua-roa giúp cách li và hạn chế tối đa những rung động ảnh hưởng lên bộ cơ từ chassis máy. Burmester 069 có bộ nguồn power supply được tách độ lập, tín hiệu từ CD sẽ được upsampling lên 96 hoặc 192 kHz trước khi được vào giải mã D/A. Toàn bộ dây dẫn kết nối hệ thống từ dây nguồn, tín hiệu và dây loa đều sử dụng dòng cáp đầu bảng đẳng cấp tham chiếu Nordost ODIN nhằm hạn chế tối đa nhiễu âm trong quá trình truyền dẫn, tối ưu về độ chi tiết, độ động.
Tidal – Audio Note Kondo
Loa Tidal được chế tác thủ công.
Tidal là thương hiệu loa mới đáng chú ý nhất tại Hà Nội AV Show năm nay được phân phối bởi HMT Audio. Có xuất sứ từ Đức, loa Tidal được chế tác thủ công đơn chiếc với những đường nét tinh xảo, sử dụng nguyên vật liệu thượng hạng với những triết lý âm thanh đề cao sự chính xác và trung thực. Tidal Audio nhanh chóng trở thành thương hiệu loa tham chiếu, không chỉ thành công tại châu Âu, Tidal còn đang rất mạnh ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong… Trong những năm gần đây, Tidal đã mở rộng sang thiết kế các thiết bị khuếch đại và cũng đạt được những thành quả nhất định.
Đôi loa Tidal Agoria sẽ được HMT Audio giới thiệu tại triển lãm năm nay. Loa có thiết kế dạng cột sở hữu tất cả 8 driver bao gồm 1 tweeter diamond 30mm, 2 loa mid công nghệ BCC (Black Coated Ceramic) có màn gốm đen được hãng nâng cấp cho phép màng di chuyển ổn định trên hành trình dài và 5 loa woofer 280mm cũng có màng làm từ chất liệu gốm đen. Nhằm tạo nên những âm trầm sâu, trung thực với hiệu ứng âm thanh của một sân khấu sống, Tidal sử dụng kết hợp giữa 2 woofer chủ động và 3 woofer thụ động, trong đó có một driver bố trí ở mặt sau.
Tidal còn được biết đến như một trong những nhà sản xuất loa có bộ crossover xa xỉ nhất. Bộ phân tần sử dụng linh kiện có độ chính xác cực cao và hạn chế tối đa việc tích tụ năng lượng gây chậm tiếng, bí tiếng. Bên trong bộ crossover của loa Tidal, bạn có thể tìm thấy những linh kiện quý và đắt tiền như tụ cấu tạo bằng vàng/bạc/dầu, tụ lọc/cuộn cảm CAST và trở siêu đắt của Duelund …
Tidal Agoria là thiết kế loa đầu tiên của hãng sử dụng vật liệu làm thùng hoàn toàn mới có tên Tiralit. Tiralit là một vật liệu có những tính chất vật lý đối lập nhau là độ cứng rất cao nhưng vẫn có khả năng hấp thu cộng hưởng. Agoria còn cho phép hiệu chỉnh dải cao và dải trầm giúp loa có thể hoà hợp gần như với mọi điều kiện phòng nghe.
Poweramp Gakuon II công suất 50W Class A.
Hệ thống phối ghép với Tidal Agoria gồm preamp AudioNote Kondo M1000 II và poweramp Gakuon II. Poweramp Monoblock Gakuon II có triết lý âm thanh phát triển từ huyền Ongaku, ampli cho công suất 50W Class A, chạy mạch parallel single-ended dùng 2 bóng 211 và tất nhiên không thể thiếu dây dẫn bạc bên trong, tụ bạc và xuất âm dùng dây bạc được quấn bằng tay. Bộ dàn sẽ sử dụng nguồn âm analog hoàn toàn với bộ mâm tham chiếu Acoustic Signature Ascona.
Focal – Boulder
Đôi loa Focal Stella Utopia EM.
Focal – Boulder là một phối ghép khá quen thuộc và được xem là một cặp bài trùng có khả năng trình diễn rất khớp với nhau. Sơn Hà Audio, một trong những nhà bán lẻ thiết bị nghe nhìn lớn nhất tại TP HCM sẽ có cuộc Bắc tiến với hệ thống tầm tham chiếu phối ghép giữa đôi loa nhì bảng Focal Stella Utopia EM và bộ khuếch đại/nguồn âm Boulder 2000 Series.
