Những đứa trẻ bạc đầu vì học
Với kiểu dạy “nhồi sọ” nặng về Toán, tiếng Việt như hiện nay thì những đầu óc non nớt của các em suốt ngày chỉ phải căng ra để tính toán.
Học sinh tiểu học chịu áp lực lớn từ việc học (Ảnh minh họa: TTXVN).
LTS: Trước áp lực một tuần học gần 20 môn và yêu cầu của các môn học lại quá cao, tác giả Mai Hoa cho rằng, các em học sinh tiểu học đang phải học miệt mài suốt đêm ngày bên những trang sách.
Qua đó, tác giả Mai Hoa đã có bài viết về vấn đề này. Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Học sinh tiểu học hiện nay đang chịu áp lực quá lớn từ việc học. Những đứa trẻ con chưa tới 10 tuổi đặc biệt là những bé vừa rời mẫu giáo (có trẻ chưa được 6 tuổi tính theo tháng) đã phải học miệt mài đêm ngày suốt cả tuần (10 buổi học chính khóa, 1 buổi dự giờ thao giảng vào sáng thứ bảy, 3-5 buổi học thêm nhà cô).
Nếu tính thời gian học của các em đã gấp đôi thời gian ăn và ngủ. Thế nên thời gian để trẻ vui chơi đã trở nên vô cùng hiếm.
Lịch học dày đặc của trẻ tiểu học
Sáng, các em rời nhà 6 giờ và đến trường (nếu trò ở bán trú) khoảng 4 giờ 30 phút ba mẹ đón cho ăn uống tốc hành ngoài đường phố và chở thẳng đến lớp học thêm.
Rời nhà cô khoảng 7 giờ 30 phút, về nhà tắm rửa, ăn uống vào bàn chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập và cặm cụi viết tập viết, luyện viết (hoàn thành bài viết quy định vào hai cuốn vở). Xong xuôi đâu đấy, khoảng 10 giờ các em mới được lên giường.
Thời gian biểu cứ lập lại suốt tuần như thế đến ngày cuối tuần (thứ sáu) ngỡ sẽ được nghỉ hai ngày nhưng một số lớp vẫn phải đi học dự giờ thì xem như các bé chẳng còn thời gian nào giải trí suốt một tuần đằng đẵng.
Video đang HOT
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy học 2 buổi/ngày, cấp tiểu học buổi 1 dạy không quá bốn tiết, buổi 2 không quá ba tiết, mỗi tuần học không quá sáu ngày.
Thời lượng dành cho phụ đạo, bồi dưỡng và dạy môn tự chọn không quá 50% số tiết của buổi 2.
Còn lại, các trường phải tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ như văn thể mỹ, trải nghiệm thực tiễn, giáo dục giá trị sống…
Thế nhưng nhiều trường tiểu học hiện nay tổ chức dạy buổi hai chủ yếu là nhồi nhét kiến thức Toán, tiếng Việt, việc học năng khiếu và kĩ năng lại quá ít.
Xem bất kì thời khóa biểu buổi hai của một học sinh tiểu học ta thấy sự xuất hiện khá dày của hai môn Toán và tiếng Việt.
Một tuần trẻ đã học 9 tiết tiếng Việt và 5 tiết Toán. Buổi 2 sẽ học thêm 5 tiết tiếng Việt, 4 tiết Toán (bổ sung). Một tháng, bên Đội mới tổ chức cho các em sinh hoạt đội sao 1-2 lần.
Việc tham gia các lớp năng khiếu, các câu lạc bộ hay các buổi giao lưu ở trường hầu như không có hoặc rất ít (một năm khoảng vài ba lần).
Chương trình mới càng nặng hơn
Học sinh áp lực vì bị nhồi nhét kiến thức nên bao hy vọng mong chờ đặt cả vào lần thay đổi chương trình lần này. Thế nhưng chương trình mới cũng được xây dựng cho học sinh học 2 buổi/ngày hoặc ít nhất là học 6 buổi/tuần.
Đã có một số ý kiến thắc mắc “vì sao chủ trương giảm tải nhưng học sinh lại học cả ngày?”. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói rằng, đây cũng là cách thức để giảm tải chương trình, cùng một khối lượng nội dung học tập, khi tăng thời gian thực hiện thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn.
Cụ thể, chương trình mới tới đây học sinh ở cấp tiểu học phải học các môn bắt buộc gồm:
Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
Theo chương trình mới, số lượng môn học nhiều như thế không hiểu sẽ phân bố thời gian dạy thế nào? Học sinh sẽ lại phải gánh thêm áp lực mới bởi ngoài nội dung kiến thức tiếng Việt, Toán đã quá nặng còn biết bao môn học khác.
