Những đứa trẻ nghẹt thở vì ‘bị’ điểm 8
Cậu học sinh trở về nhà cúi gằm mặt, mọi người đang nhìn em bằng ánh mắt hình viên đạn, chỉ có chú chó chào đón em.
Hình ảnh này nằm trong bức tranh nổi tiếng “Again the deuce” (tạm dịch Lại điểm 2) của hoạ sĩ người Liên Xô Fyodor Pavlovich Reshetnikov, được vẽ năm 1952, mô tả một cậu bé học giỏi, toàn được điểm 5 (tương đương điểm 10 ở Việt Nam), nhưng lại có lần bị điểm 2. Nó nổi tiếng đến mức từng được in lên bìa sách giáo khoa tiểu học, các chương trình tìm hiểu hội họa, tiểu phẩm hài, phim hoạt hình…
Bức tranh ở một đất nước xa xôi và cách nay nửa thế kỷ nhưng vẫn khiến người xem hôm nay chột dạ, bởi nó quá gần gũi, khi mà ở Việt Nam những đứa trẻ cũng luôn bị người lớn đánh giá qua điểm số.
Bức tranh “Again the deuce” của F.P.Reshetnikov.
Gia Bảo, 12 tuổi, đang học một trường chuyên ở Ba Đình (Hà Nội) là cậu bé học giỏi toàn diện, ngoan ngoãn, nếu nhìn từ bên ngoài.
Anh Lê Duy Thành, bố Gia Bảo luôn ấp ủ kỳ vọng sau này con sẽ vào được các đại học hàng đầu thế giới, không tiếc tiền đầu tư. Mỗi mùa thi, anh Thành luôn cùng con giải đề, nhiều hôm đến nửa đêm.
Mục tiêu ông bố đặt ra cho con trai là mọi môn thi đều đạt điểm 9, 10. Điểm 8 trở xuống sẽ bị cắt hết các khoản tiêu vặt, tiện ích (như điện thoại, ipad), thậm chí ăn đòn. Có lần cậu con làm sai một bài toán nâng cao do “cô chưa dạy”, ông bố ném vở xuống đất: “Cô không dạy là không biết làm à? Đồ ngu như bò!”.
Cuối năm lớp 6, Gia Bảo thông báo các môn đều được điểm tối đa. Anh Thành đưa đi ăn hàng chúc mừng. Ngày họp phụ huynh, anh phát hiện con chỉ được 8 điểm tiếng Anh. Về nhà anh quát: “Mày học đâu thói nói dối thế? Từ nay đổi tên mày thành Pinocchio nhé (cậu bé mũi dài vì nói dối)! Tao thất vọng vì mày…”.
Gia Bảo cúi đầu chịu trận hàng tiếng. Những ngày sau cậu bé lảng tránh bố. Không khí căng thẳng cả tuần. “Một bữa tôi vào định an ủi con thì bắt gặp trên sàn nhà vương vãi vô số giấy vo tròn, trong đó chỉ có một dòng chữ lặp lại Con không phải là con bò, con không phải là Pinocchio“, chị Thanh Thuỷ, mẹ Gia Bảo kể.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) người tư vấn cho Gia Bảo chia sẻ, việc bị thúc ép điểm số là nguyên nhân khiến Bảo thường xuyên căng thẳng, lo lắng. “Cậu bé nói dối về điểm thi cũng vì lo bố biết sự thật. Tiếc là bố không chịu tìm hiểu nguyên nhân chỉ trách mắng, miệt thị, khiến cậu bé tổn thương và có dấu hiệu trầm cảm”, nhà tâm lý cho hay.
Video đang HOT
Gần đây, một đôi vợ chồng bác sĩ ở Hà Nội đưa con gái Phương Linh đến gặp chuyên gia tâm lý, khi thấy con không tập trung học và rất dễ khóc. Gia đình vốn kỳ vọng con theo nghiệp y của bố mẹ, nhưng điểm số lớp 9 của cô bé “rớt thảm hại”: bị bật khỏi top 3 của lớp, thi chuyển cấp không vào được trường chuyên.