Nằm trong dòng sản phẩm đầu bảng Utopia III, mẫu loa Stella Utopia EM thừa hưởng gần như trọn vẹn về mặt thiết kế lẫn công nghệ của Grand Utopia EM. Đầu tiên là thiết kế thùng loa, mẫu loa 3 đường tiếng Stella có thiết kế với các mặt loa con hướng theo hình vòng cung giúp tạo nên một trường âm đồng pha với hướng âm phát đi từ cùng một tâm và tập trung vào điểm ngọt. Bộ bốn loa con đều được bố trí riêng biệt ở từng module khác nhau giúp tránh nhiễu âm, phần đế dày phía dưới chân loa đóng vai trò như một platform hấp thu và triệt tiêu các rung nội và ngoại chấn.
Focal Stella Utopia EM có dải tần từ 22 đến 40.000 Hz, hoạt động ở trở kháng 8 ohm với độ nhạy 94 dB, loa sở hữu tweeter màng berrylium lõm 27 mm, cặp loa mid 165 mm và loa woofer 330 mm. Ngoài thiết kế thùng loa, đặc điểm kỹ thuật nổi bật của Focal Stella chính là driver woofer sử dụng nam châm điện thay cho nam châm từ thông thường, giúp gia tăng độ động cũng như khả năng kiểm soát màng loa. Bên cạnh đó, ở mặt sau của Stella, người dùng còn có thể tùy chỉnh, gia giảm các dải tần để tối ưu hóa khả năng trình diễn với từng điều kiện phòng nghe khác nhau.
Boulder 2050 mono block.
Cặp đôi Boulder 2050 mono block và preamp 2010 sẽ là đối tác rất xứng tầm với Focal Stella Utopia EM. Poweramp Boulder 2050 chạy mạch Class A công suất đạt 1000 Watt/80hm, nặng hơn 1 tạ. Để đảm bảo một nguồn cung năng lượng đầu ra ổn định, ampli này sử dụng 80 sò bán dẫn kết hợp, hệ thống 48 tụ lọc với thiết kế mạch máy hoạt động ở dòng rất cao trên 30A. Preamp Boulder 2010 nổi tiếng với ưu điểm sạch nhiễu, trình diễn âm thanh rất tĩnh nhờ cấu trúc power supply độc lập cho từng kênh và bo điều khiển, ngoài ra, các module này cũng được ngăn trong các khối chassis riêng. Ngoài ra, chiết áp với volume của Boulder cũng được xem là có độ chính xác hàng đầu thế giới.
Rockport – Constellation Audio
Rockport Altair II nặng nửa tấn.
Sau khi cùng bộ khuếch đại VTL, nguồn phát dCS lập kỷ lục hệ thống đắt nhất triển lãm Hà Nội AV Show 2012, năm nay, đôi loa đầu bảng Rockport Arrakis II sẽ nhường sân khấu cho người em Altair II. Tuy không cao to như Arrakis II nhưng đôi loa Altair II có tổng trọng lượng rất nặng gần nửa tấn/cặp với thiết kế với nhiều đường cong, mặt loa hẹp nhưng “phình” hậu với chiều sâu lên đến 875 mm (tính luôn phần đế loa). Altair II hoạt động ở trở kháng 4 ohm với dải tần từ 20 – 30.000 Hz, độ nhạy 91 dB, yêu cầu ampli phối ghép có công suất thấp nhất 50W.
Rockport Altair II có tất cả 4 loa con bao gồm tweeter berrylium 25mm, mid 130mm, mid/bass 200mm và woofer 375mm. Toàn bộ các driver này đều được Rockport đặt hàng riêng tại nhà sản xuất Đan Mạch Audiotechnology. Riêng đối với các driver mid, mid/bass và woofer, Rockport còn can thiệp sâu hơn trong việc chế tạo màng carbon composite, chỉ sử dụng phần chassis và nam châm của nhà cung cấp. Thiết kế driver cũng là chìa khóa giúp loa Rockport luôn có những màn trình diễn đạt độ động cao nhưng vẫn giữ được sự hòa hợp chính xác của hài âm, giúp âm thanh luôn tự nhiên.
Thương hiệu ultra hi-end Constellation Audio cũng vừa chính thức có mặt tại Việt Nam trong vòng vài tháng nay, được nhập khẩu bởi Hificlub. Định vị ở phân khúc ultra- hiend sản phẩm của Constellation khá kén khách hàng do có tầm giá vài chục nghìn USD trở lên. Constellation Audio sở hữu cả một nhóm các nhà thiết kế huyền thoại trong làng audio. Chính nhóm kỹ sư hùng hậu này đã giúp Constellation Audio nhanh chóng bước lên hàng top của những thương hiện khuếch đại hi-end.
Preamp Altair II.
