Những hạn chế sau 5 năm đổi mới giáo dục và đào tạo
Có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác bồi dưỡng giáo viên, tự chủ đại học và việc tổ chức thi cử vẫn gặp phải thách thức.
Tại hội thảo khoa học ngày 18/9, các nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội công bố kết quả nghiên cứu việc thực hiện Nghị quyết 29 ban hành năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết các nhóm nghiên cứu đã khảo sát hơn 2.500 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; phỏng vấn trên 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia của các cơ quan trung ương, cơ quan bộ, ngành; phỏng vấn gần 1.000 học sinh và sinh viên, 500 cha mẹ học sinh; đồng thời tập hợp cơ sở dữ liệu từ các bộ ngành và các cơ quan trong 5 năm để đánh giá chuyển biến của nền giáo dục dưới tác động của Nghị quyết 29.
Theo kết quả nghiên cứu ba đề tài về giáo dục phổ thông; đổi mới thi, kiểm tra và tự chủ đại học, nhiều ưu điểm được các nhóm nghiên cứu chỉ ra. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 vẫn còn nhiều hạn chế.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VNU
Công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông chưa theo kịp sự phát triển
Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài “Giáo dục phổ thông: tiệm cận dần theo chuẩn quốc tế”, PGS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm của Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết trong 5 năm qua, chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao rõ rệt với những chuyển dịch tích cực trong chính sách, xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực, phẩm chất và đang ngày càng tiến gần đến chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều tồn tại. Thứ nhất, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa theo kịp sự phát triển. Theo ông Thành, nội dung bồi dưỡng giáo viên hiện nay còn cứng nhắc, chưa đồng bộ, hạn chế trong việc tận dụng công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo giáo viên chậm đổi mới, khả năng dự báo nhu cầu chưa tốt. Bên cạnh đó, vị thế giáo viên, lương giáo viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ hai, một số bộ phận cán bộ quản lý chưa năng động và sáng tạo; còn phải làm nhiều nhiệm vụ hành chính, sự vụ ngoài chuyên môn. “Khả năng thích ứng và sức ì của một bộ phận giáo viên cũng cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh”, ông Thành nói.
Thứ ba, chương trình mới đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu, chương trình hiện hành còn chú trọng về nội dung kiến thức. Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ về chính sách cũng gây trở ngại.
Kiểm tra đánh giá, thi cử còn nhiều vấn đề
Trong 9 nhiệm vụ được đặt ra ở Nghị quyết 29, nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Theo GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, nhiệm vụ này đang dần được thể chế hóa ở tất cả các cấp học.
Ví dụ ở bậc tiểu học, trọng tâm đánh giá định lượng đã được chuyển sang định tính. Ở bậc trung học và đại học, đánh giá tổng kết dần dịch chuyển sang quá trình, bám sát chuẩn đầu ra. Còn với thi tốt nghiệp và đại học, hai kỳ thi độc lập đã được gộp vào làm một.
Video đang HOT
Ông Thanh cũng cho rằng kiểm tra đánh giá đang đi đúng triết lý vì sự phát triển năng lực của học sinh. Các đánh giá đang ngày càng trở nên toàn diện, điển hình như những chuyển biến tích cực trong kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, việc đổi mới thi và kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách; năng lực của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Đặc biệt, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia còn bộc lộ nhiều vấn đề.
Hiệu trưởng Đại học Giáo dục cho rằng cần tiếp tục duy trì mô hình thi THPT quốc gia để đảm bảo tính ổn định. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục vẫn cần thực hiện một số việc như hoàn thiện kỹ thuật; bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi.
“Ngân hàng câu hỏi lớn sẽ giúp việc bảo mật không cần nặng nề như hiện nay bởi kể cả khi công khai, hàng chục nghìn câu hỏi ở các mức độ khác nhau cũng sẽ khiến học sinh phải có năng lực mới xử lý hết. Và khi công khai câu hỏi, dạng thức đề thi, học sinh có thể tự đánh giá, sau đó sẽ thi cử thoải mái hơn”, ông Thanh nói.
GS Nguyễn Quý Thanh. Ảnh: VNU
Nhiều thách thức với tự chủ đại học
TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng khi thực hiện Nghị quyết 29, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của các trường, được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra.
Tự chủ đại học góp phần giúp Việt Nam có hai trường nằm trong top 1000 thế giới theo xếp hạng QS World, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư ở các đại học (đặc biệt các trường đã tự chủ trên 2 năm) tăng rõ rệt, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 27%, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế được chú trọng.
Ngược lại, nhóm nghiên cứu của ông Huy cũng chỉ ra 5 rào cản, thách thức với tự chủ đại học, trong đó có cơ chế chính sách thực hiện tự chủ thiếu và chưa đồng bộ; các nhân tố liên quan trong triển khai tự chủ đại học chưa sẵn sàng; vai trò của cơ quan chủ quản, ban giám hiệu và hội đồng trường chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, sự thiếu năng lực và sẵn sàng tiếp nhận quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục; cơ chế tài chính chưa chuyển đổi kịp thời so với yêu cầu thực tiễn cũng là rào cản với vấn đề tự chủ đại học.
