Những đứa trẻ “lạc đường” (2): Thế giới ảo và tội ác ngoài đời
Người lớn phạm tội gì thì trẻ con cũng có thể phạm chính tội ấy. Đó là lý do giải thích cho cả trăm nghìn nguyên nhân biến những đứa trẻ thành tội đồ khó tha thứ. Trong những nguyên nhân ấy, thế giới ảo giống như một thứ mạng nhện, một mảnh đất màu mỡ để cái xấu bắt đầu ươm mầm. Vướng chân vào đó, có lẽ các cậu ấm, cô chiêu chẳng thế ngờ sẽ có ngày chúng nhúng tay vào tội ác ngoài đời.
Minh họa: Phú Khánh
Đi tìm… tự do
Video đang HOT
Cũng trong độ tuổi vị thành niên, nhưng Hoàng Thị Dung lại nằm bên K4 – phân trại dành riêng cho phạm nhân nữ. Gặp tôi cô bé cứ rúm ró đến tội nghiệp. Dung gầy gò, nhỏ bé, dáng lam lũ của người nông dân vùng quê nghèo Nông Cống, Thanh Hóa không lẫn vào đâu. Hỏi chuyện, tôi hoàn toàn bất ngờ bởi tội danh mà Dung đang thụ án: 5 năm tù cho tội cướp tài sản. Không tin một cô bé tí tẹo lại to gan đến thế, tôi hỏi: “Cháu cướp gì?”. Dung đáp: “Taxi”. Lại hỏi: “Cướp kiểu gì?”. Đáp: “gí dao phóng lợn vào cổ, trói lại. Ví, điện thoại, dây chuyền… có gì là bọn cháu cướp tất. Có thế mà chú cũng không biết”.
Lúc gây án, Dung mới 16 tuổi khiến ngay cả những cán bộ điều tra khi ấy cũng hết sức ngỡ ngàng. Khó có thể tin chỉ trong vòng 4 ngày Dung đã cùng đồng bọn gây ra tới 4 vụ cướp hết sức manh động. Càng ngỡ ngàng hơn khi cô bé này thản nhiên thú nhận: “Lúc bắt đầu đi cướp thì cũng hơi sợ. Nhưng sau khi cướp được thì cháu cảm thấy… thích. Nó giống như được chơi trò chơi cảm giác mạnh vậy”. Dung bảo, nhà cháu nghèo lắm, có tới 4 anh chị em. Bố mẹ cháu thì suốt ngày đi đóng gạch thuê, cũng chẳng có thời gian mà theo dõi việc học hành của cháu thế nào. Dung đang học dở lớp 9 trường THCS Hoàng Giang. Thế nhưng thời gian lên lớp của cô bé này chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi thời gian ngồi “net” để “chat” và nhảy Au ( Game Audition) có thể thâu đêm suốt sáng. Những thú vui, những người bạn của thế giới ảo dường như đã chiếm hết tâm trí của Dung khiến trường lớp cứ xa dần. Dung nghiện “net” lúc nào không biết, một ngày không được ngồi vài tiếng thì cứ vật vã, lờ đờ như người ta nghiện heroin vậy. Thế là Dung bỏ học. Ở trên mạng nó thấy mình tự do.
15 tuổi Dung có người yêu. Cô bé kể về tình yêu của mình không chút ngại ngùng: “Anh ấy hơn cháu 1 tuổi nhà ở xã Hoàng Sơn bên cạnh và cũng quen trên mạng. Bọn cháu yêu nhau nhưng bố mẹ cháu không biết đâu. Biết được thì chết đòn. Nhưng chỉ được 1 năm thì cháu bỏ. Ai bảo anh ấy hay ghen cơ. Yêu thì yêu, nhưng cháu thích phải được tự do. Cháu nhiều bạn lắm, lúc nào cũng giám sát cháu như thế thì chán chết”. Bực mình với mối tình ấy, cũng là để chứng tỏ mình sẵn sàng dứt áo ra đi, Dung theo một người lên Hà Nội làm nghề may. Bố mẹ thấy thế cũng chẳng hỏi làm ở địa chỉ nào, chỉ dặn đi đường cẩn thận. Có lẽ họ nghĩ, cứ có việc làm là tốt rồi. Dung đi làm, có tiền lương đấy, nhưng cô bé vẫn nhớ “net”. Tan ca là Dung lại kiếm tiệm “net” “ngồi đồng”. Hà Nội lạ lẫm và khó gần, nhưng đám bạn ảo thì vô cùng cởi mở. Ở đấy, Dung tìm ngay được đám bạn đang đi dạt cùng quê.
