Những giấc mơ vượt núi
Cuối tuần Thảo lại vượt hơn 35 km đường để về nhà phụ giúp gia đình. Bạn bè khuyên Thảo nên ở lại trường nghỉ ngơi cho lại sức, sau một tuần học tập căng thẳng. Nhưng em nào nghe. Bởi hơn ai hết, Thảo hiểu, để được đến trường, lên lớp, bản thân phải giúp đỡ bố mẹ thật nhiều.
Lớp học 11A1 của Vi Thị Thùy Trang.
Bản Tai Giác, xã Phú Sơn (Quan Hóa) một buổi sáng cuối tháng 4 đầy sương. Bên trong căn nhà sàn nhỏ, chẳng có lấy nổi một đồ dùng giá trị, em Lương Thị Thảo, 17 tuổi cùng gia đình đã thức dậy và chào đón ngày mới bằng mấy gói mì tôm. Phích nước được đun từ ngày hôm trước, chẳng đủ nóng để sợi mì có thể chín. Ấy vậy mà ngon! Cuộc sống ở trong bản, không phải nhịn đói đã là may mắn rồi. Vừa ăn, Thảo vừa nghĩ tới công việc trong 2 ngày cuối tuần của mình: Lên rừng kiếm củi, trông em, dọn dẹp nhà cửa, chăn trâu, bò… Đã thành thói quen, dù đã xuống thị trấn Quan Hóa đi học, nhưng cuối tuần Thảo lại vượt hơn 35 km đường để về nhà phụ giúp gia đình. Bạn bè khuyên Thảo nên ở lại trường nghỉ ngơi cho lại sức, sau một tuần học tập căng thẳng. Nhưng em nào nghe. Bởi hơn ai hết, Thảo hiểu, để được đến trường, lên lớp, bản thân phải giúp đỡ bố mẹ thật nhiều.
Lương Thị Thảo luôn tâm niệm, bản thân phải không ngừng nỗ lực trong học tập để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Vốn là việc học của Thảo từ khi bắt đầu lên cấp 3 đã trở thành vấn đề gây mâu thuẫn trong gia đình. Mẹ muốn Thảo tiếp tục đi học, còn cha thì không. Mỗi người đều có một cái lý riêng. Cái lý của người mẹ: “Thương con. Chỉ mong mỗi ngày đến lớp, con sẽ học được thêm cái chữ. Học cao hơn, con gái của mẹ sẽ biết ước mơ, biết lựa chọn hạnh phúc, cuộc sống tốt đẹp cho cuộc đời mình”. Còn, cái lý của người cha: “Cái chữ làm sao no được bụng. Ở nhà đi làm mới no được bụng. Con gái, học nhiều để làm gì? Lấy chồng rồi cũng ở nhà mà chăm chồng, nuôi con”. Người mẹ suy nghĩ tiến bộ, nhưng chỉ biết bảo vệ quan điểm của mình bằng những giọt nước mắt. Còn người cha mượn rượu, để lấn át tất cả. Vậy là suốt một tháng ròng rã, sau mỗi buổi học, các thầy, cô giáo Trường THPT Quan Hóa phải lặn lội xuống nhà Thảo để thuyết phục cho em trở lại lớp. “Chỉ có đi học mới giúp tương lai của em Thảo tươi sáng hơn. Nếu không được đến trường thì cuộc sống chỉ mãi quẩn quanh trong đói nghèo và lạc hậu…”. Hàng chục, hàng trăm lý do được các thầy, cô đưa ra chỉ để lay chuyển những tư tưởng bảo thủ của người cha. Ấy vậy mà, cái lý của người tỉnh đâu dễ chiến thắng được cái lý của người say. Tìm đủ mọi cách thuyết phục không được, các thầy, cô buộc phải nhờ đến sự vào cuộc giúp đỡ của trưởng bản và già làng. Cuối cùng, để em được đi học, các thầy cô buộc lòng phải thỏa thuận. Ngoài thời gian lên lớp, hai ngày cuối tuần Thảo phải về nhà để lên rừng hái măng, lấy củi, phụ giúp bố mẹ tất cả công việc nhà.
Video đang HOT
Dẫu vậy, trường hợp như của Thảo vẫn còn may mắn. Ở bản Tai Giác, số học sinh có thể vượt núi xuống thị trấn Quan Hóa đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần đều học hết cấp 2 rồi nghỉ. Lý do bỏ ngang thì nhiều, nhà nghèo, không tiếp thu được kiến thức nên chán, ở nhà lấy vợ, cưới chồng… Nhưng, cái nguyên nhân đau đáu nhất vẫn là… đường xa. Bởi đặc thù về địa lý, quỹ đất nông nghiệp ít ỏi, Tai Giác là một trong những bản nghèo, khó khăn nhất của xã Phú Sơn. Muốn vào bản phải đi theo con đường tỉnh 15A, rồi qua cây cầu treo vắt vẻo qua dòng sông Mã, chạy sâu vào rừng xanh heo hút. Theo lời ông Vi Đức Thùy, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, bản Tai Giác có hơn 173 hộ dân với 796 nhân khẩu thì có 11 hộ nghèo, 73 hộ thuộc diện cận nghèo.
