Những giải pháp tình thế bù lấp giáo viên tại Lai Châu
Tăng cường dạy học trực tuyến, cử người kiêm nhiệm và ưu tiên tuyển dụng là những giải pháp mà ngành GD-ĐT Lai Châu tập trung ‘gỡ khó’.
Lai Châu còn thiếu hơn 1.300 giáo viên.
Thiếu và thiếu
Năm học 2022 – 2023, ngành GD-ĐT tỉnh Lai Châu thiếu 717 giáo viên (mầm non 216, tiểu học 150, THCS 316, THPT 35). So với định mức, toàn tỉnh thiếu 1.308 biên chế, chủ yếu là giáo viên mầm non và THCS. Thực hiện dạy bắt buộc Tiếng Anh và Tin học đối với lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn thiếu hơn 160 giáo viên của 2 môn học trên.
Trường Tiểu học và THCS Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ vừa được trang cấp phòng học bộ môn Tin học với 21 máy tính bàn. Mặc dù đã hoàn tất khâu lắp đặt, kết nối hệ thống mạng nhưng nhà trường vẫn chưa được bố trí giáo viên dạy bộ môn này.
Với môn Tiếng Anh, thầy Bùi Ngọc Hồng – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Sau khi sáp nhập (vào đầu tháng 8/2022), trường có 488 học sinh ở 18 lớp nhưng mới có 1 giáo viên Tiếng Anh. Hiện, trường tổ chức dạy cho lớp 3 và khối THCS với thời lượng 25 tiết/tuần. Nhà trường thường xuyên động viên nhà giáo và chi trả chế độ tăng giờ đầy đủ”.
Điểm trường Pa Thắng, xã Thu Lũm trước khi sáp nhập về trung tâm.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ, năm học 2022 – 2023, toàn ngành có 63 trường với 979 lớp, nhóm lớp với trên 25 nghìn học sinh. Tính đến hết 31/5, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học là 1.787 người.
Ông Phạm Văn Phôi – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ – cho hay: Cả 2 cấp tiểu học và THCS có 41 giáo viên Tiếng Anh và 14 người dạy Tin học. Thực hiện chủ trương đưa môn Tiếng Anh và Tin học vào dạy học bắt buộc theo Chương trình GDPT mới, toàn ngành đang thiếu 28 giáo viên (16 Tiếng Anh và 12 Tin học.
Còn tại huyện Tân Uyên, năm học này toàn ngành còn thiếu 118 biên chế. Cụ thể, cấp THCS thiếu 45 giáo viên (chủ yếu ở 2 bộ môn Tin học, Ngoại ngữ), mầm non thiếu 40 và tiểu học thiếu 24.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên, ngành được giao 1.369 biên chế, nhưng qua rà soát, số giáo viên hiện có là 1.251 người. Toàn huyện thiếu 45 giáo viên ở 11 trường THCS, nếu tính trung bình, mỗi trường thiếu hơn 4 người. Với môn Tin học, toàn huyện có 7 giáo viên thực hiện giảng dạy tại 11 trường. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi thầy cô phải dạy từ 2 – 3 trường mới đảm bảo việc học của HS.
Nơi thiếu ít giúp nơi thiếu nhiều
Trước thực trạng thiếu giáo viên, ngành GD-ĐT Lai Châu đã áp dụng một số giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ. Một trong những giải pháp căn cơ và lâu dài là ưu tiên tuyển dụng giáo viên.
Video đang HOT
Theo ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, căn cứ vào chỉ tiêu, số lượng biên chế được giao, ngành đẩy mạnh tuyển dụng giáo viên còn thiếu theo phân cấp. Ưu tiên tuyển dụng giáo viên những môn học mới, đặc biệt là Tiếng Anh, Tin học. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp để thu hút nguồn tuyển như: Thông báo, tuyên truyền trên hệ thống thông tin truyền thông, phối hợp với các trường đại học sư phạm để đảm bảo nguồn tuyển.
Thiếu biên chế, giáo viên phải dạy kiêm nhiệm.
Để chuẩn bị đội ngũ cho năm học, Sở GD&ĐT Lai Châu và 7 huyện, thành phố đang thực hiện tuyển dụng 395 chỉ tiêu viên chức. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên, chính sách thu hút giáo viên đối với huyện còn nhiều điều “đáng bàn”, nhất là giáo viên dạy 2 môn Tiếng Anh, Tin học.
