Những dòng thư thấm đẫm nước mắt của nữ sinh lớp 8 mồ côi
“Sinh ra con đã không có mẹ bên cạnh, lên 8 tuổi con không còn bố, tuổi đã già nhưng bà vẫn làm lụng vất vả để nuôi hai đứa cháu lớn khôn… 13 năm qua cho dù vất vả bao nhiêu bà cũng chưa bao giờ than vãn một câu nào”.
Đó là những dòng thư của nữ sinh Lò Thị Thảo (SN 2005), học sinh lớp 8A, Trường THCS Quang Hiến, xã Quang Hiến, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Bức thư này được Thảo thực hiện trong cuộc thi viết thư UPU lần thứ 48 với chủ đề “Hãy viết thư cho người hùng của em”. Nhân vật trong nội dung bức thư mà Thảo đề cập chính là bà Lê Thị Tiền (SN 1954), bà nội của em.
Hai chị em Thảo lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà.
Câu chuyện của nữ sinh dân tộc Thái nơi miền sơn cước đã thực sự lay động lòng người. Tuổi thơ của Thảo là những chuỗi ngày dài với bao khó khăn về vật chất và sự thiếu thốn tình cảm. Thảo lớn lên trong sự chăm sóc, chở che và tình yêu thương của bà nội.
“13 năm qua cho dù vất vả bao nhiêu bà cũng chưa bao giờ than vãn một câu nào. Bà luôn chăm sóc, dạy dỗ chúng con. Đối với con bà là vật chất, là tinh thần, là cuộc sống là tất cả của con. Công ơn của bà cao hơn núi Thái Sơn, nhiều hơn nước trong nguồn. Nhiều khi con nhận ra rằng, con là gánh nặng của bà vì con đã khiến bà phải vất vả. Con không buồn vì con là đứa trẻ mồ côi, mà con hạnh phúc khi có một người bà vĩ đại cao cả như bà. Con rất yêu bà và tự hào về bà”. Những dòng viết tay đầy cảm xúc của Thảo trong bức thư.
Sau khi sinh Thảo, người mẹ bỏ đi biệt tích, bố vì cuộc sống nên bố em phải bôn ba làm ăn thi thoảng mới về thăm con được. Năm Thảo lên 8 tuổi, bố em qua đời. Cuộc sống của chị em Thảo và bà nội cũng bởi thế mà càng khó khăn hơn.
Bức thư cảm động của Thảo viết về bà nội.
“ Sinh ra con đã không có mẹ bên cạnh, bố đi làm ăn xa, hai ba năm mới về một lần. Bà đã chăm sóc, yêu thương con để con cảm nhận được hơi ấm của gia đình. Lên 8 tuổi con không còn bố, bà chính là người đã yêu thương và động viên con. Tuổi đã già nhưng bà vẫn làm lụng vất vả để nuôi hai đứa cháu lớn khôn”. Những dòng thư như những dòng cảm xúc tuôn trào khiến người đọc không thể cầm được nước mắt.
Trong tâm hồn của Thảo, bà nội chính là người hùng: “Người hùng của con không nhất thiết phải mạnh mẽ như supermen trong các bộ phim hoạt hình. Không cần phải cứng rắn như người sắt, chỉ cần là người có trái tim ấm áp”.
Nơi bà cháu Thảo đang sinh sống là một ngôi tuềnh toàng, thuộc thôn Ảng, xã Quang Hiến, huyện miền núi Lang Chánh. Nghe tiếng có người đến, một cô bé với dáng người mảnh khảnh đang sắc thuốc giúp bà chạy ra niềm nở đón khách.
Năm nay mới ngoài lục tuần, nhưng trông bà Lê Thị Tiền già hơn so với tuổi của mình. Sự khốn khổ của cuộc sống dường như hiện rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ vốn trải qua nhiều lam lũ. Cuộc sống gia đình con gái bà không hợp cũng ly hôn, một mình bà nuôi 2 đứa cháu nội – ngoại.
Video đang HOT
Đã bao năm qua, ba bà cháu nương tựa nhau sống qua ngày với bao vất vả khó khăn. “Cháu sinh ra đã chịu quá nhiều thiệt thòi, mẹ bỏ đi từ khi cháu nó mới lọt lòng, khi lên 8 tuổi bố cũng qua đời. Vợ chồng con gái tôi không hợp nhau nên đã ly hôn, mình tôi nuôi hai đứa cháu nội – ngoại”, bà Tiền nghẹn ngào nói.