Phương Linh cho biết bị áp lực là con cả phải học giỏi từ cả cha mẹ và ông bà. Mọi nỗ lực của em trước đó đều không được thừa nhận. Thậm chí hai năm liền cô bé đứng thứ 2 trong lớp, bố lại hỏi “ Sao không phải hạng nhất?”.
Mấy năm qua cô bé đều phải ăn bữa tối một mình do bố bận, còn mẹ rảnh lúc nào đều dành cho con út bị tăng động. “Cô bé nói bị phủ nhận suốt 4 năm. Càng cố gắng thì lại càng không thể học được như trước và luôn dằn vặt do mình không thông minh hay cố gắng chưa đủ ?“, bà Vân kể.
Một nghiên cứu công bố tháng 12/2018 trên 100 học sinh Mỹ – của tác giả Jennifer Heissel (giáo sư Đại học Naval Postgraduate School, bang California) và 4 cộng sự – cho thấy các kỳ thi khiến trẻ gặp stress. Cụ thể cortisol (hoóc-môn tăng khi căng thẳng) đã tăng 15% trong tuần thi so với tuần không thi. Những học sinh có cortisol nhảy vọt thường điểm kém hơn mong đợi.
Trước đó, nghiên cứu công bố tháng 2/2018 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cũng cho thấy áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần. Hiện tượng những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì học hành đang có chiều hướng gia tăng.
Nghiên cứu khoa học cho thấy có mối liên hệ giữa các kỳ thi và sự căng thẳng ở trẻ. Trẻ càng căng thẳng, điểm thường thấp. Ảnh: Healthline.
Đầu năm 2018, nữ sinh lớp 7 ở Hà Tĩnh tự tử ngay tại lớp học. Trong thư tuyệt mệnh, em xin lỗi vì không thể tiếp tục vui chơi cùng bạn bè. Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút, không đạt kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.
Tháng 4/2018, nam sinh lớp 10 một trường THPT nội trú tại TP HCM gieo mình từ tầng 4. Thư tuyệt mệnh của em cũng nói về áp lực học tập, chỉ còn thiếu chút nữa sẽ đạt danh hiệu xuất sắc.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho rằng đa số cha mẹ Việt quan trọng về điểm số của con, không chỉ là điểm cao nữa mà phải cao tuyệt đối. “Có nhiều lý do khiến cha mẹ tạo áp lực cho con, đó là suy nghĩ con phải giỏi thì mới có tương lai tốt đẹp. Nhiều phụ huynh không đạt được kỳ vọng cuộc đời thì ép con giỏi để thực hiện hộ mình”, nhà tâm lý nói.
Cố vấn giáo dục của Microsoft bà Tô Thụy Diễm Quyên (TP HCM) cho rằng một đứa trẻ sau này có thành công hay hạnh phúc phụ thuộc vào thái độ sống, nỗ lực của trẻ, chứ không phải điểm số.
Theo bà Quyên, xã hội đang phát triển quá nhanh. Nhiều kiến thức đã lạc hậu trước khi trẻ ra khỏi trường. Giáo dục ngày nay là phải hình thành những con người linh hoạt về nhận thức, có khả năng tự chuyển đổi, thích nghi chứ không phải là học sinh với điểm số cao. “Hai trong những kỹ năng hàng đầu cần đào tạo cho học sinh thế kỷ 21 đó là khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp và tư duy phản biện. Có hai kỹ năng này, một đứa trẻ sẽ thành công dù ở bất cứ đâu”, bà nói.
Vì thế, thay vì chỉ quan tâm đến kết quả định lượng là điểm, cha mẹ hãy quan tâm đến kết quả định tính, tức là nhìn vào quyết tâm, nỗ lực, xuyên suốt cả quá trình học tập và làm việc của con. Con giỏi hơn chính con mỗi ngày đã là thành công. Tuyệt đối không so sánh con với trẻ khác.