Đoạn kết không bất ngờ
Trong đám bạn “chat” ấy có đứa con trai tên Hưng cầm đầu mà Dung rất… cảm tình. “Chat” với nhau mãi mà chưa được gặp, Hưng rủ Dung về thành phố Thanh Hóa để cả bọn có dịp “tương phùng”. Đang làm công việc thu nhập cũng tạm ổn định, thế mà Dung bỏ phứt về theo đám bạn kia đi… bụi. Như thế đủ hiểu là với cô bé “tiếng gọi nơi hoang dã” ấy mạnh mẽ đến nhường nào. 11 đứa cả trai cả gái dặt dẹo suốt ngày ở các quán “net”, đêm thì thuê nhà trọ tá túc hoặc về nhà một đứa khác có bố mẹ đang đi tù để ở theo kiểu bầy đàn. Tiền ăn uống chỉ tiêu do một tay Hưng đại ca xoay xở lo liệu. Hưng “xoay” kiểu gì thì cả nhóm chịu. Chỉ biết được ăn, được chơi, chẳng ai quản lý là khoái rồi.
Đến lúc hết tiền, cả đám đói rã họng, bấy giờ đại ca mới bày kế đi cướp. Trong các phương án thì xem ra cướp taxi là “dễ xơi” nhất vì có thể điều xe đến khu vực vắng vẻ rồi ra tay. Nhưng cái khó là cả đám “cô hồn” đầu xanh đầu đỏ, nhìn lại dặt dẹo như vậy thì ai dám chở? Dung hiến kế ngay, nếu toàn con trai gọi xe thì lái xe sẽ cảnh giác. Nhưng nếu có con gái đi cùng thì họ sẽ không nghi ngờ nữa. Kế hoạch táo tợn này ngay lập tức được cả đám nhất trí “thông qua”. Thậm chí cả lũ còn phân công đứa nào khống chế lái xe, đứa nào cắt dây bộ đàm, đứa nào cầm dây trói hết sức bài bản y như phim hành động.
Vụ đầu tiên Dung và Hưng thành công rực rỡ. Số tiền cùng điện thoại, trang sức cướp được đủ để cả lũ sống “vương giả” và ngồi net trong 2 ngày. Sau khi nhẵn túi, thấy kiếm tiền kiểu này cũng dễ, cả lũ lại hào hứng bàn tính phi vụ thứ 2. Lần này, để chắc ăn hơn, cả bọn điều thêm 1 chân dài nữa đi cùng với Dung cho có chị có em. Lái xe Lê Đình Huy của hãng taxi Mai Linh chẳng thể ngờ rằng lúc anh dừng xe cho đứa con gái tên Dung nôn ọe vì say cũng chính là lúc anh sập bẫy. Những lưỡi dao chọc tiết lợn nhọn hoắt giữa cánh đồng vắng khiến anh Huy tê liệt vì sợ. Để giữ an toàn cho tính mạng, lái xe chỉ còn biết cách chấp nhận chịu trói.
Công an thành phố Thanh Hóa trong 2 ngày 9, 11 tháng 6 – 2011 quả thực giật mình. Những vụ cướp manh động, liều lĩnh cùng một thủ đoạn trên địa bàn đã tạo nên một tâm lý ức chế cho cán bộ điều tra. Quyết định, không thể để nhóm cướp này tiếp tục lộng hành vừa kịp ban ra thì tiếp hôm sau nữa, 13-6, một vụ cướp taxi khác tại huyện Quảng Xương với thủ đoạn y hệt. Nhưng lần này, chúng đã “lộ sáng”. Cả 11 tên cướp theo nhau hầu tòa trong sự kinh ngạc của mọi người.