Năm nay, cặp đôi đầu bảng của Constellation Audio là preamp Altair II và poweramp mono với mức giá gần 5 tỷ đồng sẽ trình diễn. Preamp Altair II có vỏ làm từ nhôm khối trang bị power supply rời với 3 biến thế riêng biệt cấp nguồn cho 2 kênh và phần điều khiển. Máy sử dụng mạch balance dạng gương tức hai mạch giống nhau hoàn toàn (không phải dạng cân bằng vi sai đối xứng) hoạt động ở mức băng thông “khủng” trên 200 kHz. Để giảm rung tối đa, các mạch khuếch đại bên trong đều được treo trên một đế dạng sandwich ghép giữa 2 tấm thép và lớp composite ở giữa.
So với thế hệ đầu tiên có dạng đứng, Poweramp mono Hercules II có thiết kế thân thiện hơn, toàn bộ chassis vẫn được gia công từ nhôm khối với trọng lượng đúng 100kg/khối mono. Về mặt công nghệ, Constellation Hercules II sở hữu phần nguồn với 2 biến thế đôi 3000W được treo chống rung và bọc chống nhiễu điện từ. Mạch khuếch đại của máy chỉ sử dụng một loại bán dẫn N (thay vì sử dụng cặp N-P), ghép từ nhiều module khuếch đại mạch single-ended công suất 125W tạo nên một mạch công suất tổng đạt 1000W 8ohm nhưng vẫn mang được đặc tính âm thanh có chiều sâu, tự nhiên và truyền cảm. Hệ thống Rockport – Constellation Audio còn có sự góp mặt của bộ cơ/giải mã dCS Vivaldi đầu bảng.
Triển lãm Thiết bị Nghe nhìn Hà Nội 2013 sẽ diễn ra từ ngày 7/12 tới hết ngày 9/12 tại khách sạn Daewoo.
Theo VNE
Café Hiend - Mốt" mới của người Sài thành
Với Hà Nội, café hiend có vẻ lạ lẫm, nhưng ở Sài Gòn, café hiend đang trở thành "mốt" mới của giới trẻ. Không chỉ hấp dẫn bởi sự mới lạ, café hiend mang lại cho khách một thứ âm thanh sâu lắng, trong trẻo.
Từ Café Hiend Mộc (34 Hồ Biểu Chánh), Café Hiend - 217 Nguyễn Văn Thủ (quận 1), đến Café Hiend - Hồ Xuân Hương (13 Hồ Xuân Hương, quận 3), Café Hiend - 126 Sương Nguyệt Anh (quận 1)..., tất cả đều là không gian khác của đất Sài thành ồn ào, náo nhiệt.
Không giống như những quán café chơi nhạc sống, café hiend dành cho những người thích một không gian ấm cúng để thưởng thức âm nhạc, tách mình ra khỏi những xô bồ của cuộc sống thường ngày. Chủ của những quán có sử dụng âm thanh hiend chắc hẳn là những người "chịu chơi", hiểu biết về âm nhạc, bởi hiend là loại âm thanh hiện đại, áp dụng công nghệ cao và đương nhiên là khá đắt. Có lẽ cũng bởi vậy mà café hiend ở Sài Gòn không nhiều, nhưng cũng đủ cho những ai thích khám phá.
Không gian đầu tiên mà tôi đặt chân đến là Café Hiend Mộc ở 34 Hồ Biểu Chánh, quận Phú Nhuận. Quán không rộng, chỉ có diện tích mặt bằng khoảng 200m2, với 2 tầng. Quán không tối, cũng không sáng, nên ngồi trong quán khó có thể phân biệt ranh giới của ngày và đêm. Nhạc trong quán chủ yếu là những bản tình ca khá cổ xưa, với những âm thanh lắng đọng đến tuyệt vời. Tuy nhiên, Café Hiend Mộc không chỉ hấp dẫn bởi thứ âm thanh độc đáo kia, mà Mộc có sức hút từ cả cách bài trí lạ lẫm, với hàng trăm thứ đồ cổ xung quanh phòng, từ đèn dầu, xe máy, quạt, đến đồng hồ, máy nghe nhạc... khiến người ta có cảm giác như mình đang sống ở Sài Gòn của mấy chục năm trước.
Không chỉ Mộc, café Hiend ở Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Thủ, Sương Nguyệt Ánh... cũng độc đáo với không gian ấm cúng mang phong cách cổ điển. Đó là nơi mà khách có thể thưởng thức những bài ca bất hủ của Elvis Presley, ABBA..., được trò chuyện với bạn bè. Có một đặc điểm chung với hầu hết các quán café Hiend trên đất Sài thành chính là trong quán luôn có những góc riêng để người ta có thể xả stress sau những mệt mỏi, được lắng mình lại suy ngẫm. Chẳng thế mà các quán Hiend luôn được trang trí khá lãng mạn, trang nhã, với lối kiến trúc hơi cổ điển...
Theo Dantri