Chuyên gia giáo dục khuyên các bậc phụ huynh phải tạo động lực cho trẻ. Có nhiều cách, trong đó giáo dục làm gương rất quan trọng. Bà Quyên dẫn ví dụ một người từng làm nghề lái xe tải Bắc – Nam, sau đó học bổ túc văn hoá, đại học, thạc sĩ và giờ đang làm luận án tiến sĩ. Lúc quay lại trường học, ông 40 tuổi, giờ 56 tuổi, là giảng viên một đại học lớn ở TPHCM.
Lý do ông đi học bởi vì muốn làm gương cho hai con. Hiện con trai ông là bác sĩ, còn con gái là thạc sĩ kinh tế.
Bức tranh “Lại điểm 2″ được vẽ không phải dành cho trẻ em, mà cho người lớn. Nó cho thấy không nên tiếp đón một đứa trẻ về nhà bằng cái nhìn sắc lạnh, mà hãy như cách của chú chó nọ – không cần biết điểm tốt hay xấu – đều đón người thân về bằng sự gần gũi, yêu thương.
Phan Dương
Theo VNE
Khi thầy sai sót
Trước khi nhận lớp, tôi thường tìm gặp thầy cô chủ nhiệm các năm trước của lớp đó để tìm hiểu về học sinh. T.K là cái tên được đồng nghiệp lưu ý nhiều hơn các bạn khác.
Thầy trò trong một tiết dạy Văn - Trường THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi
Điểm chung nhất là em này thường hay chất vấn thầy cô về điểm số. Tôi nghe nhưng không lưu tâm lắm vì thầy cô nào dạy học mà không một lần bị học sinh khiếu nại về điểm số bài làm của mình.
Ngày đầu nhận lớp, tôi thông báo rằng nếu học sinh nào khiếu nại về điểm kiểm tra nếu đúng là lệch với thang điểm trong đáp án sẽ được chấm lại theo hướng nâng lên. Ngược lại, bài nào thầy chấm lại mà không có ý nào mới, nghĩa là đúng với thang điểm, sẽ bị hạ điểm xuống!
Tôi tin vào sự chính xác khi chấm bài của bản thân nên nói như thế. Mục đích để tránh việc khiếu nại, so bì điểm số trong học sinh tạo thành mối bất hòa trong lớp. Thật lòng tôi biết học sinh có quyền đề nghị thầy cô chấm lại bài kiểm tra nếu thấy chưa thống nhất và thầy cô không có quyền hạ điểm học sinh nếu khiếu nại không hợp lý. Cả lớp tuy yên lặng lắng nghe nhưng tôi nhìn thấy sự không đồng tình trong mắt các em. Tự tin vào bản thân, tôi nghĩ mình sẽ chấm dứt thói quen hay khiếu nại điểm số trong năm học này.
Tháng đầu tiên chưa có bài kiểm tra nên tôi chưa ghi nhận trường hợp nào. Đầu tháng thứ ba, môn tôi dạy có bài kiểm tra 1 tiết. Đúng như thực lực, các em đạt điểm rất cao. Ngày trả bài kiểm tra, các em rất vui vì kết quả tốt như mong đợi. Bỗng nhiên có một em - tên là T.K, giơ tay xin phát biểu. Tôi đồng ý, lòng hơi phân vân vì đoán chắc em đang khiếu nại điểm số đây. Quả như vậy, T.K mang lên bài kiểm tra của em và của bạn ngồi cùng bàn. Bài của bạn được trọn mười điểm, bài của T.K chỉ 9,5. Em đề nghị tôi chấm lại vì qua so sánh thấy hai bài không khác gì nhau.
Tôi nhắc lại với K.T là sẽ hạ điểm nếu khiếu nại không có cơ sở. Em đồng ý. So sánh hai bài làm, tôi chỉ ra một ý của T.K khác biệt so với bài của bạn. Đó là lý do bài của em không được điểm tối đa. Cả lớp ồ lên vì tin tôi sẽ trừ điểm T.K. Theo đó bài của em sẽ chỉ còn 8,5 điểm. T.K mang bài về chỗ, nước mắt lưng tròng. Suốt tiết học hôm đó, em như người mất hồn. Từ tâm trạng đắc thắng của một người thầy, tôi chột dạ. Biết đâu mình quá khắt khe. Vì rằng, TK và các bạn, ai cũng có quyền khiếu nại nếu chưa hài lòng với điểm số thầy ghi. Biết đâu thầy cũng chấm sai, chấm sót.