Nhiều ý kiến cho rằng với học sinh lớp 1 chỉ nên yêu cầu các em đọc, viết thông thạo, biết sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi.
Bởi thế, những môn các em buộc phải học chỉ nên tập trung vào một số môn học cụ thể như Toán, tiếng Việt, Đạo đức, một số môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật… là đủ.
Trong khi ba mẹ suốt ngày đang bươn chải vì công việc làm ăn mà ít có thời gian dành cho con cái thì việc học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày ở trường cũng là hợp lý. Nhưng không nên cho trẻ học 10 buổi/tuần còn học dự giờ vào sáng thứ bảy.
Để giảm áp lực việc học cho học sinh thì việc tổ chức cho các em học buổi 2 của các trường cần bố trí hợp lý hơn theo hướng tăng cường các hoạt động ngoài giờ, giáo dục kĩ năng sống…chứ với kiểu dạy “nhồi sọ” nặng về Toán, tiếng Việt như hiện nay thì những đầu óc non nớt kia suốt ngày chỉ phải căng ra để tính toán.
Theo Giaoduc.net
Chương trình phổ thông mới có gì khác hiện hành?
Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình phổ thông mới chính thức được Bộ GD-ĐT công bố chiều 19-1.
Học sinh xem đề thi ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM - Ảnh: Hoàng Triều
So với chương trình hiện hành, chương trình phổ thông mới có rất nhiều điểm thay đổi theo hướng trang bị năng lực, phẩm chất cho các học sinh. Vì thế, chương trình mỗi môn học cũng thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu này. Các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Đặc biệt, hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả các cấp học là Hoạt động trải nghiệm.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình phổ thông mới, nói thêm đây là chương trình phát triển toàn diện phẩm chất năng lực của người học, nên trước hết những người làm chương trình phải phân giải được năng lực chuyên môn của từng môn học là cái gì để từ đó xác định mức độ học sinh cần đạt ở mỗi lớp, mỗi cấp học
Điểm mới thứ hai là chương trình mới có tính phân hóa rõ rệt hơn so với chương trình hiện hành. Có thể nói sự phân hóa đã được thực hiện ngay từ tiểu học.
Chương trình mới chủ trương phân hóa và càng ở các cấp học cao, phân hóa càng sâu. Đến cấp trung học phổ thông, sự phân hóa sâu nhất, tức là phân hóa theo định hướng nghề nghiệp của học sinh. Học sinh không phải học tất cả các môn nữa mà tập trung vào một số môn theo nguyện vọng và theo định hướng nghề nghiệp của mình.
Điểm thứ ba là tính tích hợp cao. Phải dạy tích hợp vì kiến thức của nhân loại ngày càng nhiều. Nếu tách từng môn ngay từ bậc tiểu học và trung học cơ sở thì học sinh sẽ học quá sâu về môn đó, vừa quá tải vừa khó cho học sinh tổng hợp kiến thức để vận dụng trong cuộc sống.
Tiểu học nhiều môn tích hợp hơn, trung học cơ sở có tích hợp nhưng ở mức độ khác hơn, có tách môn. Bậc trung học phổ thông thì sự tích hợp chỉ ở mức liên hệ, các môn tách riêng. Điều này phù hợp với khả năng nhận thức của người học.
Điểm mới thứ tư của các chương trình môn học là tăng cường tính thiết thực, tính thực hành. Trước nay, chúng ta vẫn nói học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Nhưng trên thực tế, có nhiều môn càng ngày càng xa với thực tiễn, học sinh học xong không biết làm gì.
Chương trình môn học mới sẽ chọn những nội dung thực sự cần thiết cho con người. Bên cạnh đó là tăng tính thực hành lên. Học sinh học thông qua thực hành chứ không thuần túy qua sự truyền giảng của các thầy cô.
Theo NLĐ
Bài tập Toán lớp 3 khiến phụ huynh Mỹ hoang mang Bài toán thiếu dữ kiện không chỉ làm khó học sinh mà còn khiến phụ huynh lo ngại về hệ thống giáo dục. Sappington khoanh tròn bài toán có nội dung: "Janell có 15 viên bi. Cô làm mất một số viên bi. Hiện Janell còn bao nhiêu viên bi?". Izzy trả lời bằng một dấu chấm hỏi. Trả lời HuffPost ngày 2/10,...