Minh chứng là trong 8 năm qua, Tân Uyên chưa tuyển dụng được giáo viên dạy môn Tiếng Anh nào. Trong khi đó, có 14 người dạy môn này xin chuyển công tác về các tỉnh miền xuôi hoặc chuyển ngành. Cùng với đó, sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, trình độ chuyên môn của giáo viên các cấp được nâng chuẩn. Đây là yêu cầu có phần “quá sức” so với điều kiện thực tế về đội ngũ ở địa phương.
Trước khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, ngành GD-ĐT huyện Tân Uyên đã đưa ra giải pháp được cho là “tình thế” để gỡ khó. “Ngành đã yêu cầu trường có giáo viên, vừa kết hợp dạy trực tiếp tại lớp được phân công và dạy trực tuyến rồi phát tín hiệu đi cho những trường chưa có giáo viên phụ trách. Cùng với đó, tổ chức cho giáo viên dạy kiêm nhiệm” – ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng thừa nhận, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời bởi trang thiết bị cần phải nâng cấp đồng bộ mới đáp ứng cho công tác giảng dạy trực tuyến. Thêm vào đó, việc quản lý lớp, kiểm tra chất lượng học tập của học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn. Chế độ thanh toán cho giáo viên đứng lớp và đảm bảo quyền lợi cho các đội ngũ cũng cần chú trọng.
Thầy Hà Đình Chính, giáo viên Trường Tiểu học Nậm Sỏ (Tân Uyên) nhà ở thị trấn Tân Uyên, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tại xã Nậm Sỏ, hàng ngày di chuyển hơn 40km mới vào đến trường. Do thiếu giáo viên, năm học 2022 – 2023, ngoài giảng dạy tại 2 trường là Tiểu học Nậm Sỏ và Thân Thuộc, thầy được giao kiêm nhiệm thêm Trường Tiểu học và THCS Tà Mít – một trong những điểm trường xa nhất huyện. Việc đi lại càng khó khăn hơn.
Tại huyện Sìn Hồ, ông Phạm Văn Phôi chia sẻ giải pháp: Phòng chủ động tham mưu cho UBND huyện quyết định điều động giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu và từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho giáo viên Tiếng Anh và Tin học của cấp THCS dạy kiêm nhiệm cấp tiểu học.
“Chúng tôi khuyến khích tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các cơ sở giáo dục đảm bảo điều kiện. Đồng thời, bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường. Tiếp tục thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ đối với những nơi có đủ điều kiện. Cùng với đó, căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, đơn vị đối với những vị trí chưa tuyển dụng được sẽ thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ” – ông Lò Việt Tuyển nói.
Tinh giản biên chế giải bài toán thừa thiếu GV, có dễ để cho nghỉ hưu sớm?
Các trường học hiện nay đang xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên, môn học này có thể thiếu, môn học khác lại đang dư thừa nên không thể tuyển mới.
Trước khi bước vào năm học 2022-2023, nhiều địa phương lên tiếng về tình trạng thiếu giáo viên, một số môn học không có giáo viên để tuyển dụng khi ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Thực ra, các trường học hiện nay đang xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Môn học này có thể thiếu, môn học khác lại đang dư thừa vì số tiết của các môn học hiện nay đang rất khác nhau.
Vì thế, nếu so với định mức biên chế theo hướng dẫn hiện hành có thể trường đã đủ giáo viên, thậm chí thừa giáo viên nhưng có những môn học lại đang thiếu. Trong khi, theo quy định thì không thể tuyển thêm giáo viên mới hoặc phải chuyển những giáo viên môn thừa đi trường khác mới có thể tuyển giáo viên môn thiếu.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương?
Nếu đi tìm nguyên nhân thiếu giáo viên cục bộ thì có rất nhiều, nhất là ở cấp mầm non, tiểu học và một số môn học mới ở cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, các trường công lập, các địa phương rất khó tuyển mới vì họ chưa thể tự chủ nhân sự được. Vì thế, chúng tôi cho rằng việc thiếu giáo viên hiện nay bắt đầu từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: việc tuyển dụng viên chức cho ngành giáo dục hiện nay đang được thực hiện theo việc giao số lượng biên chế của cấp trên. Vì thế, dù thiếu hay thừa thì hiệu trưởng các nhà trường công lập không thể quyết định được khâu nhân sự.
Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng đối với năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thực hiện quyết định này, ngày 02/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 3585/BGDĐT-NGCBQLGD đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023.
Nếu chúng ta chỉ nhìn con số tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023 và đem so sánh với các ngành nghề khác rõ ràng thấy số lượng tuyển dụng viên chức ngành giáo dục nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu lấy con số 27.850 chia đều bình quân cho 63 tỉnh, thành thì mỗi địa phương chỉ có khoảng trên 400 chỉ tiêu mà thôi.
