Những điều thú vị về giáo dục tiểu học Đức: Áp lực ngay từ khi vào lớp 1 nhưng bài tập về nhà không được quá 15 phút
Mặc dù Đức không phải đất nước thường xuyên góp mặt trong bảng xếp hạng các trường đại học nổi tiếng thế giới nhưng nền giáo dục của họ thật sự rất đáng ngưỡng mộ. Đặc biệt chương trình tiểu học có rất nhiều điều thú vị…
Thế kỷ 20, những người ở Đức đã đạt được nhiều giải Nobel, nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới: 82 triệu người Đức giành 1 nửa giải Nobel, còn lại hơn 6 tỷ người trên thế giới giành phần còn lại!
Và bí quyết có lẽ nằm ở cách người Đức gây dựng những hạt giống mầm non của đất nước: Đi chậm nhưng lại vươn rất xa, tạo nên những thế hệ tài hoa, đóng góp vào sự phát triển của nhân loại.
1. Không có sự phân chia cao thấp giữa các trường
Ở rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ phân biệt trường điểm, trường đạt chuẩn quốc gia,… nhưng ở Đức tuyệt đối không. Giáo dục tiểu học ở đất nước này thật sự rất công bằng, hoàn toàn không hề có sự phân chia trường trọng điểm hay trường không trọng điểm. Hầu hết các trường đều có cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy đạt chuẩn cao.
Nếu trẻ theo học trường công lập thì được miễn học phí 100%, không chỉ với cấp tiểu học mà các cấp còn lại cũng tương tự.
2. Chương trình học rất nặng, trẻ lớp 1 học liền 3 ngôn ngữ
Bên cạnh những yêu cầu được coi là nhẹ nhàng so với chương trình Việt Nam, giáo dục Đức cũng không ít lần bị lên án là “quá tải”. Một học sinh tiểu học ở nước này cũng mang chiếc cặp cồng kềnh và to nặng. Có điều, chiếc cặp to nặng trẻ được cất ở trường, đến cuối tuần mới mang về nhà, đầu tuần lại đem đến lớp.
Ngay từ khi vào lớp 1, trẻ sẽ được học chữ, số, tô màu… và 3 ngôn ngữ: Đức, Anh, Trung Quốc. Tới lớp 2, các bé lại có thêm giờ tiếng Pháp. Bên cạnh đó, các môn học như Toán, môn học sự vật (Sachunterricht), nghệ thuật, âm nhạc, thể thao… sẽ được bổ sung dần vào trong chương trình giáo dục tiểu học ở Đức.
3. Kỹ năng sống và kiến thức xã hội được chú trọng
Mỗi đứa trẻ khi tới trường, ngoài những kiến thức sách vở thì đều được dạy cho kỹ năng sống. Các bé sẽ được học cách ứng xử với bố mẹ, thầy cô, bạn bè; được rèn luyện lòng tin và sự dạn dĩ khi phát biểu trước đám đông.
Đặc biệt, trẻ em Đức có khả năng thuyết trình, sắp xếp thông tin, trình bày ý tưởng thật sự đáng kinh ngạc. Bởi thầy cô ở trường thường đưa ra chủ đề để học sinh nghiên cứu độc lập hoặc theo nhóm thảo luận. Sau đó, các bé phải viết báo cáo hoặc thuyết trình trước lớp, bảo vệ quan điểm của mình.
Trong lớp học, các bé sẽ ngồi quây thành hình chữ U và cô giáo ngồi ở giữa. Việc sắp xếp chỗ ngồi như vậy tạo điều kiện thuận tiện cho trao đổi, thảo luận.
Video đang HOT
4. Thời gian làm bài tập về nhà có trong quy định, không quá 15 phút với trẻ lớp 1
Chương trình trên lớp thì nặng là thế, nhưng thời gian làm bài tập của các bé lại không nhiều. Hệ thống giáo dục bậc tiểu học của Đức có quy định rõ ràng về độ dài của bài tập về nhà cho học sinh, ví như: Bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 là 15 phút, lớp 2 là 30 phút, lớp 3 – 4 không quá 45 phút. Đặc biệt, cuối tuần trẻ sẽ tự do hoàn toàn, không có bài tập về nhà.
Một điều thú vị nữa đó là đứa trẻ ở Đức không bị ép cầm bút tay phải, càng không phải nắn nót rèn chữ vì việc viết chữ đẹp không bắt buộc. Trẻ thoải mái làm theo ý mình miễn sao chúng thấy vui là được.
5. Điểm số không được công khai để trẻ không bị áp lực hay tổn thương
Nếu như điểm số rất được coi trọng ở Việt Nam thì phụ huynh nước Đức lại chẳng hề bận tâm. Khoảng 3 hay 4 tháng, giáo viên phụ trách lớp sẽ gặp và trao đổi với phụ huynh về điểm số cũng như ưu, hạn chế của từng đứa trẻ.
Một điều khác lạ ở Đức đó là điểm số của 1 học sinh là bí mật, bạn học cùng lớp cũng không hề hay biết. Điều này cũng rất có lợi, bởi nếu điểm số không cao bị công khai có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm, thua kém bạn bè.
Các trường tiểu học ở Đức có xu hướng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, chứ không phải là ganh đua, chạy theo thành tích. Cha mẹ cũng vậy, họ không nhìn vào điểm số để đánh giá năng lực của con cái, họ tin rằng mỗi đứa trẻ đều có 1 tài năng trong lĩnh vực của riêng chúng. Đây thực sự là một quốc gia có nền giáo dục đáng để các bậc phụ huynh và học sinh mơ ước!