Tôi hỏi Thảo cuối tuần về gánh đỡ công việc với bố mẹ, em không thấy vất vả sao? Cô thiếu nữ có dáng người nhỏ thó và đôi mắt tinh ranh nhìn tôi lắc đầu: “Em không! Có những cái sự buồn, nó khổ hơn cả sự đau, sự vất vả”. Thảo kể với tôi về bản em, mọi người không coi trọng việc học lắm. Những đứa trẻ từ lúc sinh ra đến khi lớn lên, bố mẹ chúng thay vì dạy chữ thì dạy cách lên rừng đốn củi, săn bắt, làm rẫy. Đàn ông thì tụ tập uống rượu, chơi bời thay vì đi đây đó để tìm kế sinh nhai. Còn phụ nữ, chẳng dám cho mình một ước mơ. Trong ký ức về mẹ, bà của mình, Thảo đã thấm thía, cuộc đời người phụ nữ gắn liền với “con dốc cuộc đời”. Khi mặt càng gần đất thì tuổi đời càng nhiều thêm và sự nhọc nhằn gắn liền với tấm lưng gồng gánh. Trên đôi vai ấy, họ phải gánh tất cả. Họ gánh những đứa con bé nhỏ, gánh trách nhiệm với gia đình, gánh cả những định kiến, thiệt thòi… Rồi cả những cặp vợ chồng họ lấy nhau sớm, hai vợ chồng suốt ngày chỉ biết trông chờ ở mấy đám rẫy, đầu tắt mặt tối, chẳng bao giờ ra khỏi được mấy ngọn núi quanh bản. “Chẳng thà cứ đi học, học lên cao, dù trở về không xin được việc làm nhưng đôi mắt nhìn thế giới nó cũng khác hơn, cuộc sống cũng sẽ không còn quẩn quanh, bí bách nữa” – Thảo quả quyết.
Cũng bởi những khát khao được mang ước mơ của mình đi thật xa, để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo và lạc hậu mà trong 10 năm đến trường, Thảo đều cố gắng không ngừng nghỉ trong học tập. 10 năm liên tiếp em đều đạt kết quả học sinh khá, giỏi; đặc biệt, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua, Thảo đã vinh dự mang về cho Trường THPT Quan Hóa giải ba môn Ngữ văn. Tôi hỏi Thảo về ước mơ. Em cười tươi, đôi má ửng hồng: “Em ước mơ được trở thành cô giáo. Em sẽ đi khắp các bản, làng xa xôi nhất của mảnh đất Quan Hóa để mang kiến thức, niềm vui đến trẻ nghèo, giúp thay đổi cuộc đời chúng”.
Cũng như Thảo, cô học sinh Vi Thị Thùy Trang, 17 tuổi, bản Đỏ, xã Phú Thanh (Quan Hóa) cũng đang từng ngày bước trên chặng hành trình đi viết giấc mơ của mình. Đến Trường THPT Quan Hóa hỏi về em, ai cũng biết. Họ chẳng những biết, mà còn dành cho Trang những mỹ từ: “Xinh xắn”, “chăm ngoan”, “học giỏi”, “khiêm tốn”… Ban đầu thì tôi chỉ tò mò nhưng tiếp xúc rồi mới thấy. Trang tự tin trong cách giao tiếp nhưng lại khiêm tốn khi nói về thành tích của bản thân, dẫu những thành tích đó cũng chẳng “khiêm tốn” chút nào. 10 năm liên tiếp đến trường, Trang đều đạt học sinh khá, giỏi; trong kỳ thì học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua, Trang mang về cho trường giải khuyến khích môn Địa lý. Cô bé luôn để lại ấn tượng với người đối diện bởi nụ cười tươi tắn thường trực trên môi. Em hay cười. Dường như đó là cách để em đón chào tất thảy những va đập của cuộc sống, đón nhận mọi buồn vui, thử thách của cuộc đời. Nhẹ nhàng, duyên dáng là vậy, nhưng khi tôi nhắc tới con đường học tập để mang những ước mơ đi thật xa, Trang lại tỏ ra vô cùng cương quyết. Biết bao nhiêu lần, nghe người ta nói: Thôi, con gái học nhiều cũng để làm gì, nghỉ về mà làm rẫy giúp mẹ. Nhìn “tấm gương” các anh, chị trong bản kìa, học xong cũng có việc mà làm đâu. Lại phải về bản, lấy chồng, đẻ lũ con, như muôn phụ nữ bản Đỏ này… Đã có những phút em ngần ngại, ngoái nhìn quãng đường tới trường mỗi tuần, mỗi tháng để muốn quay đầu: Về thôi, về bản đi rẫy. Thế nhưng, một điều gì đó, mạnh hơn cả tủi buồn đã thôi thúc trong em khát khao tiếp tục đến trường. May mắn, em được cả cha và mẹ ủng hộ việc học.