Theo ANTD
Những đứa trẻ "lạc đường"(1) Mặt măng sữa chứa tâm đen
Trước khi tiếp xúc, tôi luôn tự nhủ rằng, trước mặt mình chỉ là những đứa trẻ. Nhưng chỉ một lát, những tâm niệm ấy lại bay đâu mất. Chúng quá già dặn, quá lọc lõi, quá lạnh lùng. Không chỉ phát triển về thể xác, những "mầm non" ấy đã già cỗi cả trong tâm hồn. Tôi sợ phải nhìn vào mắt chúng, bởi ở đó những tia sáng đã tắt từ lâu...
Nguyễn Văn Hòa lao động trong Trại tạm giam số 5
Nhàn cư vi bất thiện
Thằng bé ấy khi đặt chân vào trại mới hơn 16 tuổi. Dù trước đó khi đọc hồ sơ phạm nhân, Trung tá Nguyễn Văn Lâm - cán bộ Đội Giáo dục phân trại K1, Trại giam số 5 - Bộ Công an đã "phím" trước với tôi rằng: "Trẻ con mà phạm tội này thì cần phải hiểu rằng chúng chẳng hề "bé" như ta tưởng". Thế mà lúc gặp Nguyễn Văn Hòa, tôi vẫn cứ giật mình.
"Thằng bé" của tôi cao hơn 1m7, chân tay vâm váp, rắn chắc cứ như thể nó đã 25 và đặc biệt, gương mặt già hơn tuổi rất nhiều. Nếu ở ngoài nhìn bộ dạng này, Hòa khai mình là vận động viên điền kinh chắc cũng khối người tin sái cổ. Có lẽ chính vì phát triển thế nên Hòa bảo, cháu vào đây vì tội "thích làm người lớn", án phạt 8 năm. Cái tội nhạy cảm ấy được Hòa thực hiện với một cô bạn quen... qua điện thoại. Mà nào quen biết có lâu gì cho cam. Mới gặp nhau lúc 21h, chuyện trò dăm câu thế mà chỉ 2 tiếng sau nó đã dụ dỗ cô bé kia vào nhà nghỉ. Kinh khủng hơn, Hòa còn rủ rê thêm 3 đứa bạn nữa tham gia trò đồi bại. Nó kể lại câu chuyện cho tôi với giọng tưng tửng, chốc chốc lại mỉm cười. Với Hòa, cái chuyện "làm người lớn" ấy chẳng có gì xấu hổ, nó cười như thể - tôi, kẻ đang há hốc mồm nghe chuyện của "giới teen" - là một anh già cổ lai hy. Không hiểu sao, nhìn nụ cười của Hòa tôi chợt nhớ đến Nguyễn Đức Nghĩa. Nụ cười không có sự ăn năn.
Nhà Hòa nghèo, thế nên học đến lớp 8 thì nó bỏ. Bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho ruộng rồi lại quần quật với nghề chạm đá thuê kiếm miếng ăn. Thế nên, khi thấy con bỏ học ngang lưng cũng chỉ biết tặc lưỡi: "Ừ! Thì kiếm cái gì mà làm con ạ". Nhưng Hòa biết làm gì? Ở cái xã Phú Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội này, 16 tuổi, không bằng cấp thì chỉ đi đánh giậm hoặc đẽo đá thuê. Đánh giậm thì có các vàng Hòa cũng chẳng làm. Nó gạt phắt câu hỏi vui của tôi bằng câu nói xách mé: "Chú điên à, thời buổi này thanh niên ai lại đi làm cái nghề ấy. Người ta cười chết". Không đánh giậm thì Hòa đi đẽo đá vậy. Lương cũng không quá thấp, độ 180 nghìn đồng / ngày, lại chẳng ai cười. Khốn thay cho nó (hay là cho bố mẹ nó), Hòa lại còn cái thú thích chơi game và "chat". Dù sinh ra ở quê, nhưng Hòa cũng ra dáng dân phố lắm. Chết là chỗ đó.
Làm ít chơi nhiều, được đồng nào Hòa nướng vào "net" sạch. Nhờ cái thú ấy nó đã có người yêu quen qua mạng từ đời tám hoánh nảo nào rồi. Nhà cô người yêu lại mở quán "cà phê thư giãn" gần quốc lộ, bố mẹ nối đuôi nhau đi tù. Hai đứa càng rộng cẳng.