Đặc biệt, theo số liệu thống kê năm học 2019-2020 được công bố trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cả nước có 38.041 trường công lập từ cấp Mầm non đến Trung học phổ thông (hiện nay con số này có thể thay đổi cao hơn hoặc thấp hơn một chút).
Cụ thể: trường Mầm non công lập có 12.104 trường; trường Tiểu học công lập có 12.827; trường Trung học cơ sở công lập có 10.715 trường; trường Trung học phổ thông công lập có 2.395 trường.
Ngoài ra còn có rất nhiều trường Trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên ở tất cả các tỉnh, thành và huyện, thị.
Nếu lấy con số được giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập mà đem chia cho 38.041 trường công lập thì bình quân mỗi trường có 0,73 chỉ tiêu biên chế mà thôi.
Chính vì thế, dù nhiều trường học công lập hiện nay thiếu giáo viên nhưng rất khó tuyển dụng vì không được tự chủ về nhân sự.
Thứ hai: thực hiện hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập từ Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên các địa phương phải bố trí giáo viên theo định mức quy định.
Đối với những trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 giáo viên trên một lớp; trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp.
Ở cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,90 giáo viên trên một lớp; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,20 giáo viên trên một lớp.
Đối với trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên trên một lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,40 giáo viên trên một lớp; Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,10 giáo viên trên một lớp.
Hướng dẫn, quy định như thế nên các địa phương hiện nay khi giao biên chế cho các trường học phải căn cứ vào số lớp để giao số lượng giáo viên chứ không thể nào làm khác được. Chính vì thế, các trường học hiện nay - nhất là cấp trung học cơ sở đang phân công nhiều giáo viên dạy trái chuyên ngành đào tạo.
Giải bài toán giáo viên lúc này nan giải vô cùng
Không chỉ là năm học 2022-2023 tới đây xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều trường, nhiều địa phương mà những năm tới vẫn sẽ còn tình trạng này bởi giai đoạn từ 2022-2026 toàn ngành được giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên nhưng năm học 2022-2023 đã tuyển 27.850 chỉ tiêu.
Như vậy, 3 năm còn lại chỉ còn 38.130 chỉ tiêu tuyển mới mà thôi.
Bây giờ chỉ còn một cách duy nhất để giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương mà không tăng thêm biên chế là tinh giản biên chế đối với những giáo viên dạy các môn học đang thừa. Nhưng, tinh giản bằng cách nào đây?
Cho những thầy cô giáo cận tuổi hưu về hưu sớm (hiện nay có rất nhiều giáo viên có nguyện vọng) nhưng lại liên quan đến việc giải quyết chế độ của nhà giáo theo quy định hiện hành nên nhiều nơi chưa bố trí được kinh phí để giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của giáo viên.
Giải quyết theo hướng tinh giản giáo viên 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì lại càng khó vì gần như giáo viên nào cũng "hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên, giáo viên "hoàn thành nhiệm vụ" đã hiếm thì nói gì đến chuyện giáo viên "không hoàn thành nhiệm vụ" 2 năm liên tục?
Giải quyết theo hướng điều chuyển giáo viên những môn thừa từ trường này sang trường khác dạy thì giáo viên không đồng ý và đơn, thư gửi vượt cấp liên tục xảy ra vì ai cũng muốn ở lại.
Trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học mới và bắt buộc phải tuyển mới, đó là: giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ ở cấp Tiểu học; giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp Trung học phổ thông.
Ngoài ra, chương trình mới còn thiết kế môn Tiếng Anh dạy tự chọn ở lớp 1, lớp 2 và dạy 2 buổi ở tiểu học nên cũng phải tuyển thêm giáo viên mới đáp ứng được nhu cầu công việc.
Chính vì thế, giải bài toán nhân lực ngành giáo dục khi thực hiện chương trình 2018 là một điều không dễ dàng, nó liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều giáo viên.
Tinh giản giáo viên các môn thừa thì khó vì không có lý do gì để tinh giản họ - trừ trường hợp giáo viên làm đơn xin thôi việc nhưng nhiều môn học bắt buộc phải tuyển mới chứ giáo viên các môn học khác không thể nào cáng đáng được như môn Tin học, Tiếng Anh (cấp tiểu học) và Âm nhạc, Mĩ thuật (cấp Trung học phổ thông).
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
TP.HCM: Tập trung giải quyết vấn đề thu nhập và thiếu giáo viên Ngày 17/9, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) cho biết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có kết luận sau hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị ngành Giáo dục đào tạo Thành phố cần...