Dương Tâm
Theo Vnexpress
Sau lùm xùm gian lận thi cử 2018, hướng thi THPT quốc gia 2019 sẽ thế nào?
Sáng 17/9, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được duy trì đến hết năm 2020, tất nhiên kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật.
Duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến 2020
Theo ông Mai Văn Trinh, các đại biểu tham dự cuộc họp sáng 17/9 đồng tình cao một số đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trước hết, các địa phương đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị có trách nhiệm cao để tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất có thể. Công tác phối hợp nhìn chung thuận lợi, hiệu quả hơn các năm trước đây. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đổi mới thi và tuyển sinh.
Những kết quả đạt được của kỳ thi là quan trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương.
Các đại biểu dự họp đồng tình với cách xử lý quyết liệt của Bộ, đúng người, đúng việc, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh và bảo vệ danh dự cho đông đảo đội ngũ nhà giáo. Đồng thời đây là dịp để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức Kỳ thi THPTQG những năm tới.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được duy trì đến năm 2020. (Ảnh: Mỹ Hà).
Tuy nhiên, để kì thi được an toàn hơn, ông Trinh cho biết, qua thảo luận nghiêm túc, đồng thời nhìn lại 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia bám sát yêu cầu Nghị quyết 29, các đại biểu dự họp thống nhất: Kỳ thi THPTQG được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học, kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Vì vậy, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, tất nhiên là kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn. Cụ thể, có đề xuất một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020 như sau:
Thứ nhất, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện Quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn; xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia Kỳ thi; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong Kỳ thi.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của Kỳ thi THPTQG.
Thứ ba, cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực.
Kỳ thi sẽ được điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn. (Ảnh: Mỹ Hà).
Thứ tư, cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của Kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm).
Thứ năm, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của Kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát;
Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng thi.
"Với các giải pháp đồng bộ như vậy, chúng tôi sẽ cụ thể hóa trong quy chế và trong hướng dẫn để làm sao việc triển khai thuận lợi và nhuần nhuyễn trong những năm tới" - ông Trinh nhấn mạnh.
Điều chỉnh kĩ thuật với người tổ chức thi
Trả lời câu hỏi, việc chấm chéo giữa các địa phương không mới và đã từng xảy ra câu chuyện 11 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long bắt tay nhau trong điều chỉnh kết quả chấm thi. Có ý kiến cho rằng, có lẽ nên để Bộ GD&ĐT tổ chức chấm thi tập trung ngay tại Bộ GD&ĐT.
Ông Mai Văn Trinh cho biết: "Những năm trước đây chúng ta đã tổ chức chấm chéo, nhưng bối cảnh tổ chức kỳ thi của những năm trước khác giờ nhiều. Nay chúng ta có thuận lợi về công nghệ.
Với những giải pháp công nghệ, đặc biệt là CNTT và các giải pháp kèm theo nữa, thì giả sử vẫn là chấm chéo nhưng có thể cách thức tổ chức cụ thể sẽ khác. Chúng tôi sẽ cân nhắc một cách thận trọng.
Và chắc chắn những bài học kinh nghiệm, những gì diễn ra trong quá khứ sẽ được cân nhắc cụ thể để làm sao kế thừa, chắt lọc những tinh hoa, thuận lợi, nhưng phải áp dụng cụ thể với điều kiện hiện nay.
Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Nên các em yên tâm học tập. (Ảnh: Mỹ Hà).
Đặc biệt là tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm việc chấm thi khách quan. Làm sao người ta muốn gian lận cũng không gian lận được, hoặc nếu giả sử gian lận thì chắc chắn sẽ được phát hiện".
Về thời gian "chốt" phương án tổ chức coi thi, chấm thi cuối cùng cho kỳ thi năm sau, ông Trinh cho hay, cuộc họp sáng nay đã bàn kỹ vấn đề này. "Chúng tôi có lời nhắn đến các học sinh lớp 12 năm nay: Các thay đổi, điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những năm tới đây đều hướng tới bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, hướng tới thuận lợi cho thí sinh.
Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Nên các em yên tâm học tập", ông Trinh nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng: "Chúng tôi sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn trong thời gian sớm nhất. Thời gian thi cố gắng giữ ổn định để các Sở GD&ĐT chủ động trong kế hoạch năm học. Bộ đề nghị các Sở GD&ĐT chủ động triển khai kế hoạch năm học theo hướng dẫn để bảo đảm, thi không phải là mục tiêu cuối cùng mà quan trọng hơn là tổ chức giảng dạy để học sinh có kiến thức, kĩ năng tốt nhất bước vào kỳ thi này cũng như có thể sẵn sàng bước vào cuộc sống".
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Dạy học phát triển năng lực: Người thầy phải chủ động, sáng tạo Dạy học phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học đòi hỏi ở mỗi người thầy, cán bộ quản lý giáo dục những năng lực nhất định. Chính vì vậy, việc chuẩn bị kĩ càng đội ngũ, đổi mới đồng bộ khâu kiểm tra đánh giá cần được các nhà trường quan tâm chú trọng. GV cần chủ động sáng...