Hết tiết học, tôi gọi T.K lên. Tôi mượn lại bài của T.K và bạn mang về với lý do cần xem xét cho thật rõ trước khi quyết định lại điểm số của T.K. Em trao bài lại cho tôi với vẻ mặt không vui như biết trước kết quả không thể nào thay đổi.
Tối hôm đó, tôi mang bài của hai em ra chấm lại từng ý một. Bài của bạn không ý nào khác với đáp án. Mười điểm là chính xác. Bài của T.K quả có khác bài bạn ở phần trình bày suy nghĩ của bản thân trước vấn đề nêu ra trong đề bài. Những gì T.K nêu lên cho thấy em đã đọc nhiều tư liệu, không dừng lại ở những kiến thức từ sách giáo khoa. Em cũng đã mạnh dạn không dừng lại với những gợi ý của thầy khi giải quyết vấn đề.
Lẽ ra tôi phải biểu dương, khuyến khích cách làm bài sáng tạo, nhiều công phu của T.K thì lại làm ngược lại. Không hài lòng vì những gợi ý của mình không được học sinh sử dụng, không chấp nhận ý kiến khác với nhận định từ sách giáo khoa, tôi đã sai trong việc chấm bài các em. Cuối cùng, tôi cẩn thận sửa lại điểm số bài kiểm tra cho T.K.
Tiết học sau đó, tôi nói với cả lớp rằng tôi có sai sót khi chấm bài của T.K. Tôi đã điều chỉnh cho em. Các em có thể học tập T.K ở việc mạnh dạn trình bày nhận xét, suy nghĩ của bản thân khi gặp các câu hỏi mang tính vận dụng cao không lệ thuộc câu chữ của sách giáo khoa hay từ gợi ý của thầy. Đồng thời tôi cũng thông báo sẽ không áp dụng việc trừ điểm các em khi có khiếu nại về điểm số bài chấm. Các em có quyền như vậy và thầy không có quyền hạ điểm các em. Cả lớp râm ran tiếng cười. T.K mắt long lanh nhìn tôi. Tôi nghĩ em đã lấy lại được niềm tin vào thầy.
Tôi tự nhủ, việc bản thân và một số đồng nghiệp hay bức bối vì học sinh khiếu nại về điểm số là sai. Các em tự tin về bài làm và khi thấy điểm số chưa phù hợp thì khiếu nại là đúng. Nếu người thầy cẩn trọng, chú ý phát hiện sáng tạo của học sinh trong bài làm, điểm số sẽ chính xác, thuyết phục được các em. Nếu vội vàng, tự ái cá nhân, không nhận sai sót, người thầy sẽ sử dụng phương pháp trấn áp, đe dọa học sinh như tôi đã làm.
Các em sẽ mất lòng tin vào thầy cô. Khi các em sai hay hiểu nhầm, phải rất nhẹ nhàng chỉ rõ điểm sai và cách khắc phục để bài kiểm tra sau đạt kết quả tốt hơn. Không chỉ là điểm số, đó còn là rèn luyện tính cách con người. Tôi thầm cảm ơn T.K, nhờ sự dũng cảm của em mà tôi đã thay đổi được ít nhiều phong cách làm việc: cẩn thận hơn khi chấm bài, chú ý phát hiện và khuyến khích, biểu dương các em học sinh có sự sáng tạo trong học tập.
Nguyễn Hữu Nhân (GV Trường THCS Võ Thị Sáu - Sa Đéc, Đồng Tháp)
Theo GDTĐ
Chấm sai điểm thi đại học: Người được điều chỉnh, kẻ phải tự tử Trên thế giới, không ít trường hợp các thí sinh chịu "oan ức" khi điểm số trả về không phải của mình. Có em học sinh đã phải đánh đổi cả cuộc đời chỉ vì "lỗi phần mềm". Zing.vn tổng hợp bài đăng trên The Telegraph, The Independent, India Times, phản ánh câu chuyện chấm nhầm điểm ở các kỳ thi quan trọng...