Với Thảo, bà nội chính là người hùng.
Ngày trước, khi còn có sức khỏe nên ai thuê gì làm nấy, nhưng khi tuổi cao, sức yếu chẳng ai thuê bà nữa. Giờ đây, cuộc sống của ba bà cháu chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng khoán rồi kiếm thêm con cua, con cá ngoài đồng.
“13 năm nay bà đã nuôi hai chị em con khôn lớn. Vì chúng con, khi bệnh bà nói bà không sao các con đừng lo. Trời lạnh giá bà nói “bà không lạnh, các con cứ dành tiền mà mua quần áo mới”. Đối với chúng con là thế nhưng với những đứa trẻ bất hạnh khác bà cũng vẫn yêu thương giúp đỡ”. Tình yêu thương của bà nội đã khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn của Thảo.
Thấy các cháu thiệt thòi bà cũng thương lắm nhưng đành bất lực. Tuổi cao, sức yếu, rồi đây, bà cũng chẳng biết lấy gì để chăm lo cho các cháu ăn học. Cũng đã có nhiều lúc, không có tiền đóng học, Thảo muốn nghỉ học để bà đỡ vất vả, nhưng chính tình yêu thương và sự động viên của bà đã tiếp thêm động lực để Thảo vượt qua khó khăn.
“Bà nội ơi! Bà có khóc không, có lẽ là không vì bà đã gần 70 tuổi mà vẫn phải vất vả nuôi hai đứa cháu lớn khôn. Mùa đông lạnh lắm, bà phải mặc nhiều áo vào nha! Nhưng có lẽ cho dù có lạnh bao nhiêu thì bấy lâu nay bà vẫn chưa có chiếc áo mới, vì bà luôn nghĩ cho hai đứa cháu, luôn mong chúng được ăn no, mặc ấm, được học hành như các bạn khác”. Thảo thấu hiểu nỗi vất vả của bà.
Không phụ công chăm sóc, dưỡng dục của bà, Thảo luôn nỗ lực, chăm chỉ trong học tập. Nhiều năm liền, Thảo luôn là học sinh tiên tiến của trường. Quãng đường từ nhà đến trường gần 2km, vì không có xe đạp nên hàng ngày em cuốc bộ đến trường. Hôm trời nắng còn đỡ, khổ nhất là những ngày mưa gió, đường lầy lội, khi đến lớp thì quần áo đã lấm lem bùn đất.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nên Thảo luôn chăm chỉ học hành để không phụ lòng bà nội.
“13 năm bà vất vả nuôi lớn chúng con nhưng chưa bao giờ bà than vãn một câu. Đó là lý do, là động lực để con viết bức thư này. Con muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến với bà và con muốn nói cho tất cả mọi người biết sự cao cả, vĩ đại của bà”. Không chỉ chăm ngoan học hành, hoàn cảnh khó khăn dường như khiến Thảo trưởng thành hơn rất nhiều cả trong suy nghĩ.
“Em Lò Thị Thảo là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy còn nhỏ, nhưng đã biết vượt lên số phận, không mặc cảm với cuộc sống. Thảo là tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Tôi đã khóc khi đọc lá thư Thảo gửi bà trong cuộc thi “Viết thư UPU lần thứ 48″ với chủ đề “hãy viết thư cho người hùng của em”, cô Phạm Hồng Yến, giáo viên chủ nhiệm của Thảo chia sẻ.
“Cuộc sống phải mất mới có, con mất cha mẹ nhưng con còn bà và đó là điều hạnh phúc. Công ơn của bà kiếp này con cũng không thể trả hết, con mong kếp sau sẽ vẫn là cháu của bà để có thể được bà yêu thương lần nữa…”. Đó là những lời khép lại bức thư của Thảo.
Duy Tuyên
Theo Dân trí
Câu nói của Anh Đức và bài viết trên Báo Lao Động vào đề thi Ngữ Văn
Câu nói "Mẹ đâu, mẹ đâu" của cầu thủ Anh Đức và câu chuyện về hành trình từ cậu bé nhặt bóng đến người hùng của Đỗ Duy Mạnh và Phạm Đức Huy đã xuất hiện trong đề thi học kì môn Ngữ văn của trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau).