Lối sống lệch lạc
Hòa có đông bạn, người yêu nó cũng thế. Toàn dân chơi. Có tiền là tụ tập, đàn đúm. Không có tiền cũng tụ vạ, hội hè. Làm gì có người quản, chúng thích đi đâu thì đi. Tuy có người yêu, nhưng với Hòa khái niệm yêu là thế nào bản thân nó cũng rất mơ hồ. Thế cho nên tối hôm đó, khi người yêu gọi điện nhờ đón hộ đứa bạn, Hòa đã nảy ra ngay ý nghĩ đưa cô bạn của người yêu đi... nhà nghỉ. Hòa bảo, chuyện đó bình thường mà chú. Thanh niên bây giờ... toàn thế!?
Cô bạn của Hòa mới có tí tuổi đầu, đi chơi muộn là tính ngay chuyện kiếm chỗ ngủ nhờ. Hòa bảo, thanh niên chúng cháu dạt 1-2 đêm là chuyện thường. Nhưng Hòa chẳng để tâm đến một điều không bình thường là cô bạn của nó mới có 13 tuổi. Bây giờ thì Hòa đang ngồi tù. Thậm chí nó thú nhận: Cháu cũng chẳng còn nhớ mặt con bé đấy nữa. Gặp đúng một đêm rồi sáng ra "bái bai" luôn. Mấy tháng sau thì "hình như" có gặp lại tại tòa, nhưng cháu không nhìn mặt. Tôi nghe nó kể mà rợn người bèn hỏi: "Thế cháu nghĩ thế nào mà lại còn rủ thêm 3 đứa nữa cưỡng bức cô bé". Hòa đáp tỉnh rụi: "Lúc ấy bọn cháu uống rượu cũng phê rồi. Với lại, mấy thằng kia cứ í ới điện thoại chửi cháu liên tục là ăn mảnh". Rồi nó thanh minh: "Cháu đâu có biết chính vì thế mà hôm sau gia đình cô bé kia viết đơn tố cáo. Nếu biết cháu đã chẳng làm vậy".
Lý do đi tù của Hòa nghe cứ trơn tuột và giản đơn đến đau lòng. Hòa kể, lúc mới bị bắt bọn cháu sợ lắm. Đứa nào cũng khóc tu tu. Ngay cả mẹ Hòa lúc nghe tin con bị công an tạm giữ cũng khóc sưng húp cả mắt. Tại công an huyện, người mẹ ấy cứ một mực thề thốt, nào nhà em có dạy con điều xấu bao giờ. Cứ nghĩ chúng nó đi chơi bạn bè với nhau ai ngờ nó lại sinh ra thứ việc đốn mạt ấy.
Pháp luật không trách người mẹ ấy, nhưng tôi không tin chị không ngờ được hậu quả mà Hòa gây ra ngày hôm nay. Mầm mống của tội ác đã vô tình được gieo khi gia đình quá dễ dãi với con trẻ. Không dạy con điều xấu có lẽ chưa đủ. Buông lỏng quản lý con cái trong một môi trường không lành mạnh, cộng với bản chất thích nổi loạn của thanh niên mới lớn chính là lý do khiến không ít đưa trẻ đã phải chôn vùi tuổi xuân và cơ hội của mình phía sau song sắt. Nhưng điều khủng khiếp nhất và cũng là điều mà hầu hết các cán bộ quản giáo Trại giam số 5 tâm sự với chúng tôi, đó là sự chai sạn đáng sợ trong chính tâm hồn những đứa trẻ "lạc đường".
Theo ANTD
Cướp giật lộng hành - Bài 2: Chặn cướp từ trứng nước Công an tăng cng tuần tra, ngi dn cảnh giác và kịp thi thông tin cho cảnh sát. Vi quanim không nên ti phạm xảy ra mit, công anã lập mạng li theo dõối tợng nghi vấn ngăn chặn từầu,ồng thi tập trung lực lợng tuần tra mật phục, chốt chặt ở các giao l, cầu hầmng b trấn áp tình trạng cp...