M52
Theo toquoc
Mệt mỏi với quy trình đánh giá ngoài trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia
Ngành giáo dục hãy bớt đi những quy định nhiêu khê về minh chứng trường chuẩn để giáo viên khỏi phải lao vào vòng xoáy thu thập minh chứng một cách vô bổ.
Đánh giá ngoài là quá trình khảo sát, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước đối với trường tiểu học để xác định mức đạt được tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo viên đang dò tìm minh chứng để lưu hồ sơ (Ảnh tác giả)
Để nhà trường được đánh giá ngoài thì trước đó các trường phải trải qua một quy trình tự đánh giá.
Như việc: Thành lập hội đồng tự đánh giá/Lập kế hoạch tự đánh giá/Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng.
Đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí/ Viết báo cáo tự đánh giá/Công bố báo cáo tự đánh giá.
Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.
Mệt mỏi và vất vả nhất chính là bước: Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng.
Không chỉ Ban giám hiệu vất vả chuẩn bị hồ sơ, minh chứng mà giáo viên cũng bị xoáy vào vòng xoay đầy áp lực ấy.
Nếu vất vả mà đem lại lợi ích cho học trò, nâng cao chất lượng trong giảng dạy thì cũng là việc nên làm.
Những minh chứng buộc phải thu thập hết sức vô lý
Có điều những công sức thu thập minh chứng mà nhà trường và giáo viên bỏ ra chỉ làm đẹp hồ sơ, liệu có ích gì và có cần thiết hay không?
Hàng loạt minh chứng cần phải thu thập chỉ để kẹp hồ sơ làm mất không ít thời gian của nhà trường, của giáo viên.
Ví dụ Điều 9. Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
1. Tiêu chí 3.1: Khuôn viên, sân chơi, sân tập
a) Khuôn viên đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn để tổ chức các hoạt động giáo dục;
b) Có công trường, biển tên trường và tường hoặc hàng rào bao quanh;
c) Có sân chơi, sân tập thể dục thể thao.
Những tiêu chí này chỉ dùng mắt nhìn, quan sát là thấy được. Thế nhưng theo yêu cầu, giáo viên phải chụp hình ảnh khuôn viên trường, hình ảnh cổng trường, tường rào, hình ảnh sân choei, sân tập của học sinh để kẹp vào hồ sơ.
Hoặc tiêu chí Tiêu chí 3.2: Phòng học:
a) Đủ mỗi lớp một phòng học riêng, quy cách phòng học theo quy định;
b) Bàn, ghế học sinh đúng tiêu chuẩn và đủ chỗ ngồi cho học sinh; có bàn ghế phù hợp cho học sinh khuyết tật học hòa nhập (nếu có); bàn, ghế giáo viên, bảng lớp theo quy định;
c) Có hệ thống đèn, quạt (ở nơi có điện); có hệ thống tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học.
Giáo viên phải chụp hình ảnh phòng học bên ngoài, bên trong, những dãy phòng học hỗ trợ học tập...
Rồi những bức hình về tủ đựng hồ sơ, tài liệu, về nhà vệ sinh, hình ảnh khối phòng hành chính, nhà để xe...chỉ để kẹp vào hồ sơ,
Và còn nhiều, rất nhiều những minh chứng phải thu thập như biên bản kiểm kê thư viện, biên bản kiểm tra thiết bị hàng tháng, những hóa đơn thanh toán tiền điện nước...
Nhiều giáo viên cứ thắc mắc: "Người kiểm có thể nhìn thấy, sờ thấy, sao còn bắt nhà trường thu thập để lưu vào hồ sơ?
Lại một lần nữa bắt phô tô, bắt chụp lại vừa lãng phí vừa mất thời gian.Những tài liệu khác đều có ở các bộ phận kế toán, chuyên môn...sao không trực tiếp đến kiểm tra tại đó?
Trường chuẩn cho ai?
Một hiệu trưởng từng chia sẻ: "Chủ trương xây dựng trường chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục đều là những chủ trương đúng nhưng cách làm như lâu nay đã thực sự mang tính hình thức mà không phản ánh lên bất kỳ một điều gì.
Nó hiển hiện lên là những hồ sơ, sổ sách, giấy tờ khô cứng, vô hồn mà các nhà trường phải cật lực đẻ ra cho đầy đủ".
Yêu cầu về hồ sơ sổ sách trường chuẩn đang là nổi thất kinh cho nhà trường, cho giáo viên. Trường chuẩn bị lên chuẩn phải chuẩn bị hồ sơ đã khổ, trường lên chuẩn rồi cũng phải lo hồ sơ cho việc công nhận lại.
Thời gian chuẩn bị không thể tính bằng ngày, bằng tháng mà phải tính bằng năm.
Rõ ràng chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia không nằm ngoài mục đính tất cả học sinh sẽ được học trong một môi trường giáo dục tốt nhất.
Thế nhưng trong thực tế, không ít địa phương mới đạt được việc "chuẩn" quốc gia trên giấy tờ hồ sơ sổ sách, còn trong thực tế, chất lượng dạy và học của học sinh chưa hẳn đã hơn những trường chưa chuẩn.
Hy vọng rằng, ngành giáo dục hãy bớt đi những quy định nhiêu khê về minh chứng trường chuẩn để khỏi "hành" giáo viên lao vào vòng xoáy thu thập minh chứng một cách vô bổ thế này.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Cả nước vẫn còn hơn 1,49 triệu người mù chữ Hiện tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15 - 60 của toàn quốc là 97,85%, tuy nhiên, cả nước vẫn còn hơn 1,49 triệu người mù chữ. Sáng 12/10, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục và đào...