Hình ảnh đội tuyển Việt Nam ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2018. Ảnh: FB Đức Huy
Ngày 25.12, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) bước vào làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi học kỳ I năm học 2018-2019. Những giờ qua, hình ảnh về đề thi môn Ngữ văn của trường này được học sinh chia sẻ trên mạng xã hội, bày tỏ sự thích thú.
Lý do là đề thi đã đề cập đến những câu chuyện rất đẹp của các cầu thủ và bóng đá Việt Nam.
Cụ thể, trong phần đọc hiểu của đề thi học kỳ lớp 12, người ra đề đã trích dẫn bài báo "Đức Huy - Duy Mạnh: Hành trình từ nhặt bóng đến người hùng" của tác giả Phan Anh, đăng trên Báo Lao Động online.
Đề thi học kỳ I lớp 12 của Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Minh Nhựt Hồ
Bài báo kể về hành trình từ cậu bé nhặt bóng trong trận chung kết AFF Cup 2008 trở thành thành viên đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 của hai tuyển thủ Đỗ Duy Mạnh và Phạm Đức Huy.
Sau khi nhận chiếc huy chương Vàng và nâng cao cúp vô địch, Đức Huy đã tách khỏi dòng người đang hò hét ăn mừng. Anh đến ngồi trên một chiếc ghế sau biển quảng cáo ở khán đài C sân vận động Mỹ Đình để tái hiện hình ảnh của mình và người bạn Duy Mạnh vào 10 năm về trước.
Sau khi trích dẫn bài viết của Báo Lao Động, đề thi yêu cầu thí sinh bày tỏ cảm xúc về bức ảnh và thông điệp được gửi gắm qua phát biểu của Đức Huy.
Đức Huy tái hiện hình ảnh của mình và người bạn Duy Mạnh 10 năm về trước.
Ngoài ra, đề thi Ngữ văn lớp 11 của Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển cũng có nội dung liên quan đến các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam. Đó là câu nói "mẹ đâu, mẹ đâu" của cầu thủ Anh Đức trong khoảnh khắc đăng quang AFF Cup 2018.
Hình ảnh cầu thủ không ngừng đưa ánh mắt tìm mẹ giữa biển người ở Mỹ Đình, miệng liên tục gọi "mẹ đâu" đã khiến nhiều người xúc động.
Chứng kiến khoảnh khắc đó, nhà thơ Phạm Thiên Ý đã sáng tác bài thơ "Mẹ đâu, mẹ đâu" tặng Anh Đức và đồng đội. Sau khi tác giả chia sẻ bài thơ trên mạng xã hội đã gây chú ý và được chia sẻ chóng mặt.
Và những câu thơ "Mẹ ơi... trưởng thành gần nửa đời người/ Hôm nay tự hào mang vinh quang về tặng mẹ" đã được đưa vào đề thi Ngữ Văn để yêu cầu học sinh phân tích, giải thích vì sao khi giành được vinh quang, người con lại muốn được trở về nhà, chia sẻ niềm vui với người thân, đặc biệt là với mẹ.
Tác giả Phan Thiên Ý chia sẻ hình ảnh về đề thi trích dẫn bài thơ của mình tặng cầu thủ Anh Đức.
Đề thi chọn những hình ảnh và câu chuyện đẹp của tuyển Việt Nam nêu trên đã nhận được sự ủng hộ của học sinh. Rất nhiều em sau khi làm bài thi đã chia sẻ những suy nghĩ và cho biết rất xúc động khi làm.
Trước phản ứng của học sinh, thầy Nguyễn Ngọc Thể (Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển Cà Mau) người ra đề thi có hình ảnh và câu nói của cầu thủ Anh Đức - cho biết cảm thấy rất vui khi được học sinh đón nhận.
Theo thầy Thể, hình ảnh và câu nói "mẹ đâu" của Anh Đức quá đẹp. Thầy muốn thông qua hình ảnh này để truyền đến học sinh thông điệp: Dù thành công hay thất thất bại, thì ai cũng phải về với gia đình. Gia đình, nhất là người mẹ là điểm tựa tinh thần của mỗi chúng ta.
BÍCH HÀ
Theo laodong
Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 48 năm 2019 về cô giáo như người hùng Một số bài văn mẫu hay về những "người hùng" là cô giáo khiến học sinh cảm phục và noi theo chính là ý tưởng cho bức thư UPU 2019 của các bạn học sinh. Đến nay thời hạn nộp bài dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 không còn nhiều, và chắc hẳn các bạn...