Chia tay hai cô học trò bé nhỏ Thảo và Trang, tôi vẫn nhớ như in lời thầy Phạm Xuân Thành, Bí thư Đoàn Trường THPT Quan Hóa chia sẻ: “Học sinh vùng cao thiệt thòi hơn học sinh dưới xuôi rất nhiều. Nhưng vượt lên tất cả, chính những vất vả song hành trên con đường học vấn đã, đang và sẽ hun đúc lên nhiều tấm gương nghèo vượt khó, tạo dựng lên những người có ích cho quê hương, đất nước. Tôi tin các em sẽ làm được. Tôi đã biết, đã thấy, chẳng những chỉ có Thảo, Trang mà còn rất nhiều tấm gương khác nữa. Chỉ cần các em biết cố gắng và dám ước mơ!”. Thật vậy, có những giấc mơ mãi mãi gắn chặt với ruộng nương, có những giấc mơ vượt qua được ngọn núi cao quê nhà… Phía sau ngọn núi ấy, tri thức, sự hiểu biết vẫy gọi các em, dẫn các em vượt qua bao gian khó, cực nhọc…
Nguyễn Trường
Theo baothanhhoa
ĐH Cambridge trao cơ hội cho học sinh hoàn cảnh khó khăn từng "suýt" đỗ vào trường
Khoảng 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn có kết quả học tập gần đạt mức được nhận vào ĐH Cambridge khi nộp đơn vào mùa thu năm 2018 sẽ được nhà trường trao tặng cơ hội thứ 2.
Các học sinh nằm trong diện được xem xét là những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vươn lên học tập và đạt thành tích tốt hơn mong đợi trong kỳ thi A-level. Theo đó, các em học sinh đã nộp đơn vào Đại học Cambridge vào mùa thu năm 2018 và có kết quả học tập gần đạt mức được nhận sẽ được nhà trường trao cơ hội.
Đại học Cambridge sẽ trao cơ hội thứ 2 cho các học sinh hoàn cảnh khó khăn và có thành tích học tập vượt quá mức mong đợi.
Ước tính khoảng 100 suất học sẽ được trao cho các học sinh nghèo vượt khó khi đề xuất này được đưa vào áp dụng từ mùa hè năm 2019. Đây được coi như "một cơ hội thứ 2" cho những em có kết quả trong kỳ thi A-level vượt quá mức mong đợi.
Được biết trường Đại học danh tiếng này của nước Anh thường không nhận thêm học sinh sau vòng tuyển sinh chính thức. Tuy nhiên, vào năm nay, nhà trường áp dụng quá trình điều chỉnh, cho phép những trường hợp có kết quả tốt hơn mức mong đợi được nhận vào những chỗ còn trống trong các học viên danh tiếng của nhà trường.
Việc làm này được cho là sẽ gia tăng đáng kể tỷ lệ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được theo học tại Cambridge. Nhà trường gần đây cũng chịu nhiều áp lực dư luận yêu cầu chứng minh sự đa dạng hóa trong các sinh viên được nhập học. Mỗi năm, Đại học Cambridge tuyển sinh khoảng 3.500 chỉ tiêu.
Tiến sĩ Sam Lucy - Giám đốc tuyển sinh của Đại học Cambridge, cho biết quy định mới này nhằm gia tăng số lượng sinh viên từ những cộng đồng nghèo khó hoặc những khu vực nơi không nhiều người được học đại học.
"Mỗi năm, hơn 14.000 học sinh nộp đơn vào Cambridge không được chấp thuận. Các em phải nộp đơn khoảng một năm trước khi khóa học bắt đầu. Một số em có thể không thể hiện được đầy đủ tiềm năng về học thuật của mình vào thời điểm phỏng vấn.
Sự điều chỉnh sẽ tạo cơ hội cho những học sinh có thành tích tốt được xem xét lại sau khi nhà trường đánh giá lại kết quả cuối cùng của các em. Chúng tôi hy vọng việc này sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực, cho phép chúng tôi nhận vào những học sinh tài năng từ những nhóm gần suýt soát mức được nhận trong vòng đầu", bà Lucy cho biết.
Các chuyên gia giáo dục tại Anh cũng từng cảnh báo rằng giáo viên thường đánh giá thấp học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi dự đoán điểm số thành tích của các em.
Sự điều chỉnh chỉ được áp dụng với học sinh theo học tại các trường học tại Anh và giữ nguyên chuyên ngành ban đầu các em đăng ký. Hiện Đại học Cambridge đã liên lạc với các thí sinh có khả năng được nhận.
Minh Hương
Theo Daily Mail
Kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ truyền cảm hứng cho học sinh Thanh Chương Chiều ngày 1/3, tại Trường THPT Thanh Chương 3, kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ đã có buổi giao lưu với giáo viên, học sinh 2 trường THPT Thanh Chương 3 và THPT Cát Ngạn. Buổi giao lưu có chủ đề "Life - No thing is impossible" (Cuộc sống - Không gì là không thể); trước gần 2.000 giáo viên và...